backup og meta

Cách vệ sinh vùng kín bị viêm nhiễm: hàng ngày, khi hành kinh, quan hệ tình dục

Cách vệ sinh vùng kín bị viêm nhiễm: hàng ngày, khi hành kinh, quan hệ tình dục

Viêm nhiễm vùng kín (hay viêm âm đạo) là tình trạng sưng viêm dẫn đến tiết dịch, ngứa và đau rát ở âm hộ và âm đạo. Vùng kín bị viêm nhiễm thường là do nhiễm trùng nấm men, hoặc viêm nhiễm do vi khuẩn. Cách vệ sinh vùng kín bị viêm nhiễm đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị viêm âm đạo của chị em.

Vì sao phụ nữ phải chú ý đến việc vệ sinh vùng kín khi bị viêm nhiễm? Viêm nhiễm vùng kín sẽ tăng nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và ung thư cổ tử cung. Chăm sóc và vệ sinh vùng kín sẽ giúp việc điều trị hiệu quả và ngăn ngừa bệnh tiến triển.

Ngay sau đây, bạn hãy cùng tìm hiểu cách vệ sinh vùng kín bị viêm nhiễm: hàng ngày, khi hành kinh và khi quan hệ tình dục.

Cách vệ sinh và chăm sóc vùng kín bị viêm nhiễm hàng ngày

Bạn có thể áp dụng các cách vệ sinh vùng kín bị viêm nhiễm tại nhà sau đây để hỗ trợ cho quá trình điều trị.

Các bước vệ sinh vùng kín mỗi ngày


  1. Rửa sạch bàn tay và móng tay với xà phòng. Tốt nhất, bạn không nên để móng tay quá dài.
  2. Nhẹ nhàng làm ẩm âm hộ bằng nước ấm. Nếu dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ, bạn hãy tạo bọt trước khi xoa vào âm hộ.
  3. Mở môi âm hộ và rửa sạch nhẹ nhàng.
  4. Làm sạch phần bẹn và các nếp gấp xung quanh âm vật.
  5. Làm sạch vùng hậu môn cuối cùng.
  6. Nhẹ nhàng dội nước để rửa trôi bọt xà phòng.
  7. Lau khô âm hộ bằng khăn sạch.

Lưu ý, bạn chỉ nên vệ sinh bên ngoài âm hộ, tuyệt đối không thụt rửa sâu trong âm đạo.

Điều nên và không nên làm khi vệ sinh vùng kín bị viêm nhiễm

Cách vệ sinh vùng kín bị viêm nhiễm hàng ngày

Chị em nên làm gì khi vệ sinh và chăm sóc vùng kín bị nhiễm nấm hoặc viêm nhiễm do vi khuẩn? Bạn hãy lưu ý những điều sau:

  • Nên rửa sạch tay và móng tay trước khi vệ sinh vùng kín bằng xà phòng và nước sạch.
  • Nên vệ sinh vùng kín như hướng dẫn trên ít nhất 2 lần/ ngày, đặc biệt là sau khi đại tiện và tiểu tiện.
  • Nên lau khô cô bé sau khi tiểu tiện, lau vùng kín bằng khăn sạch riêng biệt. Bạn cũng nên thường xuyên thay mới khăn lau để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn trú ngụ trong khăn lông.
  • Nên lau cô bé từ trước ra sau.
  • Nên mặc quần/ váy rộng rãi.
  • Nên chọn đồ lót có chất liệu cotton.

Chị em không nên làm gì khi vệ sinh cô bé bị viêm nhiễm? Những điều bạn không nên làm, bao gồm:

  • Không xịt nước quá mạnh vào vùng kín. Áp lực nước mạnh sẽ đẩy vi khuẩn, nấm, tạp khuẩn tiến sâu vào trong âm đạo.
  • Không dùng sữa tắm/ dầu gội/ xà phòng có mùi thơm để làm sạch âm đạo.
  • Không dùng thuốc xịt vệ sinh/ nước hoa/ bột ở vùng sinh dục.
  • Không chà xát mạnh trong khi vệ sinh vùng kín.
  • Không dùng tampon khi bị viêm nhiễm.
  • Không thụt rửa bên trong âm đạo.
  • Không mặc đồ lót khi ngủ.

>> Đọc thêm: Viêm âm đạo dùng thuốc gì? Các loại thuốc trị viêm âm đạo phổ biến

Cách vệ sinh vùng kín bị viêm nhiễm khi đang hành kinh

Cách vệ sinh vùng kín bị viêm nhiễm khi hành kinh

Đối với phụ nữ bị viêm âm đạo, âm hộ, việc giữ gìn vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt đặc biệt quan trọng. Trong thời gian này, vi khuẩn có nhiều cơ hội sinh sôi, tấn công sâu vào âm đạo và cổ tử cung của chị em. Cách vệ sinh và chăm sóc vùng kín khi bị nấm và viêm trong những ngày đèn đỏ như sau:

  • Thay băng vệ sinh 4 tiếng/ lần. Bạn tuyệt đối không nên mang băng vệ sinh trong hơn 8 tiếng liên tục.
  • Ưu tiên sử dụng băng vệ sinh không có chất tạo mùi dành cho da nhạy cảm.
  • Vệ sinh vùng kín cẩn thận khi thay băng và sau khi tiểu tiện.
  • Thay đồ lót mỗi ngày.
  • Uống đủ nước để làm sạch đường tiết niệu và hạn chế nhiễm trùng nặng hơn.

Cách vệ sinh vùng kín bị viêm nhiễm trước và sau khi quan hệ tình dục

Theo các bác sĩ phụ khoa, bạn không nên quan hệ tình dục trong khi vùng kín bị viêm nhiễm. Hoạt động tình dục trong thời điểm này có thể khiến bạn không thoải mái và hưng phấn. Thậm chí điều này có thể khiến bạn bị đau rát sau khi quan hệ và làm các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn làm chuyện ấy trong khi vùng kín bị viêm nhiễm, bạn hãy vệ sinh cô bé như hướng dẫn trên trước và sau khi quan hệ. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý: 

  • Rửa sạch âm hộ (không thụt rửa âm đạo) trước và sau khi quan hệ.
  • Sử dụng bao cao su và chất bôi trơn gốc nước khi giao hợp.
  • Không dùng nước hoa âm đạo, thuốc xịt kích dục nữ khi quan hệ.
  • Uống nước và tiểu tiện sau khi quan hệ để đẩy vi khuẩn trong niệu đạo ra ngoài.

Những thắc mắc khác về việc vệ sinh vùng kín khi viêm nhiễm

câu hỏi liên quan đến Cách vệ sinh vùng kín bị viêm nhiễm tại nhà

Có nên ngâm nước muối vùng kín để giảm viêm nhiễm không?

Bác sĩ không khuyến khích chị em dùng nước muối để điều trị các triệu chứng viêm nhiễm phụ khoa. Đặc biệt, bạn lưu ý không ngâm cô bé trong nước muối để giảm viêm nhiễm. Việc này sẽ làm vi khuẩn và nấm men tấn công âm đạo theo dòng nước, từ đó khiến tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng hơn. 

Với khả năng chống viêm và sát khuẩn, nước muối sinh lý là một trong những cách giảm ngứa vùng kín tại nhà. Tuy nhiên, nước muối có thể làm khô vùng kín. Nếu bạn muốn rửa nước muối để giảm viêm vùng kín, có 3 điều bạn phải lưu ý:

  • Dùng nước muối sinh lý chuyên dụng.
  • Rửa bộ phận sinh dụng với nước sạch sau khi rửa nước muối.
  • Không rửa nước muối nhiều hơn 2 lần/ tuần.

>> Đọc thêm: Cách chữa viêm âm đạo đảm bảo hiệu quả, an toàn bằng lá trầu không

Có nên dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ khi bị viêm nhiễm vùng kín không?

Có nên dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ

Bạn có thể dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ để vệ sinh vùng kín khi đang bị viêm nhiễm. Thế nhưng, bạn nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn sản phẩm phù hợp. Bạn hãy cẩn thận lựa chọn dung dịch vệ sinh thỏa tiêu chí: Không chứa hương liệu và có độ pH phù hợp.

Nếu bạn không biết, hoặc chưa tìm được sản phẩm dung dịch vệ sinh an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

>> Đọc thêm: Review 10 dung dịch vệ sinh phụ nữ tốt nhất theo bác sĩ gợi ý

Như vậy, bài viết đã hướng dẫn cho bạn những cách vệ sinh vùng kín bị viêm nhiễm tại nhà. Nếu bạn còn những thắc mắc chưa được giải đáp, hãy cho Hello Bacsi biết tại Cộng đồng Sức khỏe phụ nữ của chúng tôi nhé!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Sex during vaginal infection: Is it harmful? – Mayo Clinic
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vaginitis/expert-answers/vaginal-infection/faq-20058120
Ngày truy cập: 7/1/2023
Vaginitis – self-care: MedlinePlus Medical Encyclopedia
https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000566.htm
Ngày truy cập: 7/1/2023
How Do I Prevent Vaginitis & Yeast Infections?
https://www.plannedparenthood.org/learn/health-and-wellness/vaginitis/how-do-i-prevent-vaginitis
Ngày truy cập: 7/1/2023
Vaginitis: Causes, Symptoms, Treatment & Prevention
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9131-vaginitis
Ngày truy cập: 7/1/2023
Vaginitis – NHS
https://www.nhs.uk/conditions/vaginitis/
Ngày truy cập: 7/1/2023
Vaginitis – Symptoms and causes – Mayo Clinic
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vaginitis/symptoms-causes/syc-20354707
Ngày truy cập: 7/1/2023
Menstrual Hygiene
https://www.cdc.gov/hygiene/personal-hygiene/menstrual.html
Ngày truy cập: 7/1/2023

Phiên bản hiện tại

26/12/2023

Tác giả: Trần Cẩm Tú

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Phong Huỳnh


Bài viết liên quan

Viêm âm đạo: Bạn cần biết gì về bệnh phụ khoa phổ biến này?

Viêm âm đạo dùng thuốc gì? Các loại thuốc trị viêm âm đạo phổ biến


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Trần Cẩm Tú · Ngày cập nhật: 26/12/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo