backup og meta

Bệnh cường giáp: Những thông tin sức khỏe bạn cần biết!

Bệnh cường giáp: Những thông tin sức khỏe bạn cần biết!
Bệnh cường giáp: Những thông tin sức khỏe bạn cần biết!

Bệnh cường giáp liên quan đến tình trạng tăng cường chức năng của tuyến giáp gây ra nhiều triệu chứng trên cơ thể và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị thích hợp.

Cường giáp là một căn bệnh thường gặp ở nữ giới hơn so với nam giới. Nếu không được điều trị và kiểm soát tốt, người bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây từ Hello Bacsi nhé!

Cường giáp là bệnh gì? 

Cường giáp hoặc cường chức năng tuyến giáp là một bệnh lý xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức cần thiết. Tuyến giáp vốn là một tuyến nội tiết quan trọng có hình dạng giống như con bướm, nằm ở phía trước cổ và có vai trò tiết ra hormone tuyến giáp (bao gồm tetraiodothyronine T4, triiodothyronine T3) để kiểm soát nhiều hoạt động trong cơ thể. Một số chức năng của tuyến giáp gồm kiểm soát lượng canxi trong máu, tăng cường quá trình trao đổi chất, điều hòa thân nhiệt, kích thích hoạt động của tim và hệ thần kinh. Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, lượng hormone tiết ra sẽ tăng lên và dẫn đến nhiều triệu chứng bệnh cường giáp liên quan đến việc tăng tốc độ trao đổi chất, còn gọi là trạng thái siêu trao đổi chất.

Bệnh basedow (hay bệnh Graves) là nguyên nhân phổ biến nhất gây cường giáp, chiếm gần 90% ca cường giáp. Đây là một bệnh lý rối loạn tự miễn khiến tuyến giáp phì đại dẫn đến tăng hoạt động quá mức, đôi khi kèm theo các vấn đề về mắt. Tuy nhiên, một số ít trường hợp người bệnh basedow chỉ có triệu chứng mắt mà không có biểu hiện cường giáp.

[embed-health-tool-ovulation]

Bệnh cường giáp có triệu chứng gì? 

triệu chứng bệnh cường giáp

Các triệu chứng cường giáp có thể diễn ra từ từ hoặc đột ngột. Thông thường, triệu chứng cường giáp chỉ bộc phát ở mức trung bình nhưng cũng có trường hợp diễn ra trầm trọng gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người bệnh.

Các triệu chứng cường giáp thường gặp bao gồm:

  • Lo lắng, bứt rứt, khó ở
  • Tăng động, thường khó ngồi yên và cảm thấy dư năng lượng
  • Nhịp tim nhanh bất thường, đánh trống ngực
  • Tâm trạng bất ổn
  • Khó ngủ, thiếu ngủ, mất ngủ
  • Mệt mỏi suốt ngày
  • Nhạy cảm với nhiệt độ (thấy quá nóng hoặc quá lạnh)
  • Yếu nhược cơ
  • Tiêu chảy
  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày
  • Thường xuyên cảm thấy khát nước dù đã uống nhiều nước
  • Ngứa da, phát ban da
  • Gặp vấn đề ở mắt như đỏ mắt, khô mắt, giảm thị lực
  • Giảm ham muốn tình dục…

Ngoài ra, bệnh cường giáp cũng gây ra nhiều dấu hiệu cường giáp nhận thấy được bên ngoài như:

  • Sưng phù vùng cổ do tuyến giáp phát triển lớn bất thường (còn gọi là bướu cổ)
  • Bị co giật, run rẩy nhận thầy rõ ở 2 tay
  • Da nóng ẩm và đổ nhiều mồ hôi
  • Lòng bàn tay đỏ rực
  • Móng tay, móng chân trở nên giòn hơn, tự gãy
  • Rụng tóc nhiều
  • Sụt cân dù vẫn ăn uống đầy đủ. 

Nếu nhận biết có một số biểu hiện trong các dấu hiệu và triệu chứng trên thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra tình trạng tuyến giáp. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Một vài trường hợp người bệnh cường giáp không được chẩn đoán, điều trị sớm hoặc không tuân thủ điều trị sẽ khởi phát cơn bão giáp trạng. Đây là tình trạng các hormone tuyến giáp tăng cao đột ngột trong máu dẫn đến nhiều triệu chứng dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng, bao gồm:

  • Nhịp tim tăng cao hơn 140 nhịp/ phút và rung nhĩ
  • Sốt cao liên tục
  • Đổ mồ hôi liên tục
  • Run rẩy toàn thân không thể kiềm chế
  • Kích động, hoảng loạn
  • Lú lẫn, mất nhận thức
  • Hôn mê

Khi có những triệu chứng này, người bệnh cần được đưa đến trung tâm y tế cấp cứu càng nhanh càng tốt.

Nguyên nhân gây bệnh cường giáp 

người bệnh cường giáp

1. Nguyên nhân cường giáp 

Nguyên nhân cường giáp thường liên quan đến yếu tố di truyền nhiều hơn là do ảnh hưởng từ lối sống. Một vài nguyên do gây cường giáp là:

1.1. Bệnh Graves

Bệnh Graves (hay basedow), một rối loạn tự miễn, là nguyên nhân gây cường giáp phổ biến nhất. Khi mắc bệnh Graves, hệ miễn dịch của bạn sẽ tự tạo ra các kháng thể tấn công tuyến giáp và kích thích tuyến này sản xuất nhiều hormone T4 hơn gây ra cường giáp.

Không những vậy, đây còn là một rối loạn có tính di truyền và thường xảy ra chủ yếu đối với phụ nữ. Vì vậy, nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh basedow, bạn cần cho bác sĩ biết điều này khi đi khám và làm xét nghiệm chẩn đoán cường giáp.

1.2. U tuyến giáp

Tuyến giáp có thể phát triển các khối u làm tăng sản sinh các hormone tuyến giáp. Bác sĩ có thể gọi đây là tình trạng bướu giáp độc đa nhân gây ra cường giáp. U tuyến giáp thường lành tính, hiếm có trường hợp là ung thư.

1.3. Viêm tuyến giáp

bệnh viêm tuyến giáp

Đôi khi tuyến giáp của bạn có thể bị viêm sau khi mang thai, viêm do rối loạn miễn dịch hoặc thậm chí là không rõ nguyên nhân. Khi bị viêm tuyến giáp, bạn có thể cảm thấy đau hoặc không. Bên cạnh đó, tình trạng này còn có thể khiến lượng hormone do tuyến giáp sản xuất bị lưu trữ dư thừa và “rò rỉ” vào máu. Vì vậy mà viêm tuyến giáp cũng có thể là một trong những nguyên nhân cường giáp.

1.4. U tuyến yên giải phóng TSH (thyrotropinoma)

Khối u ở tuyến yên làm tăng giải phóng hormone TSH – một hormone kích thích tuyến giáp. Khi hormone TSH dư thừa cũng sẽ khiến tuyến giáp giải phóng quá mức các hormone tuyến giáp dẫn đến cường giáp. Đây là một nguyên nhân hiếm gặp gây ra cường giáp.

1.5. Tiêu thụ quá nhiều i ốt  

I ốt là một khoáng chất mà tuyến giáp sử dụng để tạo ra các hormone. Vì vậy, nguyên nhân cường giáp xảy ra còn có thể do bạn tiêu thụ quá nhiều i ốt từ chế độ ăn uống hoặc sử dụng thuốc. Ví dụ, việc dùng thuốc chứa lượng i ốt cao như amiodarone cũng có thể gây ra cường giáp.

2. Những yếu tố nguy cơ 

Bạn sẽ có khả năng cao bị cường giáp nếu có những yếu tố nguy cơ sau:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp hoặc bệnh tự miễn, đặc biệt là bệnh basedow
  • Tiền sử bệnh cá nhân mắc bệnh mãn tính, bao gồm thiếu máu ác tínhsuy tuyến thượng thận nguyên phát
  • Giới tính, nữ giới có nguy cơ mắc cường giáp cao hơn nam giới khoảng 3 lần
  • Hút thuốc lá
  • Mới mang thai gần đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm giáp sau sinh.

Bệnh cường giáp được chẩn đoán và điều trị như thế nào? 

1. Chẩn đoán 

Quá trình chẩn đoán bệnh cường giáp sẽ bắt đầu từ việc thăm khám triệu chứng lâm sàng, đánh giá tiền sử bệnh và làm một số xét nghiệm cường giáp cần thiết, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để đo hàm lượng hormone tuyến giáp (T3, T4). Khi bị cường giáp, nồng độ T3, T4 trong máu sẽ cao hơn bình thường và hormone kích thích tuyến giáp TSH sẽ thường thấp hơn bình thường.
  • Xét nghiệm máu tìm kháng thể tuyến giáp giúp xác định nguyên nhân gây cường giáp có phải do bệnh basedow hay không.
  • Xét nghiệm hình ảnh bằng siêu âm hoặc quét hấp thu phóng xạ i ốt để quan sát hình ảnh tuyến giáp.

Xét nghiệm cường giáp có cần nhịn ăn không?

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp để chẩn đoán cường giáp không bắt buộc người bệnh phải nhịn ăn trước lấy máu xét nghiệm. Một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng sử dụng các loại thuốc có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về quá trình xét nghiệm cường giáp, bạn nên hỏi lại nhân viên y tế để được hướng dẫn chính xác, đảm báo kết quả xét nghiệm không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác.

2. Điều trị 

diều trị bệnh cường giáp

Phác đồ điều trị cường giáp ở mỗi người bệnh sẽ khác nhau tùy theo mức độ hoạt động của tuyến giáp, nguyên nhân bệnh và những yếu tố sức khỏe khác. Bác sĩ đánh giá cụ thể trên từng người bệnh để đưa ra phương án điều trị cường giáp phù hợp nhất. Các lựa chọn trong điều trị cường giáp gồm:

  • Thuốc kháng giáp: Các loại thuốc như methimazole, propylthiouracil sẽ ngăn chặn khả năng sản xuất hormone tuyến giáp. Đây cũng là nhóm thuốc điều trị cường giáp phổ biến nhất, dùng để kiểm soát chức năng tuyến giáp trong vòng 2 – 3 tháng. Sau khi dùng thuốc, các triệu chứng cường giáp có thể giảm bớt trong vòng vài ngày đến vài tuần.
  • Liệu pháp i ốt phóng xạ (RAI): Liệu pháp này sẽ cho người bệnh uống i ốt phóng xạ dưới dạng viên nang hoặc dung dịch lỏng. I ốt phóng xạ sẽ tác động đúng mục tiêu trên các tế bào tuyến giáp và phá hủy chúng để chữa bệnh cường giáp. Hầu hết người bệnh sử dụng liệu pháp RAI sẽ phải dùng thuốc hormone tuyến giáp (levothyroxine) đến hết đời để duy trì được hormone tuyến giáp ở mức bình thường.
  • Thuốc chẹn beta: Nhóm thuốc này sẽ kiểm soát các triệu chứng cường giáp như nhịp tim nhanh, lo lắng, run rẩy tay chân. Tuy nhiên, thuốc chẹn beta không làm thay đổi mức hormone tuyến giáp nên sẽ cần dùng phối hợp với phương pháp điều trị cường giáp khác.
  • Phẫu thuật: Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp. Cách thức này giúp điều trị cường giáp nhưng thường dẫn đến suy giáp, nên sau đó bạn cần uống thuốc hormone tuyến giáp suốt đời.

Mỗi phương pháp đều có những lợi ích và rủi ro đi cùng. Bác sĩ sẽ cân nhắc đánh giá và giải thích về lựa chọn điều trị phù hợp dành cho bạn để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất có thể.

Bệnh cường giáp và các thắc mắc thường gặp 

1. Bệnh cường giáp có lây không, có nguy hiểm không? Bệnh cường giáp sống được bao lâu? 

bệnh cường giáp

Khi được chẩn đoán mắc bệnh cường giáp, nhiều người sẽ cảm thấy hoang mang và xuất hiện nhiều câu hỏi như “bệnh cường giáp có nguy hiểm không?”, “bệnh cường giáp có lây không?” hay “bệnh cường giáp sống được bao lâu?”. Đây là phản ứng hết sức bình thường khi nghe về một căn bệnh mà ta chưa hiểu hết. Vậy nên hãy cùng giải đáp từng thắc mắc một ngay sau đây: 

Trước hết, bệnh cường giáp có nguy hiểm không thì còn tùy vào việc phát hiện và điều trị. Cơ bản thì cường giáp có thể điều trị được và hầu hết trường hợp đều đáp ứng tốt với phương pháp điều trị. Tuy nhiên, nếu cường giáp không được điều trị và theo dõi thì sẽ trở nên nghiêm trọng, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như rung nhĩ, suy tim sung huyết, đột quỵ do thiếu máu cục bộ, loãng xương, cơn bão giáp trạng…

Về khả năng lây nhiễm thì bệnh tuyến giáp không phải là bệnh truyền nhiễm từ người sang người do không có tác nhân gây nhiễm trùng. Bệnh chủ yếu liên quan đến yếu tố di truyền, mang tính gia đình khi bạn có người thân cận bị cường giáp thì nguy cơ cao sẽ mắc bệnh.

Tiên lượng sống của người bệnh cường giáp thường khả quan khi được điều trị tích cực. Sau khoảng 1 – 2 năm điều trị, tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên đến khoảng 70%. Tùy theo phương pháp điều trị, bạn có thể cần dùng thuốc hormone tuyến giáp cả đời để duy trì nồng độ hormone ở mức bình thường. Sau khi điều trị cường giáp, người bệnh chỉ cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi chức năng tuyến giáp, ngăn ngừa tái phát.

2. Mắc bệnh cường giáp có phải là ung thư không, có chữa khỏi được không? 

Cường giáp không phải là ung thư tuyến giáp, hai bệnh lý này hoàn toàn khác nhau. Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức gây tiết ra nhiều hormone hơn bình thường làm tăng tốc độ trao đổi chất, dẫn đến các triệu chứng liên quan. Ung thư tuyến giáp lại là tình trạng tế bào tuyến giáp tăng sinh bất thường, mất kiểm soát tạo thành khối u ác tính ở tuyến giáp.

Cường giáp thực chất là hội chứng xuất hiện do nhiều bệnh lý khác nhau gây ra, chẳng hạn như bệnh basedow, viêm tuyến giáp, nhiễm độc tuyến giáp… Thậm chí, ung thư tuyến giáp cũng có khi gây ra triệu chứng cường giáp.

Bệnh cường giáp có khả năng chữa khỏi hoàn toàn nếu tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị. Người bệnh cần điều trị trong thời gian dài để đưa hoạt động tuyến giáp trở về như bình thường, đồng thời dự phòng biến chứng bệnh. Sau khi chữa khỏi cường giáp, người bệnh vẫn cần thăm khám khoảng 3 tháng/ lần trong năm đầu tiên và khám định kỳ 1 năm/ lần sau đó để theo dõi, phòng ngừa tái phát.

3. Bị cường giáp chuyển sang suy giáp có nguy hiểm không?

bị cường giáp có chuyển sang suy giáp không

Tình trạng người bệnh bị cường giáp sau khi điều trị lại chuyển thành suy giáp khá thường gặp. Tuy nhiên, điều này không quá nguy hiểm và cũng không phức tạp để xử lý. Lúc này, người bệnh sẽ được điều chỉnh lại liều dùng thuốc và sử dụng thêm các thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ. Sau đó, tình trạng suy giáp sẽ được kiểm soát và sức khỏe phục hồi trở lại bình thường. Kích thước tuyến giáp cũng nhỏ bớt khi hết suy giáp.

Để hạn chế từ cường giáp chuyển sang suy giáp, người bệnh cần phải thăm khám thường xuyên trong quá trình điều trị bệnh cường giáp và tìm đến những bác sĩ chuyên môn giàu kinh nghiệm để được kê đơn thuốc với liều lượng hợp lý. Thông thường, người bệnh nên tái khám cách lần khám trước mỗi 4 – 8 tuần.

4. Có nên chữa cường giáp bằng các thảo dược Đông y hay không? 

Chữa cường giáp bằng Đông y thường được cá nhân hóa, tức là thầy thuốc sẽ dựa trên nguyên nhân và triệu chứng nhất của từng người bệnh mà đưa ra thuốc điều trị. Đông y không có sẵn các loại thuốc hoặc liệu trình tiêu chuẩn để chữa bệnh cường giáp.

Các phương pháp được sử dụng để điều trị cường giáp trong Đông y có thể là:

  • Sử dụng thảo dược (thuốc thang)
  • Châm cứu
  • Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi chữa cường giáp bằng Đông y thì bạn nên đến các viện y học cổ truyền uy tín để trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh và được thăm khám cẩn thận. Đôi khi, bác sĩ sẽ phối hợp dùng thuốc Tây y cùng với các phương pháp Đông y để đem lại hiệu quả điều trị tối ưu. Bạn không nên nghe theo các bài thuốc trị cường giáp dân gian được truyền miệng hay lan truyền trên các trang mạng không rõ nguồn gốc. Tự ý dùng thuốc mà không được thăm khám, chẩn đoán cụ thể về tình trạng bệnh sẽ khiến bạn có nguy cơ gặp phải nhiều tác dụng phụ hoặc phản tác dụng khi dùng các bài thuốc theo người khác.

5. Người bị cường giáp nên ăn gì và kiêng gì để quản lý các triệu chứng bệnh? 

Người bị cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm sau
Người bị cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm sau

Chế độ ăn uống cũng là điều mà người bệnh cường giáp cần quan tâm. Thực tế, thực phẩm có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone và chức năng của tuyến giáp. Một số chất dinh dưỡng và khoáng chất có thể góp phần kiểm soát các triệu chứng cơ bản. Trong khi đó, một số dưỡng chất khác lại khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn nếu bổ sung nhiều. Vậy người bị cường giáp nên ăn gì và không nên ăn gì?

Các thực phẩm người bệnh cường giáp nên ăn gồm:

  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau củ, trái cây nhưng cần lựa chọn rau phù hợp. Ví dụ, rau cải rất phù hợp cho người bị cường giáp. Thế nhưng, bông cải xanh, bắp cải, những loại rau thuộc nhóm goitrogen lại có thể gây giảm hormone tuyến giáp nên nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến suy giáp sau khi điều trị.
  • Các thực phẩm giàu kẽm giúp bổ sung thêm lượng kẽm bị tiêu hao hết do tuyến giáp hoạt động quá mức. Thực phẩm giàu protein thường cũng là nguồn kẽm tốt, ngoài ra các loại hạt cũng cung cấp hàm lượng kẽm dồi dào.
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa để bổ sung canxi cho cơ thể. Bạn nên lựa chọn sữa ít béo, phô mai, sữa chua. Chú ý hàm lượng muối trong các loại phô mai, người bị cường giáp cần hạn chế lượng i ốt tiêu thụ.
  • Các thực phẩm giàu vitamin D để cơ thể hấp thu canxi tốt hơn. Hãy tăng cường ăn cá hồi, trứng, nấm hoặc có thể bổ sung vitamin D theo khuyến cáo của bác sĩ.
  • Thực phẩm giàu protein và axit béo omega-3 để làm giảm hoạt động của tuyến giáp.

Cùng với đó, những thực phẩm người bệnh cường giáp cần kiêng ăn gồm:

  • Các thực phẩm dễ gây dị ứng hoặc từng gây dị ứng cho bạn, chẳng hạn như thực phẩm chứa gluten, đậu phộng, hải sản…
  • Những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao sẽ làm mất kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Các nguồn chất béo không lành mạnh gồm chất béo chuyển hóachất béo bão hòa có thể làm cho phản ứng viêm trầm trọng hơn. Bạn nên hạn chế ăn thịt đỏ, các thực phẩm chiên nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn…
  • Rượu và caffeine có thể gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tâm trạng, chức năng tuyến giáp cũng như gây tương tác với thuốc điều trị cường giáp.
  • Thực phẩm giàu i ốt sẽ khiến cho tuyến giáp hoạt động nhiều hơn, khiến triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Do đó, bạn cần kiêng ăn các thức ăn có hàm lượng i ốt cao như các loại rong biển, cá biển, hải sản có vỏ, gia vị muối i ốt, lòng đỏ trứng, gan bò, sữa nguyên kem…
  • Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành (đậu hũ, sữa đậu nành, dầu đậu nành, nước tương, đậu tương lên men natto). Trong đậu nành chứa goitrogen khi tiêu thụ một lượng lớn có thể gây phì đại tuyến giáp. Ngoài ra, đậu nành có thể cản trở sự hấp thu i-ốt phóng xạ để điều trị bệnh cường giáp.

bệnh cường giáp

Cụ thể hơn, một số thắc mắc thường gặp về việc ăn uống khi mắc bệnh cường giáp gồm:

  • Cường giáp ăn khoai lang được không? Người bệnh cường giáp có thể ăn khoai lang được vì chỉ số đường huyết của khoai lang không quá cao, còn bổ sung thêm vitamin A, chất xơ, vitamin C cùng nhiều dưỡng chất khác. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều, có thể ăn 2 – 3 củ khoai lang mỗi ngày sẽ giúp mang lại lợi ích cho sức khỏe.
  • Bị cường giáp có uống sữa đậu nành được không? Như đã đề cập phía trên, người bị cường giáp nên hạn chế uống sữa đậu nành vì có thể làm tăng kích thước tuyến giáp. Dù vậy, bạn vẫn có thể uống một lượng nhỏ, không thường xuyên nếu yêu thích thức uống này. Trong sữa đậu nành vẫn cung cấp lượng protein cần thiết cho cơ thể. Lưu ý, bạn nên uống sữa đậu nành sau khi uống thuốc tuyến giáp 3 – 4 giờ để tránh làm tác dụng của thuốc.
  • Bệnh cường giáp ăn chuối được không? Chuối là loại trái cây giàu kali, phospho cùng nhiều vitamin và khoáng chất khác rất phù hợp cho người bị cường giáp. Bạn có thể ăn chuối như bình thường cùng các loại trái cây khác.
  • Cường giáp có nên uống nước dừa không? Người bị cường khác hoàn toàn uống được nước dừa vì trong đó chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Bạn không cần phải hạn chế hay kiêng khem khi muốn uống thức uống mát lành này.
  • Bị cường giáp có uống canxi được không? Người bệnh cường giáp cần được bổ sung thêm canxi, vitamin D để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, phòng ngừa loãng xương. Do đó, người bệnh thường được khuyến khích bổ sung những thực phẩm giàu canxi vào chế độ ăn uống. Nếu cảm thấy khẩu phần ăn chưa đáp ứng đủ nhu cầu canxi, bạn có thể uống bổ sung canxi thông qua sữa hoặc sản phẩm/ thuốc bổ sung canxi sau khi hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Vì sao người bệnh cường giáp không nên ăn hải sản? Các loại hải sản thường chứa hàm lượng i ốt cao nên người bị cường giáp cần hạn chế nhóm thực phẩm này. Theo khuyến cáo, người bệnh cường giáp chỉ nên tiêu thụ khoảng 0,15mg muối i ốt mỗi ngày. Ăn nhiều i ốt sẽ làm tăng sản xuất hormone tuyến giáp, khiến các triệu chứng nặng hơn và ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.

6. Bị cường giáp có uống sữa được không? Các loại sữa dành cho người bị cường giáp?

bị cường giáp có uống sữa được không

Người bệnh cường giáp thường bị rối loạn chuyển hóa canxi máu và cơ thể sẽ chuyển hóa canxi từ xương để bù đắp cho sự thiếu hụt này, dẫn đến nguy cơ bị loãng xương. Do đó, người bị cường giáp cần bổ sung thêm canxi, vitamin D từ các thực phẩm giàu các dưỡng chất này, đặc biệt là sữa. Một số sản phẩm sữa dinh dưỡng y học dành cho người bệnh cường giáp sẽ góp phần làm quá trình điều trị bệnh tốt hơn, cải thiện các triệu chứng khó chịu, mệt mỏi.

Sữa dành cho người bị cường giáp cần đáp ứng các tiêu chí:

  • Giàu năng lượng để đáp ứng nhu cầu calo lớn do tỷ lệ trao đổi chất tăng lên khi cường giáp
  • Giàu protein để bổ sung dinh dưỡng, cải thiện tình trạng mệt mỏi, sụt cân
  • Bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết như canxi, vitamin D, vitamin B, magie, kali…
  • Hàm lượng i ốt thấp.

Bạn có thể tham khảo các thương hiệu sữa sau đây cho người bị cường giáp:

  • Anlene Gold
  • Ensure Gold
  • NutriGold Bone
  • Leanpro Thyro LID
  • Pediasure Complete (phù hợp cho trẻ em bị cường giáp).

7. Người bệnh cường giáp muốn tăng cân phải làm sao? 

Người bệnh cường giáp thường bị sụt cân dù vẫn ăn uống bình thường. Để có thể cải thiện cân nặng, trước hết bạn phải đảm bảo tuân thủ theo phác đồ điều trị cường giáp, tiếp đến là kết hợp với thay đổi lối sống, chế độ ăn uống. Cách tăng cân cho người bị cường giáp là xây dựng một kế hoạch ăn uống với đầy đủ các nhóm thực phẩm tốt sau đây:

  • Thực phẩm giàu canxi và vitamin D như sữa ít béo, phô mai, sữa chua…
  • Thực phẩm giàu axit béo omega-3 gồm trứng gà, cá hồi, gan cá, dầu oliu, hạt óc chó
  • Thực phẩm giàu kẽm như các loại hạt hạnh nhân, hạt bí, óc chó…
  • Thực phẩm giàu đạm thực vật như các loại đậu, hạt chia, yến mạch… hoặc đạm động vật từ thịt nạc, thịt gà
  • Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trái cây, rau lá xanh…

Bên cạnh đó, bệnh cường giáp thường khiến quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn nên người bệnh cần ăn nhiều bữa ăn trong ngày để đảm bảo cơ thể nhận đủ dưỡng chất. Khoảng cách giữa các bữa ăn không nên quá 3 giờ để cơ thể nhận đủ năng lượng và dinh dưỡng cần thiết.

8. Uống thuốc cường giáp bị tăng cân có đáng lo, có được tập thể dục để giảm cân không? 

uống thuốc cường giáp bị tăng cân

Uống thuốc cường giáp bị tăng cân là hiện tượng thường gặp phải khi điều trị bệnh cường giáp. Cân nặng bị sụt giảm trong lúc bị cường giáp sẽ trở lại khi bệnh đáp ứng với thuốc điều trị. Không những thế, người bệnh khi uống thuốc cường giáp còn tăng cân thêm vì quen với việc ăn nhiều hơn trong lúc bị bệnh. Để tránh bị tăng cân quá mức khi uống thuốc cường giáp, người bệnh cần có kế hoạch duy trì cân nặng khỏe mạnh thay vì tự ý ngưng sử dụng hoặc giảm liều dùng thuốc mà không có chỉ định từ bác sĩ.

Bạn có thể duy trì cân nặng bằng cách kiểm soát khẩu phần ăn cân bằng, tiêu thụ đủ nhu cầu năng lượng cần thiết và luyện tập thể dục vừa phải, đều đặn. Người bị cường giáp nên tập thể dục thường xuyên ở mức độ vừa phải khi đã điều trị bệnh ổn định, giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và duy trì cân nặng. Bạn có thể tham gia các hoạt động thể chất như đi bộ, tập các bài tập kéo giãn, tăng cường sức mạnh các nhóm cơ, thái cực quyền,… Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về mức độ tập luyện như thế nào là phù hợp để tránh gây kiệt sức, tăng nhịp tim, gây gánh nặng cho tim.

9. Mẹ bầu cường giáp khi mang thai có nguy hiểm không, có ảnh hưởng đến thai nhi không? 

Phụ nữ bị cường giáp khi mang thai có thể xảy ra trong 3 tháng đầu hoặc bị bệnh từ trước đó. Những trường hợp này, mẹ bầu có nguy cơ bị tiền sản giật, đẻ non, suy tim hoặc nhiễm độc giáp cấp. Nếu không kiểm soát tốt bệnh cường giáp trong lúc mang thai, thai nhi có nguy cơ bị chậm phát triển, mắc bệnh tim bẩm sinh, đẻ non, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh. Do đó, việc điều trị cường giáp cho phụ nữ mang thai là rất cần thiết.

Mẹ bầu bị cường giáp nhẹ có thể được theo dõi chặt chẽ mà chưa cần điều trị y khoa trong suốt quá trình mang thai. Nếu bị cường giáp nặng, bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc kháng giáp phù hợp và theo dõi nồng độ các hormone tuyến giáp thường xuyên, tránh để chuyển thành suy giáp.

10. Đang uống thuốc điều trị bệnh cường giáp có mang thai được không? 

Đang uống thuốc điều trị bệnh cường giáp có mang thai được không? 

Những phụ nữ bị cường giáp tốt nhất nên điều trị dứt bệnh, cơ thể ổn định lại bình thường mới nên có thai. Tuy nhiên, nếu lỡ mang thai trong quá trình uống thuốc điều trị bệnh cường giáp thì vẫn có thể giữ thai và chăm sóc thai nhi phát triển khỏe mạnh. Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc kháng giáp có thể dùng được khi mang thai và cho con bú với liều lượng thích hợp, không gây ảnh hưởng lớn đến thai nhi.

Do đó, khi đang uống thuốc cường giáp và phát hiện mang thai thì đừng tự ý ngưng sử dụng thuốc mà nên đến gặp bác sĩ để được thay đổi cách điều trị thích hợp. Bệnh cường giáp khi được kiểm soát tốt và đáp ứng điều trị thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

11. Mắc bệnh cường giáp khiến mắt lồi phải làm sao?

Mắt lồi do cường giáp thường gặp ở những người mắc bệnh basedow. Đây là một biến chứng ở mắt thường thấy trong khoảng 6 tháng sau khi chẩn đoán bệnh basedow. Diễn tiến của biến chứng này như sau:

  • Có cảm giác kích thích hoặc khó chịu ở mắt
  • Đỏ hoặc viêm kết mạc mắt
  • Chảy nước mắt hoặc bị khô mắt quá mức
  • Sưng mí mắt
  • Mắt lồi ra ngoài. 

Để điều trị biến chứng mắt lồi do cường giáp ở người bệnh basedow, bác sĩ thường chỉ định:

  • Điều trị nội khoa để ổn định chức năng tuyến giáp lại bình thường.
  • Nhỏ nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo để giữ ẩm cho mắt, giảm khô và trầy xước giác mạc.
  • Hướng dẫn các biện pháp làm giảm sưng, giảm áp lực lên mắt, tránh các tác nhân gây kích thích mắt như kê đầu cao hơn khi nằm, đeo kính râm khi ra ngoài trời nắng.
  • Khuyến cáo bỏ hút thuốc lá (nếu có) vì hút thuốc có thể làm các triệu chứng ở mắt trầm trọng hơn.

Điều trị cường giáp cùng với chăm sóc sức khỏe mắt sẽ giúp cải thiện tình trạng lồi mắt ở người bệnh basedow hiệu quả.

Hi vọng là với những thông tin mà Hello Bacsi chia sẻ trong bài, các độc gải đã hiêu rhơn về bệnh cường giáp, từ đó có các biện pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn nếu chẳng may mắc bệnh.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hyperthyroidism (Overactive Thyroid) https://www.niddk.nih.gov/health-information/endocrine-diseases/hyperthyroidism Ngày truy cập 16/3/2025

Hyperthyroidism (overactive thyroid) https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperthyroidism/symptoms-causes/syc-20373659 Ngày truy cập 16/3/2025

Hyperthyroidism https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14129-hyperthyroidism Ngày truy cập 16/3/2025

Overview – Overactive thyroid (hyperthyroidism) https://www.nhs.uk/conditions/overactive-thyroid-hyperthyroidism/ Ngày truy cập 16/3/2025

Hyperthyroidism https://www.thyroid.org/hyperthyroidism/ Ngày truy cập 16/3/2025

Hyperthyroidism https://medlineplus.gov/hyperthyroidism.html Ngày truy cập 16/3/2025

Thyroid Problems https://www.emedicinehealth.com/thyroid_problems/article_em.htm Ngày truy cập 16/3/2025

Bệnh cường giáp có nên uống sữa? Sữa dành cho người bệnh cường giáp https://www.dinhduongyhoc.com.vn/blogs/tu-van/sua-danh-cho-nguoi-benh-cuong-giap?srsltid=AfmBOorpaJCizmLT9DeDXNWOwd1t9c9kQB2UQ-G2l-6HqyqrXmldyOJZ Ngày truy cập 16/3/2025

Phiên bản hiện tại

02/04/2025

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Rối loạn tuyến giáp nguy hiểm như thế nào? Đọc ngay, đừng bỏ lỡ

Cường giáp và suy giáp khác nhau thế nào?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: Hôm qua

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo