Trẻ nhỏ rất thích nghe kể chuyện. Việc kể chuyện bé nghe mỗi đêm đem đến cho bé nhiều lợi ích. Vì vậy, bạn hãy bổ sung 26 truyện thiếu nhi để kể chuyện cho bé ngủ để tuổi thơ của con có thêm nhiều màu sắc.
Dưới đây là 26 truyện thiếu nhi mà cha mẹ nên kể chuyện bé nghe:
QUÀ TẶNG MIỄN PHÍ DÀNH CHO BÉ YÊU: PODCAST KỂ CHUYỆN BÉ NGHE – 7 NGÀY PHIÊU LƯU CÙNG BÉ
1. Kể chuyện bé nghe: Truyện ngắn thiếu nhi con cú khôn ngoan
Ngày xửa ngày xưa, có một con cú già sống trên một cây sồi to. Mỗi ngày, nó đều phóng tầm mắt ra thật xa để quan sát những điều xảy ra xung quanh mình. Có khi nó nhìn thấy một cậu bé đang giúp ông lão xách một cái túi to, có khi nó nhìn thấy một cô con gái đang cằn nhằn mẹ mình. Ngày qua ngày, con cú nhìn thấy được rất nhiều thứ nhưng nó vẫn giữ im lặng về những điều mà mình thấy.
Từ từ, con cú già bắt đầu nói ít hơn và thính giác của nó dần trở nên tốt hơn. Bây giờ nó có thể nghe rõ những cuộc nói chuyện của mọi người. Một ngày, con cú già nghe thấy một người phụ nữ nói với ai đó rằng có một con voi nhảy qua hàng rào. Một ngày khác, con cú lại nghe thấy một người đàn ông nói với ai đó rằng mình là con người hoàn hảo và chưa bao giờ mắc phải sai lầm gì.
Mỗi ngày trôi qua, con cú già lại nói ít hơn và nghe nhiều hơn. Nhờ vậy, nó biết được tất cả mọi thứ xảy ra xung quanh, dù không có ở đó. Dần dần, con cú già trở nên khôn ngoan hơn và nổi tiếng vì sự khôn ngoan ấy.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Nói ít, quan sát và lắng nghe nhiều sẽ giúp con trở nên thông minh và khôn ngoan hơn.
Kể chuyện bé nghe giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ
Bạn có thể xem thêm:
[embed-health-tool-child-growth-chart]
2. Kể chuyện bé nghe: Câu chuyện con cừu đen kêu be be
Ngày xửa ngày xưa, có một con cừu đen sống trong một ngôi nhà nhỏ. Cứ đến mùa xuân, con cừu đen lại tự cạo sạch lông của mình và đem ra chợ bán cho những người muốn làm quần áo ấm.
Một năm nọ, con cừu đen nhận thấy rằng dường như không ai còn chuộng lông cừu đen nữa. Do đó, số lông cừu mà nó còn lại khá nhiều. Dù vậy, nó không muốn lãng phí số lông này nên đã quyết tâm bán tiếp. Hôm đó, chẳng có ai muốn mua lông của nó cả nên con cừu đen mang số lông ấy về nhà. Ngày hôm sau, nó lại mang ra bán tiếp nhưng mọi chuyện cứ diễn ra y như hôm trước. Và hôm sau, hôm sau nữa cũng y như vậy.
Một ngày nọ, khi con cừu đen đang ngồi buồn rầu với số lông của mình, có một cậu bé chạy lại và hỏi nó có bán số lông này không. Nghe hỏi, con cừu đen vô cùng mừng rỡ và nói có. Cậu bé chạy đến chỗ bố mẹ mình thông báo có chỗ bán lông cừu. Họ cùng nhau đến chỗ con cừu và ngỏ ý muốn mua hết toàn bộ số lông. Họ cho biết mình đến từ ngôi làng kế bên và đã tìm kiếm rất nhiều nơi để tìm mua lông cừu đen nhưng không có chỗ nào bán cả.
Ngày hôm ấy, con cừu trở về nhà và cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi những cố gắng của nó đã được đền đáp xứng đáng.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Hãy cố gắng, kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc, có ngày con sẽ thành công.
Bạn có thể xem thêm:
3. Truyện cổ tích Tấm Cám

Truyện cổ tích cho bé “Tấm Cám” kể về cô gái hiền lành tên Tấm, sống cùng mẹ kế và em gái Cám. Tấm luôn chịu nhiều thiệt thòi, bị dì ghẻ bắt làm việc nặng nhọc, còn Cám thì được vui chơi lêu lổng suốt ngày.
Một hôm, dì ghẻ bảo 2 chị em Tấm và Cám đi ra đồng bắt cá và dặn:
– Ai bắt được nhiều cá hơn sẽ được thưởng!
Tấm vâng lời dặn của mẹ, chăm chỉ siêng năng bắt cá đầy giỏ. Trong khi đó, Cám mải rong chơi nên dù đã xế chiều mà giỏ vẫn chưa có con cá nào. Thấy Tấm bắt được nhiều cá, Cám mới nảy ra ý định bảo Tấm:
– Chị Tấm ơi chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng.
Tấm tin lời bèn lội xuống ao gội đầu. Trên bờ, Cám đã trút hết giỏ cá của Tấm vào giỏ mình rồi chạy về nhà nhận thưởng. Tấm bước lên thấy giỏ cá trống không thì ngồi khóc nức nở. Lúc này, ông Bụt bỗng hiện lên và hỏi:
– Vì sao con khóc?
Tấm kể hết sự tình cho ông Bụt nghe. Ông Bụt bảo Tấm tìm xem trong giỏ còn con nào không thì còn duy nhất một con cá bống. Ông Bụt mới cất lời:
– Con đem con cá bống này về bỏ xuống giếng nuôi. Mỗi ngày đem cơm cho Bống ăn. Khi cho ăn con nhớ gọi bống: “Bống bống bang bang. Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta. Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.”
Nói xong Bụt biến mất. Tấm nghe lời và làm theo lời Bụt dặn. Chẳng bao lâu sau, Bống đã lớn nhanh như thổi. Thấy Tấm ngày ngày đem cơm ra giếng, mẹ con Cám sinh nghi và rình xem. Sáng hôm sau, dì ghẻ ngọt ngào bảo Tấm đi chăn trâu ở đồng xa:
– Con ơi, đồng làng mình cấm chăn trâu. Con đi chăn trâu thì chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà làng bắt mất trâu.
Tấm nghe lời mẹ, chăn trâu thật xa. Ở nhà, mẹ con Cám ra giếng gọi Bống y như Tấm hay gọi mỗi ngày. Khi Bống nghe tiếng bơi lên miệng giếng, mẹ con Cám bắt Bống làm thịt. Tấm chăn trâu về gọi mãi mà không thấy Bống lên, chỉ thấy nổi một cục máu đỏ, bèn ngồi khóc nức nở, Bụt hiện lên và hỏi:
– Vì sao con khóc?
Tấm lại kể hết cho ông Bụt nghe. Thế là Bụt bảo:
– Bống của con đã bị người ta ăn thịt rồi. Thôi con hãy nín đị! Về nhà nhặt lấy xương cá bỏ vào bốn cái hũ và chôn dưới bốn chân giường.
Tấm làm theo nhưng tìm mãi không thấy xương Bống. Bỗng con gà chạy ra:
– Cục ta cục tác. Cho ta nắm thóc. Ta bới xương cho.
Tấm lấy nắm thóc cho gà ăn. Gà chạy vào bếp bới đống tro ra thì thấy xương Bống trong đó. Tấm nhặt lấy đem cho vào bốn hũ, chôn dưới bốn chân giường.
Một hôm, nhà vua mở hội lớn, khắp nơi rộn ràng tiếng cười nói, ai ai cũng háo hức đi xem. Mẹ con Cám cũng sửa soạn từ sớm để lên kinh thành. Tấm thấy vậy, liền ngỏ lời xin được đi cùng. Nhưng dì ghẻ lại trộn lẫn một đấu thóc với một đấu gạo rồi bắt Tấm phải nhặt riêng từng hạt:
– Khi nào nhặt xong thì mới được đi hội.
Tấm buồn tủi, ngồi nhìn đống thóc gạo mà nước mắt rưng rưng, rồi òa lên khóc nức nở. Bụt lại hiện lên, hỏi:
– Vì sao con khóc?
Tấm kể rõ sự tình cho Bụt nghe. Thế là Bụt sai một đàn chim sẻ xuống nhặt cho Tấm, rất nhanh đã xong. Thế nhưng, Tấm lại không có quần áo đẹp đi xem hội. Thế là Tấm lại ôm mặt khóc. Bụt lại hiện lên và bảo Tấm đào bốn hũ chôn ở bốn chân giường lên.
Tấm làm theo lời Bụt, đào bốn hũ lên. Hũ đầu tiên là bộ váy áo rực rỡ. Hũ thứ hai có đôi giày thêu xinh xắn. Hũ thứ ba là con ngựa nhỏ nhưng khi đặt xuống đất liền hóa thành ngựa thật. Hũ cuối cùng là bộ yên cương chắc chắn. Vui mừng khôn xiết, Tấm thay đồ, cưỡi ngựa lên đường tiến kinh. Khi qua một đoạn lội, Tấm vô tình đánh rơi một chiếc giày mà không kịp nhặt lại, đành bọc chiếc còn lại vào khăn rồi hòa vào dòng người đi xem hội.
Đúng lúc đó, đoàn quân hộ tống vua đi ngang qua chỗ lầy. Hai con voi đầu đàn bỗng dừng lại, không chịu bước tiếp. Lính vào kiểm tra thì thấy chiếc giày thêu. Vua nhìn giày, khen đẹp và đoán người mang chắc chắn cũng rất xinh. Ngài liền truyền lệnh: Ai đi vừa chiếc giày sẽ được rước vào cung.
Bao cô gái thử giày đều không vừa, kể cả mẹ con Cám, nhưng Tấm lại xỏ giày vừa như in. Nàng lấy ra chiếc còn lại ra. Đúng là một đôi hoàn hảo. Nhà vua mừng rỡ, lập tức rước Tấm về cung làm hoàng hậu.
Tưởng chừng cuộc sống đã hạnh phúc, nhân ngày giỗ cha, Tấm xin về nhà thì lại bị dì ghẻ lừa trèo cây cau, rồi chặt gốc khiến nàng thiệt mạng. Tấm nhiều lần hóa thân kỳ diệu: thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, rồi quả thị. Dù bị hại liên tục, Tấm luôn trở lại nhờ tấm lòng trong sáng và nhân hậu.
Cuối cùng, bà lão bán nước tốt bụng nhặt được quả thị và giúp Tấm trở lại hình dáng người. Khi nhà vua tình cờ nhận ra Tấm nhờ cánh trầu quen thuộc, hai người đoàn tụ. Tấm dũng cảm vạch trần tội ác của mẹ con Cám và từ đó sống hạnh phúc bên nhà vua.
Ý nghĩa câu chuyện: Truyện cổ tích cho bé “Tấm Cám” không chỉ là câu chuyện kỳ ảo mà còn dạy bé biết sống tử tế, kiên cường và tin rằng điều tốt lành sẽ đến với người hiền.
4. Truyện đọc cho bé: Khỉ và cá sấu

Ngày xưa, có một con khỉ sống trên một cây cao lớn và làm bạn với một con cá sấu sống ở dòng sông gần đó. Mỗi ngày, con khỉ sẽ hái những quả táo ngon ở trên cây và đem tặng bạn cá sấu. Nhận được quà từ khỉ, cá sấu đem về và ăn chung với vợ mình. Vợ của cá sấu là một người rất tham ăn và muốn ăn cả trái tim của chú khỉ. Nghe mong muốn đó của vợ, cá sấu rất băn khoăn nhưng vẫn làm theo ý vợ.
Cá sấu đã mời khỉ ngồi trên lưng mình để đưa đi tham quan dòng sông nhưng thật ra nó có ý định giết khỉ và lấy quả tim khi bơi đến giữa dòng. Khi khỉ biết được mưu đồ xấu xa của cá sấu, nó đã nhanh trí nói với cá sấu rằng mình để quả tim ở trên cây. Nếu muốn lấy thì hãy chở nó quay lại. Cá sấu tin lời, chở khỉ quay trở lại để lấy quả tim. Thế nhưng, khi đến nơi, khỉ đã thoăn thoắt trèo lên cây và chẳng mấy chốc biến mất. Và thế là, kế hoạch của cá sấu đã hoàn toàn thất bại.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Khi gặp tình huống khó khăn, con hãy bình tĩnh và sử dụng trí thông minh của mình để vượt qua điều đó.
5. Truyện cho bé ngủ: Một cách đếm thông minh

Ngày nọ, hoàng đế Akbar đã hỏi các quan cận thần của mình một câu hỏi lạ khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên. Không ai biết phải trả lời như thế nào cho đức vua cả. Ngay lúc đó, Birbal, một vị quan được xem là người thông minh nhất ở đất nước này, bước vào và hỏi các quan tại sao trông họ lại lo lắng vậy. Các quan kể lại với ông rằng, hoàng đế đã hỏi một câu hỏi mà không ai biết trả lời thế nào cả. Đó là: “Có bao nhiêu con quạ trong thành?”.
Sau khi nghe xong, ông nở một nụ cười và trả lời: “Thưa bệ hạ, thần biết câu trả lời. Có 50.589 con quạ trong thành”. Mọi người sửng sốt trước câu trả lời đó, kể cả hoàng đế nên vua đã hỏi lại ông: “Tại sao ngươi lại chắc chắn như vậy?”.
Birbal thưa: “Thưa bệ hạ, xin hãy sai một tên lính ngồi đếm số quạ trong thành. Nếu có nhiều hơn số quạ mà thần nói, điều đó có nghĩa là họ hàng của chúng ở nơi khác đến thăm. Nếu có ít hơn thì có nghĩa là một số con đã đi thăm họ hàng của chúng ở nơi khác”. Hoàng đế Akbar cảm thấy rất hài lòng với câu trả lời dí dỏm của Birbal.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Khi nói ra một điều gì đó, con phải có cách lý giải rõ ràng tại sao con nói như vậy.
6. Truyện cổ tích cho bé: Cây tre trăm đốt
Ngày xưa, có một lão nhà giàu keo kiệt thuê một anh nông dân nghèo khoẻ mạnh làm việc. Vì không muốn trả tiền công cho anh, lão ta bèn hứa:
– Anh chịu khó cày ruộng cho ta trong ba năm. Hết thời gian đó, ta sẽ cho anh cưới con gái ta.
Sau ba năm anh chăm chỉ cày bừa, lão không muốn gả con gái như đã hứa nên bày mưu lừa:
– Con ơi! Bấy lâu nay con đã chăm chỉ làm việc. Ta sẽ cho con cưới con gái ta. Bây giờ, con phải vào rừng tìm cho được cây tre trăm đốt, đem về đây để làm đũa cho cả làng ăn cỗ cưới.
Tin thật, anh vác dao đi vào rừng, lặn lội tìm khắp nơi nhưng không cây nào đủ trăm đốt. Mệt mỏi và tuyệt vọng, anh ngồi khóc. Bỗng, một ông lão râu tóc bạc phơ bước tới hỏi:
– Làm sao cháu khóc?
Anh kể hết sự tình. Ông lão hiền hậu bảo:
– Cháu hãy đi chặt cho đủ một trăm đốt tre mang lại đây. Ông sẽ giúp cháu.
Anh làm theo, chặt đủ trăm đốt. Ông lão liền dạy anh đọc “Khắc nhập! Khắc nhập!” ba lần. Anh vừa đọc xong thì các đốt tre tự dính lại thành một cây tre dài đúng trăm đốt. Ông dặn thêm:
– Cháu không thể vác cây tre này về nhà được vì nó quá dài cháu ạ. Cháu hãy đọc ba lần câu “Khắc xuất! Khắc xuất”, các đốt tre sẽ rời ra như cũ. Cháu hãy bó lại và đem về nhà.
Anh cảm ơn ông lão và vác hai bó tre về làng. Đến nơi, thấy lão nhà giàu đang làm đám cưới cho con gái với người khác, anh lặng lẽ đặt bó tre ngoài sân. Khi bị lão cười nhạo:
– Tao bảo mày chặt cây tre có trăm đốt, chứ có bảo mày mang về một trăm đốt tre đâu?
Anh không đáp, chỉ đọc “Khắc nhập! Khắc nhập!” ba lần. Cây tre liền dính lại thành một. Lão nhà giàu cũng bị dính chặt vào cây tre, không có cách nào gỡ ra được. Những người khác tới giúp cũng bị dính theo khi anh đọc tiếp “Khắc nhập! Khắc nhập!”.
Lão hoảng sợ van xin sẽ gả con gái cho anh và không dám lừa ai nữa. Lúc này, anh mới đọc “Khắc xuất! Khắc xuất!” ba lần, ai nấy mới rời ra được. Cuối cùng, anh cưới được con gái lão nhà giàu và hai vợ chồng sống hạnh phúc.
Ý nghĩa câu chuyện: Truyện cổ tích cho bé “Cây tre trăm đốt” dạy rằng người thật thà, chăm chỉ rồi sẽ được đền đáp xứng đáng. Còn kẻ gian dối sẽ phải chịu hậu quả. Đây là bài học về lòng trung thực và sự công bằng trong cuộc sống.

7. Truyện thiếu nhi cho bé: Cún con đi lạc truyện ngắn thiếu nhi giàu ý nghĩa
Có một cậu bé bị mất con cún con yêu quý của mình và tìm kiếm xung quanh. Cậu bé đã tìm khắp căn nhà nhưng không thấy cún đâu cả. Cậu đi lang thang khắp nơi từ sáng đến tối nhưng vẫn không tìm thấy.
Cậu bé trở về nhà trong tâm trạng buồn bã. Khi thấy anh hàng xóm đang ngồi bên hiên nhà, cậu đến gần để chúc ngủ ngon và sẵn tiện hỏi thăm xem anh này có nhìn thấy cún con của mình ở đâu không.
– Anh Tí ơi, sáng giờ anh có thấy con cún của em ở đâu không? Em đã tìm nó khắp nơi từ sáng đến giờ.
– Ồ có đấy. Có một con cún đang gặm xương ở đằng kia kìa. Anh không biết cún đó do em nuôi nên không báo em biết.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Đừng bỏ cuộc trước khi chưa cố gắng thật nhiều.
Bạn có thể xem thêm:
8. Truyện cổ tích cho bé: Người thợ săn và những chú chim bồ câu
Ở ngoài một ngôi làng nọ, có một cây đa rất lớn. Phía trên cây, có nhiều loại chim khác nhau làm tổ. Còn dưới những tán lá, khách bộ hành thường ngồi lại nghỉ ngơi sau khi đi một chặng đường dài. Một ngày nọ, có một người thợ săn đến khu vực này và nhìn thấy trên cây có rất nhiều chim. Anh ta tìm cách đặt bẫy những chú chim này, nhưng một con quạ đã biết được điều đó và cảnh báo cho những con chim khác.
Đúng lúc này, có một đàn chim bồ câu đang bay gần đó. Chúng nhìn thấy có rất nhiều hạt thóc nên đã sà xuống ăn. Chẳng mấy chốc, chúng bị mắc kẹt trong chiếc lưới của người thợ săn. Dù rất sợ hãi nhưng con chim đầu đàn đã nghĩ ra một kế hoạch. Nó bảo với cả đàn: “Trong khi người thợ săn chưa quay về, chúng ta hãy hợp lực lại để mổ rách chiếc lưới này. Sau đó, một con sẽ thoát ra và tìm kiếm sự giúp đỡ”.
Các chú chim bồ câu đều đồng lòng, hợp sức lại để cắn rách chiếc lưới. Khi chiếc lưới đã rách, con chim đầu đàn nhanh chóng bay khỏi chỗ đó. Nó nghĩ: “Bây giờ mình phải bay đến nhà chuột để nhờ các bạn ấy cắn rách chiếc lưới”.
Nghĩ sao làm vậy, chú đã bay thẳng đến chỗ của chuột nhờ giúp đỡ. Chẳng bao lâu, cả đàn chuột kéo đến và cắn chiếc lưới rách tan tành. Đàn bồ câu liền bay vút lên trời cao.
Ý nghĩa của truyện cổ tích “Người thợ săn và những chú chim bồ câu”: Đoàn kết là sức mạnh vô địch. Để dạy các con về ý nghĩa cao đẹp này, bố mẹ nên thường xuyên kể truyện này cho bé nghe nhé!
9. Truyện đọc cho bé: Ngỗng và rùa

Hai vợ chồng ngỗng và rùa là những người bạn tốt. Mùa hè đến, trời bắt đầu nóng lên khiến hồ nước dần cạn kiệt. Vì vậy, chúng lên kế hoạch đi tìm một chỗ ở mới. Tuy nhiên, rùa không thể bay được nên ngỗng quyết định mang rùa theo bằng cách vợ chồng ngỗng cùng ngậm một cái cây bay hai bên, ở giữa chú rùa cũng ngậm cái cây đó. Điều duy nhất mà rùa cần phải nhớ là không được mở miệng ra khi bay.
Chúng bắt đầu cuộc hành trình của mình. Mọi người đều ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng và bắt đầu la hét. Đột nhiên có ai đó cười lên: “Nhìn kìa, một con rùa bay”. Con rùa tức giận và đáp lại: “Tại sao cười tớ?”. Và tất nhiên, con rùa đã rớt xuống đất. May mắn thay, rùa rơi ngay vào một lùm cây nên không bị thương. Lúc này, rùa rất ân hận: “Giá như mình đừng lên tiếng, giờ này mình đã vui chơi cùng vợ chồng ngỗng rồi”.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Đừng nói chuyện khi không cần thiết.
10. Kể chuyện bé nghe: Nhà buôn và thợ cắt tóc truyện ngắn thiếu nhi đầy tính nhân văn
Ngày xửa ngày xưa, có một nhà buôn nọ rất giàu có và tử tế. Thế nhưng, do một sự cố đáng tiếc, ông ta bị mất tất cả gia sản và trở nên nghèo khổ. Kể từ đó, không còn ai muốn làm bạn với ông ta nữa.
Một ngày nọ, ông nằm ngủ và thấy một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, một người đàn ông xuất hiện trong bộ quần áo nhà sư và nói: “Tôi là sự giàu có mà cha và ông nội của ông đã tích đức để lại. Ngày mai, tôi sẽ đến nhà ông. Ông hãy cầm gậy và đánh vào đầu tôi để biến tôi thành vàng”.
Hôm sau, vợ của ông gọi một thợ cắt tóc để cắt tóc cho ông. Đúng lúc ấy, có một nhà sư xuất hiện và nhà buôn bỗng hồi tưởng lại giấc mơ của mình ngày hôm qua. Ông đã làm đúng như những gì nhà sư nói trong giấc mơ và điều kỳ diệu đã xảy đến, nhà sư biến thành vàng. Ông gom vàng lại và cất giữ cẩn thận trong tủ của mình.
Người thợ cắt đã theo dõi toàn bộ quá trình kỳ lạ này. Ông rất sửng sốt và nghĩ rằng: “Có lẽ mình cũng nên đưa một số nhà sư về nhà và đánh lên đầu họ để có một ít vàng”. Nghĩ sao làm vậy, ông đã đến ngôi chùa gần đó và đưa về nhà một số nhà sư, sau đó dùng gậy đánh vào đầu họ. Thế nhưng, vàng thì không thấy mà chỉ thấy những nhà sư bị thương nặng. Nghe tiếng la hét, người dân xung quanh đã gọi cảnh sát và thế là người thợ cắt tóc bị bắt.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Đừng bao giờ làm theo người khác một cách mù quáng mà không có lý do.
Bạn có thể xem thêm:
11. Truyện cổ tích: Cô bé quàng khăn đỏ

Ngày xửa, ngày xưa, có một cô bé thường hay quàng chiếc khăn màu đỏ nên mọi người gọi cô là cô bé quàng khăn đỏ.
Một hôm, mẹ cô bảo cô mang bánh sang biếu bà ngoại. Trước khi đi, mẹ cô dặn:
– Con đi thì đi đường thẳng. Đừng đi đường vòng qua rừng mà chó sói ăn thịt con đấy.
Trên đường đi, cô thấy đường vòng qua rừng có nhiều hoa, nhiều bướm. Không nghe lời mẹ dặn, cô tung tăng đi theo đường đó.
Đi được một quãng thì gặp Sóc. Sóc nhắc:
– Cô bé quàng khăn đỏ ơi. Lúc nãy tôi nghe mẹ cô dặn đi đường thẳng. Đừng đi đường vòng cơ mà. Sao cô lại đi đường này?
Cô bé không trả lời Sóc. Cô cứ đi theo đường vòng qua rừng. Vừa đi, cô vừa hái hoa, bắt bướm. Vào đến cửa rừng thì cô gặp chó sói. Con chó sói rất to đến trước mặt cô. Nó cất giọng ồm ồm hỏi:
– Này, cô bé đi đâu thế?
Nghe chó sói hỏi, cô bé quàng khăn đỏ sợ lắm, nhưng cũng đành bạo dạn trả lời:
– Tôi đi sang nhà bà ngoại tôi.
Nghe cô bé nói đi sang bà ngoại, chó sói nghĩ bụng: “À, thì ra nó lại còn có bà ngoại nữa. Thế thì mình phải ăn thịt cả hai bà cháu.” Nghĩ vậy nên chó sói lại hỏi:
– Nhà bà ngoại cô ở đâu?
– Ở bên kia khu rừng. Cái nhà có ống khói đấy, cứ đẩy cửa là vào được ngay.
Nghe xong, chó sói bỏ cô bé quàng khăn đỏ ở đấy rồi chạy một mạch đến nhà bà ngoại cô bé. Nó đẩy cửa vào vồ lấy bà cụ rồi nuốt chửng ngay vào bụng. Xong xuôi, nó lên giường nằm đắp chăn giả là bà ngoại ốm.
Lúc cô bé quàng khăn đỏ đến, cô thấy chó sói đắp chăn nằm trên giường. Cô tưởng “bà ngoại” bị ốm thật, cô hỏi:
– Bà ơi! Bà ốm đã lâu chưa?
Sói không đáp giả vờ rên “Hừ… hừ…”.
– Bà ơi, mẹ cháu bảo mang bánh sang biếu bà.
– Thế à. Thế thì bà cám ơn cháu và mẹ cháu. Cháu ngoan quá. Cháu lại đây với bà.
Cô bé quàng khăn đỏ chạy ngay đến cạnh giường. Thế nhưng, cô ngạc nhiên lùi lại hỏi:
– Bà ơi! Sao hôm nay tai bà dài thế?
– Tai bà dài để bà nghe cháu nói được rõ hơn. – Chó sói đáp.
– Thế còn mắt bà. Sao hôm nay mắt bà to thế?
– Mắt bà to để bà nhìn cháu được rõ hơn.
Chưa tin, cô bé quàng khăn đỏ lại hỏi:
– Thế còn mồm bà. Sao hôm nay mồm bà to thế?
– Mồm bà to để bà ăn thịt cháu đấy.
Sói nói xong liền nhảy ra khỏi giường, nuốt chửng Khăn Đỏ, rồi nằm ngủ. May sao, lúc đó bác thợ săn đi ngang thấy thế. Bác giơ súng lên định bắn. Nhưng bác chợt nghĩ ra là chắc sói đã ăn thịt bà lão. Tuy vậy vẫn còn có cơ hội cứu bà. Bác nghĩ không nên bắn mà nên lấy kéo rạch bụng con sói đang ngủ ra.
Vừa rạch được vài mũi thì thấy chiếc khăn quàng đỏ chóe, rạch được vài mũi nữa thì cô bé nhảy ra kêu:
– Trời ơi! Cháu sợ quá! Trong bụng sói tối đen như mực.
Bà ngoại cũng còn sống chui ra, thở hổn hển. Khăn Đỏ vội đi nhặt đá to nhét đầy bụng sói. Sói tỉnh giấc muốn nhảy lên, nhưng đá nặng quá, nó ngã khuỵu xuống, lăn ra chết.
Từ dạo ấy, cô bé quàng khăn đỏ không bao giờ dám làm sai lời mẹ dặn.
Ý nghĩa câu chuyện: Truyện cổ tích Grim “Cô bé quàng khăn đỏ” dạy trẻ biết vâng lời người lớn, cẩn trọng với người lạ, vì sự ngây thơ và bất cẩn có thể dẫn đến nguy hiểm. Đây cũng là bài học về hậu quả của việc không nghe lời dặn dò của cha mẹ.
12. Kể chuyện bé nghe: Đeo chuông cho mèo
Trong một cửa hàng bách hóa nọ có rất nhiều chuột. Hằng ngày, chúng phá phách và làm hư hỏng rất nhiều hàng hóa. Vì vậy, chủ tiệm đã quyết định mua một con mèo để dẹp yên lũ chuột này. Đàn chuột rất lo lắng về điều đó và tìm cách tự cứu lấy mình.
Một con chuột đứng dậy và nói: “Tôi có kế hoạch này, nếu chúng ta đeo một cái chuông vào cổ của con mèo thì mọi cử động của nó, chúng ta đều biết được”. Đây cũng là một ý kiến hay, thế nhưng vấn đề được đặt ra là ai sẽ làm điều đó. Và khi câu hỏi này được nêu lên, không một ai đáp lại.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Những giải pháp không hiệu quả là một sự lãng phí thời gian. Khi kể cho bé nghe câu chuyện này, bố mẹ nên giải thích rõ ý nghĩa để con hiểu hơn nhé!
13. Truyện cổ tích cho bé: Ba lưỡi rìu
Ngày xưa, tại một ngôi làng nhỏ xa xôi, có một chàng trai trẻ làm nghề đốn củi để mưu sinh. Một ngày nọ, khi đang bổ củi bên bờ sông, anh vô tình đánh rơi chiếc lưỡi rìu quý giá xuống dòng nước sâu. Quá đau lòng và lo lắng vì mất đi vật dụng duy nhất để kiếm sống, anh ngồi bên bờ sông than vãn.
Bất ngờ, một ông cụ râu tóc bạc phơ xuất hiện và hứa sẽ giúp anh tìm lại chiếc rìu. Ông cụ lặn xuống và trở lên bề mặt sông với một lưỡi rìu bằng vàng sáng lấp lánh. Cụ ân cần hỏi:
– Đây có phải là rìu của cháu không?
Chàng trai lắc đầu:
– Thưa không. Rìu của cháu không phải bằng vàng.
Lần thứ hai, cụ lại lặn xuống và mang lên một chiếc rìu bằng bạc lấp lánh. Thế nhưng, chàng trai vẫn lắc đầu từ chối:
– Thưa cụ, rìu của cháu không phải bằng bạc.
Đến lần thứ ba lặn xuống, ông cụ trở lại với chiếc rìu sắt quen thuộc. Chàng trai vui mừng reo lên:
– Đúng rồi! Đây chính là chiếc rìu của cháu!
Cảm động trước sự trung thực và không tham lam của chàng trai, ông cụ mỉm cười và trao tặng chàng trai thêm cả hai chiếc rìu vàng và bạc như một phần thưởng xứng đáng.
Ý nghĩa câu chuyện: Truyện cổ tích “Ba lưỡi rìu” dạy chúng ta rằng tính trung thực luôn được trân trọng và phần thưởng xứng đáng sẽ đến với những người không tham lam, biết sống ngay thẳng.

14. Kể chuyện bé nghe: Con lừa hát
Ngày xửa ngày xưa, có một người giặt đồ thuê nuôi một con lừa để giúp anh ta vận chuyển quần áo từ nhà ra bờ sông và ngược lại. Thế nhưng, con lừa này không thích những món ăn mà ông chủ cho nó. Vì vậy, nó quyết định đi đến cánh đồng gần đó để ăn món cỏ mà nó yêu thích.
Một ngày nọ, khi đang đi, chú lừa gặp một con cáo và kết bạn với no. Chúng tìm thấy một cánh đồng trồng toàn dưa hấu và cùng nhau ăn. Dưa hấu quá ngon nên lừa ăn rất nhiều và cao hứng nói với con cáo rằng: “Tôi muốn hát”.
Con cáo đáp: “Nếu cậu hát, con người sẽ biết mình đang phá hoại mùa màng của họ và sẽ chạy đến đánh chúng ta chết mất”. Con lừa không nghe lời khuyên của cáo mà vẫn hát. Thấy vậy, con cáo đã nhanh chóng nhảy qua hàng rào và biến mất trước khi dân làng đến đánh lừa.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Hãy học cách biết lắng nghe người khác.
15. Kể chuyện bé nghe: Tại sao đít con khỉ lại màu đỏ?
Ngày xưa, ở một ngôi làng kia, có rất nhiều chàng trai và cô gái. Mỗi tối sau khi dùng bữa xong, họ tụ tập quanh đống lửa và bắt đầu nhảy múa. Do đó, ngôi làng này có tên gọi là Ngôi làng nhảy múa.
Một đêm nọ, có một con khỉ đến gần nơi đang diễn ra lửa trại. Nó mặc quần áo, đeo kính giống như con người và mang theo một số món quà nhỏ để tặng cho các cô gái. Mọi người đang hòa mình vào âm nhạc và nhảy múa nên chẳng ai nhận ra nó là một con khỉ cả.
Cứ như vậy, mỗi đêm con khỉ lại đến và tặng quà cho các cô gái. Điều này làm các cô gái yêu quý khỉ hơn, còn các chàng trai ghen tỵ với khỉ. Họ quyết định phải tìm ra cho được người hay tặng quà cho các cô gái thật sự là ai. Thế là, như mọi hôm, con khỉ lại đến nhảy múa. Sau khi nhảy múa, các chàng trai theo dõi và phát hiện ra đó chỉ là một con khỉ. Các chàng trai quyết định dạy cho con khỉ một bài học.
Hôm sau, họ đặt một bếp lửa nóng ở nơi con khỉ hay ngồi và dùng lá che lại. Khi con khỉ ngồi xuống, nó nhảy dựng lên đau đớn. Các cô gái ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra nên các chàng trai đã giải thích cho họ hiểu. Mọi người đều quyết định đuổi con khỉ đi. Kể từ đó, đít của con khỉ bắt đầu có màu đỏ do ảnh hưởng của vết bỏng hôm nào.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Đừng bao giờ đóng giả làm người khác.
16. Truyện cổ tích: Cậu bé Tích Chu

Ngày xưa, có một cậu bé tên là Tích Chu sống cùng bà nội, vì bố mẹ mất sớm. Bà một tay chăm lo cho Tích Chu từng miếng ăn, giấc ngủ. Dù tuổi đã cao, bà vẫn làm việc vất vả để nuôi cháu, thậm chí ban đêm còn thức quạt cho Tích Chu ngủ ngon. Thấy tình thương của bà, có người cảm động nói:
– Bà ơi! Lòng bà thương Tích Chu cao hơn trời, rộng hơn biển. Lớn lên thể nào Tích Chu cũng không bao giờ quên ơn bà đâu.
Nhưng rồi khi Tích Chu lớn lên, cậu lại quên mất tấm lòng của bà. Trong khi bà ngày một già yếu, phải làm lụng cực nhọc, thì Tích Chu lại mải chơi, bỏ mặc bà ở nhà một mình.
Một hôm, trời nóng như đổ lửa, bà vì làm quá sức, lại ăn uống kham khổ nên đổ bệnh. Bà lên cơn sốt cao, khát nước lắm. Bà gọi trong hơi thở yếu ớt:
– Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước nào. Bà khát khô cả cổ rồi!
Bà gọi mãi… nhưng không ai đáp lại. Tích Chu còn mải chơi, chẳng hay biết gì. Đến khi cậu về tới nhà thì đã quá muộn – bà đã hóa thành một con chim, vỗ cánh bay lên trời. Hoảng hốt, Tích Chu chạy theo kêu:
– Bà ơi, bà đi đâu? Bà ở lại với cháu. Cháu sẽ mang nước cho bà!
Nhưng bà chỉ kêu vang trong tiếng chim buồn bã:
– Cúc… cu… cu! Chậm mất rồi cháu ạ. Bà khát quá nên phải hóa thành chim bay đi kiếm nước. Bà không về với cháu nữa đâu!
Tích Chu vừa khóc vừa chạy theo hướng bà bay. Cuối cùng, cậu tìm thấy chim đang uống nước bên suối. Cậu gọi tha thiết:
– Bà ơi! Bà về với cháu đi. Cháu sẽ chăm sóc bà. Cháu không để bà buồn nữa đâu!
– Cúc… cu… cu! Muộn quá rồi cháu ơi! Bà không trở lại được nữa đâu!
Tích Chu gục xuống, khóc nức nở vì hối hận. Đúng lúc ấy, một bà tiên xuất hiện. Bà nói:
– Tích Chu ơi! Nếu cháu muốn bà trở lại làm người, cháu phải mang nước suối Tiên về cho bà uống. Nhưng đường lên đó xa lắm, cháu có đi được không?
Nghe thế, Tích Chu vui mừng và vội vàng hỏi đường đến suối Tiên. Không chần chừ, Tích Chu lập tức lên đường. Cậu băng rừng, vượt núi, đi qua bao hiểm trở để tìm được suối Tiên. Khi tới nơi, cậu múc đầy bình nước rồi vội vã quay về.
Vừa về đến nhà, Tích Chu gọi to:
– Bà ơi! Cháu mang nước về cho bà rồi đây! Bà mau uống đi!
Bà vừa uống ngụm nước suối Tiên, liền hóa lại thành người. Tích Chu òa khóc, ôm chặt lấy bà:
– Bà ơi! Cháu biết lỗi rồi. Từ nay cháu sẽ luôn ở bên chăm sóc bà.
Từ đó trở đi, hai bà cháu sống hạnh phúc bên nhau, Tích Chu không còn mải chơi nữa mà luôn hiếu thảo và yêu thương bà hết lòng.
Ý nghĩa truyện cổ tích “Cậu bé Tích Chu”: Câu chuyện nhắc nhở chúng ta phải biết yêu thương, quan tâm đến người thân, đặc biệt là ông bà, cha mẹ – khi còn có thể. Đừng để đến lúc hối hận thì đã quá muộn.
17. Kể chuyện bé nghe: Câu chuyện dê và cáo
Trong một khu rừng nọ, có một con sư tử rất hung bạo, sống trong một cái hang lớn và chứa nhiều thức ăn. Một hôm, con sư tử đi ra khỏi hang. Nhân lúc đó, một con cáo đã lẻn vào và ăn tất cả thức ăn có trong hang. Con cáo nghĩ: “Ước gì ngày nào mình cũng được ăn uống no say như thế này”.
Sau khi đánh chén no nê, cáo đi dạo xung quanh và tận hưởng cảm giác lâng lâng khi mới ăn một bữa ngon lành. Đột nhiên, con cáo bất ngờ té xuống. Khi hoàn hồn lại, con cáo phát hiện ra rằng mình đã rơi xuống một cái giếng sâu nhưng không có nhiều nước.
Lúc đầu, cáo rất tức giận với bản thân và tự trách tại sao mình lại không cẩn thận như vậy. Sau đó, nó cố gắng leo ra ngoài nhưng không thành công. Bỗng nhiên, cáo nghe thấy một giọng nói từ trên vọng xuống: “Cậu đang làm gì ở đó vậy?”. Cáo ngước lên nhìn và nhận ra rằng đó là con dê. Mừng quá, cáo nói: “Cậu biết không, tớ ở làng kế bên nhưng đang gặp hạn hán. Do đó, tớ phải nhảy xuống đây để lấy nước uống”.
Nghe vậy, dê nhảy xuống giếng ngay lập tức. Lợi dụng điều đó, cáo đã nhanh chóng dựa vào những cái sừng dài của dê để leo lên khỏi giếng. Cáo quay lại nói: “Cậu thật ngốc. Nếu có hạn hán, thì những con chim đã thông báo với muông thú trong rừng rồi”.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Không bao giờ tin tưởng ai đó một cách mù quáng.
18. Kể chuyện bé nghe: Câu lạc bộ các bà mẹ
Một ngày nọ, tất cả bà mẹ thú trong rừng tập hợp lại với nhau và bắt đầu so sánh xem con của ai là giỏi nhất và ai đẻ được nhiều con nhất. Mẹ nai nói rằng con mình là to lớn nhất. Mẹ chó rừng lại nói con mình có hàm răng sắc bén nhất và con mình đông nhất. Trong khi đó, mẹ chim sẻ lại cho rằng con mình giỏi nhất và mình sinh nhiều con nhất.
Cuối cùng, đến lượt mẹ sư tử, sư tử chỉ có một chú sư tử con. Những bà mẹ khác hỏi: “Chỉ có một đứa thôi à? Sao chị đẻ ít vậy? Chúng tôi đều có nhiều con hơn chị. Tại sao con của chị lại giỏi nhất cơ chứ?”. Mẹ sư tử tự hào nói: “Bởi vì con của tôi sẽ trở thành chúa sơn lâm ở đây”. Nghe vậy, tất cả đều im lặng và giải tán cuộc họp.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Hành động quan trọng hơn lời nói. Chính hành động sẽ chứng minh cho lời nói của bạn.
Bạn có thể xem thêm:
19. Kể chuyện bé nghe: Con lừa khôn ngoan
Đây hẳn là câu chuyện hay mà bố mẹ không nên bỏ qua trong những buổi kể truyện cho bé nghe. Một con lừa đang vui vẻ ăn cỏ trên một ngọn đồi mà không hề hay biết rằng có một con sói đang rình nó. Khi con lừa ăn xong và ngẩng đầu lên, nó ngỡ ngàng nhận ra con sói đang đứng nhìn mình. Con lừa biết rằng mình phải suy nghĩ nhanh nếu muốn tự cứu lấy bản thân. Nó bắt đầu hét lên như thể mình đang bị thương rất nặng. Nghe tiếng hét, con sói không hiểu chuyện gì đang xảy ra nên nó đã tiến lại gần và hỏi:
– Mày bị sao vậy?
– Một cái gai đâm vào chân tôi, anh có thể giúp tôi lấy nó ra được không?
– Tại sao tao phải làm thế?
– À, tại vì điều này có lợi cho anh. Cái gai rất nhọn. Nếu anh ăn thịt tôi, cái gai sẽ bị kẹt trong cổ họng của anh đấy.
20. Sự tích cây khế – Truyện cổ tích Ăn khế trả vàng

Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em sống chung một nhà. Người anh thì tham lam, ích kỷ, còn người em lại hiền lành, chịu khó. Sau khi cha mẹ qua đời, người anh lấy hết của cải, chỉ để lại cho em một cây khế ở góc vườn.
Người em không oán trách nửa lời, dựng túp lều nhỏ gần gốc khế, ngày ngày chăm cây, làm thuê kiếm sống. Cây khế lớn dần, đến mùa lại trĩu quả. Người em mừng lắm vì có trái ăn, có thể mang đi đổi lấy gạo.
Một hôm, một con chim lạ to lớn bay tới, đậu lên cây và ăn khế. Người em buồn bã nói với chim:
– Chim ơi! Nhà tôi chỉ có một cây khế này thôi. Tôi định bán khế lấy tiền đong gạo. Chim ăn hết thì gia đình tôi sống bằng gì?
Bất ngờ, chim đáp lại:
– Ăn một quả, trả cục vàng. May túi ba gang, mang đi mà đựng.
Vài hôm sau, chim quay lại và chở người em bay đến một hòn đảo đầy vàng bạc, châu báu. Người em lấy vừa đủ đầy túi ba gang như lời dặn, rồi trở về an toàn. Có vàng, người em không sống xa hoa, mà dùng phần lớn để giúp đỡ người nghèo trong làng.
Nghe chuyện, người anh tìm đến, giả vờ tử tế, xin đổi toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn để lấy… cây khế. Người em vẫn vui vẻ đồng ý.
Đến mùa, cây khế lại ra quả. Chim lạ xuất hiện ăn khế và cũng hứa:
– Ăn một quả, trả cục vàng. May túi ba gang, mang đi mà đựng.
Nhưng người anh vốn tham lam, bắt vợ may hẳn túi 12 gang để lấy cho thật nhiều. Khi chim đến đón, người anh mang túi lớn lên đảo và tham lam nhét đầy vàng bạc đến quá nặng. Trên đường bay về, chim mệt mỏi, kêu người anh bỏ bớt vàng nhưng anh ta không chịu. Không thể chịu nổi sức nặng, chim chao đảo và thế là người anh cùng túi vàng rơi xuống biển.
Từ đó, người em sống bình yên và hạnh phúc, còn người anh thì mãi mãi không trở lại.
Ý nghĩa câu chuyện: Lòng tham vô độ sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, còn sự hiền lành, trung thực và lương thiện sẽ được đền đáp xứng đáng.
21. Kể chuyện bé nghe: Chú thỏ thông minh
Để giấc ngủ của con được lấp đầy bởi những giấc mơ đẹp, mẹ hãy dùng giọng kể truyền cảm để đọc truyện cho bé nghe về câu chuyện chú thỏ thông minh sau đây:
Trong một khu rừng nọ, thỏ con và mẹ sống cùng nhau rất vui vẻ. Mỗi ngày, chú thỏ con đều chạy ra bờ sông để uống nước. Cứ mỗi lần trước khi thỏ con đi, thỏ mẹ đều nhắc nhở:
– Con đi cẩn thận nhé, hãy chú ý xung quanh, vì cáo cũng thường ra sông dạo chơi lắm đấy!
Một ngày kia, thỏ con vừa ra bờ sông, mới cúi xuống mặt sông để uống nước thì thỏ con bất ngờ nhìn thấy cáo. Thỏ con rất lo lắng, nhưng cáo lại ra vẻ rất thân thiện chào hỏi thỏ con:
– Chào thỏ con, hãy lên lưng anh, anh cõng thỏ con vào rừng ngắm hoa, hái nấm nào!
Trước lời mời gọi thân mật đó, thỏ con lo sợ nhưng vẫn nhớ lời mẹ dặn, nhanh trí nghĩ ra một mẹo hay. Thế là, thỏ con trả lời cáo:
– Thế thì thích quá anh cáo ơi. Anh chờ em về nhà lấy nón đội che nắng đã nhé!
Vừa dứt lời, thỏ con chạy nhanh về nhà rồi kể cho thỏ mẹ nghe câu chuyện vừa gặp cáo bên bờ sông. Thỏ mẹ ôm thỏ con vào lòng, vừa xoa đầu vừa khen thỏ con nhanh trí, thông minh.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Trong bất kỳ tình huống căng thẳng nào, con đều phải bình tĩnh. Việc rèn luyện sự nhanh trí hàng ngày sẽ giúp ích rất nhiều trong tương lai, hỗ trợ con giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.
22. Truyện cổ tích cho bé: Chú chồn lười học
Ở một khu rừng thông nọ có một chú chồn mướp sống cùng cha mẹ. Vì là con một trong nhà nên chồn mướp được cha mẹ cưng chiều hết mực. Mặc dù đã đến tuổi đi học nhưng chồn con vẫn không chịu đến trường, suốt ngày chỉ rong chơi. Cũng bởi vì cha mẹ đã nuông chiều quá mức mà chồn mướp trở nên bướng bỉnh, không chịu nghe lời bất kỳ ai. Mỗi khi có ai khuyên răn gì, chồn đều không lắng nghe mà còn cãi lại.
Một hôm nọ, chồn mải rong chơi nên bị lạc vào trong rừng sâu và không tìm được đường ra. Chồn lang thang mãi mới tìm được bảng chỉ đường, nhưng ngặt nỗi, chồn không biết chữ nên không đọc được. Lúc này, chồn con mới hối hận, vừa khóc vừa nghĩ, nếu trước đây chịu khó đi học, biết chữ thì bây giờ đâu phải khổ thế này.
Đúng lúc ấy, một bác sư tử bất ngờ xuất hiện. Chồn con tưởng mình sắp bị ăn thịt nên quỳ lạy xin tha. Nào ngờ, bác sư tử trả lời: “Ta chỉ muốn giúp cháu thôi, vì cháu không biết chữ nên không đọc được bảng chỉ đường đúng không?” Chồn con nghe vậy gật đầu. Được bác sư tử khuyên răn và chỉ đường, chồn con cuối cùng cũng tìm được về nhà. Từ đó, chồn con quyết tâm đi học đều đặn và chăm chỉ mỗi ngày.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Trẻ em cần chăm chỉ học hành, trang bị kiến thức đầy đủ để có thể hòa nhập với cuộc sống.
23. Kể chuyện bé nghe: Chén canh hẹ và tấm lòng hiếu thảo
Ngày xưa, có một người con rất có hiếu nhưng không may mắc tội oan, bị giam vào tù không cho ai thăm hỏi. Một ngày nọ, người mẹ nấu canh hẹ nhờ chủ ngục đưa hộ vào cho người con.
Trong tù, người con nhận được chén canh hẹ mà không ăn, chỉ bật khóc nức nở. Chủ ngục thấy vậy bèn hỏi lý do vì sao anh không ăn mà lại ngồi khóc. Người con trả lời:
– Tôi còn mẹ già ở nhà. Mẹ tôi mỗi khi nấu canh hẹ thường lấy thước đo từng tấc để món canh trông bắt mắt. Nay tôi nhìn thấy chén canh hẹ này, tôi biết rằng mẹ tôi đã phải thức khuya dậy sớm đo từng cọng hẹ để nấu canh cho tôi, rồi phải lặn lội từ nhà đến tận đây để mang canh cho tôi ăn và thăm tôi, mà tôi lại không được ra thăm mẹ. Trong lòng tôi xót thương mẹ sao ăn cho đặng.
Chủ ngục nghe thấy bèn thương tình, trình lên cho quan chuyện vừa xảy ra. Quan thiết nghĩ, một người có hiếu như vậy há chăng lại làm điều phạm pháp? Thế là, quan cho xét lại án, thì đúng thật là người con đã bị oan, nên được thả ra. Hai mẹ con được sum vầy hạnh phúc.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Đó là nét đạo đức làm nên con người tốt đẹp. Ngoài ra, cần xem xét lại những quyết định của bản thân; để đánh giá và nhìn nhận đúng bản chất con người, sự vật, sự việc xung quanh.
24. Kể chuyện cho bé: Hai chú gà trống
Trong một nông trại gà có 2 chú gà con cùng một gà mẹ sinh ra. Khi lớn lên, hai chú gà con đủ lông đủ cánh trở thành gà trống khỏe mạnh. Mặc dù cùng là anh em ruột, nhưng 2 chú gà lại không yêu thương nhau mà thường xuyên cãi vã, đánh nhau. Nguyên nhân chỉ vì cả 2 chú gà đều tự cho rằng mình đẹp hơn, oai phong hơn và xứng đáng làm vua của nông trại gà hơn.
Thế là, một hôm nọ, 2 chú gà quyết định phân thắng thua bằng một trận đánh nhau quyết liệt. Con gà nào chiến thắng sẽ được làm vua của nông trại. Sau trận đánh, kết quả là, chú gà thắng cuộc đã nhảy lên hàng rào, vỗ cánh và cất tiếng gáy vang để ca tụng sự chiến thắng của bản thân. Thế nhưng, không may cho chú gà chiến thắng, vì đúng lúc đó có chú chim ưng lớn bay ngang qua, liền sà xuống bắt lấy con gà thắng trận bay đi mất. Trong khi đó, chú gà thua trận thì đang nằm thở thoi thóp.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Anh em phải biết yêu thương, đùm bọc, nhường nhịn lẫn nhau thì những kẻ xấu mới không có cơ hội làm điều xấu và có thể hợp sức đánh bại kẻ xấu.
25. Kể chuyện bé nghe: Chú vịt xám
Vào một ngày đẹp trời, vịt mẹ dẫn đàn vịt con đi chơi. Trước khi đi, vịt mẹ nhắc nhở đàn vịt con: “Các con phải đi theo mẹ, đi theo đàn, không được tách ra đi lẻ một mình, nếu không sẽ bị cáo ăn thịt đấy!”.
Đàn vịt con vui vẻ nghe theo. Tuy nhiên, khi đi ngang một khu rừng xinh đẹp, vịt xám lại quên mất lời mẹ dặn. Thế là vịt xám lẻn đi chơi một mình. Chú vịt xám cảm thấy thích thú vì được tự do lang thang khắp mọi nơi theo ý muốn. Đi một hồi, vịt xám đến một chiếc ao có rất nhiều tôm cá. Thích quá, vịt xám bèn nhảy xuống ao mò tôm cá ăn. Đến khi ăn gần no rồi, vịt xám mới nhìn lên bờ nhưng chẳng thấy vịt mẹ đâu.
Lúc này, vịt xám bắt đầu hoảng sợ, bèn nhảy lên bờ gọi mẹ ầm ĩ. Gần đấy có một con cáo đang ngủ, nghe tiếng vịt xám kêu, liền tỉnh dậy chạy nhanh ra phía bờ ao. Khi cáo vừa đến nơi thì may mắn thay cũng là lúc vịt mẹ tìm thấy vịt xám. Trông thấy cáo đang đến gần, vịt mẹ bèn dẫn vịt xám nhảy ùm xuống ao. Vịt xám thoát chết trong gang tấc. Cũng từ đó mà vịt xám không bao giờ dám làm sai lời mẹ dặn.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Bé nên nghe theo lời của cha mẹ, người thân trong gia đình, nhất là khi đến một nơi xa lạ.
26. Truyện thiếu nhi: Vịt con và Gà con
Đây là câu chuyện về tình bạn đẹp giữa gà con và vịt con. Mẹ nên tham khảo và kể chuyện bé nghe, mẹ nhé!
Vịt mẹ bận đi chợ xa nên gửi vịt con cho gà mẹ chăm sóc. Gà mẹ gọi gà con ra chơi cùng vịt con. Sau khi xin phép mẹ, gà con dẫn vịt con ra sau vườn tìm giun ăn. Gà con nhanh chân chạy đi trước, vịt con lạch bạch chạy theo sau.
Thấy vịt con chậm chạp, gà con tỏ vẻ không thích. Khi ra đến vườn, gà con dùng chân bới đất tìm giun ăn. Trong khi đó, chân của vịt con có màng nên không bới đất được, loay hoay một hồi lại khiến đất bị nén xuống khiến gà con không tìm giun được. Thế là, gà con tức giận quát vịt con:
– Bạn không biết bới đất gì cả! Bạn đi chỗ khác chơi đi, để tôi bới một mình tôi!
Vị con nghe vậy cũng buồn, bèn bỏ ra bờ ao tìm tép ăn. Ngay khi vịt con vừa đi, một con cáo nấp trong bụi rậm thấy gà con đang tìm giun một mình bèn nhảy ra vồ gà con. Gà con sợ quá vội vàng chạy ra bờ ao, vừa chạy vừa kêu “Chíp! Chíp!”. Vịt con đang lặn ngụp tìm tép, nghe tiếng gà con vội lướt nhanh ra sát mép bờ, kịp thời cõng được gà con bơi ra giữa ao. Cáo chạy đến bờ ao thấy gà và vịt đã ở ao sâu, chờ mãi không được nên đành bỏ đi.
Nhờ có đôi chân có màng của vịt con mà gà con thoát nạn. Lúc này, gà con mới hối hận và xin lỗi vịt con. Vịt con không giận gà con mà con mò tép cho gà con ăn cùng.
Ý nghĩa của câu chuyện khi bạn kể chuyện bé nghe: Đừng coi thường người khác dù người đó không có thế mạnh giống như con, vì mỗi người có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Khi chơi với bạn bè, quan trọng là tấm lòng giúp đỡ nhau, không vì điểm khác biệt mà coi thường, ghét bỏ nhau.