Bạn có biết rằng, trong một đám đông giẫm đạp, chèn ép, trẻ em là một trong những đối tượng có nguy cơ bị tử vong cao nhất không?
Sự cố đám đông giẫm đạp, chèn ép trong lễ hội Halloween ở khu phố Itaewon (Seoul, Hàn Quốc) đã khiến nhiều người vừa đau buồn, vừa lo sợ, đặc biệt là các bậc cha mẹ có con trẻ thường xuyên tham gia những chương trình, sự kiện lớn được tổ chức ở trường hay những buổi hòa nhạc của thần tượng… Nguyên nhân là vì trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao tử vong nếu mắc kẹt trong một đám đông hỗn loạn. Vì sao lại như thế? Để có được câu trả lời, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi.
Thảm họa đám đông giẫm đạp, chèn ép là như thế nào?
Việc một đám đông chen chúc nhau trong một buổi hòa nhạc lớn, sự kiện thể thao hay lễ hội… là điều phổ biến và thường không dẫn đến bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, nếu lượng người tham dự vượt quá sức chứa của địa điểm tổ chức sự kiện hoặc nếu việc quản lý đám đông không tốt thì tình trạng đám đông giẫm đạp, chèn ép có nguy cơ cao xảy ra.
Khi rất nhiều người di chuyển theo cùng một hướng vào cùng một lúc, một vài người có thể va chạm, té ngã và đè lên nhau. Đến đây, có phải bạn đang nghĩ rằng chỉ cần những người phía sau không di chuyển nữa thì sẽ không có chuyện gì xảy ra? Mọi chuyện không đơn giản như thế!
Những người ở phía sau đám đông giẫm đạp sẽ không kịp thời nhận thức hay biết được rằng có một hoặc nhiều người đã ngã ở phía trước. Và vì những người ở sau nhận ra rằng vẫn còn chỗ để di chuyển, họ sẽ tiếp tục tiến về phía trước.
Lúc này, nguy hiểm đã xảy ra và sẽ gia tăng mức độ một cách nhanh chóng. Vì chỉ cần 5 người đè lên 1 đứa trẻ là đã có thể làm gãy xương sườn, xẹp phổi hoặc gây chấn thương đầu bé một cách nghiêm trọng. Còn nếu là một đám đông đang di chuyển thì có thể tạo ra một lượng năng lượng được so sánh với năng lượng của một đoàn tàu đang chạy.
Rất khó để dừng một đoàn người đang di chuyển và dòng người này có thể cuốn trẻ đi theo đúng nghĩa đen. Thậm chí, trong một thảm họa đám đông giẫm đạp, chèn ép, trẻ có nguy cơ tử vong ngay cả khi đang đứng. Áp lực từ đoàn người có thể đè ép cơ thể bé theo hướng từ trước ra sau hoặc từ tất cả các phía khiến trẻ không thở được. Vì vậy, việc trang bị cho trẻ những kiến thức về cách sống sót và thoát khỏi đám đông là hoàn toàn cần thiết.
Bạn có thể xem thêm:
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đám đông giẫm đạp, chèn ép
Có rất nhiều yếu tố gây ra một đám đông hỗn loạn giẫm đạp, chèn ép nhau, bao gồm:
- Số lượng người tập trung tại một địa điểm vượt quá sức chứa của địa điểm đó
- Không gian tổ chức sự kiện được quy hoạch kém, chẳng hạn như thiếu lối thoát hiểm rõ ràng
- Khả năng quản lý, điều hành và kiểm soát đám đông của ban tổ chức sự kiện kém
- Không gian quá hẹp
- Có rào cản vật lý hoặc đồ vật chắn lối ra, gây tắc nghẽn lối thoát
- Địa điểm tổ chức là nơi mà người đi bộ chia sẻ không gian với người sử dụng các phương tiện giao thông
- Một số người có hành vi nguy hiểm gây kích động đám đông như xô đẩy, gào thét, trèo lên cao hoặc phá hủy các cấu trúc và thiết bị
- Cơ sở hạ tầng lỏng lẻo, nguy hiểm, khiến người tham gia lo sợ và đồng loạt bỏ chạy khi có dấu hiệu cảnh báo sự cố có thể xảy ra
- Có sự cố cháy nổ xảy ra khiến mọi người dồn ra lối thoát cùng một lúc.
Vì sao trẻ có nguy cơ tử vong khi mắc kẹt trong đám đông?
Nhiều người cho rằng các trường hợp tử vong trong thảm họa đám đông giẫm đạp, chèn ép là do bị giẫm đạp dẫn đến các thương tích nặng. Thực tế, tình trạng thiếu oxy mới là nguyên nhân phổ biến của vấn đề này.
Đám đông có thể tác động lên vùng ngực và khiến trẻ khó thở theo 2 hướng:
- Từ những người phía sau đang đẩy về phía trước
- Từ những người phía trước đang cố tìm đường thoát hoặc đang gồng mình đứng lại giữa đoàn người đang di chuyển, hay đang cố đi ngược chiều dòng người để trở ra.
Điều này không chỉ gây chấn thương đầu và cổ, mà còn có thể dẫn đến tình trạng ngạt thở do lực nén (compressive asphyxia – thuật ngữ mô tả quá trình hô hấp bị ngăn cản bởi áp lực bên ngoài lên cơ thể). Nghĩa là, trẻ có nguy cơ bị chèn ép chặt đến mức lồng ngực không còn không gian để phổi nở ra thực hiện chức năng hô hấp như bình thường. Nghiên cứu cho thấy, sau khoảng 6 phút bị đè ép chặt thì cơ thể sẽ bị ngạt thở do lực nén.
Hơn nữa, nếu trẻ không giữ bình tĩnh mà liên tục la hét, sợ hãi, hoảng loạn, lượng oxy trong cơ thể sẽ ngày càng ít, khiến tình trạng nghẹt thở trầm trọng hơn. Không những thế, những trẻ có chiều cao khiêm tốn khi bị mắc kẹt trong đám đông sẽ dễ bị thiếu oxy hơn.
Một nguyên nhân khác cũng có thể gây tử vong cho trẻ khi mắc kẹt trong đám đông giẫm đạp là hít phải các chất trong dạ dày. Áp lực từ cả hai phía của đoàn người có thể khiến các chất trong dạ dày của trẻ trào lên, lọt vào đường thở gây chết ngạt.
Ngoài ra, các ca tử vong cũng có thể xảy ra sau khi trẻ thoát khỏi đám đông giẫm đạp nhưng không thể chống chọi nổi với vết thương gây ra từ tình trạng giẫm đạp, chèn ép. Những tổn thương cơ khi mắc kẹt trong đám đông có thể dẫn đến tình trạng đe dọa tính mạng khi các mô cơ giải phóng protein và chất điện giải vào máu, gây hại cho tim hoặc thận. Tình trạng tổn thương nội tạng, đặc biệt là phổi và tim, cũng như xuất huyết nội, gãy xương, chấn thương tủy sống, chấn thương ở đầu, chấn thương vùng ngực, bụng… cũng có thể là nguyên nhân gây tử vong.
Bạn có thể xem thêm:
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được vì sao trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao tử vong khi bị mắc kẹt trong một đám đông hỗn loạn giẫm đạp, chèn ép, từ đó có được những biện pháp bảo vệ trẻ phù hợp.
[embed-health-tool-bmi]