backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Mỡ nội tạng gây bệnh gì? Giải pháp nào giúp giảm lượng mỡ "tiềm ẩn"?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 31/05/2022

    Mỡ nội tạng gây bệnh gì? Giải pháp nào giúp giảm lượng mỡ "tiềm ẩn"?

    Mỡ nội tạng là kẻ thù nguy hiểm tiềm ẩn khiến bạn có nguy cơ mắc phải các chứng bệnh nghiêm trọng như tiểu đường, tim mạch, ung thư…

    Mỡ trong cơ thể đóng vai trò vô cùng cần thiết để đệm và hỗ trợ các cơ quan, xây dựng các tế bào và dự trữ năng lượng. Lượng mỡ quá nhiều có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Hầu hết khi nhắc đến việc giảm cân sẽ tập trung chủ yếu vào việc giảm lượng mỡ có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, có một loại chất béo tiềm ẩn có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe và hoạt động của bạn, đó chính là mỡ nội tạng. Dưới đây bạn hãy cùng tìm hiểu về loại mỡ nguy hiểm này nhé!

    Mỡ nội tạng là gì?

    Mỡ nội tạng là một loại mỡ cơ thể mà dự trữ trong khoang bụng, có vị trí gần một số cơ quan quan trọng bao gồm gan, dạ dày và ruột. Tất cả lượng chất béo trong cơ thể không được tạo và phân bố đều nhau. Loại mỡ này cũng có thể tích tụ trong các động mạch làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

    Điều quan trọng là bạn cần xác định được sự khác biệt giữa mỡ nội tạng và mỡ dưới da. Ví dụ như ở vùng bụng, vòng bụng có thể phát triển nhờ vào hai loại mỡ. Đầu tiên là loại mỡ được lưu trữ ngay dưới da, tương tự như ở cánh tay và chân, có thể dễ dàng nhìn thấy. Tiếp theo là mỡ nội tạng nằm trong khoang bụng, và không dễ dàng nhìn thấy.

    Nguyên nhân gây ra mỡ nội tạng

    Nguyên nhân gây mỡ nội tạng đến từ chế độ ăn nhiều calo nhưng ít vận động. Một số người có xu hướng tích trữ mỡ xung quanh bụng hơn ở hông là do gen của họ.

    • Ở phụ nữ, theo thời gian thì nơi lưu trữ chất béo trong cơ thể thường thay đổi. Đặc biệt là sau khi mãn kinh, khối lượng cơ của phụ nữ ít đi và lượng mỡ tăng lên. Khi phụ nữ già đi, họ có nhiều khả năng phát triển nhiều chất béo nội tạng ở bụng hơn, ngay cả khi họ không tăng cân.
    • Ở nam giới, tuổi tác và di truyền cũng đóng một vai trò trong việc phát triển mỡ nội tạng. Uống rượu cũng có thể dẫn đến nhiều mỡ bụng hơn ở nam giới.

    Mặt khác, tình trạng viêm trong cơ thể và căng thẳng mãn tính cũng góp phần tạo ra mỡ “tiềm ẩn”. Chế độ ăn uống không lành mạnh làm tăng nguy cơ bệnh béo phì, căng thẳng mãn tính sẽ làm tăng tốc độ mắc bệnh bằng cách kích hoạt chất dẫn truyền thần kinh NPY và hormone cortisol. Điều này sẽ làm kích hoạt việc dự trữ nhiều chất béo nội tạng hơn.

    Khác với mỡ dưới da, mỡ nội tạng có độ nguy hiểm, khó giảm mỡ và không dễ dàng bị loại bỏ dù có áp dụng biện pháp y học. Trong đó, nam giới có xu hướng tích tụ mỡ nội tạng nhiều hơn nữ giới.

    Cách chẩn đoán mỡ nội tạng

    đo mỡ bụng để tính mỡ nội tạng

    Cách chính xác nhất để xác định xem bạn có đang bị mỡ nội tạng hay không là xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Tuy nhiên, vì việc tiến hành các lần xét nghiệm quét hình ảnh này vừa tốn kém vừa mất thời gian, bác sĩ thường có xu hướng chẩn đoán mỡ nội tạng bằng cách đặt câu hỏi cho người bệnh về chế độ ăn uống và lối sống của họ. Bác sĩ có thể cũng sẽ đo lượng mỡ cơ thể tổng thể rồi từ đó tính ra tỷ lệ phần trăm mỡ nội tạng.

    Theo Harvard Health, mỡ nội tạng được tính dựa trên 10% tổng lượng mỡ cơ thể của một người. Một cách khác để xác định lượng mỡ nội tạng là đo kích thước vòng eo.

    Ví dụ, nam giới có vòng eo khoảng 95cm trở lên và phụ nữ có vòng eo khoảng 90cm trở lên có khả năng bị mỡ thừa nội tạng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

    Nếu sử dụng máy quét MRI hoặc máy phân tích mỡ cơ thể để đo lượng mỡ nội tạng, kết quả sẽ được đo trên thang điểm từ 1 đến 59. Bạn nên duy trì mức mỡ nội tạng dưới 13 trên thang điểm này. Nếu trên 13, bạn cần phải thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để giảm số điểm xuống mức lành mạnh hơn.

    BMI cũng là một phương pháp đánh giá lượng mỡ phổ biến. Tuy nhiên, chỉ riêng BMI và cân nặng không thể cho thấy bạn có chất béo nội tạng, và đây cũng không phải là thước đo chính xác cho sức khỏe tổng thể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết bạn chỉ nên sử dụng BMI như một đánh sơ bộ, vì mỗi người có một tỷ lệ mỡ khác nhau.

    Tác hại của mỡ nội tạng

    mỡ nội tạng gây nguy hiểm sức khỏe

    Mỡ nội tạng gây bệnh gì? Mỡ nội tạng có thể gây ra những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại sau đây:

    Tăng đề kháng insulin: Ngay cả khi bạn chưa từng bị tiểu đường hay tiền tiểu đường, bạn vẫn có thể bị tăng đề kháng insulin. Nguyên do là chất béo này tiết ra loại protein liên kết với retinol làm tăng khả năng đề kháng insulin.

    Ức chế hormone chất béo: Ngoài việc gây rối loạn với insulin, khi quá nhiều chất béo nội tạng cũng ức chế hormone adiponectin, hay còn gọi là “hormone chất béo”. Adiponectin hoạt động như một chất điều chỉnh chất béo, khi lượng hormone này quá ít có thể khiến cơ thể dư thừa chất béo hơn mức cần thiết. Đây là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, như huyết áp cao, tăng cholesterol LDL và VLDL (cholesterol xấu), giảm cholesterol HDL (cholesterol tốt), và tăng triglyceride máu (chất béo tự do trong máu).

    Tăng phản ứng viêm: Mỡ nội tạng lớn làm tăng phản ứng viêm, đặc biệt đối với gan. Điều này xảy ra khi các tế bào mỡ giải phóng các cytokine gây viêm và khiến cho bệnh trầm trọng hơn. Chất béo nội tạng cũng gây khó khăn cho cơ thể trong việc đào thải độc tố.

    Các vấn đề khác: chỉ số mỡ nội tạng bất thường cũng có thể gây ra một số vấn đề như sa sút trí tuệ, hen suyễn, bệnh liên quan đến túi mật, bệnh gút, viêm xương khớp, đau lưng dưới…

    Ngoài ra, mỡ nội tạng nguy hiểm như thế nào cũng là vấn đề đáng quan tâm. Bởi vì lượng chất béo nội tạng dư thừa trong cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ phát triển một số tình trạng y tế nghiêm trọng, gây đe dọa tính mạng. Những nguy cơ này bao gồm:

    • Đột quỵ
    • Ung thư vú
    • Bệnh Alzheimer
    • Vấn đề tim mạch
    • Tiểu đường týp 2
    • Ung thư đại trực tràng

    Cách giảm mỡ nội tạng

    Tập thể dục giúp giảm mỡ nội tạng

    Mỡ nội tạng dư thừa là vấn đề vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe. Do đó, bạn cần thực hiện thay đổi chế độ ăn uống và lối sống càng sớm càng tốt. Việc giảm cân có thể giúp bạn giảm mức độ mỡ nội tạng.

    Tập thể dục đều đặn

    Tập thể dục là phương pháp hiệu quả để làm giảm chất béo nội tạng. Bạn nên kết hợp hai phương pháp tập luyện bao gồm: tập cadio để làm tăng nhịp tim và tập rèn luyện sức mạnh để cải thiện kích thước cơ bắp.

    Các bài tập cardio có thể bao gồm:

    • Bơi lội
    • Đạp xe
    • Chạy bộ
    • Luyện tập aerobic

    Các bài tập tăng cường sức mạnh có thể bao gồm:

    • Tập tạ
    • Hít đất
    • Tập squat

    Để tập luyện giảm cân và giảm mỡ nội tạng, bạn nên tập ít nhất 30 phút. Bởi vì cơ thể ưu tiên sử dụng đường để tạo thành năng lượng trong 20 – 30 phút đầu, sau đó lượng mỡ mới bắt đầu được tiêu hao.

    Kiểm soát căng thẳng

    Căng thẳng cũng đóng một phần trong việc tích trữ mỡ nội tạng dư thừa. Điều này là xảy ra do khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormone gọi là cortisol, làm tăng lượng chất béo bên trong nội tạng. Bạn có thể tập thư giãn bằng cách thiền, hít thở sâu, nghe nhạc nhẹ nhàng, đọc sách…

    Bên cạnh đó, người lớn nên dành thời gian ngủ ít nhất 7 – 9 tiếng mỗi đêm. Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Nghiên cứu cho thấy những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm sẽ có nguy cơ lượng chất béo nội tạng cao hơn.

    Chế độ ăn lành mạnh

    Mức năng lượng bạn nên tiêu thụ trong khoảng 25 – 30 kcal/kg cân nặng mỗi ngày với các thực phẩm đầy đủ chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Các thực phẩm bạn nên ăn bao gồm:

    • Protein nạc
    • Trái cây và rau quả
    • Thực phẩm carbohydrate phức tạp như khoai lang, đậu và ngũ cốc
    • Tránh xa rượu bia, thuốc lá

    Bạn nên lưu ý các phương pháp nhịn ăn hoặc chế độ ăn kiêng bất hợp lý, không cung cấp đầy đủ dinh dưỡng có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể, làm suy nhược, không mang lại lợi ích giảm mỡ nội tạng.

    Khi thực hiện những phương pháp giảm mỡ, bạn cần có sự theo dõi liệu các cách này đã mang lại hiệu quả cao chưa. Bạn có thể kiểm tra thông qua việc đo kích thước vòng eo và đo trọng lượng cơ thể mỗi tuần.

    Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn về mỡ nội tạng và cách phòng ngừa, loại bỏ chất béo xấu này. Bạn hãy nhanh chóng xây dựng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để hạn chế loại mỡ này gây nguy hiểm đến sức khỏe nhé!

    Hoàng Trí HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 31/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo