backup og meta

Vì sao mệt mỏi trước kỳ kinh? Bạn nên làm gì để lấy lại năng lượng?

Vì sao mệt mỏi trước kỳ kinh? Bạn nên làm gì để lấy lại năng lượng?

Mệt mỏi trước kỳ kinh là một trong những triệu chứng phổ biến của hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome – PMS). Mệt mỏi không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Thế nhưng, đôi khi sự uể oải, bơ phờ và thiếu năng lượng có thể ảnh hưởng đến công việc và các hoạt động hàng ngày của bạn. Vì vậy, không ít chị em quan tâm đến việc tìm cách chống lại sự mệt mỏi trước ngày hành kinh để không bị trì trệ trong công việc, học tập…

Bạn đang tò mò nguyên nhân vì sao phụ nữ cảm thấy mệt mỏi trước khi “rụng dâu” hay làm sao để cải thiện sự mệt mỏi một cách hiệu quả? Hãy tham khảo thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp trong bài viết sau nhé! 

Nguyên nhân nào khiến bạn mệt mỏi trước kỳ kinh?

Chắc hẳn bạn đã biết, một số biểu hiện như mệt mỏi, chuột rút, đầy hơi, khó ngủ, thay đổi tâm trạng… là những những triệu chứng phổ biến của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Trong đó, tình trạng mệt mỏi trước kỳ kinh luôn là triệu chứng phổ biến nhất và ảnh hưởng đến nhiều chị em. Hiện không rõ nguyên nhân vì sao nhưng một số yếu tố có thể góp phần gây ra tình trạng này, bao gồm:

Sự thay đổi nội tiết tố

Sự dao động của nội tiết tố theo chu kỳ là một trong những yếu tố gây ra các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt, bao gồm cả cảm giác mệt mỏi.

Thiếu serotonin

Trước khi hành kinh mỗi tháng, mức serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh) có thể dao động đáng kể. Điều này có thể khiến mức năng lượng của bạn giảm mạnh. Song song đó, việc giảm serotonin cũng ảnh hưởng đến tâm trạng, góp phần gây ra chứng trầm cảm tiền kinh nguyệt cũng như các vấn đề giấc ngủ.

Mệt mỏi trước kỳ kinh do ảnh hưởng từ các triệu chứng PMS khác

mệt mỏi trước kỳ kinh

Tình trạng thiếu ngủ, khó ngủ do một số triệu chứng PMS khác như đau đầu, chuột rút, đầy hơi… cũng có thể khiến bạn mệt mỏi vào ban ngày. Đôi khi, nhiệt độ cơ thể có xu hướng tăng trước kỳ kinh cũng khiến bạn khó ngủ hơn. Một số nguyên nhân gây mất ngủ khác bao gồm căng thẳng, tiêu thụ thức uống chứa caffeine, trầm cảm… cũng có thể góp phần gây mệt mỏi trước kỳ kinh.

Cảm thấy mệt mỏi trước kỳ kinh có sao không?

Trong hầu hết trường hợp, cảm thấy mệt mỏi trước kỳ kinh là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn mệt mỏi nghiêm trọng đến mức suy nhược, kèm theo đó là một số bất ổn về cảm xúc thì đây có thể là những dấu hiệu của chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder – PMDD). Đây là một dạng PMS nghiêm trọng hơn và cần được điều trị.

Nói tóm lại, tình trạng mệt mỏi trước kỳ kinh không đáng lo. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy suy nhược, đầy hơi, đau đầu… trước kỳ kinh kèm theo các vấn đề về cảm xúc như dễ khóc, tức giận, buồn bã, cáu gắt, cảm thấy mất kiểm soát… thì cần đi khám để được tư vấn dùng thuốc điều trị phù hợp.

Mẹo giúp bạn chống lại sự mệt mỏi trước kỳ kinh

Việc phải trải qua tình trạng mệt mỏi trước kỳ kinh có thể khiến bạn không đủ năng lượng để đáp ứng công việc, học tập hoặc bất kỳ hoạt động nào. Nếu bạn bị suy nhược nghiêm trọng trước khi có kinh thì cách tốt nhất là nên đi khám. Ngược lại, nếu bạn chỉ cảm thấy mệt mỏi ở mức độ nhẹ đến trung bình thì có thể cải thiện tình trạng này bằng một số mẹo chăm sóc sức khỏe sau đây:

Bạn nên có thói quen đi ngủ lành mạnh

mệt mỏi trước kỳ kinh

Việc duy trì thói quen đi ngủ lành mạnh đặc biệt quan trọng trong những ngày trước khi có kinh. Một số thói quen chăm sóc giấc ngủ bạn nên áp dụng để ngủ ngon và giảm mệt mỏi trước kỳ kinh bao gồm:

  • Tắm nước ấm thư giãn vào buổi tối
  • Giảm thời gian sử dụng điện thoại, máy tính… ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ
  • Duy trì thói quen đi ngủ và dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, đảm bảo ngủ đủ 8 – 9 giờ/ ngày
  • Tránh ăn vặt, uống nhiều nước hoặc dung nạp caffeine trước giờ đi ngủ
  • Đảm bảo phòng ngủ mát mẻ, yên tĩnh và đủ tối để tránh gián đoạn giấc ngủ.

Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh

Khi cơ thể bị thiếu chất và vitamin có thể dẫn đến mệt mỏi, kể cả khi bạn không “đến tháng”. Vì vậy, chị em cần đảm bảo ăn uống lành mạnh và đủ chất mỗi ngày. Đồng thời, bạn cần tránh bỏ bữa, tránh rượu, tránh dung nạp thực phẩm và đồ uống nhiều đường (bánh ngọt, nước ngọt, nước tăng lực…) để duy trì mức năng lượng tốt hơn.

Đảm bảo bổ sung đủ nước hàng ngày

Việc cơ thể bị mất nước cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và khó tập trung. Đồng thời, khi cơ thể mất nước cũng khiến các triệu chứng PMS trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, chị em đừng quên uống nước thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi vận động khoảng 1 giờ.

Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên để cải thiện sự mệt mỏi trước kỳ kinh

Tình trạng uể oải và mệt mỏi trước kỳ kinh có thể khiến nhiều chị em không muốn vận động. Bạn có thể cho rằng nghỉ ngơi một chỗ là cách giúp giảm mệt nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Vận động và tập thể dục mới là cách giúp bạn tăng mức năng lượng, cải thiện sự tập trung và giảm bớt hầu hết triệu chứng PMS. Vì vậy, lời khuyên là bạn nên có kế hoạch tập thể dục phù hợp, điều độ để nhận được nhiều lợi ích sức khỏe hơn nhé!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

7 Ways to Fight Fatigue Before Your Period

https://www.healthline.com/health/womens-health/fatigue-before-period Truy cập ngày 27/07/2022

Causes of Fatigue: How to Fight Tiredness Before Your Period

https://flo.health/menstrual-cycle/health/pms-and-pmdd/PMS-fatigue Truy cập ngày 27/07/2022

Premenstrual syndrome (PMS)

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/premenstrual-syndrome/symptoms-causes/syc-20376780 Truy cập ngày 27/07/2022

Physical activity and your menstrual cycle

https://www.womenshealth.gov/getting-active/physical-activity-menstrual-cycle Truy cập ngày 27/07/2022

Premenstrual Dysphoric Disorder (PMDD)

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/premenstrual-dysphoric-disorder-pmdd Truy cập ngày 27/07/2022

Phiên bản hiện tại

27/07/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Mất kinh nguyệt: Nếu không phải có thai thì nguyên nhân là gì?

Ngứa nhũ hoa trước kỳ kinh nguyệt: Nguyên nhân do đâu?


Thông tin kiểm chứng bởi:

Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 27/07/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo