backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bạn có biết cách chăm sóc răng miệng cho trẻ sơ sinh chưa?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 14/08/2020

    Bạn có biết cách chăm sóc răng miệng cho trẻ sơ sinh chưa?

    Bạn là người mới lần đầu làm mẹ nên còn ngỡ ngàng chưa biết cách chăm sóc răng miệng cho trẻ sơ sinh? Hãy để Hello Bacsi hướng dẫn bạn nhé.

    Bạn vẫn còn đang lâng lâng hạnh phúc khi ôm bé yêu trong vòng tay sau 9 tháng mang thai vất vả. Một hôm, bạn phát hiện một vài chiếc răng đang bắt đầu nhú lên. Trông bé cưng thật ngộ nghĩnh. Thế nhưng, làm sao để chăm sóc răng miệng khi bé còn quá nhỏ?

    Việc chăm sóc răng miệng cho bé trước khi mọc răng rất quan trọng vì điều này sẽ giúp bé hình thành thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày. Sâu răng là một căn bệnh thường gặp và để phòng ngừa không có cách nào khác hơn là chăm sóc răng miệng mỗi ngày. Một hàm răng khỏe mạnh là điều rất quan trọng với bé vì nếu không có nó, bé sẽ không thể nhai được thức ăn.

    Khi nào nên đưa bé đến nha sĩ khám răng?

    Bạn nên đưa bé khám răng khi một tuổi. Khi đi khám, nha sĩ sẽ cho bạn biết thêm một số cách để chăm sóc răng miệng cho bé, cách cho bé bú, cách đánh răng cũng như tư vấn cho bạn biết cách chọn kem đánh răng phù hợp với bé.

    Đầu tiên là chăm sóc nướu

    Ngay cả khi bé chưa mọc răng, bạn vẫn nên chăm sóc nướu cho bé mỗi ngày. Việc này không cần dùng đến bàn chải hay kem đánh răng mà chỉ cần thực hiện những bước sau:

    • Lấy miếng gạc rơ lưỡi bọc quanh đầu ngón tay trỏ, thấm ít nước muối sinh lý. Chà nhẹ nhàng nướu của bé ít nhất hai lần một ngày. Bạn không nên lau quá nhiều vì sẽ làm tổn thương nướu. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng bàn chải đánh răng có thể xỏ ngón trỏ vào để vệ sinh nướu cho bé.
    • Bạn hãy làm việc này sau bữa ăn và trước khi đi ngủ. Điều này sẽ góp phần hình thành thói quen vệ sinh răng miệng cho bé sau này. Bên cạnh đó, việc chăm sóc nướu còn giúp loại bỏ các vi khuẩn ở nướu. Những vi khuẩn này thường gây ra mảng bám, ảnh hưởng xấu đến việc mọc răng của bé.

    Chăm sóc những chiếc răng đầu tiên

    Bạn nghĩ rằng việc chăm sóc răng sữa là không cần thiết vì sớm hay muộn những chiếc răng này cũng sẽ rụng và mọc răng khác. Đây là một suy nghĩ không đúng vì những chiếc răng sữa rất quan trọng đối với bé. Răng sữa sẽ giúp bé nhai thức ăn và giúp bé nói chuyện. Nếu bạn không chăm sóc răng miệng cho bé, bé dễ bị sâu răng.

    Cách chải răng cho bé

    Bạn nên bắt đầu chăm sóc răng cho bé từ khi chúng bắt đầu nhú lên. Một số bé sẽ mọc răng lúc 6 tháng tuổi, trong khi có một số bé khác lại mọc răng muộn hoặc sớm hơn thời gian này.

    • Khi bé bắt đầu mọc răng, bạn nên cho bé dùng bàn chải đánh răng, những chiếc bàn chải được thiết kế đặc biệt cho bé. Những chiếc bàn chải này thường có đầu nhỏ tròn, lông mềm và tay cầm phù hợp với bàn tay của bé.
    • Khi bé 1 tuổi, bạn nên bắt đầu tập cho bé dùng kem đánh răng. Tuy nhiên, bạn nên chọn những loại kem không chứa fluoride. Đến khi bé được 2 tuổi, bạn mới cho bé dùng kem đánh răng có hàm lượng fluoride thấp.
    • Bạn nên chải răng cho bé nhẹ nhàng, tập trung vào phần tiếp giáp giữa viền răng và nướu.
    • Yêu cầu bé nhổ kem đánh răng sau khi đánh và xúc miệng thật nhiều lần để hết hoàn toàn kem đánh răng trong miệng.
    • Nếu bé không thích chải răng, bạn hãy đưa bàn chải cho bé cầm để bé cảm thấy mình có thể làm được.
    • Nếu bé quá nghịch, bạn hãy đặt bé nằm trên giường và chải răng cho bé. Khi bé đã quen, bạn hãy chuyển sang phòng tắm.
    • Thay bàn chải đánh răng từ 3 – 4 tuần một lần. Nếu lông bàn chải bị tưa, hãy đổi ngay lập tức.

    Có nên cho bé dùng kem đánh răng hay không?

    Kem đánh răng cho bé

    Khi bé còn quá nhỏ, việc sử dụng kem đánh răng là hoàn toàn không cần thiết. Nếu bạn vẫn không an tâm, hãy cho bé dùng loại kem đánh răng đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh bởi những loại kem này thường không chứa quá nhiều fluoride. Trước khi cho bé dùng, bạn vẫn nên hỏi ý kiến nha sĩ nhé.

    Trước khi cho bé dùng kem đánh răng, bạn hãy dạy bé cách chải răng. Hãy để bé luyện tập trong vài tuần. Sau khi đánh răng xong, nhẹ nhàng xoa nướu răng cho bé. Điều này đảm bảo răng miệng của bé được vệ sinh cả bên trong lẫn bên ngoài.

    Lưu ý khi chọn kem đánh răng cho bé

    Kem đánh răng cho trẻ sơ sinh khác với kem đánh răng của người lớn. Do đó, bạn nên lựa chọn cẩn thận. Fluoride là thành phần chủ yếu của kem đánh răng để giúp ngăn ngừa sâu răng. Tuy nhiên, kem đánh răng chứa quá nhiều chất này sẽ khiến bé bị ngộ độc. Đó là lý do tại sao bạn nên chọn những loại kem chỉ chứa một lượng fluoride nhất định phù hợp cho bé.

    • Nếu bé dưới ba tuổi, kem đánh răng phải chứa hàm lượng fluoride thấp hơn 1.000ppm (1.000/1.000.000).
    • Nếu trên ba tuổi, bé có thể đánh răng bằng kem đánh răng chứa hàm lượng chất fluoride ở khoảng 1.350 – 1.500ppm. Sử dụng kem đánh răng vượt quá mức fluoride này sẽ gây hại, làm hỏng răng, nôn mửa và tiêu chảy.
    • Nếu bé có thói quen nuốt kem đánh răng, bạn hãy đổi kem đánh răng chỉ có 550ppm hoặc ít hơn và để ý xem bé có bỏ thói quen này không.

    Các phương pháp chăm sóc răng miệng khác

    Ngoài việc đánh răng, bạn nên lưu ý những điều sau đây để chăm sóc răng miệng cho bé tốt hơn:

    • Đừng cho bé ăn những món chứa quá nhiều đường, đặc biệt là những sản phẩm có chứa đường hóa học. Hạn chế cho bé ăn những món ngọt trước bữa ăn. Không nên cho bé ăn những món ngọt quá 4 lần một ngày.
    • Khi cho bé ăn nhẹ, bạn nên cho bé ăn rau, phô mai hoặc các loại thực phẩm không có đường khác.
    • Bú bình thường gây sâu răng. Do đó, bạn hãy tham khảo bài Chăm sóc và ngừa sâu răng cho trẻ ở tuổi bú bình để bảo vệ răng của con thật tốt.
    • Đừng cho bé uống nước ép trái cây và các loại đồ uống có gas để ngăn ngừa sâu răng.
    • Cố gắng tập cho bé thói quen uống bằng ly. Bạn nên hạn chế việc bú bình khi bé được một tuổi.
    • Duy trì một chế độ ăn lành mạnh và nhiều chất dinh dưỡng. Tránh ăn những món chế biến sẵn và đóng gói như mì ống, chocolate…

    Qua những chia sẻ trên đây, hy vọng bạn đã có thêm một số thông tin hữu ích về việc đánh răng cho trẻ sơ sinh. Bé đang ở trong giai đoạn phát triển nhanh chóng nên chú ý chăm sóc bé hàng ngày để có sức khỏe tốt.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 14/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo