Thời gian qua đi thật nhanh, mới ngày nào còn đỏ hỏn mà giờ con yêu đã tròn 22 tháng tuổi, lẫm chẫm chạy chơi khắp nơi! Bé đã có thể trò chuyện khá rõ ràng, thậm chí còn bộc lộ cả tính cách riêng nữa đấy. Vậy trẻ 22 tháng tuổi còn điều thú vị nào mà mẹ chưa biết?
Khi chạm mốc 22 tháng tuổi, ngoài chuyện tỏ bày cảm xúc của mình, nhiều bé còn có sở thích ăn uống riêng mà phải tinh ý lắm mẹ mới nắm bắt được. Mời bạn cùng tìm hiểu về sự phát triển của trẻ 22 tháng tuổi qua bài viết tổng hợp thông tin dưới đây của Hello Bacsi.
Cân nặng và chiều cao của trẻ 22 tháng tuổi
Trẻ 22 tháng tuổi nặng bao nhiêu cân? Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chiều cao và cân nặng trung bình của bé 22 tháng cần đạt lần lượt như sau:
- Bé gái: 81,7cm và 10,4kg
- Bé trai: 83,2cm và 11,1kg
Để rõ hơn, bạn có thể tham khảo bài viết: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 0 đến 10 tuổi chuẩn WHO. Trường hợp con yêu không đạt mốc như mong đợi, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Sự phát triển của trẻ 22 tháng tuổi
1. Sự phát triển về thể chất
Dưới đây là một vài dấu mốc quan trọng về thể chất mà hầu hết trẻ 22 tháng tuổi sẽ đạt được:
- Kỹ năng vận động tinh: Bé đã biết tự dùng thìa ăn khéo léo hơn trước. Bé cũng thể hiện sự khéo léo trong chuyện mở nắp chai, hộp, ngăn tủ hoặc xếp chồng các khối đồ chơi lên nhau. Nếu đưa bút màu cho bé, bạn sẽ ngạc nhiên bởi những “tác phẩm” mà trẻ vẽ ra đấy. Ở giai đoạn này, trẻ có thể vẽ được những hình ảnh đơn giản nhưng có ý nghĩa.
- Mọc răng: Đến cuối tháng thứ 22, trẻ sẽ có khoảng 16 chiếc răng, chia đều cho 2 hàm nên bé sẽ cắn và nhai thức ăn dễ dàng hơn. Răng thứ 17 cũng bắt đầu mọc trong giai đoạn này.
- Giữ thăng bằng tốt: Trẻ 22 tháng tuổi đã có thể đá bóng, đi giật lùi và đứng bằng một chân khi dựa vào ghế hoặc tường. Thậm chí, bé còn có thể ngồi xổm trên sàn. Trẻ 22 tháng tuổi cũng có thể chạy từng đợt ngắn, và bắt đầu chạy quãng đường dài hơn với khả năng giữ thăng bằng tốt hơn. Trẻ cũng thích chạy hoặc cưỡi xe ba bánh hay các loại ô tô đồ chơi.
2. Sự phát triển về nhận thức của bé 22 tháng tuổi
Giai đoạn này, khả năng ghi nhớ của bé cũng đã tốt hơn. Bằng chứng là khi trông thấy người quen, bé sẽ mỉm cười hoặc nếu đưa trẻ đến những nơi mà con từng vui chơi trước đó, bé cũng tỏ ra rất hào hứng.
Trẻ 22 tháng biết làm gì? Trẻ 22 tháng cũng đã nhận biết rõ về hình dáng và hướng của mọi vật xung quanh. Giả sử như bạn lật ngược món đồ chơi mà trẻ thích, bé sẽ từ từ xoay nó trở về đúng vị trí ban đầu. Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy bé ghi nhớ và gọi tên được những hình vẽ đơn giản, đồng thời có thể bắt chước bố mẹ sử dụng những vật dụng như điện thoại.
Bên cạnh đó, bé 22 tháng tuổi cũng phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, nhờ đó mà trẻ ngày càng tò mò về những thứ xung quanh. Cha mẹ có thể khuyến khích sự tò mò của bé bằng cách tạo ra nhiều cơ hội cho con khám phá.
Ngoài ba điểm nổi bật trên, bé còn có những điểm thay đổi khác về nhận thức chẳng hạn:
- Nhớ rõ vị trí của những món đồ yêu thích khi chúng bị khuất tầm mắt
- Tập trung vào hoạt động mà trẻ thích
- Học hỏi mọi thứ thông qua cách quan sát và chơi đùa
- Bắt đầu nhận biết rõ hơn về các mối quan hệ nhân – quả.
Những cột mốc quan trọng này đối với trẻ 22 tháng tuổi liên quan đến trí thông minh, tính hợp lý và khả năng ra quyết định.
3. Về mặt cảm xúc, xã hội
Khi gần 2 tuổi, trẻ đã hiểu biết nhiều hơn so với cách mà bé thể hiện ra ngoài. Thế nên, đừng quá ngạc nhiên khi bé dễ nổi cơn “tam bành” vì không biết phải làm sao để biểu đạt mong muốn của mình để người khác hiểu. Những lúc như vậy, mẹ nên kiên nhẫn, vỗ về thay vì la mắng hay phẫn nộ với con.
Trẻ mới biết đi thường có xu hướng dễ gần gũi với người mà bé tiếp xúc thường xuyên. Bằng chứng là bé sẽ tỏ ra thân thiết với những bạn mà bé biết hơn là những gương mặt mới.
Nhiều bé giai đoạn này vẫn tỏ ra rụt rè, nhút nhát khi tiếp xúc với người lạ. Bé sẽ bám lấy bố hoặc mẹ khi ở giữa đám đông với những người ít quen thuộc.
4. Sự phát triển về mặt ngôn ngữ của trẻ 22 tháng tuổi
Bé 22 tháng nói được gì? Nhiều bé 22 tháng tuổi đã nói được khá sõi, có thể sử dụng câu gồm 2 – 3 từ để trả lời những câu hỏi đơn giản từ bố mẹ. Khả năng phân biệt từ trái nghĩa của bé cũng rất tốt.
Giai đoạn này, trẻ vẫn bắt chước người lớn (chủ yếu là bố mẹ) bằng cách lặp lại các từ hoặc cụm từ mà trẻ nghe được. Một vài trẻ còn có thể học được cách giao tiếp không lời. Điển hình là khi mẹ đặt tay lên môi, bé sẽ ngầm hiểu là bạn đang yêu cầu bé giữ trật tự.
Với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ 22 tháng tuổi cùng khả năng ghi nhớ tốt thì đây sẽ là thời điểm thích hợp để bạn dạy bé hình thành những thói quen theo giờ giấc chẳng hạn: vui chơi, tập thể dục đúng giờ…
Dinh dưỡng cho trẻ 22 tháng tuổi
1. Trẻ 22 tháng tuổi ăn bao nhiêu mỗi ngày?
Theo các chuyên gia, trẻ từ 1 – 2 tuổi nên có 3 bữa chính và 2 bữa phụ để đáp ứng đủ năng lượng cho quá trình vận động mỗi ngày. Với bữa ăn phụ, mẹ có thể chọn sử dụng sữa, sữa chua, bánh quy, nước ép, hoa quả tươi… Tuy nhiên, phải đảm bảo thực phẩm được cắt thái nhỏ để trẻ dễ nuốt, tránh tình trạng mắc nghẹn.
Trẻ giai đoạn này vẫn cần uống sữa. Nguồn sữa tốt nhất vẫn nên là sữa mẹ, nếu không bạn vẫn có thể thay bằng sữa công thức chứa các thành phần như DHA, taurine giúp trẻ phát triển tối ưu.
Lưu ý
2. Trẻ 22 tháng nên ăn gì?
Chìa khóa để đảm bảo cân đối dinh dưỡng cho con là sử dụng đa dạng các loại thực phẩm. Hầu hết trẻ mới biết đi nên dùng khoảng ¾ đến 1 chén trái cây và rau củ, ¼ chén ngũ cốc và ba thìa súp đạm (thịt, cá) mỗi ngày. Dựa trên nhu cầu này, bạn nên thử nhiều loại thức ăn cho bé. Tuy nhiên, tránh việc ép trẻ ăn hoặc đổi món liên tục sẽ gây phản tác dụng.
Trẻ 22 tháng tuổi nên ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày?
Trẻ 22 tháng ngủ bao nhiêu là đủ? Khoảng 11 – 12 giờ mỗi đêm kèm thêm giấc ngủ ngắn khoảng 1,5 – 3 giờ trong ngày là câu trả lời cho thắc mắc trẻ 22 tháng tuổi nên ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày. Thế nhưng, thực tế nhiều bé lại gặp tình trạng khó ngủ hoặc thường xuyên thức dậy lúc nửa đêm nên tổng thời gian ngủ có thể không đảm bảo.
Cả 2 vấn đề trên đều bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do mọc răng hay thay đổi thói quen khi ngủ. Điều quan trọng lúc này là mẹ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp can thiệp kịp thời. Lời khuyên là mẹ nên rèn cho con thói quen ngủ đúng giờ, tạo không gian ngủ phù hợp để hạn chế tình trạng trẻ giật mình thức giấc về đêm.
Bỏ túi ngay những mẹo dạy trẻ 22 tháng tuổi
- Dạy con hắt hơi hoặc ho vào khuỷu tay để hạn chế sự lây lan vi trùng
- Với những món trẻ không thích nhưng lại giàu dinh dưỡng, mẹo là hãy cho trẻ dùng kèm với món yêu thích
- Không nên cho trẻ xem tivi hoặc tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá lâu dễ gây ảnh hưởng đến việc chơi đùa, tương tác thực tế của con
- Mỗi khi đưa cho con vật dụng nào hãy nhớ gọi tên để trẻ ghi nhớ về món đồ vật ấy
- Mỗi khi chơi đùa cùng con hãy trò chuyện nhiều với bé vì điều này sẽ kích thích khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ
- Dạy con sử dụng những từ ngữ đẹp như “làm ơn”, “cảm ơn”
- Hãy ngó lơ hoặc đánh lạc hướng trẻ mỗi khi con có dấu hiệu “nổi cơn tam bành”
- tạo điều kiện cho con chơi nhiều hơn với bạn bè cùng lứa
- Trẻ độ tuổi này khá hiếu động, do vậy bạn nên để các vật dụng nguy hiểm khỏi tầm với của bé.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về sự phát triển của trẻ 22 tháng tuổi, từ đó có phương pháp nuôi dạy con thích hợp nhất!
[embed-health-tool-vaccination-tool]