backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

6 dấu hiệu nhiễm trùng máu thầm lặng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Lê Hương · Huyết học · Bệnh viện truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 02/12/2022

    6 dấu hiệu nhiễm trùng máu thầm lặng

    Nhiễm trùng máu, hay nhiễm trùng huyết, là căn bệnh nguy hiểm có khả năng dẫn đến tử vong. Song, bệnh lại rất khó chẩn đoán. Nhận biết được các dấu hiệu nhiễm trùng máu, dù là nhỏ nhất, sẽ là cách bảo vệ bạn trước “kẻ giết người thầm lặng” này.

    Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), mỗi năm trên thế giới có hơn 250.000 người tử vong do nhiễm trùng máu. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng máu sẽ tiến triển thành sốc nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, hạ huyết áp nghiêm trọng và thiếu máu đến các cơ quan trong cơ thể.

    Điều trị tình trạng này kịp thời là cách ngăn cho các biến chứng tệ hơn xảy ra cho người bệnh. Muốn vậy, bạn nên để ý đến triệu chứng nhiễm trùng máu dưới đây:

    6 dấu hiệu nhiễm trùng máu là gì?

    1. Da nhợt nhạt và lạnh

    Khi bị nhiễm trùng máu, cơ thể bạn sẽ ưu tiên việc bơm máu đến các cơ quan quan trọng như tim, thận và não hơn là những khu vực ít quan trọng hơn như tay chân và da. Vì vậy, da lạnh và có màu nhợt nhạt hơn bình thường. Triệu chứng dần trở nên rõ rệt hơn khi bạn bị tình trạng sốc nhiễm trùng.

    Tuy nhiên, da lạnh và nhợt nhạt không chỉ là dấu hiệu nhiễm trùng máu mà còn là biểu hiện của nhiều bệnh khác lành tính hơn. Do đó, không thể chỉ dựa vào dấu hiệu này mà chẩn đoán bạn có bị nhiễm trùng máu hay không.

    2. Đi tiểu ít hoặc nước tiểu đậm màu là dấu hiệu nhiễm trùng máu dễ nhận biết

    Thận là một trong những cơ quan dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của nhiễm trùng máu. Nó đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi của máu nên sự thay đổi của nước tiểu cũng là dấu hiệu nhiễm trùng máu khá điển hình.

    Khi nhiễm trùng máu, lượng máu đi tới thận bị giảm, dẫn đến việc người bệnh tiểu ít hơn và nước tiểu sẫm màu hơn do quá đậm đặc.

    Bên cạnh đó, nước tiểu sẫm màu còn có thể do mất nước, xảy ra khi bệnh nhân nhiễm trùng máu bị nôn mửa và tiêu chảy. Trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân thậm chí sẽ ngừng đi tiểu hoàn toàn, dẫn đến suy thận và tử vong.

    3. Dấu hiệu nhiễm trùng máu trên tâm thần kinh

    dấu hiệu nhiễm trùng máu trên thần kinh

    Nhầm lẫn, thiếu tỉnh táo, chóng mặt đều là kết quả của việc lưu lượng máu đến não thấp, mất nước và các độc tố bị thải ngược vào trong cơ thể do nhiễm trùng máu gây ra.

    Thế nhưng chúng cũng có thể là triệu chứng phổ biến của đột quỵ hay đơn giản hơn là do mệt mỏi quá độ.

    4. Nhịp tim nhanh

    Nhịp tim đập trên 90 nhịp 1 phút có khả năng là biểu hiện của nhiễm trùng máu. Cơ thế lúc này sẽ cố gắng hoạt động để chống lại nhiễm trùng, cộng với việc gia tăng lưu lượng máu đến các mô bị tổn thương. Chính vì vậy, trái tim cần nhiều lượng máu bơm ra hơn, dẫn đến nhịp tim tăng nhanh.

    Đôi khi nhịp tim chỉ tăng đến một mức độ nhất định, dù nhiễm độc máu có chuyển sang sốc nhiễm trùng đi chăng nữa. Do vậy mà rất có thể bệnh đã tiến triển sang giai đoạn cuối nhưng mức độ nhịp tim nhanh không thay đổi so với trước đó.

    5. Dấu hiệu nhiễm trùng máu gây khó thở

    dấu hiệu nhiễm trùng máu ảnh hưởng tới phổi

    Nhiễm trùng máu gây khó thở vì hai nguyên nhân: một là do vi khuẩn lan tới phổi và gây nhiễm trùng phổi khiến lượng oxy giảm; hai là khi tình trạng nhiễm trùng tiến triển, cơ thể cần nhiều oxy hơn để giải phóng lượng carbon dioxide đang gia tăng trong máu. Vì lý do đó mà bạn sẽ thở nhanh hơn bình thường, dẫn tới cảm thấy khó thở.

    Cũng như những dấu hiệu nhiễm trùng máu kể trên, khó thở còn có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác về hô hấp, tuần hoàn.

    6. Buồn nôn, nôn và tiêu chảy

    Như đã đề cập ở trên, khi bị nhiễm trùng, máu sẽ được di chuyển đến các cơ quan quan trọng và bỏ quên những cơ quan ít quan trọng hơn, một trong số đó là đường ruột. Các triệu chứng của nhiễm trùng máu như buồn nôn, nôn và tiêu chảy đều là vấn đề xảy ra do lượng máu đến đường ruột quá thấp gây thiếu máu và có thể hoại tử đường ruột. Ngoài ra buồn nôn, nôn có thể do độc tố nhiễm trùng tấn công vào thành ruột hoặc ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, hệ thần kinh thực vật.

    Xem thêm >> Phân biệt nhiễm trùng máu và ung thư máu

    Điều trị nhiễm trùng máu

    Điều trị sớm và tích cực giúp gia tăng cơ hội sống sót sau nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân nhiễm trùng máu cần được theo dõi chặt chẽ và điều trị trong phòng hồi sức cấp cứu của bệnh viện.

    Các cách điều trị nhiễm trùng máu bao gồm:

    Dùng thuốc trị nguyên nhân và giảm dấu hiệu nhiễm trùng máu

    điều trị giúp giảm dấu hiệu nhiễm trùng máu

    Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng máu và sốc nhiễm trùng là:

    Kháng sinh: Điều trị bằng thuốc kháng sinh nên bắt đầu ngay khi phát hiện ra bệnh. Ban đầu, kháng sinh phổ rộng sẽ được sử dụng vì nó có khả năng chống lại nhiều loại vi khuẩn khác nhau.

    Sau khi biết kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể chuyển sang loại kháng sinh đặc hiệu với chủng vi khuẩn mà bạn đang nhiễm.

    Truyền dịch: Những người bị nhiễm trùng huyết thường được truyền dịch ngay lập tức trong vòng 3 tiếng.

    Thuốc co mạch: Nếu huyết áp của bạn quá thấp ngay cả sau khi được truyền dịch, bạn sẽ được dùng thuốc vận mạch làm co mạch máu và giúp tăng huyết áp.

    Các loại thuốc khác giúp hỗ trợ điều trị: bao gồm corticosteroid liều thấp, insulin để giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định, thuốc điều chỉnh phản ứng của hệ miễn dịch, thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần.

    Liệu pháp oxy

    Liệu pháp oxy chỉ sử dụng trong trường hợp bệnh nhiễm trùng máu nặng gây suy hô hấp. Bệnh nhân sẽ được thở oxy cao áp thông quá máy thở hoặc lồng oxy.

    Phẫu thuật

    Phẫu thuật nhằm loại bỏ các nguồn gây nhiễm trùng, ngăn không cho nhiễm trùng lan rộng hay ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.

    Nhiễm trùng máu là tình trạng nguy hiểm, diễn tiến nhanh chóng và có thể gây tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Vì vậy, bạn nên ghi nhớ 6 dấu hiệu nhiễm trùng máu ở trên để sớm phát hiện và xử lý kịp thời nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Lê Hương

    Huyết học · Bệnh viện truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 02/12/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo