backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Đau quai hàm: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy · Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 29/11/2023

    Đau quai hàm: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

    Đau quai hàm là hiện tượng khá phổ biến mà nhiều người có thể gặp phải. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này khá đa dạng nên cần được hiểu rõ và kiểm tra cụ thể để chẩn đoán đúng.

    Một vài triệu chứng đau quai hàm (hay sái quai hàm) dễ nhận thấy nhất bao gồm đau bên trong hoặc xung quanh vùng tai, cứng quai hàm, cảm thấy đau khi nhai thức ăn hoặc nhức đầu. Để hiểu rõ vì sao bị đau quai hàm cũng như “bỏ túi” được các mẹo chữa đau quai hàm hiệu quả, mời bạn tham khảo bài viết tổng hợp thông tin dưới đây của Hello Bacsi.

    Dấu hiệu cụ thể khi bị đau quai hàm

    Bạn thường bị đau quai hàm gần tai bên phải hay đau quai hàm gần tai bên trái? Đôi khi bạn cảm thấy bị đau quai hàm trái hoặc đau quai hàm bên phải khi há miệng, khi nhai? Đó có thể là triệu chứng của tình trạng đau quai hàm.

    Các dấu hiệu nhận biết đau quai hàm bao gồm:

    • Hàm bị đau (đau hàm phải, đau hàm trái hoặc cả hai bên) hoặc bị cứng hàm
    • Đau nhức ở bên trong hoặc xung quanh vùng tai
    • Gặp khó khăn hoặc khó chịu khi nhai thức ăn (đau hàm khi nhai)
    • Đau nhức vùng mặt
    • Khớp bị cứng, rất khó để há miệng ra hoặc khép miệng lại (sái quai hàm).

    Các vấn đề sức khỏe khi bị đau quai hàm

    Hầu hết đau quai hàm là do sự bất thường hoặc chấn thương ở khớp hàm. Tuy nhiên, vẫn có một số tình trạng sức khỏe khác có thể khiến bạn bị đau hàm. Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau quai hàm mà bạn nên biết:

    1. Rối loạn khớp thái dương hàm (TMD)

    Rối loạn khớp thái dương hàm là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau quai hàm. Khớp thái dương hàm được xem như khớp “bản lề” ở mỗi bên hàm. Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bạn mắc phải rối loạn này, bao gồm:

    • Đau các cơ kiểm soát chuyển động của hàm
    • Chấn thương khớp hàm
    • Khớp hàm bị kích thích quá mức
    • Đĩa đệm giúp đệm các chuyển động của hàm bị dịch chuyển
    • Viêm khớp của đĩa bảo vệ đệm khớp hàm.

    Sự tổn thương khớp hàm hoặc các cơ kiểm soát chuyển động hàm có thể do một vài yếu tố gây ra, bao gồm:

    • Thói quen nghiến răng khi ngủ vào ban đêm
    • Vô tình nghiến chặt hàm do căng thẳng, lo lắng
    • Chấn thương khớp hàm, chẳng hạn như bị chấn thương vùng mặt khi chơi thể thao.

    2. Nhiễm trùng xoang

    Ngoài rối loạn khớp thái dương hàm, vẫn còn một số nguyên nhân ít phổ biến hơn gây đau quai hàm, điển hình là viêm xoang.

    Xoang là những khoang chứa đầy không khí nằm gần khớp hàm. Nếu xoang bị nhiễm vi trùng, chẳng hạn như nhiễm virus hoặc vi khuẩn, sự tăng tiết chất nhầy sẽ xảy ra, tạo áp lực lên khớp hàm và gây đau.

    3. Đau răng

    Đau quai hàm cũng có thể do một số bệnh lý răng miệng, chẳng hạn như sâu răng, viêm chân răng… Bên cạnh đó, một tình trạng nhiễm trùng răng nghiêm trọng gọi là áp xe răng cũng có thể gây đau lan tỏa đến vùng hàm.

    Tình trạng đau quai hàm cũng có thể xảy ra ở những người mắc các bệnh lý về răng miệng như sưng lợi, viêm chân răng, sâu răng, răng mọc lệch,…

    4. Đau đầu từng cơn

    Triệu chứng đau đầu từng cơn thường gây đau phía sau hoặc xung quanh một bên mắt. Tuy nhiên, cơn đau cũng có thể lan đến vùng hàm.

    5. Đau dây thần kinh sinh ba

    Dây thần kinh sinh ba mang lại cảm giác cho phần lớn khuôn mặt, bao gồm cả hàm trên và hàm dưới. Nếu dây thần kinh này bị chèn ép, bạn có thể bị đau quai hàm.

    6. Đau tim

    Cơn đau tim có thể gây đau ở các vùng khác trên cơ thể ngoài vùng ngực, chẳng hạn như cánh tay, lưng, cổ và hàm. Đặc biệt, phụ nữ có thể bị đau hàm trái khi lên cơn đau tim.

    Chẩn đoán đau quai hàm

    Bởi vì có rất nhiều nguyên nhân gây đau vùng mặt, nên rất khó để chẩn đoán và đưa ra chính xác phương án điều trị thích hợp cho tình trạng đau quai hàm.

    Chính vì vậy, khi bị đau vùng hàm, bạn cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín. Bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát, đồng thời chỉ định bệnh nhân chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI nha khoa nhằm xác định rõ nguyên nhân gây ra cơn đau.

    Bật mí mẹo chữa đau quai hàm tại nhà nhanh chóng

    mẹo chữa đau quai hàm

    Trong trường hợp bị đau quai hàm ở mức nhẹ hoặc cơn đau không kéo dài, bạn có thể chưa cần phải đi khám ngay. Thay vào đó, bạn có thể thử áp dụng những mẹo chữa đau quai hàm để giảm đau, chẳng hạn như:

    • Chườm nóng: Mẹo chữa đau quai hàm này dựa trên nguyên tắc áp dụng tác dụng của nhiệt độ giúp thư giãn cơ bắp, từ đó giảm cảm giác đau và cứng khớp hiệu quả. Riêng cách chườm lạnh chỉ hữu ích nếu đau kèm biểu hiện sưng, viêm.
    • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Song song với việc chườm nóng, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê toa, chẳng hạn như paracetamol (acetaminophen), ibuprofen… Tuy nhiên, hãy chắc chắn sử dụng đúng theo liều đã được hướng dẫn. Nếu vẫn không giải quyết triệu chứng đau xương quai hàm hoặc bạn cần phải dùng thuốc giảm đau dài ngày, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa về khớp (bác sĩ răng hàm mặt chuyên khoa khớp thái dương hàm).
    • Xoa bóp vùng bị đau: Với cách trị đau quai hàm tại nhà này, bạn dùng ngón trỏ và ngón giữa để nhấn vào khu vực đau và xoa bóp theo chuyển động tròn khoảng 5 – 10 vòng rồi cử động miệng. Lặp lại các thao tác trên cho đến khi cơn đau xương quai hàm bớt hẳn.
    • Thay đổi thói quen khi nằm: Nếu bạn luôn nằm nghiêng một bên hoặc đặt tay dưới hàm khi ngủ thì nên thay đổi thói quen này. Bởi những tư thế ngủ trên có thể gây áp lực lên cơ hàm, dẫn đến tình trạng đau nhức một bên hàm (đau hàm trái hoặc đau hàm phải tùy vào bên bị ảnh hưởng). Lời khuyên là nên nằm nghiêng ở bên không bị đau.
    • Lưu ý hơn trong chế độ ăn: Với cách trị sái quai hàm tại nhà này, bạn cần tránh xa các loại thực phẩm dễ dính và dai cũng như không nên nhai kẹo cao su. Thay vào đó, bạn nên ăn thức ăn mềm hoặc cắt thực phẩm ra thành từng miếng nhỏ.

    Khi nào nên đi khám?

    gặp bác sĩ vì đau quai hàm

    Mặc dù đau quai hàm, kể cả là đau quai hàm bên phải hay đau quai hàm bên trái, không phải ca nào cũng nguy hiểm nhưng nếu cơn đau kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng thì buộc phải có biện pháp can thiệp ngay.

    Lúc này, bạn có thể cân nhắc đến gặp bác sĩ hoặc nha sĩ trong trường hợp cơn đau kéo dài hơn vài ngày hoặc thuyên giảm nhưng tái trở lại.

    Dưới đây là một vài biểu hiện đi kèm báo hiệu đã đến lúc bạn cần đi khám:

    • Gặp khó khăn khi ăn, uống, nuốt hay thở.
    • Cơn đau khiến bạn khó cử động miệng như bình thường, chẳng hạn như há miệng bị đau hàm phải/trái.
    • Vùng bị ảnh hưởng bị viêm, sưng tấy hoặc xuất hiện cơn sốt.

    Phòng ngừa đau quai hàm

    Dưới đây là một số phương pháp ngăn ngừa tình trạng bị đau quai hàm:

    • Nếu thỉnh thoảng bạn bị đau hàm phải hoặc đau hàm trái, hãy tránh nhai kẹo cao su hoặc cắn các vật cứng (như bút bi hoặc móng tay). Đồng thời cũng nên hạn chế ăn các loại thực phẩm cứng (các loại hạt cứng) hoặc dai (khô mực, khô bò)…
    • Khi ngáp, hãy dùng tay để đỡ hàm dưới.
    • Hãy đến gặp nha sĩ ngay nếu phát hiện bạn có thói quen nghiến răng khi ngủ.
    • Tránh nhai ở một bên hàm, hãy nhai đều hai bên khi ăn.
    • Thường xuyên duy trì hàm ở tư thế nghỉ ngơi, học cách thư giãn cơ quai hàm.

    Ngoài việc áp dụng các mẹo chữa đau quai hàm, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

    Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 29/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo