Bạo hành trẻ em không còn là vấn đề mới trong gia đình và xã hội. Thế nhưng, thông tin bé gái 8 tuổi tử vong nghi do bị “dì ghẻ” bạo hành ở TP.HCM vừa qua đã khiến vấn nạn này được “nóng” trở lại và gây bức xúc trong dư luận. Qua vụ việc trên, điều đáng quan tâm là nạn bạo hành trẻ em hiện nay không chỉ xảy ra ở những gia đình dân trí thấp như chúng ta vẫn nghĩ mà ngay cả những gia đình khá giả, trí thức vẫn có thể tồn tại vấn nạn này.
Hơn nữa, một phần gây ra hậu quả thương tâm đối với nạn nhân đó chính là trẻ đã không được những người xung quanh giúp đỡ kịp thời. Ở Việt Nam, nạn bạo hành trẻ em và phụ nữ vẫn tiếp diễn không ngừng là do nhiều người nghĩ rằng việc “dạy vợ, dạy con” là “chuyện riêng nhà người ta” và không muốn can thiệp. Thực chất đây chính là “lối mòn” văn hóa cần được thay đổi để tránh những hậu quả đáng tiếc như vụ việc vừa qua. Vậy đâu là những dấu hiệu trẻ bị bạo hành mà bạn có thể nhận biết để giúp đỡ các bé kịp thời? Mời bạn tham khảo những thông tin được Hello Bacsi tổng hợp qua bài viết sau.
5 hình thức bạo hành và ngược đãi trẻ em phổ biến hiện nay
Bất kỳ hành vi nào cố ý làm hại trẻ dưới 18 tuổi đều được coi là bạo hành và ngược đãi trẻ em. Làm hại trẻ em có thể diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau và thường được gây ra cùng một lúc, bao gồm:
- Bạo hành trẻ em về thể chất: Đối với hình thức bạo hành này, cơ thể trẻ sẽ có thương tích do bị đánh đập bằng tay hoặc đồ vật như cán chổi, thắt lưng, roi, dây thừng, gậy gộc… Một số hành vi khác như đạp, đá, đấm, xô đẩy… để gây đau đớn, tổn thương cho nạn nhân cũng được xem là bạo hành trẻ em về thể chất.
- Bạo hành trẻ về tinh thần: Đây là hình thức bạo hành làm tổn thương lòng tự trọng hoặc tình cảm của trẻ. Hành vi gây tổn thương trẻ thường là bằng lời nói như mắng mỏ, xúc phạm, cô lập, phớt lờ hoặc từ chối điều gì đó từ trẻ.
- Xâm hại tình dục trẻ em: Đây là hành vi lạm dụng trẻ dưới 18 tuổi về tình dục như vuốt ve vùng nhạy cảm, quan hệ bằng miệng, giao hợp hoặc ép trẻ xem những nội dung khiêu dâm.
- Bỏ mặc trẻ em: Bỏ mặc hoặc bỏ bê trẻ em nghĩa là người có trách nhiệm nuôi dưỡng trẻ không cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống, nơi ở cho trẻ, không cho trẻ đi học hoặc không đưa trẻ đến bệnh viện khi cần thiết.
- Lạm dụng trẻ về sức khỏe và y tế: Bao gồm những hành vi như cung cấp thông tin sai về bệnh tật của trẻ, cố ý cho trẻ uống sai thuốc, đưa trẻ đi khám hoặc làm những xét nghiệm không cần thiết khiến trẻ có nguy cơ gặp rủi ro.
Dấu hiệu trẻ bị bạo hành: Những “manh mối” nào bạn không nên bỏ qua?
Một đứa trẻ bị bạo hành, ngược đãi hoặc xâm hại tình dục có thể cảm thấy tội lỗi, xấu hổ hoặc bối rối. Trẻ có thể cảm thấy sợ hãi khi kể với bất cứ ai về tình trạng của mình, đặc biệt là khi kẻ bạo hành chính là cha mẹ hoặc người thân nào đó trong gia đình. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần chú ý đến những dấu hiệu trẻ bị bạo hành sau đây để giúp đỡ nạn nhân kịp thời.
Dấu hiệu trẻ bị bạo hành về thể chất
Trẻ bị bạo hành về thể chất thường có thương tích trên cơ thể không giải thích được, trong đó bao gồm:
- Vết bầm tím thường được nhìn thấy rõ trên khắp cơ thể
- Chấn thương vùng mặt và tai
- Chấn thương đầu khiến trẻ không còn tỉnh táo, minh mẫn, thường xuyên đau đầu, dễ cảm thấy buồn nôn
- Chấn thương trên cánh tay do phòng thủ
- Vết cắn, vết rách trên da
- Vết bỏng, thường là bỏng do thuốc lá châm
- Rụng tóc do chấn thương
- Chấn thương vùng miệng (môi, vòm miệng, răng, lưỡi) chẳng hạn như bị rách, bầm tím, chảy máu
- Đau họng thường xuyên không rõ nguyên nhân
- Đau bụng cấp tính hoặc mãn tính
- Trật khớp, gãy xương mà không được chăm sóc tử tế
- Dấu hiệu trẻ bị bạo hành thân thể còn bao gồm việc trẻ kém phát triển về thể chất, tăng hoặc giảm cân bất thường.
Dấu hiệu trẻ bị bạo hành về tinh thần
- Trẻ phát triển kém về mặt cảm xúc hoặc có những suy nghĩ, cảm xúc lệch lạc
- Trẻ mất tự tin trong mọi hoạt động hoặc không có lòng tự trọng
- Xa lánh mọi người, trẻ không có hứng thú hoặc nhiệt tình với bất kỳ hoạt động nào
- Trẻ không muốn đi học và thành tích ở trường thường không tốt
- Trẻ mất đi các kỹ năng đã có trước đây
- Trẻ bị bạo hành tinh thần sẽ không vô tư, vui vẻ như những đứa trẻ bình thường mà thay vào đó trẻ sẽ có cảm xúc phiền muộn, tuyệt vọng.
Nhận biết các dấu hiệu trẻ bị bạo hành, ngược đãi thông qua hành vi của bé
- Trẻ thường sợ hãi, lo lắng, khó ngủ, gặp ác mộng, đái dầm
- Trẻ sợ hãi và tránh ở chung với kẻ bạo hành
- Trẻ dễ nổi nóng, tức giận, chống đối, nổi loạn hoặc hiếu động thái quá
- Trẻ có thể trầm cảm, thụ động, rối loạn ngôn ngữ
- Trẻ gặp các vấn đề trong ăn uống
- Trẻ thường bỏ chạy khi gặp người khác và tránh tiếp xúc với mọi người
- Nghỉ học thường xuyên, kém tập trung, kết quả học tập giảm sút
- Trẻ có xu hướng đập phá đồ vật hoặc hành hạ động vật
- Trẻ thích tự làm hại bản thân như cắt tay, dùng chất kích thích…
- Nếu phát hiện trẻ cảm thấy đau, gặp khó khăn khi đi bộ hoặc ngồi, đó có thể là dấu hiệu trẻ bị bạo hành
- Đối với hình thức bên ngoài, trẻ bị bạo hành và ngược đãi thường vệ sinh kém, mặc quần áo không phù hợp hoặc thiếu thốn về vật chất. Từ đó có thể dẫn đến một số hành vi xấu ở trẻ như ăn cắp, giấu thức ăn…
Nhận biết các dấu hiệu trẻ bị bạo hành, ngược đãi thông qua hành vi của cha mẹ
Bạo hành gia đình đối với trẻ em thường do cha mẹ hoặc người thân khác trong gia đình gây ra. Trên thực tế, bạn không chỉ có thể nhận biết các dấu hiệu trẻ bị bạo hành từ các vết thương và hành vi của đứa trẻ. Đôi khi, hành vi của chính kẻ gây bạo hành cũng có thể cung cấp “manh mối” rất rõ ràng. Trong đó, các dấu hiệu cảnh báo từ người lớn có hành vi đánh đập, ngược đãi trẻ em bao gồm:
- Tỏ ra ít quan tâm đến đứa trẻ
- Dường như không nhận ra hoặc không quan tâm đến sự đau đớn thân thể hoặc cảm xúc của trẻ bị bạo hành
- Đổ lỗi cho trẻ về mọi vấn đề
- Luôn coi thường, mắng chửi đứa trẻ bằng những câu nói và từ ngữ nặng nề, thô tục
- Kỷ luật, dạy dỗ trẻ bằng những phương pháp khắc nghiệt, tàn nhẫn gây tổn thương thể chất và tinh thần của trẻ
- Yêu cầu thành tích học tập không phù hợp với khả năng của trẻ. Nếu trẻ không đạt kết quả đặt ra sẽ đánh đập, mắng mỏ bé.
- Nếu được hỏi về đứa trẻ, kẻ bạo hành thường đưa ra những lời giải thích mâu thuẫn, không rõ ràng, không thuyết phục về những vết thương trên cơ thể của trẻ hoặc thậm chí là không muốn giải thích.
Trẻ em là đối tượng yếu ớt, chưa có khả năng tự vệ nên rất dễ bị tổn thương. Dù ở thời đại nào, việc người lớn đánh đập, ngược đãi trẻ em cũng không phải là vấn đề riêng tư trong gia đình mà là vấn nạn xã hội cần được lên án mạnh mẽ. Bạn nên biết rằng các hành vi của cha mẹ hoặc bất kỳ người lớn nào trong gia đình gây đau đớn, tổn thương thể chất và tinh thần cho đứa trẻ, dù “nhân danh” là giáo dục, dạy con cũng được xem là hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em.
Vì vậy, để tránh những hậu quả đáng tiếc và thương tâm, chúng ta không nên phớt lờ các dấu hiệu trẻ bị bạo hành, ngược đãi. Thay vào đó, nếu con của bạn hoặc những đứa trẻ khác bị đánh đập tàn nhẫn, bạn nên nhanh chóng báo cho công an địa phương hoặc những cơ quan, tổ chức chuyên giúp đỡ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành để hỗ trợ và giải cứu nạn nhân kịp thời.
[embed-health-tool-vaccination-tool]