backup og meta

Những điều cần biết về an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng!

Những điều cần biết về an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng!

Các vụ việc trẻ nhỏ rơi từ tầng cao của chung cư được đưa tin trên các phương tiện truyền thông gần đây đang gây bất an đối với nhiều cha mẹ có con nhỏ. Trên thực tế, việc trẻ nhỏ rơi từ cửa sổ hoặc lan can không phải là hiếm. Đây được xem là tai nạn phổ biến đối với trẻ nhỏ mà người lớn cần quan tâm. Nếu muốn hạn chế rủi ro thì việc tìm hiểu và áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng là rất quan trọng.

Có thể nói, việc đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ dù ở nhà đơn lẻ hoặc ở chung cư phần lớn đều phụ thuộc vào trách nhiệm của ba mẹ nhiều hơn là thiết kế của tòa nhà. Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp thông tin về các phương pháp đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ khi sống ở chung cư hoặc nhà cao tầng để bạn tham khảo.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ gặp rủi ro khi sống ở chung cư cao tầng

Việc sống ở các chung cư cao tầng đang là xu hướng lựa chọn của nhiều gia đình hiện nay. Thế nhưng, về mặt thiết kế thì không gian sống của các chung cư có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro với trẻ nhỏ. Đặc biệt là đối với trẻ mới biết bò và tập đi, các bé là đối tượng dễ bị rơi ngã từ cửa sổ hoặc ban công vì tò mò, thích leo trèo để khám phá xung quanh nhưng chưa đủ khả năng nhận thức được nguy hiểm.

Theo thống kê từ các phòng khám hoặc bệnh viện, hầu hết các vụ ngã, rơi từ cửa sổ hay ban công đều liên quan đến trẻ em dưới 6 tuổi. Tai nạn này thường gây ra các loại thương tích nghiêm trọng như chấn thương đầu, gãy xương ở vai, cánh tay hoặc thậm chí là tử vong. Hơn nữa, có thể bạn chưa biết, không chỉ ở tầng quá cao mới nguy hiểm mà một số trường hợp trẻ ngã từ độ cao dưới 3 mét vẫn có nguy cơ tử vong. Vì vậy, điều quan trọng là ba mẹ hoặc người lớn trong gia đình không nên chủ quan khi sống ở chung cư hoặc nhà cao tầng. Thay vào đó cần chú ý đến các phương pháp đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng.

Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng?

Mặc dù các tòa chung cư hiện nay đều được xây dựng theo tiêu chuẩn vừa có tính hiện đại, thẩm mỹ vừa đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, thiết kế chung của các chung cư vẫn có thể không đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các gia đình có trẻ nhỏ. Vì vậy, điều quan trọng là ba mẹ nên chủ động thay đổi, cải tạo không gian sống nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng.

Thiết kế lan can, cửa sổ đảm bảo an toàn

an toàn cho trẻ khi sống tại chung cư

Khi sống ở chung cư cao tầng, trẻ em thường có nhiều nguy cơ té ngã hoặc rơi xuống từ cửa sổ hoặc lan can. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng, giải pháp cần được ưu tiên chính là điều chỉnh thiết kế đối với lan can và cửa sổ sao cho chắc chắn, kín đáo.

Đối với lan can, bạn cần đảm bảo lan can được thiết kế có chiều cao ít nhất là 1m4 với thanh chắn được đặt theo chiều dọc, tránh đặt theo chiều ngang sẽ tạo thành bậc thang để trẻ em leo trèo ra ngoài rất nguy hiểm. Nếu lan can của chung cư quá thấp, cách tốt nhất là bạn nên rào thêm lưới xung quanh lan can để đảm bảo an toàn. Đối với cửa sổ của chung cư cao tầng thì nên được thiết kế thêm song chắn có kích thước phù hợp, dùng kính chịu lực cao và khi đóng cửa cần có khóa cài mà trẻ không tự mở được.

Một lưu ý nữa là khoảng cách giữa các thanh chắn hoặc song chắn không nên rộng quá 10 cm để tránh việc trẻ có thể đưa đầu hoặc cả cơ thể qua khe hở và rơi xuống. Đồng thời, gia đình không nên đặt bàn ghế, tủ, giường, chậu cây… gần cửa sổ hoặc lan can để tránh việc trẻ trèo lên những đồ vật này và rơi ra bên ngoài.

Giám sát trẻ thường xuyên và giúp trẻ nhận biết về những nguy hiểm khi sống ở chung cư

Bất cứ khi nào bạn mở cửa sổ trong nhà hoặc cửa thông ra ban công đều có thể tạo điều kiện để trẻ nhỏ bò ra ngoài và ngã xuống. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng, người lớn phải luôn giám sát, trông coi trẻ cẩn thận, tránh tuyệt đối việc để trẻ ở nhà một mình, đặc biệt là với các bé dưới 6 tuổi.

Khi trẻ bắt đầu có nhận thức và ghi nhớ được, bạn nên trò chuyện và giáo dục con về những nguy hiểm có thể xảy ra khi sống ở chung cư. Ba mẹ nên thường xuyên nhắc nhở trẻ không được leo trèo, chạy nhảy, chơi đùa ngoài ban công hoặc ở cầu thang thoát hiểm để tránh rủi ro té ngã. Đồng thời, bạn nên tìm hiểu thêm cẩm nang an toàn hoặc tham gia các buổi hướng dẫn về an toàn, cách xử lý khi gặp nguy hiểm ở chung cư để có thêm kỹ năng hữu ích.

Như đã đề cập, việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư cao tầng chủ yếu là ở trách nhiệm của các bậc phụ huynh. Trên thực tế, nhiều trẻ té ngã hoặc gặp tai nạn phần lớn là do cha mẹ hay người lớn không trông coi cẩn thận. Vì vậy, dù sống ở chung cư cao tầng hay không thì bạn cũng không nên chủ quan với những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra với trẻ em. Thay vào đó là cần để ý đến trẻ cũng như thay đổi, cải tạo không gian sống sao cho đảm bảo an toàn với trẻ nhỏ.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Fall safety for kids: How to prevent falls

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/infant-and-toddler-health/in-depth/child-safety/art-20046124 Truy cập ngày 05/01/2022

Balcony safety – how to prevent falls

https://www.familysafety.ch/en/balcony_safety/ Truy cập ngày 05/01/2022

Keep kids safe from window or balcony falls

http://www.bcchildrens.ca/about/news-stories/stories/how-to-keep-kids-safe-from-window-or-balcony-falls-as-the-weather-warms-up Truy cập ngày 05/01/2022

Preventing falls for babies and toddlers

https://raisingchildren.net.au/babies/safety/home-pets/preventing-falls Truy cập ngày 05/01/2022

Safety: Preventing falls

https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Preventing_Falls/ Truy cập ngày 05/01/2022

Phiên bản hiện tại

05/01/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 05/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo