backup og meta

Phân loại chất béo tốt và chất béo xấu

Phân loại chất béo tốt và chất béo xấu

Trong chế độ dinh dưỡng của bé, chất béo đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, chất béo cũng được chia thành 2 loại là chất béo tốt và chất béo xấu. Vậy sự khác nhau giữa chúng là gì và bé yêu có thể hấp thụ chất béo từ những loại thực phẩm nào?

Chất béo tốt là loại chất béo cung cấp năng lượng cho cơ thể để giúp bé tăng trưởng và phát triển còn chất béo xấu khiến cơ thể sản sinh ra cholesterol, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, các bạn hãy tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Sự khác biệt giữa 2 loại chất béo

Chất béo tốt

Còn gọi là chất béo không bảo hoàn tồn tại dưới hai dạng là bão hòa đơn và bão hòa đa. Omega-3 và omega 6 là 2 loại chất béo không bão hòa đa. Ngoài ra, chúng cũng là những loại axit béo phổ biến mà cơ thể cần hấp thụ từ những loại thực phẩm.

Chất béo tốt giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, sản sinh ra cholesterol tốt truyền đi khắp cơ thể và ngăn ngừa các nguy cơ về bệnh tim mạch. Một chế độ ăn giàu chất béo không bão hòa rất có lợi cho sức khỏe của bé.

Chất béo xấu

Chất béo xấu tồn tại dưới dạng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Cả 2 dạng này đều khiến cơ thể sản sinh ra cholesterol xấu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Công dụng của chất béo tốt và nguồn cung cấp

Chất béo không bão hòa đơn

Chất béo không bão hòa đơn giúp làm giảm lượng cholesterol thay thế cho chất béo bão hòa trong chế độ ăn hàng ngày. Sau đây là những thực phẩm chứa chất béo không bão hòa đơn mà bạn dễ dàng tìm thấy:

  • Các loại dầu như ô-liu, dầu hạt cải và dầu hạt nho;
  • Quả hạch và hạt;
  • Thịt nạc;
  • Trái bơ.

Chất béo không bão hòa đa

Việc ăn các loại thực phẩm như cá hồi và cá ngừ, các loại quả hạch và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ có thể giúp cơ thể bạn dễ dàng hấp thụ các chất béo không bão hòa đa. Chức năng của chất béo này giống như chức năng của chất béo không bão hòa đơn. Tuy nhiên, chất béo không bão hòa đa được xem là có tác dụng tốt hơn.

Omega-3

Omega-3 là loại chất béo lợi cho sự phát triển mắt và não của bé trong 6 tháng đầu đời. Ngoài ra, loại chất béo này còn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của trí não và tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp con học tốt hơn.

Đối với người lớn, nhất là với bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, omega-3 có tác dụng rất tốt trong việc giảm đau, cứng khớp buổi sáng. Bên cạnh đó, chúng còn giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy omega-3 từ các loại thực phẩm sau đây:

  • Cá ngừ, cá hồi và cá thu;
  • Quả óc chó, các loại quả hạch khác và hạt lanh;
  • Các thực phẩm từ đậu nành;
  • Rau củ có lá xanh;
  • Cây họ đậu.

Omega-6

Omega-6 là một dạng của chất béo không bão hòa đa, có nhiều trong các loại thực phẩm như hạt hướng dương, đậu phộng, cải dầu và đậu nành. Chất béo này giúp cơ thể kiểm soát cholesterol xấu, bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh về tim mạch.

Tác hại của chất béo xấu

Chất béo bão hòa

Chất béo bão hòa không có lợi cho sức khỏe mà chỉ làm tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể. Vì vậy, bạn không nên ăn những loại thực phẩm sau đây:

  • Các sản phẩm từ động vật như thịt mỡ;
  • Bánh quy, khoai tây chiên lát;
  • Các sản phẩm bơ sữa béo như bơ và kem.

Chất béo chuyển hóa

Loại chất béo này cũng không có tác dụng tốt cho sức khỏe như chất béo bão hòa. Hơn nữa, việc loại bỏ chất béo này ra khỏi cơ thể còn khó hơn chất béo bão hòa. Sau đây là một số thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa mà bạn nên hạn chế ăn:

  • Bánh quy, bánh ngọt;
  • Thức ăn nhanh;
  • Đồ ăn làm sẵn;
  • Đồ ăn vặt như khoai tây chiên.

Sự thật về chất béo tốt và chất béo xấu

Do cơ thể không tự tạo ra các axit béo thiết yếu nên chúng ta phải hấp thu từ các thực phẩm hàng ngày. Những sản phẩm làm từ thịt động vật và thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là thực ăn nhanh, thường giàu chất béo bão hòa rất có hại cho sức khỏe vì làm tăng lượng cholesterol trong máu.

Lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu. Điều này có thể gây tắc nghẽn mạch máu và gây ra các bệnh về tim mạch. Các chuyên gia khuyến nghị mức chất béo hấp thụ hàng ngày nên ở mức 10% hoặc ít hơn. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng được chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Hãy thay thế các chất béo bão hòa bằng các chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa nhằm cải thiện mực cholesterol trong máu. Ngoài ra, người ăn chay có thể chọn trứng và các thực phẩm khác bổ sung omega-3 để hấp thụ đủ lượng axit béo thiết yếu trong chế độ ăn của mình hàng ngày.

Hiểu rõ về sự khác biệt giữa chất béo tốt, chất béo xấu và nguồn thực phẩm cung cấp chúng là cách tốt nhất để bạn có thể xây dựng được chế độ ăn uống cân bằng, đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Good fats and bad fats: the basics http://raisingchildren.net.au/articles/fat_basics.html/context/225 Ngày truy cập 24/07/2017

Good Fats, Bad Fats, and Heart Disease http://www.healthline.com/health/heart-disease/good-fats-vs-bad-fats Ngày truy cập 24/07/2017

 

Phiên bản hiện tại

27/08/2020

Tác giả: Nguyên Thảo

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Nguyên Thảo · Ngày cập nhật: 27/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo