Trẻ 23 tháng tuổi, “thiên thần nhí” của mẹ giờ đây sắp chạm mốc 2 tuổi rồi. Sau đây là tất cả những gì bạn cần nắm để quá trình nuôi dạy con trở nên dễ dàng, giúp con phát triển tốt hơn.
Nên nhớ rằng, cho dù con đang hướng đến cột mốc nào đi chăng nữa, ba mẹ vẫn nên đồng hành và tạo mọi điều kiện để giúp bé phát triển tối ưu cả về thể chất lẫn trí tuệ nhé!
Chiều cao, cân nặng của trẻ 23 tháng tuổi
Nhiều phụ huynh thắc mắc không biết trẻ 23 tháng nặng bao nhiêu kg, bé 23 tháng cao bao nhiêu là đạt? Thông thường, chiều cao và cân nặng trung bình của trẻ 23 tháng tuổi như sau:
- Bé trai 23 tháng tuổi: Cân nặng trung bình là 11,93kg; chiều cao trung bình là 86,9cm.
- Bé gái 23 tháng tuổi: Cân nặng trung bình là 11,75kg; chiều cao trung bình là 85,6cm.
Tuy nhiên, phụ huynh cần hiểu rằng, mỗi trẻ có một mốc phát triển khác nhau. Do đó, miễn là bé vẫn đang phát triển bình thường thì cha mẹ không cần quá lo lắng.
Sự phát triển của trẻ 23 tháng tuổi
1. Sự phát triển thể chất và vận động của trẻ 23 tháng tuổi
Trẻ gần được 2 tuổi chẳng những hiếu động mà còn nhanh nhẹn đến ngạc nhiên. Một vài cột mốc phát triển thể chất và vận động quan trọng của bé 23 tháng tuổi mà ba mẹ cần nắm như sau:
- Bé đã có thể leo lên xuống cầu thang nhưng vẫn cần nắm tay bạn.
- Bé có thể tự mặc quần áo và cởi quần áo.
- Cơ lưng và chân của bé khỏe hơn nên bé có thể cúi xuống và nhấc đồ vật lên khỏi sàn.
- Trẻ 23 tháng tuổi thậm chí có thể đứng kiễng chân.
- Bé đã có thể tự uống và ăn. Các cơ ở cánh tay cũng khỏe hơn, đồng nghĩa với việc ít bị đổ và lộn xộn hơn khi ăn uống.
2. Sự phát triển nhận thức và ngôn ngữ của trẻ 23 tháng tuổi
Dưới đây là một số kỹ năng nhận thức và ngôn ngữ mà bé có thể phát triển ở độ tuổi này:
- Trẻ 23 tháng tuổi đã có sở thích riêng.
- Bé có thể hiểu và làm theo các mệnh lệnh hai từ đơn giản như “lại đây”, “ngồi xuống”…
- Bé thích vẽ và viết nguệch ngoạc, thậm chí có thể vẽ các đường thẳng và hình tròn.
- Bé có thể đặt câu đầy đủ và có thể sử dụng đại từ.
- Trẻ có thể nhớ tên của những người thân thiết với bé.
- Bé có thể bắt chước giọng điệu và cách nói của bạn.
- Trẻcó thể cho bạn biết bé đói, buồn ngủ hay muốn đi tiểu.
3. Sự phát triển xã hội và cảm xúc của trẻ 23 tháng tuổi
Có rất nhiều kỹ năng xã hội và cảm xúc mà bé đang phát triển ở giai đoạn này. Dưới đây là một số kỹ năng mà trẻ có thể có được:
- Bé muốn chơi với những trẻ khác.
- Bé có thể bắt chước hành động của những trẻ khác.
- Trẻ biết cách “chiếm” được tình cảm của mọi người và do đó có thể đưa đồ chơi hoặc bánh quy của bé cho anh chị em hoặc bạn bè.
- Trẻ có thể khiến người khác thích thú bằng cách làm những khuôn mặt ngộ nghĩnh hoặc làm những hành động hài hước.
- Trẻ mới biết đi có thể cảm thấy lo lắng nếu không có bạn ở bên cạnh. Đây là lúc mà nỗi lo lắng về sự chia ly của bé có thể lên đến đỉnh điểm.
4. Hành vi của bé 23 tháng tuổi
Trẻ 23 tháng tuổi liên tục di chuyển và chạy nhảy suốt cả ngày. Cha mẹ sẽ rất khó có thể bắt trẻ ngồi yên vì tất cả những gì trẻ ở độ tuổi này muốn làm là chạy xung quanh.
Bên cạnh đó, bé có thể làm bất cứ điều gì liên quan đến kỹ năng vận động thô mà trẻ đã tập luyện cho đến thời điểm hiện tại. Trẻ cũng rất thích sự độc lập và kỹ năng mới được tìm thấy của bé.
Trong khi một số trẻ 23 tháng tuổi thích chạy nhảy, thì một vài bé lại chỉ thích “bám” cha mẹ. Điều này là do trẻ vẫn chưa hiểu những gì đang diễn ra xung quanh bé. Những âm thanh đơn giản như tiếng máy hút bụi, tiếng máy pha cà phê cũng có thể khiến bé sợ hãi.
Lúc này, cha mẹ không nên cảm thấy đó là nỗi sợ phi lý và quát mắng con. Thay vào đó, hãy thông cảm và xoa dịu cảm xúc của bé. Phụ huynh cần hiểu rằng, ở giai đoạn này, khả năng nói và vốn từ của trẻ 23 tháng tuổi còn hạn chế, nhưng bé lại có trí tưởng tượng phong phú. Hãy thừa nhận nỗi sợ của bé và giúp con hiểu về nó hơn là gạt bỏ nỗi sợ hãi.
Mặc dù vốn từ của bé 23 tháng tuổi còn hạn chế (khoảng 50 từ), nhưng nếu trẻ nói ít hơn 5 từ, cha mẹ nên tìm lời khuyên từ bác sĩ.
Chế độ ăn cho trẻ 23 tháng tuổi
Bé yêu đang trên đà phát triển nên nhu cầu về khẩu phần ăn và dinh dưỡng cũng tăng theo. Các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo trẻ 23 tháng nên có 3 bữa chính và 2 bữa phụ trong ngày. Hầu hết trẻ mới biết đi đã có thể ăn đa dạng các nhóm thực phẩm bao gồm: tinh bột đường – đạm – béo – chất xơ. Khẩu phần cụ thể mỗi ngày như sau:
- Khoảng ¾ – 1 chén trái cây và rau củ
- ¼ chén ngũ cốc, tinh bột đường
- 3 thìa canh đạm (thịt, cá)
- Trẻ cũng nên dùng thêm sữa (2 đến 3 cốc/ngày) hoặc các chế phẩm từ sữa nhằm đáp ứng nhu cầu canxi và nhiều dưỡng chất thiết yếu khác.
Một nguyên tắc về chế độ ăn cho trẻ 23 tháng tuổi mẹ cần nắm là tuyệt đối không ép trẻ ăn. Hành động này tưởng chừng vô hại nhưng lại gây nhiều tác động tiêu cực đến thói quen ăn uống của trẻ sau này. Trẻ biếng ăn là điều rất dỗi bình thường. Bạn không nên quá lo chuyện con ăn ít hay nhiều bởi có lúc bé sẽ ăn bù lại. Quan trọng nhất là hãy chọn ra những thực phẩm lành mạnh.
Với những món ăn mới, mẹ nên kiểm tra kỹ lưỡng trước khi giới thiệu cho con để tránh phản ứng dị ứng có thể xảy ra.
Giấc ngủ của bé 23 tháng tuổi
Hội mẹ bỉm sữa hẳn sẽ thắc mắc trẻ 23 tháng cần ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày? Xin trả lời bé trong độ tuổi này cần ngủ từ 13 – 14 giờ mỗi ngày. Trong đó, giấc ngủ về đêm chiếm khoảng 11 – 12 giờ và giấc ngủ ngắn buổi trưa vào khoảng 1,5 – 3 giờ.
Cần hiểu rằng mỗi trẻ có một nhu cầu về thời gian ngủ khác nhau. Vì thế, bố mẹ nên tạo điều kiện để con được ngon giấc. Khi ngủ đủ giấc, trẻ sẽ tự thức dậy mà không cần phải đánh thức.
Với trường hợp bé thức dậy lúc nửa đêm, bạn không nên vội can thiệp bởi nhiều bé sẽ tự ngủ thiếp đi ngay sau đó. Điều quan trọng là bạn nên tạo cho con thói quen ngủ vào khung giờ cố định, hạn chế để bé thức khuya dễ khiến con bồn chồn và dễ cáu gắt hơn.
Bí quyết chăm sóc để bé yêu phát triển toàn diện
Làm cha mẹ, ai cũng mong mỏi con khôn lớn, khỏe mạnh. Muốn vậy, bạn có thể tham khảo ngay những mẹo hay để con chóng đạt được những mốc phát triển giai đoạn này:
- Trò chuyện, hát hò và cười đùa cùng bé để con có thể mở rộng vốn từ vựng và khả năng tương tác hơn nữa.
- Bày trò chơi vận động cho trẻ. Bạn có thể thử cho bé chơi đùa cùng bong bóng xà phòng. Lúc này bạn hãy yêu cầu con đuổi theo và làm vỡ bong bóng. Hoạt động này sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ ở chân trẻ.
- Tạo ra nhiều chướng ngại vật trên sàn và yêu cầu bé vượt qua chúng giúp kích thích các cơ bắp phát triển hơn nữa.
- Trẻ giai đoạn này khá hiếu động, nên tốt nhất bạn nên theo sát và chú ý mọi hành vi của con.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về sự phát triển của trẻ 23 tháng tuổi.
[embed-health-tool-vaccination-tool]