backup og meta

Sơ cứu gãy xương và những điều bạn cần biết

Sơ cứu gãy xương và những điều bạn cần biết

Gãy xương là một tình trạng không gây nguy hiểm tính mạng, nhưng cần được điều trị càng sớm càng tốt. Việc sơ cứu gãy xương đúng cách sẽ giúp cho điều trị dễ dàng và xương mau hồi phục hơn.

Bạn có biết rằng khi bạn là một đứa trẻ, bạn sẽ có khoảng 10% nguy cơ bị gãy xương. Khi bạn đạt đến hơn 50 tuổi, nguy cơ của bạn tăng lên 25% đến 50%.

Gãy xương là tình trạng xảy ra khi một trong các xương nứt hoặc gãy thành nhiều mảnh. Tình trạng này có thể do một chấn thương thể thao, tai nạn hoặc một chấn thương mạnh.

Mặc dù gãy xương không phải lúc nào cũng đe dọa đến tính mạng, nhưng nó đòi hỏi phải được sơ cấp cứu gãy xương và điều trị ngay lập tức. Việc hiểu rõ để nhận biết các triệu chứng sẽ giúp bạn có cách sơ cứu khi bị gãy xương đúng cách.

Các triệu chứng gãy xương

Một tình trạng gãy xương có thể gồm một hoặc nhiều dấu hiệu sau đây:

  • Đau dữ dội ở vùng bị thương. Cơn đau càng nặng hơn khi bạn vận động vùng này
  • Tê ở khu vực bị thương
  • Vùng bị chấn thương có màu bầm tím, sưng hoặc biến dạng
  • Xương chọc ra khỏi da
  • Chảy máu nhiều tại chỗ bị thương

Có bao nhiêu bước sơ cứu gãy xương?

Điều quan trọng là bạn phải biết làm gì khi bạn hoặc một người nào đó bên cạnh bạn bị gãy xương. Nguyên tắc là khi có tai nạn xuất hiện, bạn cần phải gọi cấp cứu ngay. Trong khi bạn chờ đợi xe cấp cứu đến, bạn có thể làm một số bước sơ cứu sau:

Bước 1

Không di chuyển nạn nhân trừ khi cần thiết. Mục đích là nhằm ngăn chặn những chấn thương khác có thể xảy ra đồng thời bất động chỗ bị gãy xương. Đừng di chuyển nạn nhân bị thương nếu họ bị thương ở lưng hoặc cổ. Để cố định vùng bị thương, bạn có thể làm một thanh nẹp bằng cách gấp một mảnh bìa cứng hoặc tạp chí và nhẹ nhàng đặt dưới chân tay. Sau đó dùng vải quấn cẩn thận.

Bước 2

Nếu có chảy máu, cầm máu bằng cách quấn chặt vùng bị thương bằng băng vô trùng hoặc vải. Đè chặt lên vết thương.

Bước 3

Nếu người bị thương có dấu hiệu của tình trạng sốc, quấn họ trong một tấm chăn và nâng chân cao hơn đầu khoảng 30cm. Dấu hiệu của sốc bao gồm chóng mặt, yếu ớt, da nhợt nhạt, lạnh ẩm, khó thở và nhịp tim tăng lên.

Bước 4

Để giúp làm giảm sưng, bạn có thể chườm một túi nước đá hay gạc lạnh trên vùng bị sưng. Tuy nhiên, bạn không nên đặt đá trực tiếp lên da, hay gói chúng trong một miếng vải.

Bước 5

Bình tĩnh chờ xe cấp cứu đến.

Sơ cấp cứu gãy xương

sơ cứu gãy xương cẳng tay
Thực hành tập sơ cứu và băng bó cho người gãy xương

Nếu bạn nghi ngờ một người bị gãy xương, hãy tiến hành sơ cứu và đưa đi cấp cứu ngay. Các bước sơ cứu gãy xương gồm:

  • Cầm máu: Nếu người bị tai nạn chảy máu, bạn hãy nâng khu vực bị thương và dùng băng vô trùng, vải hoặc mảnh quần áo sạch ép chặt lên vết thương.
  • Cố định vùng bị chấn thương: Nếu bạn nghi ngờ người bệnh bị gãy xương ở cổ hoặc lưng, hãy cố gắng giữ họ ở nguyên vị trí. Nếu bạn nghi ngờ người bệnh bị gãy xương tay hoặc chân, hãy cố định khu vực bị thương bằng nẹp hoặc băng vải đeo trước ngực.
  • Chườm lạnh cho khu vực bị thương: Bạn bỏ đá lạnh vào một miếng vải sạch và chườm vào khu vực bị thương trong khoảng 10 phút/lần.
  • Trấn an người bệnh: Bạn hãy giúp người bệnh có tư thế thoải mái nhất, thuyết phục họ nghỉ ngơi và trấn an họ. Bạn cũng có thể đắp chăn hoặc quần áo cho người bệnh để giữ ấm.
  • Gọi cấp cứu: Gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đi cấp cứu ngay để họ được điều trị đúng cách.

Nếu người đó không thở hoặc bất tỉnh, hay cả hai triệu chứng trên, bạn hãy gọi cấp cứu và hô hấp nhân tạo. Các trường hợp bạn nên gọi cấp cứu ngay như:

  • Bạn nghi ngờ gãy xương ở đầu, cổ và lưng
  • Xương gãy chọc ra khỏi da
  • Chảy máu nhiều

Việc đưa người bệnh đi cấp cứu sẽ giúp bác sĩ đánh giá tình trạng hiện có và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Sơ cứu gãy xương cẳng tay

Bạn nên làm gì khi sơ cứu tai nạn giao thông?

Cách sơ cứu gãy xương cẳng tay bạn cần nhớ gồm:

  • Gọi số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức.
  • Cầm máu bằng một miếng vải sạch cho đến khi hết chảy máu.
  • Nếu xương bị gãy đang đâm qua da, bạn đừng chạm vào hoặc cố gắng đặt nó trở lại đúng vị trí.
  • Để sơ cứu gãy xương cẳng tay, hãy nâng cánh tay lên trên tim, nếu có thể.
  • Bạn cho đá vào một chiếc khăn, cuộn lại rồi chườm nhẹ xung quanh vết thương để giảm đau và sưng. Lưu ý không dùng đá lạnh chườm trực tiếp.
  • Đối với trường hợp gãy xương cẳng tay ít nghiêm trọng, bạn cắt phần tay áo chung quanh nếu việc tháo tay áo ảnh hưởng đến vết thương.
  • Để cánh tay sát với thân nạn nhân và cẳng tay vuông góc với cánh tay. Sau đó, bạn lấy hai nẹp, một nẹp để từ trong hố nách tới quá khuỷu tay; nẹp phía ngoài để từ bả vai dài qua khớp khuỷu tay. Lưu ý: Bạn có thể dùng nẹp Cramer làm thành một góc 90 độ, để đỡ cả cánh tay và cẳng tay, sau đó băng dính lại.
  • Kế tiếp, bạn dùng 2 dây bản rộng buộc cố định nẹp: một ở phía trên và một bên dưới ổ gãy. Sau đó bạn dùng khăn dài/dây vải dài đỡ cẳng tay treo trước ngực. Lưu ý cẳng tay cần vuông góc với cánh tay, bàn tay để ngửa và cao hơn khuỷu tay. Bạn dùng băng bản rộng băng ép cánh tay vào thân rồi thắt nút lại.
  • Chờ xe cấp cứu đến hoặc đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.

Sơ cứu gãy xương cẳng chân

sơ cứu gãy xương cẳng chân

Khi gặp người bị gãy xương cẳng chân, bạn nên thực hiện các bước sơ cứu sau:

  • Không được di chuyển chân nạn nhân. Việc chuyển động vết thương sẽ gây đau, chảy máu đồng thời làm tổn thương mạch máu và dây thần kinh, khiến việc điều trị khó khăn hơn.
  • Bạn có thể dùng thanh gỗ, bìa các tông cứng để cố định, nâng đỡ chỗ gãy. Bạn cần cố định cả hai khớp phía trên và phía dưới xương gãy giống như cách sơ cứu gãy xương cẳng tay.
  • Nâng chỗ gãy lên vị trí cao hơn tim nếu được. Bạn có thể dùng túi chườm lạnh để giảm đau và giảm sưng. Lưu ý: Không dùng đá lạnh để chườm.
  • Không được cho nạn nhân ăn hay uống bất cứ thứ gì.
  • Gọi số điện thoại cấp cứu 115 và chờ xe đến.

Khi sơ cứu gãy xương cẳng chân, bạn cần tuân thủ đúng các nguyên tắc vô khuẩn như:

  • Rửa sạch vết thương bằng nước muối sinh lý
  • Chỉ được sát khuẩn phía ngoài vết thương, tránh đổ thuốc sát khuẩn hay kháng sinh vào vết thương
  • Không động vào hay nắn đẩy đầu xương chồi
  • Băng vô khuẩn gồm 4 lớp: lớp gạc được tẩm ướt nước muối sinh lý để trực tiếp lên vết thương, rồi tới lớp bông thấm nước, sau đó là lớp bông dày không thấm nước, phía ngoài là lớp băng ép
  • Giữ nguyên tư thế gãy

Sơ cứu những chấn thương cơ xương khớp khác

Không chỉ có gãy xương, bạn có thể gặp phải nhiều vấn đề khác khi bị chấn thương, như bong gân, bầm tím nặng, nứt xương… Khi gặp những trường hợp đó, bạn cũng nên biết những bước sơ cứu ban đầu để giúp quá trình điều trị tốt hơn.

Sơ cứu ngay khi nghi ngờ nạn nhân bị nứt gãy xương hoặc bong gân nặng

Khi nghi ngờ nạn nhân bị nứt gãy xương: hãy đưa tới bác sĩ để chụp X-quang. Không được tác động lên vết thương. Hãy nẹp xương cho nạn nhân trước khi di chuyển để đảm bảo phần xương gãy ra không gây tổn hại tới mạch máu. Nếu nạn nhân bị gãy xương nhiều lần, hãy cho bổ sung 800–1200mg canxi mỗi ngày.

Nếu vùng bị thương nằm ở vai hoặc cánh tay

Hãy dùng một mảnh vải hình tam giác góc 80 tới 90 độ để băng lại và dùng bên tay còn lành để đỡ bên tay bị thương.

Nếu vùng bị thương nằm ở chân

Đặt một chiếc khăn tắm giữa hai chân, sau đó sử dụng bên chân còn lành như miếng nẹp cố định và cột phần đùi và cẳng chân lại với nhau. Hãy bế nạn nhân ra xe và không được để bất cứ vật nặng nào lên chân.

Nếu bị thương vùng cổ

Không được xoay hay nắn cổ, không để nạn nhân cử động cho tới khi phần cổ đã được nẹp cố định, hãy gọi 115 để chuyển họ đến bệnh viện gần nhất.

Nghi ngờ bị bong gân mắt cá chân hoặc đầu gối

Bong gân đầu gối 3

Hầu hết các vết thương này có thể được chữa trị bằng cách chườm đá lạnh bằng túi chườm hoặc lấy khăn bọc lấy đá và để lên vết thương trong 20 phút và làm liên tục như vậy trong 4 giờ. Sau đó bó vùng bị thương lại liên tục trong 48 giờ bằng băng thun có độ đàn hồi và giữ ở độ cao nhất định. Nếu nạn nhân cảm thấy tê, ngứa hay đau hơn tức là đang bị băng bó quá chặt. Đá và băng bó sẽ giúp giảm đau, chảy máu và sưng tấy để vết thương được lành nhanh hơn.

Hãy gác phần cơ thể bị thương lên cao và nghỉ ngơi trong vòng 24 giờ. Nếu vết thương nghiêm trọng hơn, hãy đưa đến bác sĩ để được khám và chữa trị. Bong gân thường phổ biến ở người lớn, trong khi đó trẻ dưới 12 và 14 tuổi thì có thể là nứt gãy xương.

Các bác sĩ điều trị gãy xương như thế nào?

Bác sĩ sẽ điều trị gãy xương bằng cách:

  • Khám bệnh;
  • Chụp X quang;

Sau khi xác định được chỗ gãy, bác sĩ sẽ nắn cho xương thẳng lại rồi mới bó bột. Đôi khi cần phải phẫu thuật để đặt đinh vít hoặc nẹp vào bên trong để giữ các đoạn xương nằm thẳng với nhau. Tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bạn, xương của bạn có thể mất 6-8 tuần mới có thể lành hoàn toàn.

Bạn nên tự chăm sóc chỗ xương như thế nào?

Sau khi phẫu thuật, bác sĩ hoặc y tá sẽ kiểm tra xem bạn có các dấu hiệu của nhiễm trùng hay không. Bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc giảm đau và kháng viêm để giảm đau và giảm sưng.

Trong thời gian bó bột, tốt nhất bạn nên nghỉ ngơi và tránh nâng vật nặng hoặc lái xe. Tránh xa những nơi có nhiệt độ cao và không nên làm ướt bột.

Nếu bác sĩ khuyên bạn nên dùng nạng, bạn hãy tìm hiểu kỹ cách sử dụng chúng sao cho đúng. Nếu cảm thấy ngứa bên trong phần chi bị băng bột, bạn không nên dùng bất cứ vật gì chọt vào đó. Thay vì vậy, hãy thổi không khí mát vào khe giữa bột và da để làm dịu bớt cảm giác ngứa.

Điều bạn cần nhớ là khi bị gãy xương, hãy gọi ngay cho xe cấp cứu hoặc đến các cơ sở y tế để điều trị. Hãy luôn giữ bình tĩnh. Nếu bạn đang chăm sóc cho người bị gãy xương, hãy luôn nói chuyện để họ không quá chú tâm vào cơn đau của mình.

Phòng ngừa tổn thương cơ, xương và khớp?

Mọi cơ bắp lớn nhỏ trong cơ thể đều hoạt động khi ta nâng một vật lên. Tuy nhiên, những cơ lớn thường hoạt động nhiều hơn để giảm bớt sức nặng lên những cơ yếu hơn khi nâng đồ vật.

Không nên giữ cơ thể ở một tư thế quá lâu trong những hoạt động hàng ngày. Các cơ sẽ trở nên mỏi mệt khi ta thực hiện các hành động như giữ phần hông hướng cong về phía trước quá lâu.

Dùng sức vừa phải khi hoạt động, việc sử dụng cơ quá mức trong thời gian dài sẽ gây áp lực lên các cơ và có thể dẫn đến bị thương.

Hello Bacsi hy vọng những cách sơ cấp cứu trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc thực hành tập sơ cứu và băng bó cho người gãy xương, cũng như bị chấn thương cơ xương khớp trước khi xe cấp cứu đến.

 

 

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

First Aid for Broken Bones and Fractures. https://www.healthline.com/health/first-aid/broken-bones#first-aid.Ngày truy cập 06/09/2018

Fractures (broken bones). https://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-fractures/basics/art-20056641. Ngày truy cập 06/09/2018

Broken bones and fractures. http://www.sja.org.uk/sja/first-aid-advice/bones-and-muscles/broken-bones-and-fractures.aspx. Ngày truy cập 06/09/2018

Broken arm treatment https://www.webmd.com/first-aid/broken-arm-treatment Ngày truy cập 20/4/2020

Broken leg treatment https://www.webmd.com/first-aid/broken-leg-treatment Ngày truy cập 20/4/2020

Phiên bản hiện tại

03/08/2020

Tác giả: Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Vũ Xuân Thành

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Cách xử lý khi bị ong đốt để tránh bị sưng và hết đau nhức

Nứt gót chân phải làm sao?


Tác giả:

Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Vũ Xuân Thành

Chỉnh hình · Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh


Ngày cập nhật: 03/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo