Phụ nữ đi tiểu nhiều lần trong ngày có thể có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, công việc và làm giảm chất lượng cuộc sống. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm các vấn đề về hệ tiết niệu, nhiễm trùng, hormone hoặc các bệnh lý khác.
Hello Bacsi mời bạn tìm hiểu cụ thể nguyên nhân khiến phụ nữ đi tiểu nhiều lần trong ngày; triệu chứng và cách trị đi tiểu nhiều lần ở phụ nữ ngay sau đây!
Biểu hiện nhận biết phụ nữ tiểu nhiều lần trong ngày
Tình trạng đi tiểu nhiều lần là khi bạn có nhu cầu đi tiểu cao hơn bình thường, kể cả khi không uống nhiều nước. Bạn có thể muốn đi tiểu nhiều lần vào ban ngày, ban đêm hoặc cả ngày lẫn đêm. Các dấu hiệu đi tiểu nhiều lần ở phụ nữ bao gồm:
- Phải đi tiểu nhiều hơn 8 lần trong 24 giờ
- Thức dậy nhiều lần vào giữa đêm để đi tiểu
- Vừa đi tiểu xong lại có cảm giác buồn tiểu
- Dòng nước tiểu yếu, ngắt quãng hoặc tiểu són
- Có cảm giác tiểu không hết.
Trong một số trường hợp, đi tiểu thường xuyên còn xuất hiện cùng các triệu chứng khác. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bạn cần đi khám càng sớm càng tốt bị tiểu tiện nhiều lần kèm theo:
- Sốt, có thể ớn lạnh hoặc không
- Nôn mửa
- Đau lưng hoặc đau hai bên sườn
- Đau và nóng rát trong hoặc sau khi đi tiểu
- Nước tiểu có máu hoặc màu đục
- Tăng cảm giác thèm ăn hoặc khát nước
- Giảm cân đột ngột.
10 nguyên nhân thường gặp khiến phụ nữ đi tiểu nhiều lần trong ngày
Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng đi tiểu thường xuyên ở phụ nữ. Bạn có thể đi tiểu thường xuyên hơn do uống quá nhiều đồ uống gây tăng lượng nước tiểu hoặc kích thích bàng quang như bia rượu, cà phê, trà và một số loại nước ngọt.
Bên cạnh đó, tình trạng tiểu nhiều lần còn có thể xuất phát từ các vấn đề sức khỏe, bao gồm:
1. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là nguyên nhân phổ biến nhất khiến phụ nữ đi tiểu nhiều lần trong ngày. Hơn một nửa phụ nữ mắc UTI ít nhất một lần trong đời.
Nhiễm trùng tiểu có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong hệ tiết niệu (bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo), nhưng thường gặp nhất ở bàng quang. Các triệu chứng khác của viêm đường tiết niệu bao gồm đau hoặc nóng rát khi đi tiểu, nước tiểu đục, có mùi hôi và tiểu ra máu.
2. Viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ là tình trạng mãn tính gây ra áp lực bàng quang, đau bàng quang và vùng chậu. Dấu hiệu thường gặp của bệnh này là đi tiểu thường xuyên với lượng nước tiểu ít suốt cả ngày lẫn đêm (có thể lên tới 60 lần/ngày). Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở mỗi người là khác nhau và một số người có thể trải qua những giai đoạn không có triệu chứng.
3. Bàng quang tăng hoạt
Bàng quang tăng hoạt hay bàng quang hoạt động quá mức là tình trạng co bóp không đúng lúc của bàng quang. Điều này khiến người bệnh cảm thấy cần đi tiểu thường xuyên và tiểu gấp, ngay cả khi bàng quang không đầy.
4. Sa cơ quan vùng chậu
Khi các cơ và mô nâng đỡ tử cung, bàng quang hoặc trực tràng trở nên yếu hoặc lỏng lẻo, các cơ quan này có thể tụt khỏi vị trí bình thường. Sa vùng chậu không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây đau đớn và khó chịu. Đồng thời, nó cũng là nguyên nhân thường gặp dẫn đến tiểu tiện thường xuyên hoặc rò rỉ nước tiểu khi ho, hắt hơi.
5. Bệnh tiểu đường
Đi tiểu thường xuyên có thể là một trong những dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2. Khi cơ thể bạn không thể sử dụng insulin để giảm nồng độ glucose trong máu, cơ thể sẽ tăng lượng nước tiểu để tự loại bỏ lượng glucose dư thừa.
6. Tổn thương dây thần kinh
Các tình trạng như đột quỵ hoặc bệnh Parkinson có thể làm tổn thương các dây thần kinh kiểm soát việc làm đầy hoặc làm trống bàng quang. Điều này có thể gây ra tình trạng buồn tiểu liên tục ở người bệnh.
7. Tác dụng phụ của thuốc
Thuốc lợi tiểu được sử dụng để điều trị một số bệnh lý như huyết áp cao, suy tim… có thể làm tăng lượng nước tiểu, gây tiểu nhiều lần. Ngoài ra, một số loại thuốc giãn cơ và thuốc an thần cũng có thể gây rối loạn tiểu tiện.
8. Phụ nữ đi tiểu nhiều lần trong ngày khi mang thai
Khi bạn mang thai, nhu cầu đi tiểu có thể tăng lên do hormone và áp lực của em bé lên bàng quang. Theo một nghiên cứu, ước tính có khoảng 41,25% phụ nữ mang thai bị tăng tần suất đi tiểu. Trong số những phụ nữ này, ước tính có khoảng 68,8% cho biết tần suất gia tăng khiến họ cảm thấy khó chịu. Tiểu nhiều lần ở mẹ bầu thường xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba.
9. Mãn kinh gây tiểu tiện nhiều lần
Mãn kinh cũng có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát bàng quang. Cơ thể phụ nữ sẽ ngừng sản xuất estrogen khi bước vào giai đoạn mãn kinh. Sự thiếu hụt hormone này có thể gây ra tình trạng niệu đạo ngắn, trương lực cơ bàng quang kém, cơ thắt cổ bàng quang yếu dễ gây tiểu thường xuyên và són tiểu.
10. Ảnh hưởng của quá trình lão hóa
Dung tích bàng quang giảm khi chúng ta già đi. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ lớn tuổi cũng gặp phải tình trạng tăng co bóp bàng quang, tốc độ dòng nước tiểu chậm hơn hoặc giảm áp lực ở niệu đạo. Điều này khiến bàng quang không trống rỗng hoàn toàn, dẫn đến việc phải đi vệ sinh thường xuyên hơn.
Các nguyên nhân khác gây tiểu tiện nhiều lần, vừa đi tiểu xong lại có cảm giác buồn tiểu ở nữ có thể bao gồm béo phì, vấn đề về thận, sỏi bàng quang, ung thư bàng quang…
Ảnh hưởng khi phụ nữ đi tiểu nhiều lần trong ngày
Tiểu nhiều lần ở nữ giới có thể gây ra nhiều tác hại, bao gồm:
- Ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt: Tiểu nhiều lần khiến phụ nữ phải đi vệ sinh thường xuyên, gây gián đoạn cuộc sống, công việc và học tập.
- Giảm chất lượng giấc ngủ: Tiểu nhiều lần vào ban đêm gây khó ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc, giảm sút năng lượng vào ngày hôm sau.
- Suy giảm ham muốn tình dục, nhu cầu sinh lý: Đi vệ sinh thường xuyên kèm theo cảm giác đau rát, bồn chồn khiến phụ nữ cảm thấy mệt mỏi, uể oải, giảm ham muốn quan hệ tình dục.
- Sa sút tinh thần: Nhiều phụ nữ cảm thấy tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp với mọi người khi phải đi vệ sinh thường xuyên. Tình trạng này kéo dài có thể gây căng thẳng, thậm chí là trầm cảm.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác: Tinh thần và sức khỏe sa sút làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như loạn nhịp tim, huyết áp cao, đột quỵ… Bên cạnh đó, nếu tiểu nhiều lần do nguyên nhân bệnh lý không được điều trị, chúng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng lan rộng, mất nước, biến chứng tiểu đường…
Chẩn đoán và điều trị đi tiểu nhiều ở nữ
Chẩn đoán tình trạng đi tiểu nhiều ở nữ
Khi đến thăm khám tại cơ sở y tế, đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất và hỏi bạn về tiền sử bệnh, triệu chứng đang gặp phải, các loại thuốc đang sử dụng và thói quen ăn uống. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu nước tiểu để tiến hành phân tích.
Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:
- Siêu âm
- Xét nghiệm niệu động học
- Nội soi bàng quang hoặc chụp CT.
Cách trị đi tiểu nhiều lần ở nữ
Cách trị đi tiểu nhiều lần ở nữ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ: Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu là nguyên nhân của vấn đề, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị.
Bên cạnh đó, một số phương pháp tại nhà có thể giúp bạn quản lý và hạn chế việc tiểu tiện nhiều lần:
Điều chỉnh thói quen ăn uống: Tránh sử dụng các thực phẩm và đồ uống gây kích thích bàng quang như rượu, cà phê, đồ uống có ga, chocolate, chất làm ngọt nhân tạo, thức ăn cay…
Điều chỉnh lượng chất lỏng nạp vào: Ví dụ, tránh uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ có thể làm giảm tình trạng thức dậy vào ban đêm để đi vệ sinh.
Tập thói quen đi vệ sinh vào thời gian cố định: Khi bạn đi vệ sinh theo một lịch trình nhất định, bàng quang của bạn sẽ dần thích nghi và giảm thiểu nhu cầu đi tiểu thường xuyên. Nếu có thể, bạn cũng nên học sử dụng các kỹ thuật thư giãn để giúp kiểm soát các cơn buồn tiểu.
Luyện tập bài tập Kegel: Bài tập Kegel là bài tập cơ sàn chậu có tác dụng tăng cường sức mạnh và độ bền của các cơ này. Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả để kiểm soát chứng tiểu nhiều lần ở phụ nữ. Tham khảo các bài tập Kegel tại bài viết Tất tần tật về bài tập Kegel.
Phụ nữ đi tiểu nhiều lần trong ngày là tình trạng không hiếm gặp và có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, khi gặp phải tình trạng này, tốt nhất là bạn nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa tiết niệu để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm và được chuyên gia tư vấn cách điều trị hiệu quả.
[embed-health-tool-ovulation]