backup og meta

U xơ cổ tử cung là gì? U xơ cổ tử cung có nguy hiểm không?

U xơ cổ tử cung là gì? U xơ cổ tử cung có nguy hiểm không?

“U xơ cổ tử cung là gì?” hay “u xơ cổ tử cung có nguy hiểm không?” là những câu hỏi của rất nhiều phụ nữ khi nghe bác sĩ chẩn đoán mình mắc u xơ cổ tử cung. 

Khoảng 50% phụ nữ trên 30 tuổi có nguy cơ bị u xơ tử cung. Với phụ nữ ngoài 50 tuổi, con số này tăng lên 70%. Hầu hết phụ nữ không biết mình bị u xơ cho đến khi tiến hành khám phụ khoa hoặc siêu âm vùng bụng dưới. Dù bệnh có thể tiến triển thành u ác tính (ung thư) với tỷ lệ rất thấp – khoảng 2/1.000 ca nhưng vẫn khiến nhiều bệnh nhân lo lắng.

U xơ cổ tử cung là gì?

U xơ cổ tử cung thường là khối u lành tính, tròn, nhẵn, được cấu tạo chủ yếu bởi các mô cơ. U xơ cổ tử cung là khối u lành tính, có nghĩa là chúng không phải là ung thư. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đặc biệt là khi khối u có kích thước lớn, chúng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như gay tắc nghẽn một phần đường tiết niệu hoặc sa qua cổ tử cung và vào ống âm đạo. Các khối u bị sa có thể phát triển thành các vết loét, có thể gây chảy máu bất thường hoặc nhiễm trùng.

Các nguyên nhân gây u xơ cổ tử cung

Các chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân gây u xơ cổ tử cung có thể bao gồm:

  • Rối loạn nội tiết tố: Sự tăng sinh hàm lượng estrogen cao quá mức sẽ tác động tới sự hình thành, phát triển của nhân xơ khiến kích thước khối u tăng lên.
  • Yếu tố di truyền: Nếu có mẹ hoặc chị em gái từng mắc u xơ tử cung thì nguy cơ bạn mắc bệnh này sẽ cao hơn người khác.
  • Người bị béo phì hoặc mắc bệnh đái tháo đường, u tuyến vú…: Những đối tượng này có nguy cơ bị u xơ cổ tử cung cao hơn bình thường.

Ngoài ra còn có những ý kiến cho rằng môi trường, thực phẩm… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến u xơ tử cung.

Phân loại u xơ tử cung và u xơ cổ tử cungU xơ cổ tử cung là gì?

U xơ cổ tử cung và các dạng u xơ tử cung

Những dạng u xơ ở vị trí này thường là:

  • U xơ lớp dưới thanh mạc: Phát triển từ tử cung và hướng ra phía ngoài
  • U xơ trong vách: Loại u này phát triển từ trong thành tử cung và có thể làm cho tử cung to lên
  • U xơ dưới niêm mạc: Loại u xơ này phát triển trong nội mạc tử cung và có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn (gây băng huyết nặng). Người bị u xơ dưới niêm mạc có thể bị vô sinh hoặc có nguy cơ cao bị sẩy thai.
  • U xơ cổ tử cung có cuống: Đây là loại u tách ra khỏi tử cung nhưng dính với tử cung bằng 1 cuống nhỏ. Loại này có thể bị xoắn gây đau bụng dưới cấp tính nên cần phải phẫu thuật để cắt bỏ.

Các triệu chứng của u xơ cổ tử cung

U cơ cổ tử cung thể nhẹ có thể không gây ra bất kỳ vấn đề gì trong khi u xơ thể vừa đến nặng có thể gây ra một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Chảy máu âm đạo bất thường, đặc biệt là chảy máu nhiều hoặc chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Thiếu máu, do chảy máu nhiều, kèm theo mệt mỏi
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Tiết dịch âm đạo bất thường 
  • Đau vùng xương chậu
  • Đau bụng
  • Bụng phình to hoặc cảm giác đau trằn, nặng nề
  • Khó đi tiểu hoặc đi tiểu không hết
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu… 

U xơ cổ tử cung được chẩn đoán như thế nào? 

Nếu bạn đang có một trong các triệu chứng kể trên, đừng chần chừ hãy đi khám phụ khoa ngay. Trong hầu hết các trường hợp, u xơ cổ tử cung có thể được chẩn đoán bằng khám phụ khoa. Bác sĩ cũng có thể chỉ định bạn thực hiện siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo để giúp việc chẩn đoán chính xác hơn.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị bạn tiến hành thêm các xét nghiệm chẩn đoán bổ sung để đánh giá tình trạng bệnh chẳng hạn như xét nghiệm máu, MRI hay Pap,  xét nghiệm tìm virus gây u nhú ở người (HPV)… 

Bệnh u xơ cổ tử cung có nguy hiểm không?

khối u ở cổ tử cung có nguy hiểm không

Hấu hết các khối u ở cổ tử cung hay bất cứ vị trí nào của tử cung thường là lành tính, không gây hại cho sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp việc bị u xơ cổ tử cung có thể tác động tiêu cực đến kỳ kinh của bạn, gây đau đớn khi quan hệ tình dục và dẫn đến khó thụ thai.

Ngoài ra, kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài có thể gây mệt mỏi do thiếu máu . Thiếu máu là một tình trạng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nguyên do là bởi nếu tình trạng thiếu máu kéo dài có thể dẫn đến suy đa cơ quan. Đừng bỏ qua các triệu chứng u xơ cổ tử cung như kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường và mệt mỏi mãn tính bạn nhé. 

Vậy u xơ có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung? Theo các chuyên gia, u xơ tử cung, bao gồm cả u xơ cổ tử cung, thường lành tính. Trên thực tế, ít hơn 1/1.000 ca bị u xơ tử cung được phát hiện là ung thư. Việc tuân thủ lịch khám phụ khoa định kỳ là cách tốt nhất để tránh u xơ cổ tử cung di căn. Mặc dù là cực kỳ hiếm, nhưng u xơ tử cung có nhiều khả năng là ung thư ở phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh.

Nếu bạn thuộc nhóm được xem là có nguy cơ, bác sĩ chuyên khoa có thể xác định xem một khối u có thể là ung thư hay không bằng cách yêu cầu bạn làm sinh thiết. Phương pháp sinh thiết giúp  kết luận chắc chắn nếu u xơ cổ tử cung có nguy cơ bị trở thành ung thư. 

U xơ cổ tử cung được điều trị như thế nào?

Điều trị bằng y tế

điều trị u xơ cổ tử cung

Theo các chuyên gia sức khỏe, các khối u xơ nhỏ không gây ra triệu chứng có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn nên tuân thủ lịch hẹn tái khám để được dõi thêm.

Việc điều trị bằng thuốc có thể là một lựa chọn cho những trường hợp bị u xơ/u cơ. Tình trạng chảy máu nhiều và đau khi có kinh do u xơ/u cơ gây ra có thể được kiểm soát bằng thuốc. Việc dùng thuốc thường chỉ giúp kiểm soát triệu chứng và có thể không giúp ngăn cản sự phát triển của u xơ cổ tử cung và không thể giúp bạn tránh được phẫu thuật. Thuốc điều trị u xơ bao gồm các lựa chọn sau:

  • Thuốc tránh thai (thuốc tránh thai) và các loại phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố : Những loại thuốc này thường được sử dụng để kiểm soát chảy máu nhiều và kinh nguyệt đau đớn.
  • Thuốc chủ vận hormone giải phóng gonadotropin (GnRH): Những loại thuốc này làm ngừng chu kỳ kinh nguyệt và có thể thu nhỏ khối u xơ. Đôi khi chúng được sử dụng trước khi phẫu thuật để giảm nguy cơ chảy máu.
  • Dụng cụ tử cung progestin (IUD): Một lựa chọn cho những phụ nữ có khối u không làm biến dạng bên trong tử cung. Nó làm giảm chảy máu nhiều và đau đớn nhưng không có tác dụng điều trị u cơ.

Với người có các khối u xơ/khối u có kích thước lớn gây đau, chảy máu hoặc các vấn đề về tiết niệu có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của u xơ cổ tử cung/u cơ của bạn, bác sĩ có thể thực hiện một trong ba thủ thuật.

  • Mổ nội soi ổ bụng: Bác sĩ tiến hành phẫu thuật thông qua một hoặc nhiều vết rạch nhỏ gần rốn. Một dụng cụ mỏng, linh hoạt, có ánh sáng, được gọi là nội soi , giúp bác sĩ nhìn thấy vị trí cần phẫu thuật.
  • Mổ hở: Bác sĩ phẫu thuật loại bỏ khối u thông qua một vết rạch lớn hơn ở bụng.
  • Cắt bỏ tử cung: Nếu khối u rất lớn, bác sĩ có thể đề nghị bạn cắt bỏ hoàn toàn tử cung và đôi khi cả buồng trứng. Sau khi cắt tử cung, bạn không thể mang thai được nữa. Do đó, nếu chưa sinh đủ con, bạn nên chia sẻ kế hoạch có con với bác sĩ để có lựa chọn điều trị phù hợp. 

Hỗ trợ điều trị tại nhà

Theo các chuyên gia sức khỏe, bạn có thể hỗ trợ điều trị u xơ tử cung hay u xơ cổ tử cung tại nhà bằng việc thực hiện những điều sau:

tập thể dục giảm bớt cân thừa để kiểm soát và hạn chế u xơ tử cung

  • Luyện tập thể dục thường xuyên và giữ cân nặng ở mức hợp lý. Do béo phì và thừa cân có thể làm tăng nguy cơ mắc u xơ tử cung, do đó luyện tập và ăn kiêng để duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh hoặc làm giảm kích thước của khối u xơ. Hơn nữa, tập thể dục điều độ còn giúp cân bằng hormone trong cơ thể và giảm stress, từ đó cải thiện các triệu chứng do u xơ tử cung gây ra. Bạn có thể tập các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, yoga, Pilates…
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Người bệnh u xơ cổ tử cung cần tránh tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu, thịt heo, thịt nai…), uống rượu, ăn nhiều carb “xấu” (loại carb đã qua tinh chế) và thực phẩm nhiều đường. Người bệnh nên ăn các thực phẩm giàu chất xơ. Bệnh có thể làm bạn cảm thấy đầy hơi và đau bụng dữ dội trong kỳ kinh nguyệt nên hãy bổ sung một số vitamin và khoáng chất như: Vitamin B1, B6, E, magie, axit béo omega-3.
  • Kiểm soát huyết áp giúp điều trị u xơ cổ tử cung. Một nghiên cứu của Hà Lan cho thấy huyết áp cao có mối liên hệ với u xơ tử cung. Do đó, việc kiểm soát huyết áp ổn định sẽ giúp giảm nguy cơ và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả hơn. Để ngăn ngừa tăng huyết áp, bạn nên hạn chế ăn các thực phẩm nhiều muối, giữ tinh thần thoải mái, luyện tập điều độ và kiểm tra huyết áp thường xuyên.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Myoma of the cervix

https://www.ajog.org/article/0002-9378(61)90071-0/fulltext  Ngày truy cập 14/9/2022

Cervical Myomas

https://www.draliabadi.com/gynecology/cervical-conditions/myomas/#:~:text=Cervical%20myomas%20(also%20known%20as,the%20uterus%2C%20and%20are%20rare. Ngày truy cập 14/9/2022

Cerviral Myomas

https://www.msdmanuals.com/home/women-s-health-issues/miscellaneous-gynecologic-abnormalities/cervical-myomas Ngày truy cập 14/9/2022

What Are Cervical Fibroids?

https://www.fibroidfighters.org/blog/what-are-cervical-fibroids/

What Are Uterine Fibroids? https://www.webmd.com/women/uterine-fibroids/uterine-fibroids#1 Ngày truy cập 10/01/2019

Fibroids https://www.healthline.com/health/uterine-fibroids#types Ngày truy cập 10/01/2019

Fibroids: Everything you need to know https://www.medicalnewstoday.com/articles/151405.php Ngày truy cập 10/01/2019

An unusual case of cervical fibroid masquerading as ovarian tumor https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5051235/ Ngày truy cập 10/01/2019

Phiên bản hiện tại

14/09/2022

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Cách điều trị u xơ tử cung không cần phải phẫu thuật

Có thể xác định loại u xơ tử cung qua các dấu hiệu điển hình?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 14/09/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo