Tìm hiểu chung
Nói lắp là bệnh gì?
Nói lắp là rối loạn ngôn ngữ mà âm tiết, từ được lặp đi lặp lại hoặc kéo dài, làm gián đoạn lời nói. Những gián đoạn này có thể đi kèm với các hành vi thể hiện sự căng thẳng chẳng hạn như nhấp nháy mắt hoặc run môi. Nói lắp gây khó khăn trong giao tiếp với người khác, thường ảnh hưởng đến chất lượng sống. Những người nói lắp biết họ muốn nói gì, nhưng lại gặp khó khăn khi giao tiếp, ví dụ như lặp lại hoặc kéo dài một từ, âm tiết, cụm từ hoặc dừng lại khi đang nói do không thể phát âm rõ.
Nói lắp thường gặp ở trẻ nhỏ khi học nói. Trẻ có thể nói lắp do khả năng ngôn ngữ không đủ phát triển để theo kịp với nội dung. Hầu hết trẻ em sẽ hết nói lắp khi lớn. Tuy nhiên, đôi khi bệnh là tình trạng mạn tính kéo dài đến tuổi trưởng thành, tác động đến lòng tự trọng bản thân và quan hệ với những người khác.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nói lắp?
Các triệu chứng phổ biến của nói lắp bao gồm:
- Khó khăn khi bắt đầu nói một từ, câu hoặc cụm từ;
- Kéo dài một từ hoặc âm;
- Lặp lại một âm thanh, âm tiết hoặc từ;
- Im lặng một lúc khi không thể phát âm rõ;
- Thường nói những lời thừa như “um’ nếu gặp khó khăn để nói từ kế tiếp;
- Căng thẳng quá mức, phải nhăn cơ mặt hoặc dùng tay chân để diễn tả từ muốn nói;
- Lo lắng về giao tiếp;
- Hạn chế giao tiếp hiệu quả.
Những dấu hiệu nói lắp có thể kèm theo:
- Nháy mắt nhanh;
- Run môi hoặc hàm;
- Mặt nhăn nhó;
- Gật hay lắc đầu mạnh;
- Siết chặt nắm đấm.
Nói lắp có thể nghiêm trọng hơn khi bạn đang vui mừng, mệt mỏi, căng thẳng hoặc cảm thấy tự ti, vội vã, áp lực. Tình huống như nói trước đám đông hoặc nói chuyện trên điện thoại có thể đặc biệt khó khăn đối với những người nói lắp.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến khám bác sĩ nếu có những dấu hiệu sau:
- Nói lắp kéo dài hơn sáu tháng;
- Xảy ra các vấn đề về ngôn ngữ khác;
- Nói lắp thường xuyên hơn hoặc tiếp tục nói lắp như khi còn nhỏ;
- Co thắt cơ mặt hay cảm thấy khó khăn khi nói chuyện;
- Ảnh hưởng đến giao tiếp, hiệu quả tại trường học, công việc hoặc trong quan hệ xã hội;
- Gây lo lắng hay vấn đề về cảm xúc khác, chẳng hạn như sợ hãi hoặc tránh các tình huống giao tiếp cần thiết;
- Nói lắp khi đã trưởng thành.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra bệnh nói lắp?
Các nhà chuyên môn vẫn đang nghiên cứu các nguyên nhân cơ bản gây ra nói lắp dai dẳng. Nguyên nhân nói lắp kéo dài có thể bao gồm:
- Bất thường trong kiểm soát lời nói: một số bằng chứng cho thấy những bất thường trong việc kiểm soát cơ nói, chẳng hạn như mất phối hợp thời gian, cảm giác và vận động;
- Di truyền: nói lắp có xu hướng di truyền trong gia đình, có thể là kết quả của bất thường di truyền ở các trung tâm ngôn ngữ não;
- Các bệnh khác: nói lắp đôi khi có thể do đột quỵ, chấn thương hoặc tổn thương não gây ra;
- Các vấn đề sức khỏe tâm thần: trong một số trường hợp hiếm, chấn thương tình cảm có thể dẫn đến nói lắp.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh nói lắp?
Nói lắp là tình trạng rất phổ biến và ảnh hưởng đến mọi độ tuổi, giới tính, chủng tộc. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh nói lắp?
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nói lắp, chẳng hạn như:
- Di truyền: nói lắp có xu hướng di truyền trong gia đình;
- Trẻ chậm phát triển hoặc các vấn đề về ngôn ngữ khác có nhiều khả năng nói lắp;
- Giới tính: nam giới có nhiều khả năng nói lắp hơn nữ;
- Căng thẳng trong gia đình, cha mẹ kỳ vọng cao hoặc áp lực có thể làm tình trạng nói lắp trầm trọng hơn.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tình trạng nói lắp?
Một chuyên gia ngôn ngữ thường chẩn đoán nói lắp bằng cách cho trẻ đọc to. Các chuyên gia có thể quay phim hoặc ghi lại lúc trẻ nói chuyện hoặc kiểm tra giao tiếp bằng những cách khác. Con bạn cũng có thể cần phải khám lâm sàng và các xét nghiệm để loại trừ các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ, chẳng hạn như vấn đề về thính giác.
Nếu bạn bắt đầu nói lắp khi trưởng thành, hãy đi khám bác sĩ ngay. Nguyên nhân gây ra bệnh có thể do chấn thương, bệnh hoặc cú sốc tình cảm nghiêm trọng. Để chẩn đoán nguyên nhân, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, hỏi bạn một số câu hỏi, xem và lắng nghe cách bạn nói.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh nói lắp?
Việc điều trị nói lắp thường bao gồm tư vấn cho các bậc phụ huynh và liệu pháp ngôn ngữ cho trẻ. Mục tiêu chính của điều trị là để giúp trẻ học nói một cách trôi chảy nhất.
Vì mỗi người sẽ có nhu cầu và khả năng khác nhau, nên một phương pháp hoặc nhiều phương pháp kết hợp có thể hữu ích cho người này nhưng không có hiệu quả cho người khác. Một vài ví dụ về phương pháp điều trị (không theo thứ tự về tính hiệu quả) bao gồm:
- Kiểm soát sự lưu loát: đây là loại trị liệu ngôn ngữ dạy bạn nói chậm và nhận ra khi nào mình nói lắp. Bạn có thể nói chuyện rất từ từ khi bắt đầu trị liệu, nhưng theo thời gian, có thể dần dần phát triển nói tự nhiên hơn;
- Thiết bị điện tử: một số thiết bị điện tử làm chậm phản hồi thính giác đòi hỏi bạn phải nói từ từ nếu không giọng nói sẽ bị bóp méo thông qua thiết bị. Một phương pháp khác là bắt chước lời nói như bạn đang đồng thanh với người khác. Một số thiết bị điện tử nhỏ có thể được dùng trong các hoạt động hàng ngày;
- Liệu pháp hành vi nhận thức: đây là loại tư vấn tâm lý có thể giúp bạn xác định và thay đổi cách suy nghĩ làm tình trạng nói lắp nặng hơn. Liệu pháp này cũng giúp bạn giải quyết căng thẳng, lo âu hay lòng tự trọng, những vấn đề cơ bản liên quan đến nói lắp.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nói lắp?
Bạn sẽ có thể giúp trẻ kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Chăm chú lắng nghe: duy trì giao tiếp tự nhiên bằng mắt khi trẻ nói;
- Chờ trẻ phát âm từ mà con muốn nói, đừng la mắng hay chen vào để hoàn thành câu;
- Dành thời gian nói chuyện với con bạn mà không có bất cứ sự can thiệp nào: các bữa ăn có thể là cơ hội tốt để trò chuyện;
- Nói chậm và thong thả: nếu bạn nói theo cách này, con bạn sẽ thường xuyên làm như vậy, điều này giúp bé giảm nói lắp;
- Tăng cường đối thoại: bạn cần khuyến khích tất cả mọi người trong gia đình lắng nghe và thay phiên nhau nói chuyện với trẻ;
- Giữ bình tĩnh: tạo ra một bầu không khí thoải mái ở nhà để trẻ có thể nói chuyện tự do;
- Không tập trung vào tật nói lắp của con mình: cố gắng không chú ý tới tật nói lắp trong giao tiếp hàng ngày. Không gây cảm giác cấp bách, áp lực hoặc đòi hỏi con bạn nói chuyện trước mặt người khác;
- Khen ngợi nhiều hơn thay vì chỉ trích. Nếu bạn sửa lời nói của trẻ, nên có thái độ nhẹ nhàng, tích cực;
- Chấp nhận con người của trẻ: đừng phản ứng tiêu cực, chỉ trích hay trừng phạt con mình vì tật nói lắp, điều này làm trẻ cảm giác bất an và tự ti. Bạn cần hỗ trợ và khuyến khích trẻ để tạo ra một sự khác biệt lớn.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-vaccination-tool]