Bạn có thể cho rằng các tế bào ung thư đáng sợ xâm nhập vào cơ thể từ bên ngoài mà không hề biết nguyên nhân ung thư còn có thể xuất phát từ bên trong. Nếu biết cách ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ ngay từ bây giờ, cánh cửa tử của bệnh ung thư sẽ không kề cận bạn nữa!
Theo Viện nghiên cứu ung thư (Cancer Research Institute), ước tính có khoảng 18,1 triệu ca ung thư mới trên toàn cầu, ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai ở Hoa Kỳ. Ung thư là bệnh phát triển do nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng như yếu tố di truyền, tình trạng bệnh lý, tiếp xúc ngoại cảnh… Ung thư có thể được phân loại thành hàng trăm bệnh khác nhau dựa trên các tế bào phát sinh.
Ung thư bắt đầu hình thành khi một số tế bào phát triển không kiểm soát, xâm chiếm và làm hỏng các tế bào bình thường trong cơ thể. Quá trình phát triển của bệnh ung thư xảy ra qua nhiều giai đoạn, từ thay đổi tiền ung thư đến khối u ác tính. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại ung thư đều hình thành khối u và chúng có thể phát triển với nhiều tốc độ khác nhau. Đôi khi các tế bào ung thư còn có thể di căn, tức là lây lan từ vị trí ban đầu đến những nơi khác trong cơ thể thông qua hệ thống máu hoặc bạch huyết.
Ung thư là căn bệnh khó điều trị với nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Việc nhận biết sớm được các nguyên nhân gây bệnh ung thư có thể giúp bạn phòng ngừa được rủi ro mắc phải chứng bệnh nan y này. Bạn hãy cùng tìm hiểu 4 nguyên nhân ung thư để biết cách phòng tránh và giảm thiểu rủi ro mắc bệnh nhé!
1. Gen di truyền là nguyên nhân gây bệnh ung thư
Gen là các đoạn DNA nằm trên nhiễm sắc thể, có thể biến đổi theo thời gian và gây bệnh ung thư. Những đột biến này xuất phát do nhiều nguyên nhân như chế độ ăn uống và lối sống cũng như tiếp xúc với các yếu tố môi trường nhất định. Nhìn chung, chỉ có 5 – 10% trường hợp các bệnh ung thư là do di truyền, mặc dù đây là những bệnh ung thư có xu hướng xuất hiện sớm.
Một trong những rối loạn di truyền có liên quan đến nguy cơ hình thành ung thư là hội chứng Lynch. Hội chứng ngăn chặn các tế bào sửa chữa DNA của chúng khi xảy ra tổn thương. Điều này có thể dẫn đến ung thư ruột kết và ung thư tử cung ở người trẻ. Một yếu tố di truyền khác là họ gen BRCA có khả năng gây ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Ngày nay, các nhà khoa học, bác sĩ lâm sàng đang sử dụng và phát triển các xét nghiệm mới để tìm kiếm dấu ấn sinh học (biomarker) giúp xác định rủi ro và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp dựa trên hồ sơ di truyền của mỗi bệnh nhân.
2. Lối sống là nguyên nhân ung thư
Một số thói quen sống kém lành mạnh sau đây có thể gây đột biến gen dẫn đến sự phát triển của bệnh ung thư:
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá gây ra 80% các trường hợp tử vong do ung thư phổi. Không chỉ ảnh hưởng đến phổi, mà hút thuốc còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư khác.
- Phơi nắng quá mức: Khi tiếp xúc quá nhiều với tia UV từ mặt trời có thể gây ra ung thư da. Nhiều người không nhận ra rằng một vết cháy nắng là kết quả của tổn thương da do ánh nắng mặt trời. Bạn nên dùng kem chống nắng mỗi ngày, mặc đồ kín, đeo kính râm khi ra nắng đặc biệt từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
- Ăn uống không lành mạnh: Thói quen ăn thức ăn nhanh và uống nước ngọt có thể là nguyên nhân gây bệnh ung thư. Bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ gây ung thư như đồ ăn chế biến sẵn, thịt đỏ, đồ uống có đường và carbohydrate tinh chế. Đồng thời, hãy xây dựng chế độ ăn tập trung vào thực vật bao gồm rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein từ các loại đậu để bổ sung chất xơ và chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.
- Dùng rượu không kiểm soát: Rượu là chất gây kích ứng có thể làm tổn thương tế bào và thúc đẩy sản xuất các hóa chất gây ung thư trong ruột kết. Để giảm nguy cơ ung thư do rượu, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo nên hạn chế lượng rượu tiêu thụ ở mức 1 ly/ngày đối với phụ nữ và 2 ly/ngày đối với nam giới.
- Quá cân, béo phì: Béo phì là một trong những nguyên nhân gây ung thư hàng đầu, làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư ruột kết, trực tràng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư thực quản, ung thư tuyến tụy và ung thư thận. Các tế bào mỡ dư thừa kích thích sản xuất nhiều hormone estrogen và insulin, thúc đẩy bệnh ung thư phát triển nhanh hơn.
Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa các nguyên nhân ung thư đến từ lối sống này. Hãy xây dựng thực đơn dinh dưỡng lành mạnh, tập thể dục vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày và tránh xa những chất gây kích thích.
3. Môi trường gây ung thư
Việc tiếp xúc với một số hóa chất trong môi trường như amiăng, benzen, cũng như bột hoạt thạch (bột talc) và các nguồn phóng xạ khác nhau là một trong những nguyên nhân gây tổn thương ADN và dẫn đến ung thư. Một số yếu tố môi trường khác cũng có thể là nguyên nhân ung thư, bao gồm:
- Dùng thuốc nội tiết
- Phơi nhiễm hóa chất
- Dùng thuốc ức chế miễn dịch (thường dùng trong cấy ghép nội tạng)
- Tiếp xúc với vật liệu phóng xạ, ví dụ như khí radon (có thể có trong đất hoặc tích tụ trong nhà)
- Hóa trị và xạ trị liều cao (tức là bệnh ung thư xuất hiện do điều trị một loại ung thư khác, chủ yếu xảy ra ở trẻ em)
Mặc dù ung thư có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, song độ tuổi trung bình phát hiện ung thư là từ 65 đến 74 tùy thuộc từng loại bệnh. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở người lớn tuổi thường do họ đã tiếp xúc nhiều với các chất gây ung thư từ môi trường và các quá trình viêm. Không những vậy, cơ thể người lớn tuổi cũng hoạt động kém hiệu quả hơn trong việc tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư và tiền ung thư. Tuy nhiên, có một số dạng ung thư phổ biến hơn ở trẻ em như ung thư xương và một số dạng bệnh bạch cầu.
4. Nguyên nhân ung thư do virus và vi khuẩn
Virus và vi khuẩn có thể làm tăng nguy cơ ung thư theo nhiều cách. Một số bệnh nhiễm virus gây tác động trực tiếp đến ADN và tạo ra những thay đổi gây ung thư. Các tình trạng nhiễm trùng khác cũng có khả năng dẫn đến viêm lâu dài và làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ như HIV làm ức chế hệ miễn dịch và khiến cơ thể không được bảo vệ trước sự phát triển của ung thư.
Các loại virus và vi khuẩn có thể gây ung thư, bao gồm:
- Helicobacter pylori: Vi khuẩn gây viêm dạ dày
- HBV, HCV: Virus gây viêm gan
- HPV: Virus Papilloma ở người gây ra những thay đổi, tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, hậu môn, âm hộ và âm đạo.
- EBV: Virus Epstein-Barr, virus herpes gây viêm hạch bạch huyết cổ họng
Tình trạng quan hệ tình dục không an toàn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh HPV, HIV và viêm gan B – tất cả bệnh này đều làm tăng nguy cơ gây ung thư. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng HPV cũng đóng một vai trò quan trọng dẫn đến nguy cơ gây bệnh ung thư ở vùng đầu và cổ. Vắc xin HPV được khuyến nghị tiêm chủng cho bé trai và bé gái bắt đầu từ 11 – 12 tuổi.
Những hiểu biết về các yếu tố nguy cơ sẽ giúp bạn nắm bắt được nguyên nhân ung thư để kịp thời ngăn ngừa rủi ro kề cận cửa tử. Bạn hoàn toàn có thể giảm thiểu và kiểm soát bệnh bằng cách áp dụng các phương pháp phòng ngừa và hạn chế nguyên nhân ung thư. Nhiều bệnh ung thư vẫn có thể được chữa trị nếu chẩn đoán ung thư sớm. Do đó, bạn hãy chia sẻ thông tin đến người thân để cùng phòng ngừa ngay từ bây giờ nhé!
[embed-health-tool-bmi]