backup og meta

Trẻ 15 tháng biết làm gì? Sự phát triển toàn diện và chế độ ăn ngủ của bé

Trẻ 15 tháng biết làm gì? Sự phát triển toàn diện và chế độ ăn ngủ của bé

Trẻ 15 tháng tuổi là những thiên thần nhỏ hiếu động với các mốc phát triển như chập chững tập đi, hiểu được người lớn nói gì…

Nếu bạn đang tò mò không biết liệu trẻ 15 tháng tuổi làm được gì, chế độ dinh dưỡng của bé ra sao thì hãy cùng tìm câu trả lời thông qua bài viết sau của Hello Bacsi nhé.

Trẻ 15 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là đạt chuẩn?

Cân nặng của bé 15 tháng tuổi sẽ rơi vào khoảng từ 9,5 cho đến 10,8kg với điều kiện bé được ăn các thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.

Sự phát triển của trẻ 15 tháng tuổi

Trẻ 15 tháng tuổi đang phát triển nhanh chóng với các kỹ năng nhận thức, kỹ năng vận động và kỹ năng ngôn ngữ… Bên cạnh đó, con yêu cũng dần hoàn thiện khả năng hiểu, cảm nhận thế giới xung quanh. Một vài cột mốc bé yêu sẽ đạt được trong khoảng thời gian này gồm:

1. Sự phát triển thể chất và vận động của trẻ 15 tháng tuổi

trẻ 15 tháng tuổi

Bé 15 tháng tuổi đôi lúc hiếu động đến mức khiến cho người chăm sóc con phải mệt bở hơi tai để phải trông chừng bé dù thiên thần nhỏ chỉ di chuyển loanh quanh trong nhà hoặc thậm chí là mỗi phòng khách. Mỗi ngày trôi qua, bạn sẽ nhận thấy dường như con lớn hơn ngày hôm qua một chút, hoàn thành nhiều mục tiêu thể chất hơn ngày hôm trước.

Nếu bạn đang tự hỏi trẻ 15 tháng tuổi biết làm gì thì câu trả lời sẽ bao gồm:

  • Có thể tự đi bộ chậm và ổn định, đôi lúc vẫn sẽ cần đến người lớn giúp đỡ.
  • Sẽ có thể tự đứng dậy và ngồi dậy mà không cần hỗ trợ.
  • Sẽ có thể lấy đồ chơi và đồ vật bằng tay cũng như nắm chúng một cách chắc chắn.
  • Sẽ phát triển sự phối hợp tay với miệng ở một mức độ nhất định, tức là thử và đưa thức ăn hoặc bất cứ thứ gì khác mà bé nhìn thấy vào miệng.
  • Trẻ 15 tháng tuổi có thể bắt chước những gì mà bố mẹ làm, chẳng hạn như nhấc điện thoại, giả bộ như đang lau nhà.
  • Trẻ 15 tháng tuổi cũng sẽ học cách sử dụng tất cả năm giác quan của mình như chạm, ngửi, đánh giá, thị giác, âm thanh và bắt đầu liên kết chúng với nhau.

2. Sự phát triển cảm xúc và giao tiếp của bé 15 tháng tuổi

Bé 15 tháng tuổi đang phát triển các khả năng khác nhau để tương tác với môi trường của mình bao gồm các kỹ năng giao tiếp và phát triển cảm xúc. Dưới đây là một số cột mốc phát triển của bé mà bạn có thể tham khảo:

  • Biết mỉm cười và nhận ra những gương mặt thường xuất hiện
  • Bắt đầu nhận biết mình thích và không thích điều gì
  • Mạnh dạn khám phá và thử những điều mới
  • Sẽ tỏ ra bực dọc nếu phải chia sẻ đồ chơi
  • Yêu thích là trung tâm của sự chú ý
  • Có thể tự nhận ra mình trong gương
  • Dễ dàng tức giận vì nhiều lý do
  • Ôm và hôn cha mẹ, người thân.

3. Sự phát triển của trẻ 15 tháng tuổi về ngôn ngữ và giao tiếp

trẻ 15 tháng tuổi chơi với thú cưng

Trong giai đoạn này, khả năng nhận thức và ngôn ngữ của bé đang phát triển nhanh chóng. Bé sẽ tự lập hơn, sẵn sàng tham gia vào cuộc trò chuyện theo cách riêng của mình.

Cột mốc phát triển của bé 15 tháng tuổi trong nhận thức và ngôn ngữ gồm:

  • Nói được những từ đơn giản như “ma”, “ba”, “ha”.
  • Nhận ra được người trò chuyện với mình đang vui vẻ, buồn bã, tức giận hoặc khó chịu qua tông giọng
  • Bắt đầu hiểu được từ “không” có nghĩa gì và sử dụng từ này một cách thường xuyên dù cho đôi lúc con có thể nói trại thành “ông” hoặc “hông”
  • Bé cũng sẽ có thể nắm bắt các từ dựa trên hành động như bố mẹ miêu tả, chỉ vào
  • Trẻ 15 tháng tuổi có thể dần hiểu được bố mẹ mình đang trò chuyện với mình về những gì dẫu cho con chưa thể nói thông thạo.

Nếu bạn tỏ ra lo lắng về việc trẻ 15 tháng tuổi chưa biết nói thì đừng quá lo lắng bởi mỗi bé sẽ có nhịp điệu phát triển riêng và đôi lúc khi chạm mốc 2 tuổi, con mới bắt đầu nói sõi.

4. Sự phát triển của trẻ 15 tháng tuổi về nhận thức

Sự phát triển nhận thức của bé 15 tháng tuổi liên quan đến khả năng học tập, kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề. Ở độ tuổi này, bé đã có thể:

  • Cố gắng sử dụng đúng chức năng của đồ vật, chẳng hạn như nghe điện thoại, dùng cốc hoặc xem sách.
  • Xếp chồng ít nhất hai vật thể nhỏ (khối đồ chơi).

5. Sự phát triển hành vi của bé 15 tháng tuổi

Bé 15 tháng biết làm gì? Trẻ 15 tháng tuổi sẽ rất tò mò về môi trường xung quanh và muốn tham gia vào mọi hoạt động. Bé yêu cũng có thể bắt đầu thể hiện một chút hành vi bướng bỉnh dẫu vẫn chưa phân biệt được đúng sai.

Ở giai đoạn này, điều quan trọng đối với bố mẹ là phải quyết đoán hơn và giúp con bình tĩnh, không chiều theo sự vòi vĩnh của bé nếu điều đó thiếu hợp lý. Việc rèn giũa hành vi của con từ lúc còn tấm bé sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình định hình tính cách và tính kỷ luật cho trẻ trong tương lai sau này.

Hoạt động khuyến khích trẻ 15 tháng tuổi phát triển

Để giúp bé 15 tháng tuổi phát triển toàn diện, cha mẹ nên hỗ trợ con thông qua những hoạt động sau:

  • Giúp bé học nói. Những lời nói ban đầu của con chưa hoàn chỉnh. Cha mẹ nên lặp lại và thêm vào sau những từ mà bé nói. Chẳng hạn như, khi trẻ chỉ vào trái banh và nói “ba…”, bạn hãy nói “Đúng vậy, đó là trái banh”.
  • Gọi tên những đồ vật mà bé chỉ vào, sau đó đợi vài giây xem bé có phát ra âm thanh nào không rồi mới đưa đồ vật đó cho trẻ. Nếu trẻ phát ra âm thanh, hãy khen ngợi bé và lặp lại tên đồ vật đó.
  • Để bé tự lấy giày khi đi ra ngoài.
  • Hướng dẫn bé cho đồ ăn nhẹ vào túi, bỏ tất vào giỏ…

Dinh dưỡng cho trẻ 15 tháng tuổi

dinh dưỡng cho trẻ 15 tháng tuổi

1. Trẻ 15 tháng tuổi nên ăn bao nhiêu là đủ?

Trẻ 15 tháng tuổi sẽ có khẩu phần bằng 1/4 khẩu phần ăn của người lớn. Bên cạnh 3 cữ chính, bé 15 tháng tuổi nên được cho ăn thêm từ 2-3 bữa phụ mỗi ngày với nhiều loại thực phẩm như rau, trái cây, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa (váng sữa, phô mai, sữa chua…).

Các bác sĩ cho biết hầu hết trẻ trong độ tuổi tập đi cần khoảng 1.000 calo mỗi ngày hoặc được bổ sung 40 calo cho mỗi 2.54cm chiều cao. Dẫu cho như thế, bạn cũng đừng lo lắng về việc phải cân đo đong đếm giữa lượng calo cho từng bữa ăn mà hãy thoải mái nhất có thể.

2. Bé 15 tháng tuổi ăn được những gì?

Dinh dưỡng cho trẻ 15 tháng tuổi sẽ bao gồm các thực phẩm, món ăn như sau:

  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: Bên cạnh sữa mẹ, sữa bột thì bạn có thể cho bé ăn thêm sữa chua, phô mai, váng sữa để bổ sung canxi, sắt cùng nhiều dưỡng chất tốt khác.
  • Các món ăn giàu protein: Sự hiếu động của con sẽ khiến cơ thể bé cần thêm protein để cung cấp năng lượng và nuôi dưỡng cơ bắp chắc khỏe. Do đó, bố mẹ hãy cho bé ăn một số thực phẩm như trứng, thịt bò, sản phẩm từ đậu nành (đậu hũ), đậu, thịt gà, thịt lợn.
  • Trái cây: Trẻ 15 tháng tuổi có thể được cho ăn trái cây với khẩu phần hợp lý, chẳng hạn như chuối, táo, cam…
  • Rau củ: Bạn hãy cho con được nếm các món rau củ quả đã được nấu chín mềm như rau xanh, bông cải xanh, cà rốt, bí, khoai lang hoặc cải bó xôi… Những loại thực phẩm này rất giàu khoáng chất, hỗ trợ tốt cho sự phát triển của thiên thần nhỏ.
  • Cơm và các món ăn từ ngũ cốc: Nhiều bố mẹ thường thắc mắc liệu trẻ 15 tháng tuổi ăn cơm được không thì câu trả lời dành cho bạn sẽ là “có”. Ở độ tuổi này, trẻ có thể ăn được cơm mềm, cơm nát hoặc nhão.

Bên cạnh đó, bạn cũng hãy thử cho con được nếm qua các món ăn từ nui, mì, phở đã được hầm mềm, cắt nhỏ hoặc thậm chí cả ruột bánh mì nếu bé có ý định muốn thử.

Ngoài ra, với các món trẻ 15 tháng tuổi không nên ăn thì bố mẹ không nên cho con ăn các loại hạt, trái cây có hạt (nho, dưa hấu, ổi, mận… nếu chưa được tách hạt), bỏng ngô, kẹo cứng, kẹo cao su hoặc xúc xích… Bạn chỉ nên cho bé ăn các món này cho đến khi bé được ít nhất 4 tuổi khi mà con có thể nhai tốt hơn để tránh tai nạn hóc, nghẹn có thể khiến trẻ bị ngạt thở.

trẻ 8 tháng chưa mọc răng ăn salad hoa quả

3. Lưu ý khi chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ 15 tháng tuổi

Bạn có thể nhận thấy trẻ 15 tháng tuổi dường như không hứng thú với việc ăn một bữa có khẩu phần lớn hoặc trở nên kén chọn hơn đối với những loại thực phẩm mà bạn cho con ăn. Điều này là hoàn toàn bình thường với các bé ở độ tuổi này và bạn không cần phải quá âu lo đâu.

Bạn đừng nên cho bé những miếng thức ăn có kích thước lớn. Bữa ăn nên diễn ra ở nơi yên tĩnh, bạn không nên cho bé đi bộ, chạy hoặc dụ dỗ con ăn.

Ngoài ra, thay vì gò ép thiên thần nhỏ phải ăn hết những gì trong bát, hãy để con được ăn dựa trên khẩu vị và sự thèm ăn của chính bản thân. Để con thoải mái với chọn lựa của mình trong việc ăn gì hay không ăn gì, bạn có thể cho bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy (hay còn gọi là phương pháp ăn dặm BLW).

Giấc ngủ của bé 15 tháng tuổi

Nhìn chung, trẻ 15 tháng tuổi cần ngủ khoảng 12-14 giờ/ngày, bao gồm cả những giấc ngủ ngắn. Trẻ ở độ tuổi này sẽ cần những giấc ngủ ngắn trong ngày và đi ngủ sớm vào buổi tối.

Nếu muốn rèn luyện cho bé 15 tháng tuổi tính tự lập khi con lớn lên, bạn có thể tập cho con ngủ riêng trong cũi hoặc giường của chính mình.

Chăm sóc răng miệng cho trẻ 15 tháng tuổi

Để bảo vệ sức khỏe răng miệng của bé 15 tháng, bạn cần đánh răng cho trẻ mỗi ngày. Hãy dùng bàn chải đánh răng nhỏ và một ít kem đánh răng (có kích thước bằng hạt gạo) cho bé.

Ngoài ra, bạn cũng cần đưa trẻ đi khám răng định kỳ. Để phòng ngừa sâu răng cho bé, nha sĩ có thể đánh vecni fluoride lên răng của trẻ định kỳ 2-4 lần/năm.

Lời khuyên khi chăm sóc trẻ 15 tháng tuổi

  • Rèn cho con thói quen đi ngủ đúng giờ.
  • Trẻ 15 tháng tuổi dễ cáu kỉnh khi mệt mỏi hoặc đói. Hãy xoa dịu cơn giận của bé và tìm cách gây xao lãng khỏi vấn đề mà bé đang gặp phải.
  • Giúp con cảm thấy tự lập bằng cách đưa cho bé 2 sự lựa chọn hợp lý và cho con chọn.
  • Khen ngợi hành vi tốt của bé. Đừng đánh con.
  • Đừng quên bôi kem chống nắng cho bé khi đi ra ngoài.
  • Đảm bảo an toàn trong ngôi nhà mà bé sinh sống.
  • Giữ con tránh xa khói thuốc lá để phòng ngừa nguy cơ bệnh tim và phổi.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu được bé 15 tháng tuổi biết làm gì, cũng như nắm rõ sự phát triển và chế độ ăn ngủ của trẻ 15 tháng tuổi.

[embed-health-tool-child-growth-chart]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Important Milestones: Your Baby By Fifteen Months https://www.cdc.gov/ncbddd/actearly/milestones/milestones-15mo.html Ngày truy cập: 18/10/2023

15-18 months: toddler development https://raisingchildren.net.au/toddlers/development/development-tracker-1-3-years/15-18-months Ngày truy cập: 18/10/2023

Developmental Milestones: 12 to 18 Months https://www.nationwidechildrens.org/family-resources-education/health-wellness-and-safety-resources/helping-hands/developmental-milestones-12-to-18-months Ngày truy cập: 18/10/2023

Toddler Developmental Milestones & Safety https://my.clevelandclinic.org/health/articles/22625-toddler-developmental-milestones–safety Ngày truy cập: 18/10/2023

Your Child’s Checkup: 15 Months https://kidshealth.org/en/parents/checkup-15mos.html ngày truy cập 02/02/2020

Growth & Development: 15 Months https://www.rileychildrens.org/health-info/growth-development-15-months ngày truy cập 02/02/2020

15-Month-Old Child https://www.whattoexpect.com/toddler/15-month-old.aspx ngày truy cập 02/02/2020

Phiên bản hiện tại

24/04/2024

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Trẻ bị kiến cắn: Cách xử lý đúng chuẩn y khoa, giảm đau ngứa hiệu quả

Bé mấy tháng ăn được cơm nát? Gợi ý 7 thực đơn cơm nát cho bé


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 24/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo