backup og meta

Vách ngăn âm đạo là gì? Xử trí ra sao?

Vách ngăn âm đạo là gì? Xử trí ra sao?

Vách ngăn âm đạo (Vaginal septum) là một trong những bất thường không hiếm gặp ở cơ quan sinh dục nữ. Dị tật này xảy ra do sự rối loạn quá trình biệt hóa các cơ quan trong giai đoạn bào thai. Hậu quả là để lại một “bức tường” phân cách mô trong âm đạo.

Nữ giới mắc phải tình trạng vách ngăn âm đạo có thể gặp trở ngại trong sinh hoạt tình dục và chức năng sinh sản. Vậy triệu chứng điển hình của hiện tượng này là gì và cách chẩn đoán, điều trị như thế nào? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây!

Vách ngăn âm đạo là gì? Ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe phái đẹp?

Để hiểu rõ về vách ngăn âm đạo là gì, trước hết bạn cần hiểu về cấu tạo của âm đạo

Theo đó, âm đạo là một phần của bộ phận sinh dục nữ với cấu trúc hình ống dài bắt đầu từ cổ tử cung ra đến phía ngoài cơ thể. Đây là cơ quan quan trọng giúp người phụ nữ có thể quan hệ tình dục với bạn tình và thực hiện chức năng sinh sản, ngoài ra đây là nơi kinh nguyệt đi ra theo chu kỳ. 

Hiện tượng vách ngăn âm đạo xuất hiện là hệ quả của việc hệ thống sinh sản nữ không phát triển đầy đủ, dẫn đến hình thành lớp màng phân cách chia âm đạo thành hai phần riêng biệt.


Tuỳ thuộc vào loại vách ngăn âm đạo mà có thể gây cản trở dòng chảy kinh nguyệt. Việc đón nhận dương vật trong quá trình giao hợp gây cản trở quá trình thụ thai. Ngoài những khó khăn trong việc mang thai hay sinh hoạt vợ chồng, người có vách ngăn âm đạo còn có thể đối mặt với nguy cơ mắc phải dị tật liên quan đến tử cung, gặp các vấn đề sức khỏe ở thận hoặc trực tràng.

Đọc thêm: Hiểu tường tận về cơ quan sinh dục nữ

Nguyên nhân hình thành vách ngăn âm đạo

Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến vách ngăn âm đạo. Một số phỏng đoán cho rằng dị tật này bắt nguồn bởi nhiều yếu tố liên quan, trong đó có yếu tố thuộc về khiếm khuyết gen cũng như môi trường sống.

Về mặt phôi thai học, cơ quan sinh sản nữ giới bắt đầu phát triển vào tuần thứ sáu của thai kỳ bên trong tử cung người mẹ. Sự hình thành âm đạo xảy ra khi 2 ống mullerian hợp nhất tạo thành tử cung – âm đạo. Sau đó màng đáy của 2 ống mullerian tiêu biến tạo thành tử cung và ⅓ trên của âm đạo. ⅔ dưới âm đạo được tạo thành từ xoang niệu sinh dục, tạo nên tấm âm đạo. Tấm âm đạo dài thêm và rỗng hoá bên trong tạo nên ⅔ dưới của âm đạo. Bất kỳ sự gián đoạn nào phát sinh trong quá trình này đều đưa đến hệ quả làm xuất hiện dị tật ở tử cung hoặc âm đạo. Thuật ngữ Y khoa gọi chung những dị tật này là bất thường ống mullerian.

vách ngăn âm đạo

Dấu hiệu nhận biết vách ngăn âm đạo

Hầu hết trường hợp vách ngăn âm đạo thường không nhận ra bản thân đang mắc phải tình trạng này cho đến khi bước vào giai đoạn dậy thì, có phát sinh quan hệ tình dục hoặc thăm khám phụ khoa. Sau đây là những biểu hiện dễ nhận thấy ở người có vách ngăn âm đạo:

  • Đau dữ dội (đau vùng bụng hoặc vùng chậu) khi đến ngày hành kinh. Điều này do màng ngăn âm đạo cản trở dòng chảy kinh nguyệt thoát ra ngoài khiến máu kinh chảy ngược vào tử cung hoặc buồng trứng gây nên cơn đau khó chịu hoặc thậm chí vô kinh. Triệu chứng này xuất hiện với những trường hợp vách ngăn âm đạo nằm ngang. 
  • Khó khăn khi giao hợp vì màng ngăn âm đạo khiến cho “cậu nhỏ” khó thâm nhập hoàn toàn vào âm đạo. 
  • Rối loạn kinh nguyệt biểu hiện bằng số ngày hành kinh không ổn định, lượng máu kinh đột nhiên nhiều hoặc ít bất thường. Đôi khi phụ nữ có vách ngăn âm đạo còn gặp phải các triệu chứng như chuột rút, buồn nôn.

Ngoài những dấu hiệu trên, dị tật vách ngăn âm đạo còn thể hiện thông qua việc không sử dụng được tampon (máu kinh vẫn chảy dù đã đặt tampon), đau khi sử dụng hoặc tháo tampon (do cấu trúc bất thường của ống âm đạo). Nhiều ca vách ngăn âm đạo còn không có bất kỳ triệu chứng nào khiến cho quá trình chẩn đoán và điều trị trở nên khó khăn hơn.

Phân loại vách ngăn âm đạo

Dựa theo vị trí của màng ngăn mà vách ngăn âm đạo được chia thành hai loại:

  • Vách ngăn ngang: Là màng ngăn chạy theo chiều ngang chia âm đạo thành hai khoang trên, dưới riêng biệt. Loại vách ngang này ít phổ biến nhưng lại cho biểu hiện rõ nét hơn so với dạng còn lại. Vị trí của vách ngăn có thể ở giữa hoặc nằm ở đoạn trên âm đạo. Vách ngăn nằm quá thấp có thể làm âm đạo bị bít gây khó khăn trong việc sinh hoạt tình dục và xuất hiện triệu chứng tương tự với màng trinh bị bịt kín. Một số ca có lỗ nhỏ trên vách ngăn cho phép máu kinh vẫn thoát được ra ngoài nhưng với số lượng giới hạn nên số ngày hành kinh sẽ nhiều hơn bình thường.
  • Vách ngăn dọc: Là tình trạng màng ngăn nằm dọc âm đạo chia âm đạo thành hai ống riêng biệt (một ống sẽ to hơn ống còn lại). Người có vách ngăn âm đạo dạng này thường ít có vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt, họ thậm chí vẫn có thể mang thai bình thường nhưng sẽ gặp khó khăn khi sinh nở hoặc bị ra máu trong lúc quan hệ tình dục.

Chẩn đoán và điều trị tình trạng vách ngăn âm đạo

Dị tật vách ngăn âm đạo thường được chẩn đoán khi người bệnh thăm khám phụ khoa. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc siêu âm để phát hiện lớp mô gây tắc nghẽn. Xét nghiệm hình ảnh cũng cho biết chính xác loại vách ngăn âm đạo và loại trừ trường hợp người bệnh gặp hiện tượng tử cung đôi.

Tư vấn điều trị vách ngăn âm đạo


Tùy theo kiểu vách ngăn âm đạo mà sẽ có phương án điều trị khác nhau. Hướng điều trị chung nhất sẽ là phẫu thuật loại bỏ màng ngăn hoặc tạo hình âm đạo nhằm cải thiện chất lượng sống, giúp người bệnh chuẩn bị tốt nhất cho việc mang thai và sinh con. Tuy nhiên, đây là thủ thuật khá phức tạp, tỷ lệ thành công còn phụ thuộc nhiều vào tính chất vách ngăn (như vị trí, bề dày và các dị dạng khác mắc kèm…).
Vì thế, trước khi phẫu thuật, người bệnh cần được khám từ tổng quát đến chuyên khoa, cũng như tư vấn về nguy cơ, biến chứng hậu phẫu có thể xảy ra. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ màng ngăn âm đạo, các cấu trúc bất thường xung quanh, cũng như khối máu kinh bị tắc nghẽn. Sau phẫu thuật, bạn có thể phải kiêng quan hệ cho đến khi tổn thương lành hẳn.

Vừa rồi là những chia sẻ liên quan đến vách ngăn âm đạo. Đây là dị tật có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản cũng như chất lượng cuộc sống của phái đẹp. Vì thế, nếu nhận thấy bản thân có những biểu hiện bất thường liên quan đến vùng kín, hãy lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Vagina: Anatomy, Function, Conditions & What’s Normal

https://my.clevelandclinic.org/health/body/22469-vagina

Ngày truy cập 27/01/2024

Vaginal Septum: Causes, Symptoms & Treatment

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24677-vaginal-septum

Ngày truy cập 27/01/2024

Vaginal Septum

https://www.childrenscolorado.org/conditions-and-advice/conditions-and-symptoms/conditions/vaginal-septum/

Ngày truy cập 27/01/2024

Vaginal Anomalies

https://www.nationwidechildrens.org/conditions/vaginal-anomalies

Ngày truy cập 27/01/2024

Congenital Anomalies of the Vagina

https://www.brighamandwomens.org/obgyn/infertility-reproductive-surgery/congenital-anomalies/vagina-anomalies

Ngày truy cập 27/01/2024

Phiên bản hiện tại

19/02/2024

Tác giả: Minh Phú

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Thuốc đặt âm đạo: 3 công dụng cần nắm rõ và lưu ý khi sử dụng!

10 cách chữa viêm âm đạo tại nhà an toàn và hiệu quả nhanh


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Minh Phú · Ngày cập nhật: 19/02/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo