backup og meta

7 cách ngăn ngừa cao răng để bảo vệ sức khỏe răng miệng hiệu quả

7 cách ngăn ngừa cao răng để bảo vệ sức khỏe răng miệng hiệu quả

Hơi thở có mùi khiến bạn mất tự tin? Ngăn ngừa cao răng không chỉ giúp bạn có được hơi thở thơm tho mà còn giảm thiểu tối đa nguy cơ sâu răng đấy!

Để giữ gìn vệ sinh răng miệng hằng ngày, bạn chỉ chải răng thôi vẫn chưa đủ. Bởi vì cao răng chính là tác nhân gây ra một số vấn đề sức khỏe răng miệng. Bạn nên sử dụng kết hợp thêm chỉ nha khoa và dùng nước súc miệng sát khuẩn để có hơi thở thơm tho, hàm răng trắng sáng đồng thời ngăn ngừa cao răng tích tụ.

Cao răng là gì?

Vôi răng hay còn gọi là cao răng là thuật ngữ chỉ tình trạng mảng bám đã cứng lại trên răng. Mảng bám là một mảnh dính và không màu do nhiều vi khuẩn hình thành trên răng. Trên thực tế, dù cho bạn có chăm sóc và vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, khoang miệng của bạn vẫn có thể tích tụ một số vi khuẩn. Khi các vi khuẩn này kết hợp với protein và sản phẩm phụ của thức ăn sẽ tạo thành một lớp màng dính trên thành răng hay còn gọi là mảng bám.

Mảng bám sẽ hình thành lớp phủ trên răng, len lỏi dưới các đường viền nướu, lợi và có thể bám dính vào miếng trám hoặc các công cụ nha khoa khác như cầu răng, bịt răng… Mảng bám mang vi khuẩn có thể gây tổn thương đến men răng dẫn đến sâu răng. Nếu bạn có thể loại bỏ mảng bám thường xuyên, bạn có thể ngăn ngừa tình trạng sâu răng và bệnh về nướu vĩnh viễn.

Khi các mảng bám tồn tại trên răng trong thời gian dài và dần trở nên cứng lại thành cao răng, đây là lúc các vấn đề lớn hơn phát sinh. Cao răng hay còn gọi là tình trạng đá trên răng, thường hình thành bên dưới và trên viền nướu. Cao răng thường có bề mặt thô và có lỗ li ti. Tình trạng này có thể gây hại đến sức khỏe của nướu và dẫn đến bệnh về nướu. Cao răng chỉ có thể được loại bỏ dưới sự thực hiện của bác sĩ nha khoa cùng một số công cụ hỗ trợ đặc biệt.

Có thể bạn quan tâm: Bạn cần biết gì về phương pháp lấy cao răng?

Cao răng có hại như thế nào?

Cao răng có thể gây cản trở cho việc chải răng cũng như dùng chỉ nha khoa, từ đó khiến bạn khó có thể làm sạch hoàn toàn mảnh vụn thức ăn sót trong kẽ răng. Về lâu dài, tình trạng này còn có thể dẫn đến sâu răng. Bất kỳ mảnh cao răng nào hình thành trên đường viền nướu cũng sẽ vô cùng bất lợi cho sức khỏe răng miệng. Nguyên nhân là do vi khuẩn tích tụ trên cao răng có thể gây kích ứng và tổn thương nướu răng. Nếu không loại bỏ loại cao răng này kịp thời, theo thời gian, bạn có thể mắc phải bệnh về nướu.

Dạng bệnh về nướu nhẹ nhất chính là viêm nướu. Đây là tình trạng bệnh mà bạn có thể điều trị và hồi phục hoàn toàn thông qua việc chải răng, dùng chỉ nha khoa, súc miệng cùng nước súc sát khuẩn hằng ngày. Đồng thời, bạn cũng cần đi làm sạch răng định kỳ nếu không muốn bệnh tái phát.

Bạn cần làm gì để ngăn ngừa cao răng? Bật mí cách hạn chế cao răng hình thành

Làm sao để không bị cao răng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng? Dưới đây là 7 bí quyết mà bạn có thể áp dụng hàng ngày để ngăn ngừa cao răng và giữ cho răng luôn chắc khỏe!

1. Chải răng thường xuyên hằng ngày

ngan-ngua-cao-rang-hieu-qua1

Hãy chải răng 2 lần mỗi ngày, mỗi lần chải trong vòng 2 phút. Tuy nhiên, hãy lưu ý không chải quá nhanh. Việc chải răng quá nhanh, khoảng 30 giây sẽ khiến lông bàn chải không có đủ thời gian để loại bỏ hoàn toàn mảng bám hoặc ngăn ngừa sự hình thành cao răng.

Ngoài ra, hãy sử dụng loại bàn chải với các sợi lông mềm mảnh bởi vì nó có thể len lỏi vào trong các kẽ răng và nhẹ nhàng loại bỏ mảnh vụn. Hãy chắc chắn rằng bạn đã chải sạch tất cả các bề mặt khó chải như hai bên và đằng sau răng, cả hàm trên và hàm dưới.

2. Sử dụng bàn chải điện

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc dùng bàn chải điện hằng ngày có tác dụng loại bỏ mảng bám tốt hơn so với các loại bàn chải thông thường. Bạn cần lưu ý rằng trước khi chọn mua bất kỳ loại bàn chải điện nào, hãy đảm bảo rằng sản phẩm đó có dán nhãn phê duyệt bởi Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ. Điều này chứng minh rằng loại bàn chải mà bạn sử dụng đã trải qua kỳ kiểm tra chất lượng và an toàn nghiêm ngặt.

3. Sử dụng kem đánh răng chứa fluoride

Fluoride chứa trong kem đánh răng sẽ giúp bạn sửa chữa các tổn thương ở men răng. Ngoài ra, nếu có thể, bạn nên chọn mua loại sản phẩm chứa thêm một chất gọi là triclosan, có tác dụng chống lại vi khuẩn sống trên mảng bám.

4. Sử dụng chỉ nha khoa hằng ngày

ngan-ngua-cao-rang-hieu-qua2

Cho dù bạn đang dùng loại bàn chải tốt như thế nào đi nữa, bạn vẫn cần sử dụng chỉ nha khoa mỗi ngày. Đây chính là cách duy nhất để bạn có thể loại bỏ mảng bám tích tụ ở kẽ răng và giúp ngăn ngừa cao răng không hình thành ở những nơi này.

5. Dùng nước súc miệng mỗi ngày

Bên cạnh việc chải răng và dùng chỉ nha khoa, bạn cần tạo thói quen súc miệng mỗi ngày để giữ gìn vệ sinh răng miệng. Hãy tìm mua loại nước súc miệng sát khuẩn để giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây mảng bám.

6. Có chế độ ăn uống phù hợp

Vi khuẩn sống trong khoang miệng của bạn thường hấp thu các thực phẩm chứa đường và tinh bột để sống. Khi vi khuẩn tiếp xúc với những thực phẩm này sẽ giải phóng các axit gây hại. Vì thế, để ngăn ngừa sự hình thành cao răng, hãy xây dựng chế độ ăn lành mạnh và giới hạn lượng đường tiêu thụ hằng ngày.

Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế ăn các món điểm tâm ngọt chứa nhiều đường tinh chế. Mỗi khi bạn ăn những thực phẩm này, bạn đang “gián tiếp” nuôi dưỡng vi khuẩn sống trong khoang miệng. Bạn không cần phải hạn chế hoàn toàn ăn đồ ngọt hoặc ăn vặt, nhưng hãy lưu ý hàm lượng đường, tinh bột và khẩu phần món ăn. Bạn nên chải răng ngay sau khi ăn, uống nhiều nước trong và sau bữa ăn để loại bỏ đường bám trên răng.

7. Không hút thuốc lá

Các nghiên cứu cho thấy rằng những người hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá có xu hướng hình thành cao răng cao hơn so với người không hút thuốc lá.

Nếu bạn nhận thấy cao răng tích tụ, bạn nên đến phòng khám nha khoa để được bác sĩ nha khoa loại bỏ cao răng. Ngoài ra, hãy đi khám răng định kỳ 6 tháng mỗi năm để nha sĩ khám và làm sạch răng thường xuyên nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What is Tartar? 6 Tips to Control Buildup

https://www.webmd.com/oral-health/guide/tartar-dental-calculus-overview#2

Ngày truy cập 18.12.2017

What Is Tartar?

http://www.homehealthyrecipes.com/what-is-tartar-6-tips-to-control-buildup/

Ngày truy cập 18.12.2017

Plaque and tartar on teeth

https://medlineplus.gov/ency/article/002044.htm Truy cập ngày 25/09/2022

Plaque and tartar on teeth

https://ufhealth.org/plaque-and-tartar-teeth Truy cập ngày 25/09/2022

How to Scale Teeth

https://en.hesperian.org/hhg/Where_There_Is_No_Dentist:How_to_Scale_Teeth Truy cập ngày 25/09/2022

Phiên bản hiện tại

25/09/2022

Tác giả: Xuyến Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Hello Bacsi | Nắm được khía cạnh khoa học của bệnh sâu răng

Hello Bacsi | Nắm được khía cạnh khoa học của bệnh sâu răng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 25/09/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo