backup og meta

4 tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ và cách xử lý

4 tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ và cách xử lý

Trẻ nhỏ rất tò mò, hiếu động, thích chạy nhảy và nghịch phá xung quanh. Chính vì vậy, dù bạn có phòng ngừa kỹ lưỡng đến đâu, nguy cơ trẻ gặp phải những tai nạn thường gặp là rất lớn.

Môi trường xung quanh luôn ẩn chứa nhiều hiểm họa đối với trẻ nhỏ. Trong khi đó, các bé lại vô cùng tò mò, ưa thích khám phá, thích chạy nhảy và leo trèo xung quanh. Do đó, trẻ sẽ rất dễ gặp tai nạn.

Để bảo vệ trẻ, ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bạn cũng nên nắm rõ một số cách sơ cứu cần thiết để biết hướng xử lý nếu chẳng may trẻ gặp tai nạn. Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để có thêm một số thông tin hữu ích nhé.

Trẻ nhỏ rất hiếu động, thậm chí có nhiều bé còn nghịch đến mức mà người lúc nào cũng đổ mồ hơi, tay chân luôn dính đầy bùn cát, bị trầy xước, bầm tím do té ngã. Thực tế, trong quá trình lớn lên của trẻ, những điều này là không thể tránh khỏi và bạn cũng không cần phải bao bọc con quá mức vì bé cần phải học được cách đo lường các rủi ro.

Tuy nhiên, đôi lúc, trẻ có thể gặp phải những chấn thương nguy hiểm. Nếu xử lý không kịp thời, những chấn thương này có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ trong tương lai. Dưới đây là một số tai nạn thường gặp nguy hiểm mà bạn nên nắm rõ cách sơ cứu cần thiết:

1. Ngạt thở do dị vật đường hô hấp

Tình trạng trẻ bị ngạt thở do dị vật đường hô hấp là tai nạn không hiếm gặp và có thể dẫn đến tử vong. Trẻ nhỏ rất thích cho đồ vật vào miệng, đặc biệt là các vật nhỏ dễ nuốt như đồng xu, đồ chơi nhỏ, mẩu bút màu, nắp bút, pin, kim băng, kẹp tóc, cúc áo, tiền xu…

Nếu nhận thấy con mình nuốt phải dị vật, bạn cần bình tĩnh, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ vì hành động này sẽ khiến dị vật đi sâu hơn vào đường thở.

Cha mẹ cần làm gì?

  • Nếu trẻ chỉ nuốt 1 vật nhỏ và bé vẫn còn có thể trả lời bạn bằng những âm thanh đơn giản, hãy vỗ mạnh vào lưng, giữa hai bả vai để đẩy dị vật ra ngoài. Thực hiện động tác này khoảng 5 lần.
  • Nếu trẻ bị hóc nghiêm trọng, bạn có thể sơ cứu cho trẻ theo liệu pháp Hemlich. Đứng sau lưng trẻ, đưa tay ra trước qua hông đặt trước vùng thượng vị, 2 tay chồng lên nhau, cho lưng trẻ dựa vào ngực bạn, sau đó ép mạnh vùng thượng vị của trẻ từng đợt (ép 4-5 cái/đợt) để đẩy dị vật ra ngoài.

Nếu bạn không đủ tự tin để thực hiện hoặc 2 phương pháp này không có tác dụng, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Cách phòng ngừa:

  • Để các đồ vật nhỏ, sắc nhọn và tất cả các loại pin ngoài tầm với của trẻ.
  • Cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ. Với nhưng loại trái cây có hột như: nhãn, vải, chôm chôm… bạn nên tách bỏ hột trước khi cho trẻ ăn.
  • Trông chừng trẻ khi ăn, đặc biệt là với trẻ dưới 5 tuổi.
  • Không khuyến khích trẻ lớn ăn chung với trẻ nhỏ, không cho trẻ cười nói khi ăn…

2. Bỏng (phỏng)

không nên bé trẻ khi nấu ăn

Bỏng là tai nạn thường gặp ở các bé trong độ tuổi từ 1-5 tuổi vì trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò và nhiều khi do sự bất cẩn của người lớn. Ở Việt Nam, mỗi năm ước tính có đến hàng ngàn trẻ bị bỏng với những mức độ khác nhau.

Nguyên nhân gây bỏng rất đa dạng nhưng phần lớn là do bỏng với nước sôi, lửa bếp, bỏng do bàn là, do điện giật, bỏng ống pô xe máy hay thò tay vào ổ cắm điện… Khi bé bị bỏng, bạn cần tiến hành các bước xử trí cơ bản để tránh làm vết thương nặng thêm:

  • Rửa hoặc ngâm vết bỏng của bé vào nước mát (16-20°C) hoặc dội nước hay để vùng bị bỏng dưới vòi nước càng sớm càng tốt trong khoảng thời gian 20 phút.
  • Nếu bỏng do hóa chất thì rửa dưới vòi nước sạch chảy nhẹ để làm trôi bớt và làm loãng lượng hóa chất trên da, sau đó đưa đi khám tại các cơ sở y tế.
  • Không dùng nước lạnh hoặc nước đá để làm mát da cho trẻ vì điều này có thể gây tổn thương mô và khiến vết thương lâu hồi phục.
  • Tuyệt đối không thoa kem đánh răng, nước mắm, rượu trắng hay các loại thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc vào vết bỏng vì sẽ gây kích ứng vùng da đang bị tổn thương và làm cho tình trạng bỏng trở nên nặng hơn.
  • Nếu trẻ bị bỏng ở mắt, miệng hay bộ phận sinh dục, ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất dù trẻ chỉ bị bỏng nhẹ. Nếu vết bỏng rộng hơn 1 bàn tay, bị phồng rộp hay kéo theo sốt, mẹ cũng nên xử trí tương tự.

Cách phòng ngừa:

  • Kiểm tra nhiệt độ bình sữa, thức ăn trước khi cho trẻ ăn hoặc cho bé bú.
  • Không để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh.
  • Không uống đồ uống nóng hay cầm vật dụng chứa nước nóng khi đang bế em bé.
  • Để những vật dụng gây bỏng như nước sôi, phích nước, bao diêm, bật lửa… gọn gàng ở trên cao, xa tầm với của trẻ.
  • Khi đun nấu, cần để các cán xoong chảo quay vào trong, tránh việc vô tình không để ý trẻ va phải gây bỏng.
  • Nấu ăn xong, những món sôi nóng cần để xa và cao, tránh tầm tay của trẻ.
  • Không cho trẻ chơi, nô đùa nơi đang nấu ăn.

3. Tai nạn gãy xương

tai nạn thường gặp

Trẻ nhỏ thích chạy nhảy, nô đùa, đôi lúc do mải mê chơi, không chú ý dễ dẫn đến té ngã, gây va đập và có thể khiến bé bị gãy xương (tình trạng xương xuất hiện một vết nứt hoặc vỡ). Chấn thương này không hiếm gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, xương của trẻ khá linh hoạt và phát triển tốt hơn so với người lớn, do đó việc hồi phục cũng diễn ra nhanh hơn. Khi con có dấu hiệu gãy xương, cha mẹ cần:

  • Để trẻ ngồi hoặc nằm. Đừng cố gắng di chuyển trẻ quá nhiều.
  • Chườm lạnh vào vết thương để giảm đau cho đến khi trẻ được bác sĩ điều trị
  • Dùng một thanh nẹp và băng quấn để cố định vùng bị thương.
  • Nếu vùng bị thương sưng hoặc đau khi chạm vào hoặc di chuyển, rất có thể trẻ đã bị gãy xương.
  • Đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Cách phòng ngừa:

  • Đối với trẻ nhỏ, người lớn phải luôn để mắt đến các bé khi các con ăn, ngủ, chơi.
  • Lan can, cầu thang phải có rào hoặc thanh bảo vệ, các bậc thềm, cầu thang đủ ánh sáng, dễ đi, không để ẩm ướt, không trơn trượt. Trường hợp cầu thang làm bằng chất liệu dễ trơn trượt, bạn nên sử dụng băng dán cầu thang chống trơn trượt để hạn chế nguy cơ.
  • Dạy trẻ không xô đẩy nhau, không leo trèo, không chơi các trò chơi nguy hiểm.
  • Nếu bé đã lớn, bạn cần hướng dẫn kiến thức về xử trí sơ cứu và phòng ngừa các tai nạn thường gặp cho trẻ.

4. Chấn thương cổ, vai và lưng

tai nạn thường gặp

Việc đeo những chiếc cặp quá nặng sẽ làm ảnh hưởng đến dáng đi của trẻ trong độ tuổi đi học. Thực tế, trọng lượng ba lô lý tưởng để trẻ theo khi đi học phải thấp hơn 10% trọng lượng cơ thể bé nhưng quy tắc này hiếm khi được thực hiện nên có rất nhiều trẻ phải đối mặt với chấn thương cột sống, vẹo cột sống. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ bị thương ở cổ và lưng do các hoạt động thể thao hoặc khi chơi chung với các bạn.

Cha mẹ cần làm gì?

  • Nếu trẻ bị đau ở lưng trên, cổ hoặc vai, hãy chườm đá và sử dụng thuốc mỡ giảm đau.
  • Nếu bé bị đau dai dẳng, hãy đưa trẻ đi khám để xác định tình trạng cụ thể.

Tình trạng đau lưng mãn tính do các vấn đề cột sống có thể cần phải điều trị liên tục trong một thời gian dài và tốn rất nhiều chi phí.

Cách phòng ngừa:

  • Chọn những loại cặp phù hợp cho trẻ, kiểm soát số lượng sách vở, đồ dùng học tập… mà trẻ mang theo mỗi ngày để tránh cặp quá nặng.
  • Dạy trẻ các biện pháp an toàn, tránh chấn thương khi chơi thể thao
  • Nhắc nhở trẻ không được chơi những trò chơi nguy hiểm.

Trẻ nhỏ rất hiếu động, luôn chạy nhảy khắp mọi nơi, nếu bạn lơ là dù chỉ 1 phút, tai nạn có thể xảy ra với bất cứ lúc nào. Nếu chẳng may trẻ rơi vào 1 trong 4 tai nạn thường gặp kể trên, bạn cũng không cần phải quá hoang mang, hoảng sợ, hãy bình tĩnh và nhớ lại những thông tin mà Hello Bacsi đã chia sẻ để có biện pháp xử lý kịp thời nhé.

Ngân Phạm/HELLO BACSI

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Impalement and anorectal injuries in childhood: a retrospective study of 12 cases https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/9722006 Ngày truy cập: 21/3/2020

Chest injuries in childhood https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1357870/ Ngày truy cập: 21/3/2020

Burns in Children https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=burns-in-children-90-P01887 Ngày truy cập: 21/3/2020

Phiên bản hiện tại

02/07/2020

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 02/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo