backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Làm thế nào để ngăn ngừa ung thư tái phát?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 06/05/2022

    Làm thế nào để ngăn ngừa ung thư tái phát?

    Ngày nay, y học hiện đại đã giúp các bệnh nhân vượt qua được căn bệnh ung thư nhờ những ca mổ, hóa trị hay xạ trị. Nhưng đâu đó vẫn còn sự lo âu, hoang mang về nguy cơ ung thư tái phát.

    Bất kỳ ai cũng có thể bị bệnh ung thư và tuổi đời càng cao, cơ thể lão hóa, sức đề kháng giảm khiến khả năng mắc bệnh càng tăng. Thậm chí sau khi chữa khỏi, nguy cơ bệnh tái phát là khó tránh khỏi nếu bạn không biết cách phòng ngừa. Vậy, làm sao để ung thư không tái phát? Bài viết dưới đây, Hello Bacsi sẽ chia sẻ lời khuyên từ các chuyên gia điều trị ung thư Hoa Kỳ về cách giảm nguy cơ ung thư tái phát.

    1. Chế độ dinh dưỡng giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát

    Sau khi kết thúc quá trình điều trị ung thư, bệnh nhân nên có một chế độ ăn uống lành mạnh hơn sẽ giúp cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo những người đã chữa khỏi ung thư có sức khỏe ổn định sau điều trị nên áp dụng chế độ dinh dưỡng tương tự như chế độ dinh dưỡng phòng chống ung thư.

    Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cũng có thể làm tăng tỷ lệ tái phát ung thư sau điều trị. Ví dụ, các nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ ung thư vú tái phát cao hơn ở những phụ nữ bị béo phì, ăn ít hoa quả và rau xanh. Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tái phát có thể cao hơn ở những người đàn ông ăn nhiều chất béo bão hòa.

    Bạn nên ăn gì, hạn chế gì để giảm nguy cơ ung thư tái phát?

    √ Ăn ít nhất 2,5 chén rau và trái cây mỗi ngày.

    √ Hạn chế ăn thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn và thịt cừu), các loại thịt đã chế biến sẵn (như xúc xích, lạp xưởng, các loại thịt hộp).

    √ Nên lựa chọn các loại thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt, tránh các thực phẩm làm từ gạo trắng và đường tinh chế.

    √ Nếu bạn thừa cân, hãy cố gắng giảm cân bằng cách giảm calo và tăng cường vận động. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu luyện tập thể thao để đảm bảo sức khỏe, tránh nguy cơ bị chấn thương.

    √ Một số loại bệnh ung thư có liên quan đến rượu, vì vậy, nếu bạn uống rượu, bia, đồ uống có cồn, cách tốt nhất là nên bỏ hoặc hạn chế tới mức tối đa, vì tiêu thụ rượu bia càng nhiều, nguy cơ mắc ung thư càng cao.

    2. Ngừa ung thư tái phát bằng cách bổ sung vitamin khi cần

    ung thư tái phát

    Một số người cho rằng sử dụng một số vitamin, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng sẽ giúp ngăn ngừa ung thư tái phát. Đến nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh quan điểm này. Ngược lại, nhiều nghiên cứu còn cho thấy những thực phẩm chức năng có chứa một dưỡng chất ở hàm lượng cao (cao hơn chế độ dinh dưỡng tham khảo), thậm chí còn có thể gây ra những rủi ro không mong muốn cho những người đã chữa khỏi ung thư.

    Xét nghiệm máu có thể xác định hàm lượng một số vitamin nhất định nào đó trong cơ thể bạn ở mức thấp. Trong trường hợp bạn thiếu một vitamin nào đó, bác sĩ có thể kê thuốc bổ sung để làm tăng hàm lượng vitamin đó tới mức cần thiết. Bạn chỉ nên dùng vitamin nếu bác sĩ chỉ định.  

    3. Tích cực vận động rèn luyện thể lực

    Một số nghiên cứu ghi nhận đã có sự ảnh hưởng của vận động thể lực tới tuổi thọ của những người mắc ung thư. Tuy nhiên, họ chưa thể đưa ra kết luận liệu vận động thể lực tích cực có thể giúp ngăn ngừa ung thư tái phát hay làm chậm tiến triển của bệnh hay không.  

    Nhiều nghiên cứu cho thấy việc rèn luyện thể lực thường xuyên giúp giảm lo lắng, trầm cảm, cải thiện tâm trạng, giúp tăng nhận thức về lòng tự trọng và giảm các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, đau và tiêu chảy. Những bài tập thể lực giúp bạn thở mạnh như khi bạn đi bộ nhanh sẽ đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe.

    Bạn nên trao đổi với bác sĩ về kế hoạch tập luyện thể lực để tìm ra các hình thức luyện tập phù hợp nhất. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng đưa ra lời khuyên đối với những người đã chữa trị khỏi ung thư, nếu muốn giảm nguy cơ ung thư tái phát hãy:

    • Tham gia hoạt động rèn luyện thể chất thường xuyên.
    • Tránh tình trạng ít vận động và hãy cố gắng quay trở lại sinh hoạt hàng ngày sau điều trị càng sớm càng tốt.
    • Rèn luyện sức khỏe ít nhất 150 phút và 2 ngày mỗi tuần.

    Rèn luyện thể lực dù nhiều hay ít cũng tốt hơn so với không vận động. Vì vậy, nếu tình trạng sức khỏe còn yếu, bạn nên bắt đầu từ từ vận động một chút sau đó dần tăng cường độ và thời gian luyện tập.

    Để có thể lựa chọn mức độ hoạt động phù hợp, bạn nên xem xét khả năng vận động, hoạt động gần đây của mình. Hình thức rèn luyện thể lực phù hợp với sở thích cũng là một sự lựa chọn hợp lý.

    4. Đi khám ngay khi có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào

    ung thư tái phát

    Trước tiên, bạn hãy hỏi bác sĩ điều trị để có danh sách những triệu chứng phổ biến khi bị ung thư tái phát về loại mà bạn mắc phải. Cần lưu ý và quan sát các biểu hiện lâm sàng của bản thân. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc các dấu hiệu được liệt kê trong danh sách, bạn cần đi khám bác sĩ ngay.

    Chỉ có một số triệu chứng chính có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề nào dưới đây, bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị ngay:

    • Ớn lạnh hoặc sốt
    • Khó thở, ho dai dẳng
    • Phân hoặc nước tiểu có máu
    • Dễ bị chảy máu hoặc bầm tím không có lý do
    • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn hoặc khó nuốt
    • Xuất hiện khối u, cục hoặc sưng không rõ nguyên nhân
    • Dễ phát ban hoặc dị ứng như sưng, ngứa trầm trọng hoặc thở khò khè
    • Sụt cân mặc dù bạn không hề áp dụng bất kỳ biện pháp giảm cân nào
    • Bạn cảm thấy đau bất thường không do chấn thương và cơn đau không tự biến mất
    • Xuất hiện các triệu chứng ung thư mà bạn đã gặp phải trước đây, ví dụ như xuất hiện khối u
    • Bất kỳ triệu chứng nào mà bác sĩ điều trị đã liệt kê cho bạn hoặc các triệu chứng bất thường mà bạn không thể giải thích được.

    Bất kỳ khi nào bạn có triệu chứng bất thường, hãy cẩn thận phòng ngừa ung thư tái phát. Ngoài ra, bạn cần lưu ý về các bệnh lý không liên quan đến bệnh ung thư mà bạn đã từng mắc phải trước đây. Với bất kỳ bệnh lý sức khỏe nào, bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân gây ra triệu chứng. Khi khám bác sĩ chuyên khoa khác, bạn cần đề cập với bác sĩ về lịch sử bệnh lý và loại ung thư bạn đã mắc phải cũng như tình trạng điều trị.

    5. Hãy luôn lạc quan khi đối diện với bệnh

    ung thư tái phát

    Rất nhiều bệnh nhân ung thư sau khi đã chữa khỏi bệnh luôn lo lắng về khả năng ung thư tái phát và điều này trở thành nỗi sợ gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hàng ngày của họ. Một số người người đối diện với lo lắng này bằng cách tập trung vào những điều quan trọng nhất của họ trong cuộc sống. Một số người lại chọn cách tham gia một nhóm hỗ trợ ung thư hoặc gặp chuyên gia sức khỏe.

    Bạn hãy trao đổi với bác sĩ về những lo lắng và bận tâm đó để nhận được sự giúp đỡ, điều này có thể giúp bạn kiểm soát cảm xúc và sống một cuộc sống thật trọn vẹn hơn sau khi điều trị ung thư. Ngoài ra, bạn cũng có thể tâm sự cùng người thân và bạn bè để giải tỏa stress khi cần.

    Tuy việc ung thư tái phát rất khó kiểm soát, nhưng những bí quyết trên có thể giúp bạn ngăn ngừa sự quay lại của ung thư. Bạn hãy cố gắng giữ tinh thần lạc quan và lối sống lành mạnh để duy trì sức khỏe nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 06/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo