backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

5 điều bạn cần biết về liệu pháp gen khi điều trị bệnh hiểm nghèo

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 22/01/2020

    5 điều bạn cần biết về liệu pháp gen khi điều trị bệnh hiểm nghèo

    Các thành tựu đột phá của liệu pháp gen đã mang đến hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư, mù lòa và nhiều dị tật bẩm sinh như teo cơ tủy, bệnh máu khó đông, loạn dưỡng cơ… Liệu giải pháp này có làm tăng cơ hội điều trị cho những người chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo?

    Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các thông tin về liệu pháp gen, những bệnh mà liệu pháp này có thể điều trị, cũng như độ an toàn, hiệu quả và các tác dụng phụ của liệu pháp này. Những thành tựu đột phá của liệu pháp gen sẽ giúp bạn cảm thấy an tâm hơn khi tìm kiếm hy vọng chữa trị các căn bệnh hiểm nghèo.

    1. Liệu pháp gen là gì?

    Liệu pháp gen là liệu pháp điều trị bệnh mà không dùng đến các loại thuốc truyền thống hoặc phẫu thuật mà bằng cách thay thế một gen không hoạt động bởi một gen hoạt động.

    Trong một số trường hợp, một người bị bệnh vì từ khi sinh ra, họ đã mang trong mình một gen không có khả năng tạo ra loại protein mà cơ thể cần. Liệu pháp gen cho phép các nhà khoa học đưa một gen hoạt động vào hệ gen của một người để thay cho gen không hoạt động. Về mặt lý thuyết, khi cơ thể được cung cấp loại protein cần thiết đó thì bệnh sẽ được chữa trị.

    Nguyên tắc hoạt động của liệu pháp gen

    Để thực hiện liệu pháp gen, các nhà khoa học cần đưa một hoặc một số gen hoạt động nhất định vào cơ thể bằng virus. Virus có thể lây nhiễm các tế bào và đưa gen của mình vào ADN của người nên các nhà khoa học đưa gen cần chuyển vào gen của virus, sau đó lây nhiễm virus này vào các tế bào người. Sau khi lây nhiễm, virus sẽ đưa gen cần thiết vào ADN của người.

    Liệu pháp gen được thực hiện như thế nào?

    liệu pháp gen được thực hiện thế nào

    Việc đưa gen vào cơ thể là một trong những thách thức lớn nhất đối với liệu pháp gen. Việc chuyển gen vào một tế bào rất nhỏ là một điều vô cùng khó khăn, vì vậy bác sĩ cần đến một vật mang hay còn gọi là một “vector” để thực hiện quá trình này. Virus có khả năng lây nhiễm vào tế bào nên thường được sử dụng làm “vector” chuyển gen.

    Những loại virus dùng trong liệu pháp gen là virus cảm lạnh thông thường đã được cải biến di truyền để mang gen cần truyềnđã bị bất hoạt nên không còn khả năng gây bệnh cho người.  

    Có hai cách để đưa virus mang gen cần truyền vào tế bào:

    • Cách 1: Một số tế bào được lấy ra từ cơ thể người rồi được cho tiếp xúc với virus trong phòng thí nghiệm. Lúc này, virus sẽ tìm cách lây nhiễm vào tế bào người. Các tế bào đã được lây nhiễm virus sẽ tiếp tục được nuôi trong phòng thí nghiệm, sau đó sẽ được đưa trở lại cơ thể người bằng cách truyền tĩnh mạch hoặc tiêm vào khoang cơ thể hoặc khối u.

    • Cách 2: “Vector” mang gen người sẽ được đưa trực tiếp vào cơ thể bệnh nhân bằng truyền tĩnh mạch hoặc tiêm vào khoang cơ thể hoặc khối u. Một khi gen được đưa vào tế bào, gen này sẽ đi vào nhân tế bào và gắn vào hệ gen của người nhận. Gen này cần được tiến hành hoạt hóa để tổng hợp nên sản phẩm protein mà gen đó quy định.

    Liệu pháp gen được xem là thành công nếu tạo ra được loại protein có chức năng bình thường trong tế bào. Để đạt được tiêu chí này, bạn phải trải qua rất nhiều bước.

    2. Liệu pháp gen điều trị bệnh gì?

    liệu pháp gen

    Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food and Drug Administration–FDA) đã chấp thuận một liệu pháp gen dùng trong điều trị ung thư, đó là liệu pháp tế bào CAR-T. CAR-T là từ viết tắt của “Chimeric Antigen Receptor T-cell” có nghĩa là tế bào lympho T có chứa thụ thể kháng nguyên dạng khảm.

    FDA đã chấp thuận việc dùng liệu pháp tế bào CAR-T để điều trị cho bệnh nhân ung thư máu cấp tính dòng lympho (ALL) hay còn gọi là bệnh bạch cầu cấp dòng lympho đã trải qua những liệu pháp điều trị ung thư khác.  

    Nhiều thử nghiệm lâm sàng áp dụng liệu pháp gen để điều trị các bệnh hiếm gặp đang được thực hiện. Tại châu Âu, năm 2012, liệu pháp gen đầu tiên được cấp phép là liệu pháp gen dùng trong điều trị bệnh thiếu hụt lipoprotein lipase – một hội chứng khiến người mắc phải không thể phân giải các phân tử chất béo.

    Cũng có nhiều kết quả điều trị đầy hứa hẹn trong các thử nghiệm lâm sàng sử dụng liệu pháp gen để điều trị các bệnh:

    • Bệnh máu khó đông
    • Một số dạng bệnh khiếm thị
    • Rối loạn hoạt động miễn dịch
    • Loạn dưỡng cơ
    • Teo cơ tủy (SMA)

    3. Liệu pháp gen có an toàn không?

    Để xác định độ an toàn của liệu pháp gen, bạn cần tìm hiểu về những thành tựu và tác dụng phụ của liệu pháp này trước.

    Những thành tựu liệu pháp gen đã đạt được

    Liêu pháp gen đã có một số thành tựu khả quan trong việc chữa một số bệnh nhất định.

    • Thành tựu trong điều trị loạn dưỡng cơ: Một đánh giá tổng quan năm 2016 đã nêu bật một số kết quả hứa hẹn trong điều trị bệnh này bằng liệu pháp gen.

    • Thành tựu trong điều trị ung thư máu: Từ năm 2013, liệu pháp gen đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân ung thư máu trong các thử nghiệm lâm sàng. Năm 2017, một liệu pháp gen có tên là liệu pháp tế bào CAR-T đã được FDA chấp thuận dùng trong điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL).

    • Thành tựu trong điều trị bệnh viêm võng mạc sắc tố (gây mù lòa) và bệnh máu khó đông: Việc sử dụng liệu pháp gen trong điều trị 2 bệnh trên đã mang lại một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hệ miễn dịch của người được điều trị bắt đầu phản ứng với virus và liệu pháp này ngưng phát huy tác dụng. Các thử nghiệm lâm sàng cũng không đem lại nhiều kết quả khả quan như mong muốn.

    Việc thử nghiệm liệu pháp gen cho điều trị bệnh suy tim và bệnh Parkinson không đem lại nhiều kết quả.

    Bên cạnh một số thành tựu đạt được, liệu pháp gen vẫn đang trong thời gian nghiên cứu để xác định hiệu quả chữa bệnh. Nhiều liệu pháp gen mới chỉ trong giai đoạn nghiên cứu để đánh giá mức độ an toàn, những nghiên cứu trong tương lai sẽ tiếp tục xác định hiệu quả điều trị.

    Những tác dụng phụ của liệu pháp gen

    liệu pháp gen

    Cũng giống như các liệu pháp điều trị khác, liệu pháp gen cũng có những tác dụng phụ nhất định.

    Tác dụng phụ lâu dài

    Tác dụng phụ lâu dài của liệu pháp gen có thể chưa được đánh giá đầy đủ, vì đây là một liệu pháp rất mới và có tác dụng phụ lâu dài chỉ xảy ra nhiều năm sau khi tiếp nhận điều trị. Các tác dụng phụ lâu dài của liệu pháp gen vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và ghi nhận.

    Tác dụng phụ ngay sau khi điều trị

    • Sốt
    • Đau đầu
    • Tụt huyết áp
    • Buồn nôn, nôn
    • Ớn lạnh nghiêm trọng

    Những tác dụng phụ trên là do hệ miễn dịch phản ứng với virus. Những triệu chứng này thường sẽ dần thuyên giảm trong vòng 24–48 giờ sau khi truyền tĩnh mạch.

    Các tác dụng phụ khác còn tùy thuộc vào từng loại virus “vector” và cách đưa gen vào cơ thể. Ví dụ như nếu gen được đưa vào phổi của bệnh nhân, tác dụng phụ có thể xảy ra ở phổi.

    Một số tác dụng phụ về mặt lý thuyết

    Tác dụng phụ về mặt lý thuyết là những tác dụng phụ được dự đoán là có thể xảy ra nhưng chưa thực sự xảy ra trong các thử nghiệm lâm sàng. Liệu pháp gen có một số tác dụng phụ về mặt lý thuyết như:

    • Gen có thể đi vào tế bào khỏe mạnh, khiến các tế bào khỏe mạnh bị tổn thương và gây ung thư hay các bệnh khác.

    • Các gen được đưa vào các tế bào giao tử có thể làm ảnh hưởng tới nguyên liệu di truyền của tinh trùng hoặc trứng và gây ảnh hưởng tới thế hệ sau.

    Các nhà nghiên cứu rất cẩn thận kiểm soát những biến chứng không mong muốn của liệu pháp gen và thực hiện rất nhiều nghiên cứu trên mô hình động vật trước khi thử nghiệm trên người.

    Một số nghiên cứu đã cho thấy một số liệu pháp gen có thể mang tới nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe như nhiễm độc, gây viêm và thậm chí ung thư hay nhiều nguy cơ vẫn chưa thể được dự đoán. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các nhà khoa học và các tổ chức điều hành đã rất nỗ lực để đảm bảo độ an toàn của liệu pháp gen.

    Bên cạnh đó, nhiều bộ luật, điều lệ và hướng dẫn giúp bảo vệ quyền lợi của những người tham gia nghiên cứu/thử nghiệm lâm sàng đã ra đời. FDA kiểm soát tất cả những liệu pháp gen ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Bất kỳ ai muốn thử nghiệm liệu pháp gen đều phải được sự cho phép của FDA. Bất cứ khi nào có nghi ngại về độ an toàn của một liệu pháp gen, FDA có thẩm quyền từ chối cấp phép hoặc ngừng thử nghiệm lâm sàng.

    4. Liệu pháp gen nhìn từ khía cạnh đạo đức

    liệu pháp gen

    Liệu pháp gen tạo ra sự thay đổi ở cấp cơ bản nhất của cơ thể và có liên quan đến việc sửa chữa gen nên có nhiều vấn đề cần xem xét về khía cạnh đạo đức. Các câu hỏi từ khía cạnh đạo đức xung quanh liệu pháp gen bao gồm:

    • Làm thế nào có thể phân biệt liệu pháp gen được sử dụng với mục đích chữa bệnh và các liệu pháp gen được sử dụng với mục đích xấu?

    • Ai sẽ quy định những biểu hiện tính trạng nào bình thường và biểu hiện tính trạng nào là rối loạn hay tàn tật?

    • Chi phí điều trị bằng liệu pháp gen rất cao. Vậy điều này có phải là liệu pháp này chỉ dành cho những người giàu có hay không?

    • Nếu liệu pháp gen ngày càng trở nên phổ biến, xã hội có khi nào sẽ càng không thể chấp nhận những người khác biệt?

    • Nhân loại có nên cho phép sử dụng liệu pháp gen để tăng cường những đặc tính như chiều cao, trí thông minh hoặc khả năng thi đấu thể thao của con người?

    Các vấn đề đạo đức của liệu pháp gen giao tử

    Hiện nay, nghiên cứu liệu pháp gen chủ yếu tập trung vào điều trị bệnh bằng cách nhắm vào các tế bào tủy xương hay các tế bào máu và những gen dùng trong cách điều trị này không thể di truyền cho thế hệ sau. Tuy nhiên, liệu pháp này có thể nhắm vào các tế bào trứng hay tinh trùng và cho phép gen được đưa vào di truyền sang thế hệ sau, phương pháp này được gọi là liệu pháp gen giao tử (germline gene therapy).

    Liệu pháp gen giao tử gây ra nhiều tranh cãi vì mặc dù phương pháp này có thể giúp một gia đình mang bệnh di truyền có những thế hệ sau khỏe mạnh, nhưng lại có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của bào thai theo cách không mong muốn hoặc gây ra những tác dụng phụ lâu dài chưa được biết đến. Xét về mặt đạo đức, đứa trẻ được thực hiện liệu pháp gen còn chưa chào đời nên không thể quyết định mình có cần điều trị hay không.

    Vì những lý do này, nghiên cứu về liệu pháp gen giao tử trên người hiện nay rất hạn chế.

    5. Tương lai của liệu pháp gen trong điều trị

    tương lai cũa liệu pháp gen trong điều trị

    Các nhà khoa học đặt nhiều kỳ vọng nhưng cũng rất thận trọng với liệu pháp gen. Bên cạnh đó, một số liệu pháp điều trị có giá thành rất cao, có thể lên tới 1 triệu USD, khoảng 23 tỷ đồng.

    FDA cũng đang xem xét để cấp phép cho một số liệu pháp gen có độ an toàn cũng như hiệu quả cao trong điều trị bệnh về mắt và teo cơ tủy (SMA).

    Các bệnh về mắt: Liệu pháp gen SPK-RPE65 hay còn gọi là “voretigene neparvovec” dùng để điều trị một số bệnh về mắt đang trong giai đoạn hoàn thành hồ sơ và hy vọng có thể được FDA cấp phép năm 2017.

    • Teo cơ tủy: Liệu pháp gen dùng trong điều trị teo cơ tủy (SMA) cũng có độ an toàn và hiệu quả rất hứa hẹn trong điều trị bệnh teo cơ tủy (SMA). Các liệu pháp này đang trong giai đoạn hoàn thành các pha tiếp theo của thử nghiệm lâm sàng.

    Bên cạnh những liệu pháp gen đã được FDA hoặc châu Âu cấp phép dùng trong điều trị, hiện nay, rất nhiều liệu pháp gen vẫn còn đang ở giai đoạn nghiên cứu. Số lượng liệu pháp gen mà FDA cấp phép vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, có rất nhiều thử nghiệm lâm sàng đang trong giai đoạn thử nghiệm liệu pháp gen để điều trị các bệnh di truyền, ung thư, HIV/AIDS…

    Nếu bạn quan tâm và có ý định tham gia các thử nghiệm lâm sàng, bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc các chuyên gia di truyền. Bạn cũng có thể tham khảo một số trang nước ngoài như trang ClinicalTrivals.gov để tham khảo các liệu pháp gen đang được thử nghiệm.  

    Liệu pháp gen là một liệu pháp còn mới mẻ và cần nhiều nghiên cứu để có thể ứng dụng chữa trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, liệu pháp này cũng là một nguồn hy vọng với những bệnh nhân đã thử các liệu pháp khác mà không có kết quả.

    Hồng Nhung/HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 22/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo