backup og meta

Bệnh viêm xương ổ răng: Nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh viêm xương ổ răng: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm xương ổ răng là một biến chứng gây đau đớn có thể xảy ra sau khi nhổ răng. Hút thuốc lá và dùng thuốc ngừa thai cũng có thể là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Chắc chắn ai cũng khó chịu khi nhổ răng vì trong một thời gian, bạn sẽ cảm thấy đau và không thể ăn nhiều món mình thích. Nhưng nếu bạn cảm thấy cơn đau cứ kéo dài trong vài ngày thì đó có thể là triệu chứng của tình trạng viêm xương ổ răng. Vậy viêm xương ổ răng là gì? Có nguy hại gì cho sức khỏe không? Bạn phải điều trị bệnh này ra sao? Hello Bacsi sẽ giúp bạn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Viêm xương ổ răng là bệnh gì?

Viêm xương ổ răng là một biến chứng gây đau có thể xảy ra sau khi nhổ răng.

Sau khi bạn nhổ răng, ngay vị trí ấy sẽ hình thành cục máu đông để bảo vệ các xương cơ, các mô và dây thần kinh. Trong trường hợp bạn bị viêm xương ổ răng, cục máu đông sẽ không thể hình thành. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng và khiến bạn có cảm giác đau liên tục trong 5 hoặc 6 ngày.

Những ai có thể bị viêm xương ổ răng?

Một số người có nhiều nguy cơ mắc bệnh viêm xương ổ răng, bao gồm những người:

  • Hút thuốc lá;
  • Vệ sinh răng miệng kém;
  • Nhổ răng khôn;
  • Có chấn thương nặng hơn bình thường trong quá trình nhổ răng;
  • Sử dụng thuốc tránh thai;
  • Đã từng bị viêm xương ổ răng.

Ngoài ra, việc súc miệng nhiều lần và uống nước bằng ống hút cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xương ổ răng.

Các triệu chứng của bệnh viêm xương ổ răng là gì?

Khi bị viêm xương ổ răng, bạn có thể nhìn thấy nơi răng bị nhổ có mẩu xương trắng, thay vì là máu đen như bình thường. Bạn sẽ cảm thấy đau sau khoảng 2 ngày kể từ khi nhổ răng và cơn đau càng ngày càng nghiêm trọng. Tệ hơn nữa là bạn có cảm giác đau tai, hôi miệng và giảm vị giác.

Làm thế nào để điều trị?

Bạn có thể dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như aspirin, ibuprofen để giảm bớt sự khó chịu. Đôi khi bạn lựa chọn việc dùng các loại thuốc không kê toa, nhưng đa số nó không giúp giảm đau cho bạn. Trong trường hợp đó, bác sĩ sẽ kê toa một loại thuốc mạnh hơn hoặc sẽ gây tê cho khu vực bị đau.

Bạn nên đến phòng khám nha khoa để làm sạch ổ răng, loại bỏ bất kỳ mảnh vụn nào từ lỗ và sau đó đưa thuốc vào chỗ bị đau. Bạn nên tái khám vài ngày một lần để thay thuốc cho đến khi vết thương lành lại và bớt đau nhức.

Ngoài ra, bạn có thể phải uống một số loại thuốc kháng sinh để ngăn không cho chỗ đau bị nhiễm trùng. Để chăm sóc vùng viêm xương ổ răng ở nhà, tốt nhất là bạn nên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng mỗi ngày.

Làm gì để ngăn ngừa mắc bệnh viêm xương ổ răng?

Bạn nên tránh thuốc lá, xì gà một ngày hoặc sau khi phẫu thuật, vì thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm xương ổ răng. Ngoài ra, nếu đang dùng thuốc ngừa thai, tốt nhất bạn nên nói với nha sĩ nhổ răng vào một ngày bạn dùng liều estrogen thấp nhất vì loại hormone này có thể ảnh hưởng đến khả năng đông máu. Bên cạnh đó, hãy kiểm tra với nha sĩ về các loại thuốc khác mà bạn đang dùng có thể gây trở ngại cho việc đông máu hay không.

Sau khi phẫu thuật, bạn nên tránh uống nước bằng ống hút trong vài ngày đầu và tránh sức miệng quá nhiều lần. Khi đánh răng, hãy đánh nhẹ nhàng để tránh làm đau nơi nhổ răng. Và một điều quan trọng nữa là hãy đến tái khám đúng hẹn.

“Cái răng cái tóc là gốc con người”, bởi vậy, bạn hãy chăm sóc và bảo vệ răng miệng thật tốt. Một hàm răng trắng sáng sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin hơn rất nhiều.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

An overview of dry socket http://www.webmd.com/oral-health/guide/dry-socket-symptoms-and-treatment#1 Ngày truy cập 13/7/2017

Dry socket: symptoms, risk factors, and treatment http://www.medicalnewstoday.com/articles/318202.php Ngày truy cập 13/7/2017

Dry socket overview http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dry-socket/home/ovc-20305925 Ngày truy cập 13/7/2017

Phiên bản hiện tại

13/08/2020

Tác giả: Bích Ngọc

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

[Góc tư vấn]: Cắt nướu răng là gì? Ưu, nhược điểm và quy trình cắt lợi

Bị tụt lợi phải làm sao? Cách điều trị tụt nướu răng hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Bích Ngọc · Ngày cập nhật: 13/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo