backup og meta

Sự cần thiết của việc xây dựng “đề kháng hai lớp” cho trẻ trong giai đoạn đầu đời

Sự cần thiết của việc xây dựng “đề kháng hai lớp” cho trẻ trong giai đoạn đầu đời

Hệ miễn dịch khỏe mạnh, vững vàng là yếu tố quan trọng giúp trẻ được bảo vệ rất tốt trước mầm bệnh. Tuy nhiên, giai đoạn đầu đời là lúc mà miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên nhiều mẹ không tránh khỏi nỗi lo con có thể bị ốm bất cứ lúc nào. Vì vậy, trong giai đoạn “chờ” hệ miễn dịch của bé trưởng thành, lời khuyên từ các chuyên gia là mẹ nên chủ động xây dựng 2 lớp “khiên đề kháng” vững vàng cho trẻ thông qua dinh dưỡng hàng ngày.

Tăng cường sức đề kháng: Tại sao lại đặc biệt quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?

Hệ miễn dịch là một hệ thống phức tạp, gồm nhiều quá trình và sự kết hợp nhiều hệ cơ quan. Khi nhận thấy có tác nhân ngoại lai (vi khuẩn, virus…) xâm nhập, cơ thể sẽ có phản ứng miễn dịch để chống lại các tác nhân gây bệnh [1]

Kháng thể (Antibody) còn được gọi là immunoglobulin (Ig) được sản xuất bởi các tế bào plasma [2], đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch [3]. Có thể hiểu kháng thể là những protein mà cơ thể tạo ra, có nhiệm vụ nhận diện, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, và các tác nhân gây hại khác [4], [5]. Các kháng thể do cơ thể sinh ra gồm 5 loại immunoglobulin là IgG, IgA, IgM, IgE và IgD [3]. Trong đó, 2 kháng thể quan trọng và chiếm tỉ lệ cao nhất là:​

  • IgG: Chiếm khoảng 75% các globulin miễn dịch trong máu [6], [8], có tác dụng trung hòa độc tố của vi sinh vật [7], “gắn thẻ” mầm bệnh để các tế bào/ protein miễn dịch khác có thể nhận ra hoặc kích hoạt các bổ thể trực tiếp tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh [8]. Điều này đồng nghĩa IgG có thể hỗ trợ tiêu diệt các tác nhân gây bệnh khi đã xâm nhập sâu vào bên trong cơ thể nên được xem là lớp bảo vệ bên trong. 
  • IgA: Chiếm khoảng 15% globulin miễn dịch trong huyết thanh nhưng cũng được tìm thấy trên da, trong dịch tiết đường hô hấp, tiêu hóa, niệu dục, nước bọt, nước mắt, sữa mẹ…. Vì vậy, có thể nói IgA là hàng rào miễn dịch đầu tiên ngăn sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh, đặc biệt là ở đường hô hấp và đường tiêu hóa, thông qua việc ức chế sự bám dính của vi khuẩn và virus vào các bề mặt [3], [8]. Khi IgA được tiết ra ở đâu thì chúng chống lại các tác nhân gây bệnh tại đó nên được xem là lớp bảo vệ bên ngoài.

tăng đề kháng cho trẻ

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hệ miễn dịch của bé chưa phát triển hoàn thiện mà sẽ dần “trưởng thành” [1]. Cụ thể hệ miễn dịch ở trẻ thường phát triển đầy đủ khi khoảng 7 – 8 tuổi [9]. Trong những ngày tháng đầu đời, bé sẽ được bảo vệ nhờ vào kháng thể nhận từ mẹ thông qua nhau thai trong 3 tháng cuối thai kỳ và qua sữa mẹ khi mẹ cho bé bú sau sinh [1]. Trong đó, đề kháng hai lớp giúp bảo vệ trẻ từ bên trong lẫn bên ngoài là các globulin miễn dịch như:

  • Kháng thể IgG: IgG là loại globulin miễn dịch duy nhất có thể đi qua nhau thai [3]. Mẹ có thể truyền cho bé sớm nhất là từ tuần thai thứ 13 thông qua nhau thai để bảo vệ bé khỏi các bệnh truyền nhiễm [3], [10]. Do đó, IgG là kháng thể có nhiều nhất ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nồng độ IgG trẻ nhận từ mẹ giảm dần kể từ sau khi sinh đến khi trẻ khoảng 8 tháng tuổi. IgG mà cơ thể trẻ sản xuất bắt đầu tăng dần, thường khi trẻ được 3-6 tháng tuổi nhưng sẽ mất nhiều thời gian để đạt được đủ hàm lượng có năng lực giúp trẻ phòng chống các tác nhân gây bệnh [11].
  • Kháng thể IgA: IgA không đi qua nhau thai mà trẻ sơ sinh sẽ nhận được thông qua sữa mẹ, giúp bé chống đỡ vi khuẩn, virus [11], [12]. IgA rất quan trọng vì chức năng của các kháng thể này là bao phủ đường hô hấp và đường ruột để ngăn vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể bé [12]. Mặc dù IgA tự thân của cơ thể trẻ hình thành từ lúc sau sinh, nhưng đến 5-6 tuổi mới đạt được nồng độ như ở người lớn.​ 

Nguồn: Niers L, et al. Nutr Rev. 2007;65(8 Pt 1):347-360

Biểu đồ thể hiện nồng độ IgG và IgA trong huyết tương của trẻ trong giai đoạn còn nằm trong bụng mẹ đến khi trẻ 6 tuổi.

Do đó, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cơ thể trẻ sẽ cần nhiều thời gian để sản xuất đủ kháng thể như người lớn trong khi kháng thể nhận từ mẹ giảm dần. Điều này tạo ra “khoảng trống miễn dịch”, kéo dài từ 6 tháng đến khoảng 3 tuổi, khiến trẻ dễ bị ốm hơn trong giai đoạn này, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển. Vì vậy, việc tăng cường đề kháng cho trẻ trong những năm đầu đời là rất quan trọng [13].

Sức khỏe hệ miễn dịch của trẻ sinh mổ có nguy cơ kém hơn trẻ sinh thường?

So với trẻ sinh thường, trẻ sinh mổ sẽ gặp nhiều bất lợi hơn về sức khỏe, đặc biệt là việc sức đề kháng của trẻ sinh mổ có nguy cơ kém hơn trẻ sinh thường do những nguyên nhân như:

Mất cân đối hệ vi sinh đường ruột ở trẻ sinh mổ

Trẻ sinh mổ sẽ bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc với lợi khuẩn có trong âm đạo của mẹ. Thay vào đó, trẻ có thể tiếp xúc với vi khuẩn có hại từ môi trường bệnh viện. Điều này gây mất cân đối hệ vi sinh đường ruột và gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch do mô lympho ở ruột tập trung khoảng 70%-80% tế bào miễn dịch của cơ thể [14], [15].

Sinh mổ ảnh hưởng đến khả năng nuôi con bằng sữa mẹ

Sinh mổ có thể gây chậm tiết sữa [16], từ đó khiến trẻ bỏ lỡ cơ hội có được nguồn kháng thể từ sữa mẹ. Đây có thể là kết quả của nhiều vấn đề như [17]:

  • Mẹ sinh mổ bắt đầu cho con bú muộn hơn do ảnh hưởng của thuốc, đau vết mổ…
  • Mẹ bị tách khỏi con sau sinh, trẻ sinh mổ ít có cơ hội da kề da với mẹ. Việc da kề da với mẹ sớm sẽ mang đến nhiều lợi ích như giúp điều hòa thân nhiệt, nhịp thở và nhịp tim của bé; thúc đẩy việc sản xuất sữa mẹ cũng như khả năng bú của bé; tăng sự gắn kết giữa mẹ và bé. Đồng thời, giúp xây dựng khả năng miễn dịch để giúp bé chống lại các bệnh nhiễm trùng [18].
  • Sinh mổ khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, stress sau sinh. Từ đó làm gia tăng các hormone gây stress, giảm hormone giúp tiết sữa mẹ.

Trong khi trẻ sơ sinh rất cần nhận được nguồn kháng thể qua sữa mẹ nhưng phụ nữ sinh mổ lại có nguy cơ bị ít sữa sau sinh cao gấp đôi so với những phụ nữ sinh thường [19]. Vì vậy, đối với trường hợp sinh mổ, em bé cần được tiếp xúc da kề da với mẹ để nhận được lợi khuẩn. Đặc biệt, trẻ sinh mổ cần được chăm chút dinh dưỡng và tiêm phòng đầy đủ để củng cố sức đề kháng chống lại mầm bệnh.

Bí quyết xây dựng đề kháng hai lớp cho trẻ, đặc biệt là trẻ sinh mổ trong giai đoạn đầu đời

Để tăng cường sức đề kháng cho bé, chăm sóc dinh dưỡng là một trong những điều quan trọng nhất. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng tốt nhất nên mẹ cần cho bé bú mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời [20]. Bé bú mẹ sẽ nhận được nhiều lợi ích như:

  • Cung cấp kháng thể giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật. Đặc biệt, cần ưu tiên cho bé bú sữa non vì có chứa rất nhiều kháng thể bảo vệ trẻ, đặc biệt là IgG và IgA, cùng các thành phần khác có lợi cho sức khỏe mà loại sữa mẹ được tiết ra ở các giai đoạn sau không có được [19]. Đặc biệt, hàm lượng IgA trong sữa mẹ rất cao, chiếm 89,7% tổng các loại kháng thể có trong sữa non và 87,7% trong sữa thường [21], [22]
  • Trẻ bú mẹ thường ít mắc các bệnh nhiễm trùng hơn [23]. Trong đó, nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm nguy cơ mắc tiêu chảy, viêm phổi, hen suyễn, nhiễm trùng tai… [20], [23]
  • Sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng mà trẻ cần trong 6 tháng đầu đời [20]. Sữa mẹ cũng luôn thay đổi để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé khi lớn lên [23].

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chẳng hạn như khi sinh mổ, bé có thể sẽ bỏ lỡ nguồn sữa non hoặc mẹ gặp khó khăn trong việc cho con bú. Lúc này, mẹ có thể tham khảo ý kiến nhân viên y tế để lựa chọn các giải pháp dinh dưỡng thay thế chứa các dưỡng chất được chứng minh lâm sàng giúp bé tăng kháng thể IgG và IgA nhằm xây dựng 2 lớp “khiên đề kháng” vững vàng.  

Với các giải pháp dinh dưỡng thay thế này, mẹ nên ưu tiên các sản phẩm được bổ sung sữa non 24 giờ, bởi trong các loại sữa non, sữa non 24 giờ sẽ có hàm lượng các chất dinh dưỡng, kháng thể cao hơn so với sữa non 48 giờ hay sữa non 72 giờ. Ngoài ra, một tiêu chí quan trọng nữa đó là giải pháp dinh dưỡng thay thế nên có sự kết hợp của các dưỡng chất đã được chứng minh lâm sàng giúp tăng IgA tự nhiên như HMO, FOS, probiotic Bifidobacterium, BB-12TM và Lactobacillus fermentum CECT5716 – chủng lợi khuẩn trong HUMAN MILK PROBIOTICS (HMP) có khả năng kháng khuẩn và điều hòa miễn dịch mạnh mẽ [24]

Tăng cường sức đề kháng cho trẻ sau khi sinh và trong những năm đầu đời luôn là điều mà ba mẹ cần thấu hiểu khi nuôi con. Dù sinh thường hay sinh mổ, nếu cần cho con dùng, mẹ hãy ưu tiên chọn thành phần sữa non 24h nguồn gốc rõ ràng từ công thức sữa có chứa 2 kháng thể IgG & IgA, giúp xây dựng “đề kháng 2 lớp” vững vàng, bảo vệ con tốt nhất trước mầm bệnh.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. How your baby’s immune system develops https://www.pregnancybirthbaby.org.au/how-your-babys-immune-system-develops Truy cập ngày 22/04/2024

2. Immunoglobulins https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30035936/ Truy cập ngày 22/04/2024

3. Immunoglobulins https://pathologytestsexplained.org.au/ptests-pro.php?q=Immunoglobulins Truy cập ngày 22/04/2024

4. Immunoglobulins Blood Test https://medlineplus.gov/lab-tests/immunoglobulins-blood-test/ Truy cập ngày 22/04/2024

​5. ANTIBODY https://www.genome.gov/genetics-glossary/Antibody Truy cập ngày 22/04/2024

6. Antibodies https://my.clevelandclinic.org/health/body/22971-antibodies Truy cập ngày 22/04/2024

7. Immune Response in Human Pathology: Infections Caused by Bacteria, Viruses, Fungi, and Parasites https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7123078/ Truy cập ngày 22/04/2024

8. What Are the 5 Types of Antibodies? https://www.verywellhealth.com/antibody-isotypes-3132614 Truy cập ngày 22/04/2024

9. What Age Is a Child’s Immune System Fully Developed? https://spermidinelife.us/blogs/news/what-age-is-a-childs-immune-system-fully-developed Truy cập ngày 22/04/2024

10. Maternal Immunoglobulins in Infants—Are They More Than Just a Form of Passive Immunity? https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7248395/ Truy cập ngày 22/04/2024

11. Transient hypogammaglobulinemia infancy https://primaryimmune.org/understanding-primary-immunodeficiency/types-of-pi/transient-hypogammaglobulinemia-infancy Truy cập ngày 22/04/2024

12. Immunoglobulins (Antibodies) in Breast Milk https://www.verywellfamily.com/immunoglobulins-antibodies-in-breast-milk-431993#:~:text=Secretory%20immunoglobulin%20A%20(IgA)%20is,of%20IgA%20from%20breast%20milk Truy cập ngày 22/04/2024

14. Chuyên gia nhi khoa chỉ cách lấp đầy ‘khoảng trống miễn dịch’ cho trẻ https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/chuyen-gia-nhi-khoa-chi-cach-lap-ay-khoang-trong-mien-dich-cho-tre?inheritRedirect=false Truy cập ngày 22/04/2024

15. C-Section Birth Associated with Numerous Health Conditions https://www.center4research.org/c-section-birth-health-risks/ Truy cập ngày 22/04/2024

16. The Interplay between the Gut Microbiome and the Immune System in the Context of Infectious Diseases throughout Life and the Role of Nutrition in Optimizing Treatment Strategies https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8001875/#:~:text=With%2070%E2%80%9380%25%20of%20immune,the%20local%20mucosal%20immune%20system. Truy cập ngày 22/04/2024

17. Breastfeeding and Delayed Milk Production https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=breastfeeding-and-delayed-milk-production-90-P02655 Truy cập ngày 22/04/2024

18. Breastfeeding after a caesarean birth https://www.nct.org.uk/baby-toddler/feeding/early-days/breastfeeding-after-caesarean-birth Truy cập ngày 22/04/2024

19. Skin-to-skin contact with your newborn https://www.nhs.uk/start-for-life/baby/baby-basics/caring-for-your-baby/skin-to-skin-contact-with-your-newborn/ Truy cập ngày 22/04/2024

20. Association of Caesarean delivery and breastfeeding difficulties during the delivery hospitalization: a community-based cohort of women and full-term infants in Alberta, Canada https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9849537/ Truy cập ngày 22/04/2024

21. Immunoglobulins Content in Colostrum, Transitional and Mature Milk of Bangladeshi Mothers: Influence of Parity and Sociodemographic Characteristics https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8258836/ Truy cập ngày 22/04/2024

22. Hurley WL (2003). In: Fox PF, McSweeney PLH (eds). Advanced dairy chemistry: 1, proteins, 3rd Kluwer Academic, NY. pp 421–447, Ch 9.

23. Analysis of bovine immunoglobulin G in milk, colostrum and dietary supplements: a review https://link.springer.com/article/10.1007/s00216-007-1391-z#citeas Truy cập ngày 22/04/2024

24. Breastfeeding Benefits Both Baby and Mom https://www.cdc.gov/nccdphp/dnpao/features/breastfeeding-benefits/index.html#:~:text=Breastfeeding%20can%20help%20protect%20babies,ear%20infections%20and%20stomach%20bugsTruy cập ngày 22/04/2024

25. Viện Dinh Dưỡng – Bộ Y Tế. PGS. TS. BS. Trần Thúy Nga (2021). Đề tài Nghiên cứu Khoa học Cấp Viện: Hiệu quả bổ sung VINAMILK COLOSGOLD 3 lên tình trạng dinh dưỡng, tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp và phát triển tâm vận động của trẻ từ 24-59 tháng tuổi tại một số xã thuộc tỉnh Bắc Giang.

Phiên bản hiện tại

20/06/2024

Tác giả: Giang Tran

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

4 cách nấu cháo yến mạch cho bé ăn dặm mau lớn, tăng đề kháng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Giang Tran · Ngày cập nhật: 20/06/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo