Bạn có biết rằng những thói quen dù vô thức, chẳng hạn như nhai đầu bút, cũng có thể ảnh hưởng đến răng và khiến răng yếu dần đi?
Có được hàng răng chắc khỏe tưởng như là điều đơn giản nhưng thực chất lại khó hơn chúng ta tưởng. Những hành động hàng ngày bạn nghĩ rằng luôn vô hại có khi lại chính là lý do khiến răng yếu dần đi. Vậy các nguyên nhân đó là gì? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé.
1. Nhai đá
Bạn có thể cho rằng thói quen này vô hại nhưng hành động nhai các vật cứng, lạnh có thể làm hỏng hoặc thậm chí làm cho răng của bạn bị gãy. Ngoài ra, nếu bạn vô tình tổn thương đến các mô mềm bên trong răng khi nhai đá thì sẽ không thể tránh khỏi hậu quả sâu răng. Thức ăn nóng và lạnh sẽ gây ra các cơn tê buốt kéo dài.
2. Cho con bú sữa trước khi ngủ
Bạn nên bảo vệ răng miệng cho trẻ càng sớm càng tốt. Việc cho bé bú sữa bằng bình trước khi đi ngủ có thể gây hại đến men răng. Thêm đó, trẻ sẽ có thói quen chỉ ngủ khi có núm vú trong miệng. Vì vậy sau khi cho bé uống sữa, bạn hãy cho bé uống vài thìa nước để làm sạch miệng.
3. Kẹo dẻo
Tất cả các loại đường tinh luyện đều làm yếu men răng, thế nhưng một số loại đồ ngọt lại còn mang nhiều đến nhiều rắc rối hơn nữa cho bạn. Kẹo dẻo có khả năng dính chặt vào bề mặt của răng và giữ cho đường không bị trôi đi và tăng lương axit bào mòn men răng tăng lên.
4. Nghiến răng
Hành động nghiến răng xuất phát từ tâm trạng căng thẳng hoặc thói quen ngủ và sẽ khiến răng bạn yếu dầu đi theo thời gian. Thế nhưng thói quen này lại rất khó kiểm soát. Để phòng ngừa, bạn có thể đeo những miếng nhựa bảo vệ răng khi đi ngủ.
5. Kẹo ngậm trị ho
Hầu hết các loại kẹo ngậm trị ho đều chứa rất nhiều đường cũng như kèm theo khả năng làm hỏng men răng, tạo nên mảng bám và từ đó gây sâu răng nếu bạn lạm dụng quá nhiều vào buổi tối mà không uống nước để làm sạch răng sau đó.
6. Xỏ khuyên lưỡi
Xỏ khuyên lưỡi có thể khiến bạn trông thời trang và đầy cá tính nhưng răng hoặc lợi bị tổn thương khi bị tác động mạnh. Miệng cũng là nơi các vi khuẩn ẩn náu. Vì vậy nếu xỏ khuyên, bạn sẽ vô tình làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và loét, nghiêm trọng hơn nữa là xuất hiện tình trạng chảy máu liên tục. Hãy đến các nơi uy tín với đầy đủ trang thiết bị đã được vệ sinh kỹ nếu bạn đang có ý định xỏ khuyên.
7. Nước ngọt
Mỗi lon nước ngọt có thể chứa đến 11 muỗng cà phê đường cũng như nhiều loại axit bào mòn khác như axit photphoric và axit xitric. Một số loại nước ngọt ăn kiêng tuy không chứa đường nhưng bạn cũng đừng nên chủ quan vì các chất hóa học khác vẫn còn khá nhiều.
8. Dùng răng mở các đồ vật
Mở nắp chai hoặc vỏ kẹo khiến bạn cảm thấy thuận tiện nhưng đây là thói quen khiến nhiều chuyên gia lo sợ. Dùng răng phục vụ những việc khác quá nhiều ngoại trừ nhai sẽ khiến chân răng yếu dần, từ đó dẫn đến hiện tượng nứt hoặc gãy.
9. Nước uống thể thao
Không gì tuyệt vời hơn bằng việc tưởng thưởng những thức uống mát lạnh giúp bù nước sau một buổi tập thể thao vất vả. Giống với nước ngọt hoặc kẹo, nước uống thể thao chứa rất nhiều đường và axit ảnh hưởng xấu đến men răng. Bạn có thể bị sâu răng nếu uống quá thường xuyên. Gợi ý cho bạn để luôn bù đầy đủ nước cho cơ thể ở phòng tập là nhai kẹo cao su và lựa chọn những thức uống không chứa calo.
10. Nước ép trái cây
Nước trái cây là nguồn cung cấp vitamin và các chất chống oxy hóa vô cùng dồi dào, thế nhưng hầu hết các loại nước đều kèm theo rất nhiều đường. Trái cây tự nhiên đã có vị ngọt, vì thế nếu bạn ép lấy nước, đừng cho thêm quá nhiều sữa đặc hoặc đường. Đối với các loại nước ép đóng hộp, hãy thêm đá và pha loãng với nước trước khi sử dụng.
11. Khoai tây chiên
Không thể phủ nhận, khoai tây chiên là thức ăn vặt yêu thích của nhiều người, đặc biệt là trẻ con. Tuy nhiên, bạn có biết rằng khi ăn, vi khuẩn trong các mảng bám cũng sẽ phân hủy thức ăn thành axit và tấn công men răng trong thời gian ngắn. Thậm chí, nếu thức ăn thừa bị kẹt giữa các kẽ răng hoặc nếu bạn thường xuyên nhâm nhi loại thực phẩm này, nguy cơ sâu răng càng có xu hướng tăng cao. Sau khi ăn khoai tây chiên hoặc các món có nhiều tinh bột khác, bạn hãy vệ sinh răng thật kỹ bằng bàn chải và chỉ nha khoa để loại bỏ hết những vụn còn sót lại.
12. Ăn vặt liên tục
Trong nước bọt chứa các thành phần có tác dụng kháng khuẩn, phòng ngừa nhiễm trùng khoang miệng. Khi ăn những thực phẩm còn dư thừa sẽ bị nước bọt cuốn đi, giúp khoang miệng thông thoáng, sạch sẽ và ngăn ngừa vi khuẩn làm ổ. Các nghiên cứa đã chứng minh rằng, ăn vặt sẽ không khiến miệng tiết ra nhiều nước bọt bằng các bữa chính cũng như không thể làm sạch các mảng bám. Bạn nên tránh ăn vặt thường xuyên hoặc dùng những thực phẩm chứa ít tinh bột, đường.
13. Cắn đầu bút
Bạn có bao giờ cắn đầu bút chì hoặc bút bi khi đang tập trung làm việc, học tập? Giống với nhai đá, thói quen này sẽ khiến răng bị mài mòn, thậm chí gãy. Hãy thử chuyển sang kẹo cao su không đường nếu bạn muốn nhai một thứ gì đó. Hành động này sẽ kích thích nước bọt hoạt động, giúp cho răng khỏe mạnh hơn và bảo vệ khoang miệng cũng như chống lại các axit ăn mòn men răng.
14. Uống cà phê
Màu và axit có trong cà phê có thể gây vàng răng nếu bạn thường xuyên dùng thức uống này trong thời gian dài. May mắn thay, vấn đề này có thể được điều trị với bằng các phương pháp tẩy trắng. Hãy đến nha sĩ nếu bạn cảm thấy không hài lòng với màu răng của mình. Một mẹo nhỏ cho bạn khi uống cà phê là sử dụng ống hút thay vì dùng miệng tiếp xúc trực tiếp với ly.
15. Hút thuốc lá
Giống như cà phê, thuốc lá sẽ khiến răng bị ố vàng cũng như bệnh viêm nướu. Thêm vào đó, thuốc lá còn có thể gây ung thư vòm họng, môi và lưỡi. Khói thuốc rất có hại cho những người xung quanh, đặc biệt là phụ nữ có thai.
[embed-health-tool-bmi]