backup og meta

Trẻ 5 tuổi khó ngủ: Nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục

Trẻ 5 tuổi khó ngủ: Nguyên nhân, hậu quả và cách khắc phục

Một trong những vấn đề về giấc ngủ lớn nhất ở trẻ 5 tuổi là chứng khó ngủ. Nếu trẻ 5 tuổi khó ngủ sẽ làm suy yếu đáng kể hoạt động ban ngày của bé thì điều đó có thể dẫn đến chứng mất ngủ hoặc một chứng rối loạn giấc ngủ khác. 

Những vấn đề mà tình trạng khó ngủ gây ra có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Do đó, cha mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục tình trạng này càng sớm càng tốt. Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giải đáp mọi thắc mắc của bạn xoay quanh vấn đề trẻ 5 tuổi khó ngủ.

Trẻ 5 tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?

Để cơ thể hoạt động và phát triển tốt nhất, trẻ em thường cần ngủ nhiều hơn người lớn. Đối với trẻ 5 tuổi, thời gian ngủ được đề xuất là từ 10 đến 13 giờ mỗi ngày, bao gồm cả những giấc ngủ ngắn ban ngày. Không chỉ cần đảm bảo ngủ đủ giấc, trẻ còn phải đi ngủ đúng giờ, đặc biệt là vào buổi tối. Nếu ngủ muộn, trẻ sẽ thường dậy muộn, ảnh hưởng việc tắm nắng và ăn sáng, có thể gây ra bệnh còi xương và suy dinh dưỡng. Ngoài ra, việc đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt cho bé cũng rất quan trọng.

Tình trạng khó ngủ gây ra các vấn đề gì cho trẻ 5 tuổi?

Tình trạng khó ngủ có khả năng dẫn đến việc ngủ không đủ giấc hoặc thậm chí mất ngủ. Cũng giống như người lớn, trẻ 5 tuổi khó kiểm soát tâm trạng khi bị mất ngủ hoặc thiếu ngủ. Không những thế, tình trạng này còn làm ảnh hưởng nhiều đến hành vi và trạng thái tinh thần của trẻ. Trong một số trường hợp, các triệu chứng của tình trạng ngủ không đủ giấc thậm chí có thể tương đồng với các triệu chứng của bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Nếu trẻ 5 tuổi gặp phải tình trạng khó ngủ dai dẳng, bé có thể gặp các vấn đề như:

  • Khó thức dậy hoặc sau khi thức dậy lại ngủ tiếp trong ngày
  • Buồn ngủ, ngủ gật thường xuyên
  • Có nhu cầu ngủ trưa nhiều hơn
  • Mệt mỏi, không tỉnh táo
  • Thường cảm thấy uể oải, chán nản
  • Trí nhớ kém
  • Gặp khó khăn trong việc tập trung 
  • Hung hăng, cáu gắt hoặc quá xúc động
  • Hiếu động thái quá
  • Các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, mộng du, hội chứng ngưng thở khi ngủ

Việc ngủ không ngon giấc khi còn nhỏ có thể dẫn đến các vấn đề với hệ thống miễn dịch. Ngoài ra còn có bằng chứng cho thấy trẻ thiếu ngủ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai liên quan đến béo phì, tiểu đường và huyết áp cao.

Điểm mặt” 8 nguyên nhân trẻ 5 tuổi khó ngủ

Đối với nhiều trẻ 5 tuổi, việc khó ngủ có thể bắt nguồn từ thói quen ban ngày hoặc các hoạt động ngay trước thời gian đi ngủ. Ví dụ, ăn quá nhiều thức ăn có đường trong ngày hoặc xem tivi, sử dụng các thiết bị thông minh (điện thoại, iPad) ngay trước khi đi ngủ có thể làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ. Điều này khiến trẻ gặp khó khăn trong việc tạo mối liên hệ giữa thói quen và chất lượng giấc ngủ. 

Những nguyên nhân phổ biến khác khiến trẻ 5 tuổi khó ngủ bao gồm:

1. Căng thẳng

trẻ 5 tuổi khó ngủ do căng thẳng

Mặc dù còn rất nhỏ, nhưng trẻ 5 tuổi cũng có thể cảm thấy căng thẳng nếu chẳng may phạm lỗi, xảy ra mâu thuẫn với bạn bè hay hoặc thậm chí bị bắt nạt. Ở nhà, căng thẳng có thể phát sinh do các vấn đề trong hôn nhân của cha mẹ, có em hoặc những thay đổi trong cách sắp xếp chỗ ngủ của trẻ khiến bé phải chia sẻ phòng ngủ với anh chị em, ông bà hoặc không còn được ngủ chung với cha mẹ.

2. Caffeine

Nhiều loại nước ngọt và nước tăng lực có chứa caffeine có thể khiến trẻ tỉnh táo vào ban đêm. Hãy cố gắng hạn chế việc tiêu thụ những thực phẩm có chứa chất này trước giờ ăn trưa. Tốt hơn hết, cha mẹ không nên để trẻ uống những loại đồ uống này.

3. Tác dụng phụ của thuốc 

Một số loại thuốc, như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật, corticosteroid và chất kích thích được sử dụng trong thuốc điều trị ADHD cũng có thể khiến trẻ 5 tuổi khó ngủ.

4. Các vấn đề sức khỏe khác cũng có thể khiến trẻ 5 tuổi khó ngủ

Việc gặp phải một số vấn đề sức khỏe như chứng rối loạn giấc ngủ (ví dụ: chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên), tình trạng nghẹt mũi do dị ứng, hen suyễn, ho hoặc có các cơn đau ngày càng tăng hay ngứa da do bệnh chàm có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, khiến trẻ khó ngủ hơn.

5. Những nỗi sợ hãi trước khi đi ngủ

Đối với trẻ em, cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng khi đi ngủ là một trong những lý do chính khiến bé khó đi vào giấc ngủ. Trẻ có thể sợ bóng tối hoặc có thể không thích ở một mình. Những đứa trẻ có trí tưởng tượng phong phú có thể nghe thấy tiếng động vào ban đêm và bắt đầu hình dung ra những nỗi sợ.

6. Ác mộng

Đôi khi, trẻ 5 tuổi khó đi vào giấc ngủ vì lo ngại sẽ mơ thấy những điều đáng sợ. Việc đọc sách hoặc xem các chương trình truyền hình, phim kinh dị, bạo lực trước khi đi ngủ có thể làm cho trẻ có những giấc mơ xấu. Điều này khiến các bé tìm cách trì hoãn không muốn đi ngủ.

7. Sử dụng các thiết bị điện tử ngay trước giờ đi ngủ có thể khiến trẻ 5 tuổi khó ngủ

trẻ 5 tuổi khó ngủ do dùng thiết bị thông minh

Các vấn đề về giấc ngủ của trẻ em có liên quan đến việc sử dụng tivi và các thiết bị điện tử khác. Càng sử dụng thiết bị điện tử nhiều, trẻ càng có xu hướng bị gián đoạn giấc ngủ nhiều hơn và có thể ngủ ít hơn. Ngay cả việc xem thụ động (ví dụ như ngồi chung phòng khi cha mẹ đang xem tivi) cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Trẻ 5 – 6 tuổi xem các chương trình dành cho người lớn, thường ngủ ít hơn và bị rối loạn giấc ngủ nhiều hơn.

Những điều này xảy ra bởi những tác động từ ánh sáng nhân tạo. Việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo gồm các bước sóng ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử khoảng 1 giờ trước khi đi ngủ có thể phá vỡ đồng hồ sinh học của trẻ, ảnh hưởng đặc biệt đến giấc ngủ của bé.

Ngoài ra, nội dung được xem trước khi ngủ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ. Nội dung hấp dẫn hoặc gây rối có thể kích thích quá mức, khiến trẻ 5 tuổi khó ngủ hơn.

8. Trẻ 5 tuổi khó ngủ vì dành quá nhiều thời gian trên giường

Đôi khi, chứng mất ngủ của trẻ có thể bắt nguồn từ việc dành nhiều thời gian cho giấc ngủ hơn mức trẻ cần mỗi đêm. Trong trường hợp này, bé có thể không muốn đi ngủ, tỉnh dậy lúc nửa đêm hoặc thức dậy quá sớm vào buổi sáng. Để tìm giờ đi ngủ lý tưởng, hãy lưu ý thời điểm trẻ bắt đầu buồn ngủ vào buổi tối. Đó là thời gian bé nên đi ngủ. Dựa vào đó, hãy tạo cho trẻ thói quen đi ngủ sớm hơn khoảng 45 phút. 

Giải pháp cải thiện tình trạng trẻ 5 tuổi khó ngủ

Để hạn chế tối đa các vấn đề gây ra bởi thiếu ngủ, cha mẹ nên tham khảo những giải pháp giúp cải thiện tình trạng trẻ 5 tuổi khó ngủ sau đây: 

1. Đảm bảo rằng trẻ chỉ sử dụng giường cho việc ngủ

trẻ 5 tuổi khó ngủ

Hãy tập cho trẻ thói quen chỉ sử dụng giường để ngủ hay nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, tập cho trẻ thói quen tốt trước khi đi ngủ như đọc sách thay vì xem tivi hay chơi game. Nếu không, các bé có xu hướng liên kết chiếc giường với các hoạt động khác hơn là nghỉ ngơi và thư giãn. 

2. Đảm bảo phòng ngủ của trẻ thoải mái để cải thiện tình trạng trẻ 5 tuổi khó ngủ

Hầu hết trẻ em ngủ tốt nhất trong phòng rộng rãi và thoáng mát. Nếu bên ngoài có tiếng ồn, sử dụng tiếng ồn trắng từ quạt có thể giúp trẻ dễ ngủ hơn. Đảm bảo rằng giường của bé không chứa quá nhiều đồ chơi, vì điều đó có thể khiến trẻ mất tập trung vào giờ đi ngủ.

Nhiệt độ phòng phù hợp cũng là yếu tố cần quan tâm, bạn có thể giúp điều chỉnh nhiệt độ bên ngoài bằng cách cho con bạn mặc đồ ngủ bằng vải cotton thoáng khí và giữ nhiệt độ phòng ngủ khoảng 18 đến 22°C vào ban đêm. Nhiệt độ có thể điều chỉnh tùy thời tiết nhưng đừng để nhiệt độ quá cao.

Tạo ra một môi trường giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ là rất quan trọng vì có thể  giảm bớt sự phân tâm khi bắt đầu đi ngủ. Với bộ khăn trải giường mềm mại, màu tối trong phòng và tương đối yên tĩnh có thể giúp con bạn phân biệt giữa ngày và đêm, giúp dễ đi vào giấc ngủ hơn.

3. Cố gắng giữ cho trẻ một lịch trình ngủ cố định, ngay cả vào cuối tuần 

Hành động này sẽ giúp trẻ 5 tuổi dễ dàng ngủ và thức một cách tự nhiên. Lưu ý, thời gian ngủ này cần phù hợp với đồng hồ sinh học của trẻ. Nghiên cứu cho thấy rằng nhiều bậc cha mẹ cho con đi ngủ quá sớm trước khi trẻ sẵn sàng về mặt sinh lý để đi vào giấc ngủ. Khi đó, cơ thể của bé chưa sản xuất đủ melatonin – một chất điều hòa nội tiết tố quan trọng của giấc ngủ. Vì vậy, các bé thường không chịu ở trên giường hoặc nằm với tình trạng tỉnh táo và bồn chồn.

4. Không để trẻ quá đói hoặc quá no trước khi đi ngủ

Một bữa ăn nhẹ với sữa ấm và chuối trước khi đi ngủ là một ý kiến ​​hay. Ngược lại, việc tiêu thụ các bữa ăn có khẩu phần lớn với nhiều đường và chất béo trong vòng 1 – 2 giờ trước khi đi ngủ có thể khiến trẻ tỉnh táo.

5. Khuyến khích lối sống năng động  

trẻ 5 tuổi khó ngủ

Tập thể dục đều đặn một giờ mỗi ngày hoặc vui chơi ngoài trời có thể ngăn ngừa tình trạng bồn chồn vào ban đêm ở trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, đừng để bé hoạt động mạnh trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ.

6. Chú ý đến giấc ngủ trưa của trẻ

Trẻ em thường cần ít nhất 4 giờ giữa các giấc ngủ để tiêu hao bớt năng lượng và sẵn sàng cho việc ngủ trở lại. Mặc dù nhu cầu ngủ trưa có thể khác nhau, nhưng bên cạnh việc đảm bảo trẻ có giấc ngủ trưa chất lượng, cần tránh cho trẻ ngủ trưa quá lâu hoặc quá gần giờ đi ngủ buổi tối. Nếu không, trẻ có thể gặp tình trạng khó ngủ vào ban đêm.

7. Hạn chế tiếp xúc với đồ điện tử để ngăn chặn tình trạng trẻ 5 tuổi khó ngủ 

Ánh sáng xanh phát ra từ tivi, điện thoại, máy tính bảng và trò chơi điện tử có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ/thức của cơ thể khiến trẻ 5 tuổi khó ngủ hơn. Hãy đảm bảo trẻ không sử dụng các thiết bị này ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ và cất chúng bên ngoài phòng ngủ của bé.

8. Dành thời gian trò chuyện cùng trẻ trước khi đi ngủ

Một số trẻ muốn ngủ muộn hơn vì muốn được cha mẹ quan tâm nhiều hơn. Ở nhiều gia đình, các bậc phụ huynh đều đi làm vào ban ngày. Vì thế, các bé thường rất mong chờ thời gian vào buổi tối để có thể chơi đùa và trò chuyện tâm sự cùng cha mẹ. Ngay cả khi chỉ hỏi thăm trẻ về bạn bè hoặc sở thích của bé… cũng có thể giúp ích trẻ dễ ngủ và ngủ ngon hơn mỗi tối.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên trước tiên vào buổi sáng. Việc mở rèm để báo hiệu một ngày mới bắt đầu có thể giúp bé thức dậy một cách tự nhiên.

Mong rằng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng trẻ 5 tuổi khó ngủ, đồng thời giúp bạn tìm ra được giải pháp phù hợp nhất để cải thiện vấn đề này cho con của mình.

[embed-health-tool-child-growth-chart]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Childhood Insomnia and Sleep Problems https://www.helpguide.org/articles/sleep/childhood-insomnia-and-sleep-problems.htm Ngày truy cập: 30/11/2021

What to Do if You Can’t Sleep https://kidshealth.org/en/kids/cant-sleep.html Ngày truy cập: 30/11/2021

Children and Sleep https://www.sleepfoundation.org/children-and-sleep Ngày truy cập: 30/11/2021

Sleep Anxiety in Children: 10 Ways to Stop the Worrying & Get Your Child to Sleep https://childrensmd.org/browse-by-age-group/toddler-pre-school/sleep-anxiety-children-10-ways-stop-worrying-get-child-sleep-2/?__cf_chl_captcha_tk__=DD.urOIjlMVu0zuzXHpaETaPrJaCkr8IUOvB.oI9ttg-1638286228-0-gaNycGzNCr0 Ngày truy cập: 30/11/2021

10 Tips to Get Your Kids to Sleep https://www.healthline.com/health/tips-get-your-kids-sleep#set-a-bedtime Ngày truy cập: 30/11/2021

Solutions for Kids’ Sleep Problems https://www.parents.com/toddlers-preschoolers/sleep/issues/solutions-for-kids-sleep-problems/ Ngày truy cập: 30/11/2021

Bedtime problems in children: Solutions for the science-minded parent https://parentingscience.com/bedtime-problems/ Ngày truy cập: 30/11/2021

Persistent sleep problems in children and teenagers https://raisingchildren.net.au/preschoolers/sleep/sleep-problems/persistent-sleep-problems Ngày truy cập: 30/11/2021

Phiên bản hiện tại

17/12/2021

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Trẻ bị kiến cắn: Cách xử lý đúng chuẩn y khoa, giảm đau ngứa hiệu quả

Bé mấy tháng ăn được cơm nát? Tổng hợp cách nấu cơm nát cho bé tập ăn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 17/12/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo