backup og meta

Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư cổ tử cung không?

Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư cổ tử cung không?

Việc chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe phụ nữ. Y học hiện đại có nhiều phương pháp xét nghiệm để tầm soát, phát hiện sớm căn bệnh này. Trong số đó, nhiều người cũng thắc mắc xét nghiệm máu có phát hiện ung thư cổ tử cung không?

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết, chính xác về vai trò của xét nghiệm máu trong việc phát hiện ung thư cổ tử cung, đồng thời so sánh với các phương pháp tầm soát chuyên sâu để giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Xét nghiệm máu là gì?

Xét nghiệm máu (blood test) là xét nghiệm y tế thông thường. Bạn có thể được xét nghiệm máu trong những lần khám sức khỏe định kỳ (thường quy) hoặc vì bạn đang có một số triệu chứng nhất định để kiểm tra bệnh.

Có nhiều xét nghiệm máu khác nhau, bao gồm:

  • Xét nghiệm tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu)
  • Xét nghiệm đánh giá các chất hoặc khoáng chất trong máu như chất điện giải, glucose, protein, albumin, AST, ALT, urê, creatinin và hormone… để khảo sát chức năng của một hay nhiều cơ quan. 
  • Xét nghiệm miễn dịch
  • Xét nghiệm vi sinh…
Kết quả xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán các vấn đề sức khỏe nhưng không phải là cơ sở duy nhất. Trong nhiều trường hợp, kết quả xét nghiệm máu bất thường không có nghĩa là bạn đang mắc một bệnh lý nghiêm trọng.

Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư cổ tử cung không?

Xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ phát hiện dấu ấn ung thư vì trong thành phần máu có chứa các protein đặc biệt do các hormone hoặc tế bào ung thư sản sinh. Dựa vào kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể phát hiện ung thư thông qua một số chất “chỉ điểm” (hay còn gọi là dấu ấn sinh học khối u hoặc marker ung thư) như AFP (trong ung thư gan), PSA (ung thư tuyến tiền liệt), CEA (trong ung thư đường tiêu hóa, ung thư biểu mô tuyến), CA 15-3 (trong ung thư vú), CA 12-5 (trong ung thư buồng trứng), CA 19.9 (trong ung thư tuyến tụy, ung thư đường mật)… Tuy nhiên, những chất chỉ điểm này không đặc hiệu và không hoàn toàn chứng minh bệnh mà chỉ có ý nghĩa để theo dõi và tiên lượng bệnh trong quá trình điều trị. 

Để chẩn đoán ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm những xét nghiệm chuyên sâu hơn. Vì vậy, cần khẳng định rằng, các chỉ số xét nghiệm máu để tầm soát ung thư cổ tử cung không thể hiện được 100% bản chất ung thư mà chỉ giúp xác định dấu ấn ung thư để bác sĩ dễ dàng chẩn đoán.

Kết quả xét nghiệm các thành phần trong máu là một phần quan trọng trong việc chẩn đoán và đánh giá hầu hết các bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư cổ tử cung. Nhưng nó không hoàn toàn chứng minh một người mắc ung thư cổ tử cung. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu hơn.

Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư cổ tử cung không

Dựa trên nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Phòng chống Ung thư Châu Á Thái Bình Dương (APJCP) năm 2019, theo NCBI (Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ), nghiên cứu này thực hiện trên 282 bệnh nhân ung thư cổ tử cung (UT CTC) điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sanglah để tìm hiểu xem tỷ lệ bạch cầu trung tính trên tế bào lympho (NLR) và tỷ lệ tiểu cầu trên tế bào lympho (PLR) trước khi điều trị có thể được sử dụng để dự đoán giai đoạn ung thư cổ tử cung hay không.
Kết quả cho thấy giá trị trung vị NLR và PLR cao hơn đáng kể ở giai đoạn bệnh tiến triển so với giai đoạn sớm. Mặt khác, các nhà khoa học cũng nhận thấy mối tương quan giữa các giai đoạn UT CTC với các chỉ số NLR, PLR. Do vậy, kết luận của nghiên cứu cho thấy chỉ số NLR và PLR tăng cao có thể cung cấp thông tin hữu ích trong việc dự đoán UT CTC. 
Mặc dù vậy, nghiên cứu này chỉ được thực hiện trên một nhóm nhỏ bệnh nhân UT CTC (282 người). Nhóm đối tượng tham gia thực hiện nghiên cứu không đại diện cho tất cả bệnh nhân ung thư cổ tử cung ở các độ tuổi, quốc gia… Vì vậy, thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo.

Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung chuyên sâu

Để chẩn đoán ung thư cổ tử cung, đầu tiên có thể bác sĩ sẽ trao đổi và hỏi bạn những thông tin liên quan đến sức khỏe, các bệnh lý phụ khoa mắc phải, đời sống tình dục, tiền sử sinh con, tình trạng kinh nguyệt của bạn.

Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư cổ tử cung không
Y học hiện đại có nhiều phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, bao gồm xét nghiệm HPV và xét nghiệm tế bào học cổ tử cung

Bạn cũng có thể được thăm khám vùng chậu, âm đạo, cổ tử cung. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc ung thư cổ tử cung, bạn sẽ phải thực hiện nhiều xét nghiệm để làm cơ sở chẩn đoán, bao gồm: 

1. Xét nghiệm Pap (Pap smear)

Xét nghiệm Pap là gì? Xét nghiệm phết tế bào Pap còn được gọi là xét nghiệm Pap (Pap smear) hay phết tế bào cổ tử cung, là một xét nghiệm tế bào học phổ biến để tầm soát phát hiện ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

Khi thực hiện xét nghiệm phết tế bào Pap, bác sĩ sẽ thu thập các tế bào từ cổ tử cung để kiểm tra những thay đổi bất thường ở các tế bào này. Điều này cho phép bác sĩ phát hiện sớm những dấu hiệu điển hình của ung thư cổ tử cung trong giai đoạn khởi phát (tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn tại chỗ) để tăng cơ hội chữa khỏi bệnh.

2. Xét nghiệm human papillomavirus (HPV)

 Xét nghiệm HPV tìm kiếm các chủng HPV có liên quan đến ung thư cổ tử cung. Có khoảng 14 loại HPV được coi là có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung. Hai trong số các loại này là HPV 16 và HPV 18 gây ra khoảng 70 trong số 100 (70%) trường hợp ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, một số loại HPV khác cũng có khả năng gây ung thư cổ tử cung bao gồm: 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59.

Xét nghiệm HPV đôi khi có thể được thực hiện cùng với xét nghiệm Pap.

3. Soi cổ tử cung

Phương pháp này sử dụng công cụ phóng đại có đèn để quan sát kỹ hơn âm đạo, âm hộ và cổ tử cung để phát hiện bất thường ở cấp độ tế bào.

4. Sinh thiết cổ tử cung

Trong quá trình sinh thiết cổ tử cung, một mẫu mô nhỏ sẽ được lấy ra để kiểm tra trong phòng thí nghiệm (có thể sinh thiết bằng kim lõi hoặc khoét chóp cổ tử cung). Xét nghiệm này thường được thực hiện cùng lúc với soi cổ tử cung. 

5. Nội soi bàng quang

Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng có đèn và ống kính camera ở một đầu, gọi là ống nội soi vào bàng quang của bạn. Xét nghiệm này có thể xem liệu ung thư đã lan rộng hay xâm lấn vào bàng quang hay chưa.

6. Xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh như Xquang, siêu âm, chụp CT và MRI được sử dụng để tạo ra hình ảnh chi tiết về vùng chậu, bụng, hạch bạch huyết và cổ tử cung cũng như các cơ quan khác. Họ có thể giúp các bác sĩ đánh giá xem ung thư có lan rộng hay không.

Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung 

5 chỉ số xét nghiệm sau đây thường được bác sĩ xem xét trong quá trình tầm soát các loại ung thư thường gặp.

1. Chỉ số CEA (Carcinoembryonic antigen)

Nồng độ CEA ở người bình thường giới hạn từ 0 – 2.5mcg trong 1 lít máu (mcg/L). Với người thường xuyên hút thuốc lá, nồng độ CEA có thể tăng giới hạn bình thường đến 5 mcg/L. Chỉ số CEA cũng là một trong những chỉ số xét nghiệm ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản, ung thư vú và một số bệnh ung thư khác.

2. Chỉ số CA 125

CA 125 là một trong những chỉ số xét nghiệm dấu ấn ung thư. Khi có tế bào ung thư buồng trứng, ung thư phổi, ung thư vú và các ung thư đường tiêu hóa thì CA 125 có nồng độ cao hơn.

3. Chỉ số SCC (SCCA – Squamous Cell Carcinoma Antigen)

Nồng độ huyết thanh SCCA có liên quan đến giai đoạn của khối u, kích thước khối u, tồn lưu khối u sau khi điều trị, khả năng bệnh tái phát hoặc tiến triển, và tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.

Ung thư cổ tử cung được chia thành 2 loại là ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào gai. Do đó tùy theo từng loại, có thể dự đoán rằng CEA sẽ tăng trong loại UTBM tuyến và SCC sẽ tăng trong loại UTBM gai.

4. Chỉ số CYFRA 21-1

Chỉ số CYFRA 21-1 ở người bình thường nằm trong khoảng 0 – 3.3 ng/ml. CYFRA 21-1 tăng cao ở người có ung thư thực quản, ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư vú, tuyến tụy.

Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư cổ tử cung không
Nhiễm trùng do ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến nồng độ bạch cầu tăng cao trong kết quả xét nghiệm máu – ảnh minh họa

5. Chỉ số chức năng thận, điện giải

Trường hợp khối u ở cổ tử cung phát triển to sẽ gây chèn ép vào niệu quản ở 2 bên, khiến nước tiểu không thể bài tiết từ thận xuống bàng quang được. Điều này sẽ dẫn đến suy thận. Lúc này, xét nghiệm chức năng thận sẽ thấy ure và creatinin tăng, hệ quả kéo theo là rối loạn điện giải, tăng kali máu.

Chỉ số bạch cầu tăng có phải đã mắc bệnh ung thư cổ tử cung?
Số lượng bạch cầu tăng cao có thể là dấu hiệu của một số loại ung thư. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh ung thư đều làm tăng số lượng tế bào máu của bạn.
Nhiễm trùng do ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến nồng độ bạch cầu tăng cao. Nhưng số lượng bạch cầu tăng không được coi là dấu hiệu tiêu chuẩn để chẩn đoán ung thư cổ tử cung.

Xét nghiệm ung thư cổ tử cung giá bao nhiêu?

Sau khi tìm hiểu xét nghiệm máu có phát hiện ung thư cổ tử cung không, bạn cũng có thể muốn biết xét nghiệm máu để tầm soát ung thư cổ tử cung giá bao nhiêu.

Thực tế, không có mức chi phí cố định cho phương pháp xét nghiệm máu tầm soát ung thư cổ tử cung và những phương pháp xét nghiệm khác. Mức chi phí có thể dao động tùy thuộc vào nhiều yếu tố như địa điểm thực hiện và cơ sở y tế. 
Thông thường, giá của một xét nghiệm máu để tầm soát ung thư cổ tử cung có thể nằm trong khoảng từ 1.000.000 đến 3.000.000 VNĐ. Tuy nhiên, để có thông tin chính xác và cập nhật nhất, bạn nên liên hệ trực tiếp với các cơ sở y tế hoặc phòng khám để được tư vấn cụ thể về chi phí và quy trình xét nghiệm.

Kết luận

Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư cổ tử cung không

Tóm lại, kết quả xét nghiệm máu không phải là cơ sở duy nhất để bác sĩ chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, đây là một xét nghiệm quan trọng và có thể sẽ là một phần của bất kỳ quy trình xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung nào. 

Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp rõ ràng thắc mắc xét nghiệm máu có phát hiện ung thư cổ tử cung không. Việc chấp nhận bản thân đang mắc ung thư cổ tử cung hoặc bất kỳ một loại ung thư nào đó thường không phải là điều dễ dàng. Nếu bạn cần bất kỳ sự hỗ trợ nào trong quá trình sống chung, điều trị và chiến đấu với bệnh, hãy tìm đến các tổ chức hỗ trợ phi lợi nhuận sau đây:

Bạn cũng có thể để lại bình luận hoặc các thắc mắc liên quan đến bệnh ung thư hoặc cách đồng hành với người bệnh ung thư dưới bài viết này để được đội ngũ chuyên gia của Hello Bacsi hỗ trợ giải đáp.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Signs and Symptoms of Cervical Cancer

https://www.cancer.org/cancer/types/cervical-cancer/detection-diagnosis-staging/signs-symptoms.html

Ngày truy cập: 13/6/2024

Pap smear 

https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/pap-smear/about/pac-20394841

Ngày truy cập: 13/6/2024

Tests for Cervical Cancer

https://www.cancer.org/cancer/types/cervical-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html

Ngày truy cập: 13/6/2024

Pretreatment Neutrophil-to-Lymphocyte ratio (NLR) and Platelet-to-Lymphocyte Ratio (PLR) as a Predictive Value of Hematological Markers in Cervical Cancer

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6825764/

Ngày truy cập: 13/6/2024

Blood tests for cervical cancer
http://cancerresearchuk.org/about-cancer/cervical-cancer/getting-diagnosed/tests-stage/blood-tests

Ngày truy cập: 13/6/2024

Phiên bản hiện tại

01/07/2024

Tác giả: Đài Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Bị đau bụng dưới rốn ở nữ là bệnh gì? 6 nguyên nhân thường gặp 

Bị đau ngực bên trái ở nữ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Kiến Bình

Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 01/07/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo