backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

U tinh hoàn là gì? Khối u tinh hoàn có phải là ung thư không?

Tham vấn y khoa: Trung tâm sức khỏe Nam Giới Men's Health · Nam khoa · Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 13/11/2023

U tinh hoàn là gì? Khối u tinh hoàn có phải là ung thư không?

U tinh hoàn là sự xuất hiện khối u bất thường ở tinh hoàn nam giới. Khối u này có thể đến từ các bệnh lý nam khoa thường gặp, nhưng cũng có thể là khối u từ tế bào ung thư.

Để biết cụ thể u tinh hoàn là gì, Hello Bacsi mời bạn đọc tiếp nội dung dưới đây! 

U tinh hoàn là gì?

U tinh hoàn là khối u bất thường xuất hiện bên trong tinh hoàn của nam giới. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ nam giới trong độ tuổi nào. Tuy nhiên, phổ biến nhất là nam giới ở độ tuổi từ 15 – 45.

Các khối u có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn. Khối u nằm ở bên tinh hoàn nào thì bên tinh hoàn đó sẽ cảm thấy nặng và có thể trông to hơn bình thường. Nó cũng có thể là khối u lành tính hoặc ác tính.

  • Khối u tinh hoàn lành tính: Khối u phát triển ở tinh hoàn nhưng không di căn sang các cơ quan khác.
  • Khối u tinh hoàn ác tính: Khối u phát triển ở tinh hoàn và sẽ di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể của nam giới.
Theo thống kế của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ – ACS (Hoa Kỳ, 2018), hơn 90% trường hợp nam giới có khối u tinh hoàn được chẩn đoán là ung thư tinh hoàn (Testicular Cancer). Các khối u này phát triển từ các tế bào mầm của tinh trùng.

Khối u tinh hoàn

Nguyên nhân gây ra khối u tinh hoàn là gì?

Tinh hoàn ẩn

Tinh hoàn ẩn hay tinh hoàn lạc chỗ là tình trạng tinh hoàn không nằm trong bìu mà lại nằm trong ổ bụng. Theo thống kê của Đại học và Hệ thống Y tế John Hopkins, những bé trai hoặc nam giới có tiền sử tinh hoàn ẩn có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn cao hơn 4 – 6 lần.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Theo thông tin từ Bệnh viện Mayo Clinic Hoa Kỳ, tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh ở nam giới có thể gây ra một số triệu chứng như: Tinh hoàn bị đau nhức, nhạy cảm với áp lực và có thể xuất hiện khối u ở tinh hoàn (cảm nhận được khi chạm vào).

Di truyền

Một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư tinh hoàn là do di truyền. Nếu trong gia đình bạn đã từng có người bị ung thư tinh hoàn thì khả năng cao là bạn cũng có thể mắc phải trong tương lai. Do đó, cách tốt nhất là bạn cần đi khám và tầm soát ung thư để sớm nhận biết và điều trị kịp thời.

Nang mào tinh hoàn

Nang mào tinh hoàn là sự xuất hiện khối u lành tính ở mào tinh hoàn. Bên trong khối u này chứa dịch lỏng trong suốt. Kích thước khối u nang mào tinh hoàn có thể nhỏ từ vài mm cho đến vài cm. Khi chạm vào vùng bìu, bạn sẽ cảm nhận bên trên mào tinh hoàn có thêm một khối u nhỏ nhô lên như hạt đậu.

Bạn có thể quan tâm:

Viêm mào tinh hoàn

Viêm mào tinh hoàn (Epididymitis) là bệnh xảy ra khi ống cuộn bên trên tinh hoàn bị sưng, đau, có thể kèm theo mủ. Chính vì các triệu chứng này mà khi quan sát từ bên ngoài, bạn sẽ tưởng như đó là một khối u xuất hiện bên trong tinh hoàn.

Triệu chứng khi có khối u ở tinh hoàn

Thông thường, trong giai đoạn đầu, khối u chưa phát triển lớn nên không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, bạn có thể nhận thấy một số triệu chứng chung bao gồm:

  • Khi chạm tay vào tinh hoàn sẽ thấy một khối u lồi lên
  • Có cảm giác nặng ở bên tinh hoàn có khối u
  • Thỉnh thoảng cảm giác đau tức sẽ lan rộng ra vùng bẹn và bụng dưới
  • Đặc biệt, khối u càng phát triển lớn thì các triệu chứng sẽ càng rõ rệt hơn.

Các giai đoạn phát triển của khối u ung thư tinh hoàn:

  • Giai đoạn tân sinh: Các tế bào bất thường đã phát triển nhưng vẫn còn bên trong tinh hoàn, được gọi là tân sinh tế bào mầm tại chỗ.
  • Giai đoạn I: Ung thư chỉ giới hạn ở tinh hoàn, có thể bao gồm các mạch máu hoặc hạch bạch huyết lân cận. Nồng độ các chất chỉ điểm khối u có thể tăng hoặc không.
  • Giai đoạn II: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở phía sau bụng (còn gọi là sau phúc mạc) nhưng chưa lan đến bất kỳ nơi nào khác. 
  • Giai đoạn III: Khối u đã có trong các hạch bạch huyết, đồng thời nồng độ chất chỉ điểm khối u tăng cao hoặc vừa phải, bắt đầu di căn đến cơ quan khác.

Khối u tinh hoàn có nguy hiểm không?

Khối u có thể là lành tính hoặc ác tính. Trường hợp nếu khối u là lành tính thì sẽ không quá nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Ngược lại, nếu khối u là ác tính thì bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp để khống chế và tiêu diệt tế bào ung thư.

Trong một bài nghiên về ung thư tinh hoàn được đăng tải trên Thư viện Y học quốc gia Hoa Kỳ – NIH (Hoa Kỳ, 2023), kết quả cho biết, ung thư tinh hoàn ác tính có thể xảy ra ở nam giới từ 15 – 45 tuổi. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì khả năng điều trị thành công là hơn 90%.

Chẩn đoán và điều trị u tinh hoàn

Chẩn đoán

Để xác định chính xác bên trong tinh hoàn có khối u hay không, ngoài việc tự kiểm tra tại nhà, bạn cần gặp bác sĩ để được thăm khám thông qua những phương pháp sau:

  • Soi tinh hoàn bằng ánh sáng (Transillumination): Bác sĩ sẽ sử dụng các thiết bị chiếu sáng để rọi vào tinh hoàn xem bên trong có xuất hiện các khối u nang mào tinh hoàn hay không.
  • Siêu âm tinh hoàn (Ultrasound): Nếu việc soi tinh hoàn bằng ánh sáng không khả thi, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện siêu âm tinh hoàn để cho ra kết quả chính xác hơn.
  • Xét nghiệm (Lab test): Đồng thời, để đảm bảo khoanh vùng đủ các nguyên nhân, bác sĩ có thể đề nghị bạn xét nghiệm và phân tích nước tiểu để hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán bệnh.

Điều trị u tinh hoàn

Để tránh trường hợp khối u phát triển to hơn và hình thành các khối u mới, bác sĩ có thể tư vấn cách điều trị và yêu cầu bạn tái khám để theo dõi.

Điều trị khối u lành tính:

  • Phẫu thuật cắt bỏ: Bạn sẽ được gây mê trong suốt quá trình phẫu thuật. Bác sĩ sẽ dùng dao mổ để rạch lớp da bìu và tiến hành tìm kiếm khối u bên trong để loại bỏ hoàn toàn khối u.
  • Liệu pháp xơ cứng: Bác sĩ thực hiện nội soi để đưa một ống thông vào u nang. Sau khi xác định được khối u, bác sĩ sẽ tiêm một chất lỏng vào khối u để gây ra phản ứng điều trị.

Điều trị khối u ác tính:

  • Cắt bỏ tinh hoàn triệt để: Bác sĩ sẽ thực hiên thủ thuật để lấy tinh hoàn cùng với khối u ra ngoài.
  • Xạ trị sử dụng bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại, ngăn khối u tái phát.
  • Hóa trị sử dụng các loại thuốc như cisplatin, bleomycin và etoposide để tiêu diệt tế bào ung thư. 

Khối u tinh hoàn

Kết luận

U tinh hoàn là một khối u bất thường hình thành bên trong tinh hoàn của nam giới. Bất kỳ nam giới ở độ tuổi nào cũng đều có nguy cơ gặp phải khối u này. Để sớm phát hiện và điều trị kịp thời, nam giới cần thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm. 

Bài viết được tham vấn y khoa bởi Trung tâm sức khỏe Nam Giới Men’s Health. Trung tâm Men’s Health cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị các bệnh lý Nam khoa với quy trình chuyên nghiệp, hiệu quả, luôn đề cao trải nghiệm khách hàng trong suốt quá trình tư vấn, hỗ trợ, thăm khám và điều trị tại đây.

Bạn có thể quan tâm:

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Trung tâm sức khỏe Nam Giới Men's Health

Nam khoa · Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 13/11/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo