1. Cho trẻ chơi chung với bạn nhiều hơn
Việc là con một trong gia đình sẽ khiến trẻ ít có cơ hội học hỏi và thực hành các kỹ năng xã hội như xếp hàng, làm việc nhóm. Cho trẻ chơi chung với bạn bè nhiều hơn là cách đơn giản nhất để khắc phục điều này. Khi bé được khoảng 2 – 3 tuổi, bạn hãy rủ những đứa trẻ cùng tuổi với bé về nhà chơi hoặc cho bé đến chơi nhà các bạn hoặc đưa con đến công viên làm quen với các bạn cùng độ tuổi. Điều này sẽ giúp bé dễ dàng kết bạn và hiểu được một số kỹ năng sống quan trọng.
2. Để trẻ tự làm thay vì làm hộ con
Đa phần, cha mẹ thường làm hộ con các hoạt động hàng ngày như xúc cơm, đánh răng, thay quần áo… Tuy nhiên, đây là một thói quen không tốt bởi nếu thường xuyên làm như vậy, trẻ sẽ trở nên lười biếng và quá phụ thuộc vào cha mẹ. Do đó, ngay từ khi còn nhỏ, bạn nên khuyến khích trẻ tự làm mọi việc như tự tắm, đánh răng… Điều này sẽ giúp trẻ học được tính tự lập và biết cách chịu trách nhiệm về những việc mình làm.
3. Không nói với trẻ những vấn đề quá trọng đại
Những đứa trẻ không có anh chị em thường có xu hướng cư xử như một người lớn dù trẻ chỉ mới 2 – 3 tuổi. Trẻ sẽ hay đưa ra ý kiến và bày tỏ về mối quan hệ của cha mẹ, họ hàng, anh em họ, bạn bè… Để ngăn chặn thói quen này, hãy tránh tranh luận với vợ/chồng trước mặt trẻ và chỉ hỏi ý kiến trẻ những vấn đề đơn giản, chẳng hạn như nên nấu món gì cho bữa tối. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng trong gia đình, trẻ vẫn chỉ là một đứa bé.
4. Cho trẻ không gian và thời gian riêng
Vì chỉ có một đứa con, đôi lúc, bạn sẽ muốn ở bên trẻ mọi lúc mỗi khi có thời gian rảnh. Điều này không có gì là xấu, tuy nhiên bạn vẫn nên cho trẻ có không gian và thời gian riêng để làm những việc mình thích. Khuyến khích trẻ chơi nhạc cụ hoặc đọc sách khi ở một mình, điều này sẽ rất hữu ích cho việc học và sự nghiệp của trẻ sau này.

5. Thúc đẩy vừa phải
Nuôi dạy con một là cả một nghệ thuật bởi bạn phải cân bằng giữa nhiều và ít. Những đứa trẻ không có anh chị em cần rất nhiều sự khuyến khích và hỗ trợ từ cha mẹ. Chẳng hạn, bạn cần thúc đẩy trẻ kết bạn nhiều hơn bởi nếu không trẻ sẽ không nói chuyện với ai khác ngoài bố mẹ.
Tuy nhiên, nếu bạn làm quá “mạnh”, trẻ sẽ bắt đầu phản kháng trước lời nói của bạn và trở thành một người nổi loạn. Vì vậy, khi nuôi dạy con một, bạn nên hiểu rõ hành vi của trẻ để có cách cư xử phù hợp.