Những bước đi đầu tiên của bé cương luôn là cột mốc phát triển mà cha mẹ mong đợi và cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Thông thường, độ tuổi trung bình mà trẻ biết đi thường là 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những trẻ sẽ biết đi sớm hơn hoặc muộn hơn mốc thời gian trên và điều này là bình thường. Điều quan trọng hơn là bạn nên chú ý đến những dấu hiệu trẻ sắp biết đi để có thể hỗ trợ bé đúng thời điểm, thúc đẩy con phát triển khả năng vận động tốt nhất.
Mặt khác, khi một em bé tập đi hoặc mới biết đi và tò mò về mọi thứ xung quanh thì nguy cơ gặp tai nạn, sự cố là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, bạn nên quan tâm, trông chừng trẻ cẩn thận để đảm bảo an toàn.
Hé lộ 5 dấu hiệu trẻ sắp biết đi đáng mong đợi
Trước khi trẻ có thể bước đi những bước đầu tiên trong đời một cách độc lập, mỗi em bé đều phát đi những tín hiệu “ngầm báo” nhưng khá rõ ràng. Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra những dấu hiệu trẻ sắp biết đi sau đây:
1. Trẻ bám vào đồ đạc để đứng lên
Thông thường, một em bé chưa thể đứng lên và bước đi là vì cơ bắp của trẻ chưa đủ cứng cáp để nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Vì vậy, nếu gần đây bạn phát hiện bé thường xuyên cố gắng nhấc mình lên khỏi mặt đất bằng cách dùng tay bám vào đồ đạc hoặc bám vào chân của người lớn thì đây có thể là dấu hiệu trẻ sắp biết đi sớm nhất.
Hành động này làm cho em bé như đang thực hiện tư thế squat nên có thể giúp trẻ tăng cường cơ bắp chân. Theo thời gian, những bài tập nhỏ như vậy có thể tạo điều kiện để trẻ đứng lên một cách độc lập. Sau đó là bước được vài bước chập chững sang ngang hay đi về phía trước.
2. Trẻ có thể nghịch ngợm, khám phá xung quanh nhiều hơn
Nếu trẻ thường thích di chuyển, khám phá khắp nơi trong nhà bằng những kỹ năng đang có như bò, bám vào đồ vật đứng lên cho thấy được khả năng vận động của trẻ đang phát triển rất tốt. Đôi khi, dù chưa biết đi nhưng trẻ vẫn thích leo trèo, nghịch ngợm để khám phá được nhiều thứ hơn. Điều này tuy cảnh báo mẹ cần lưu ý về sự an toàn của trẻ nhưng cũng là một dấu hiệu cho thấy em bé của bạn có thể sắp biết đi rồi đấy.
3. Dấu hiệu trẻ sắp biết đi phổ biến: Em bé bám vào đồ vật để bước đi
Nhiều ba mẹ cảm thấy hào hứng khi nhìn thấy bé yêu của mình vừa bám vào đồ vật vừa bước đi quanh nhà. Lúc này, trẻ có thể bám vào bất kỳ đồ nội thất nào từ bàn, tủ, giường… và dựa vào đó để bước đi. Có thể nói, đây là dấu hiệu trẻ sắp biết đi rất rõ ràng. Điều quan trọng là trẻ cần thêm thời gian và sự tự tin để bước đi mà không cần hỗ trợ.
Mặt khác, ba mẹ cần lưu ý rằng khi trẻ bám vào đồ đạc thì cũng rất dễ gây ra sự cố đổ vỡ, chấn thương do té ngã. Vì vậy, bạn cần tạo một không gian rộng rãi, dẹp bớt hoặc giữ trẻ cách xa những đồ vật dễ dịch chuyển như chậu cây, bình hoa, một số loại bàn ghế, tủ nhỏ dễ kéo, bọc các góc cạnh của bàn ghế đồ đạc… để đảm bảo an toàn cho bé.
4. Trẻ tự đứng lên không cần hỗ trợ
Đến một thời điểm nào đó, em bé của bạn có thể tự đứng lên mà không cần sự hỗ trợ nào cả. Mặc dù trẻ vẫn chưa giữ được thăng bằng quá lâu trong những lần đầu tiên tự đứng lên nhưng rất nhanh thôi trẻ có thể đứng vững hơn và bắt đầu bước đi chập chững.
5. Dấu hiệu trẻ sắp biết đi: Quấy khóc, ngủ nhiều giấc ngắn
Có thể bạn không ngờ rằng một chút khác thường của em bé như xuất hiện những cơn quấy khóc, ngủ nhiều giấc ngắn khi gần 1 tuổi… cũng có thể là dấu hiệu trẻ sắp biết đi. Điều này không quá khó để lý giải bởi vì biết đi cũng là một cột mốc phát triển nhảy vọt của em bé. Bộ não và cơ thể của trẻ có lẽ phải hoạt động nhiều gấp đôi so với trước đó.
Điều này khiến bé không thoải mái nên sẽ quấy khóc nhiều hơn, thay đổi lịch ăn ngủ. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng vì những biểu hiện này chỉ là tạm thời. Khi trẻ đã học được cách giữ thăng bằng và bước đi thì sẽ vui vẻ, thoải mái trở lại.
Mách bạn vài tuyệt chiêu thúc đẩy bé nhanh tập đi và biết đi
Việc bé cưng bám vào đồ vật để có thể đứng lên hoặc tự đứng lên đều là những dấu hiệu trẻ sắp biết đi rõ ràng nhất. Những dấu hiệu này cho thấy trẻ đang cố gắng học cách giữ thăng bằng để sớm bước đi mà không cần hỗ trợ. Do đó, bất cứ điều gì giúp trẻ đứng lâu hơn đều có thể góp phần thúc đẩy trẻ tập đi nhanh hơn. Sau đây là một số mẹo bạn có thể áp dụng:
- Đưa cho bé món đồ chơi nhỏ mà trẻ có thể cầm trên tay khi đang đứng. Điều này giúp em bé cảm thấy tò mò, thú vị khi nắm chặt đồ gì đó trong tay nên thường sẵn sàng để đứng lâu hơn.
- Di chuyển đồ chơi đến bề mặt cao hơn mặt đất để khuyến khích trẻ đứng dậy. Chẳng hạn như bạn di chuyển một món đồ chơi vui nhộn nào đó và đặt trên ghế sô pha trong khi trẻ đang ngồi trên sàn nhà. Điều này sẽ buộc trẻ phải đứng lên để tìm cách lấy món đồ chơi đó.
- Thực hiện một số hoạt động giúp tăng cường, củng cố khả năng giữ thăng bằng của trẻ, chẳng hạn như cùng bé chơi trò bập bênh, ngồi xích đu, cho trẻ trèo qua gối, bế trẻ đung đưa… miễn là đảm bảo an toàn.
- Cho bé yêu chơi với những em bé khác cùng tuổi hoặc lớn hơn một chút, đã biết đi càng tốt. Điều này sẽ kích thích bé học hỏi và muốn đứng lên tập đi.
- Nhiều khi bạn cũng có thể khuyến khích con tập đi bằng cách đơn giản, cơ bản nhất như động viên bằng lời nói hoặc vỗ/dang tay cổ động trẻ bước về phía trước.
Mỗi trẻ em đều có tốc độ và khả năng phát triển của riêng mình. Việc cha mẹ nào cũng quan tâm đến các dấu hiệu trẻ sắp biết đi và nóng lòng muốn thấy con tập đi là điều bình thường. Tuy nhiên, bạn chỉ nên hỗ trợ và để con tập đứng, tập đi một cách tự nhiên. Không nên đặt mục tiêu thúc ép khi trẻ chưa sẵn sàng để tránh trải nghiệm tiêu cực hoặc rủi ro nhé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]