backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Cách cai sữa cho bé dễ dàng, an toàn và hiệu quả - Mẹo hay nên áp dụng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 10/03/2023

Bạn đang cần các sản phẩm này? Hãy đặt mua thông qua đường dẫn trên trang nhé! Hoàn toàn không thêm phụ phí và bạn cũng giúp chúng tôi có một khoản hoa hồng nhỏ. Tìm hiểu ngay về hệ thống liên kết của chúng tôi tại đây!

    Cách cai sữa cho bé dễ dàng, an toàn và hiệu quả - Mẹo hay nên áp dụng

    Việc áp dụng cách cai sữa cho bé hợp lý sẽ giúp mẹ giải quyết vấn đề mình đang gặp phải hiệu quả, cũng như giúp bé giảm bớt khó chịu. Để rõ hơn, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

    Việc nuôi con bằng sữa mẹ mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời. Thế nhưng, nhiều trường hợp người mẹ gặp phải vấn đề sức khỏe và cần ngừng cho con bú lại gặp khá nhiều khó khăn. Trên thực tế, cũng vì điều này mà không ít mẹ bỉm sữa dần trở nên mệt mỏi, thậm chí bị trầm cảm sau sinh. Đừng lo lắng, hãy để Hello Bacsi mách bạn một vài cách cai sữa cho bé thật đơn giản sau đây.

    Thời điểm tốt nhất để áp dụng các cách cai sữa cho bé

    Có nhiều lý do khiến bạn quyết định ngừng cho con bú sữa mẹ. Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất vẫn nằm ở bạn. Bạn không cần phải giải thích sự lựa chọn của mình cho bất cứ ai. Thế nhưng, thời điểm nào là tốt nhất để cho bé ngưng bú sữa mẹ?

    Nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời của trẻ là điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho con. Sau 6 tháng, bạn nên cho bé ăn dặm hoặc bú thêm sữa bình để con nhận đủ những dưỡng chất thiết yếu. Từ thời điểm này trở đi, bạn có thể cai sữa cho bé mà không gây hại gì.

    Những lý do mẹ cần tìm cách cai sữa cho bé

    Cách cai sữa cho bé đơn giản nhất là chờ đến khi bé sẵn sàng. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng như vậy, đôi khi bạn phải ngưng cho bú trước khi điều đó diễn ra. Có rất nhiều lý do để cai sữa sớm như:

    1. Quay lại làm việc

    Nhiều bà mẹ phải đi làm lại sau khi sinh 6 tháng. Đây là một trong những lý do khá phổ biến khiến các bà mẹ phải tìm cách cai sữa cho con để bé bớt bám mẹ.

    2. Khi nào mẹ cần tìm cách cai sữa cho bé? Gặp khó khăn với việc vắt sữa

    Nhiều người nghĩ rằng khi đi làm lại, mình có thể vắt sữa để sẵn và cho bé bú. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Vắt sữa là một công việc khá khó khăn, vắt bằng máy có thể khiến bạn đau còn vắt sữa mẹ bằng tay, nếu không đúng kỹ thuật, bạn sẽ khó thực hiện được. Vì thế, nhiều chị em ngưng cho con bú và cố gắng tìm cách cai sữa cho con.

    3. Căng thẳng và áp lực

    căng thẳng mệt mỏi sau sinh

    Một số phụ nữ cảm thấy căng thẳng khi cho con bú. Đây cũng là một lý do khá phổ biến khiến họ quyết định ngừng cho con bú để giúp tinh thần thoải mái hơn và bắt đầu áp dụng cách cai sữa cho bé.

    4. Mang thai

    Rất nhiều bà mẹ phải tìm cách thôi bú cho bé vì họ mang thai một lần nữa.

    5. Các vấn đề về sức khỏe

    Nhiều bà mẹ gặp phải các vấn đề về sức khỏe cần phải được điều trị. Để tránh cản trở quá trình điều trị này, nhiều chị em quyết định tìm cách cai sữa cho bé.

    Cách cai sữa cho bé an toàn, hiệu quả

    Dù bạn ngưng cho bé bú vì lý do gì thì hãy cùng xem qua một số cách thôi bú cho bé sau, biết đâu chúng sẽ giúp ích cho bạn đấy:

    1. Cách cai sữa cho bé gấp

    cách cai sữa cho bé bằng trà xô thơm

    Nếu cần phải cai sữa gấp, bạn có thể tham khảo một số cách cai sữa cho bé sau:

    Đối với mẹ: 

    • Không kích thích việc sản xuất sữa, chỉ để sữa chảy một ít để giảm đau và ngăn ngừa viêm vú.
    • Không vắt sữa. Cách tốt nhất để kích thích việc sản xuất sữa là vắt sữa bằng tay.
    • Chườm đá lạnh để giảm lượng máu cung cấp cho ngực và bớt khó chịu.
    • Tránh chườm nóng vì có thể kích thích tiết sữa nhiều hơn.
    • Bạn có thể sử dụng lá bắp cải xanh để giảm lượng sữa tiết ra. Bạn chỉ cần thêm vào một lớp lá bắp cải xanh lạnh trong áo ngực. Hãy thay một lớp mới sau mỗi 2 giờ hoặc khi bạn thấy chúng bắt đầu nóng lên.
    • Cách thôi bú cho bé có thể gây đau đớn, hãy chuẩn bị một ít thuốc giảm đau.
    • Sắm các loại áo ngực tốt để bạn thấy thoải mái. Nịt ngực quá chặt không giúp giảm lượng sữa sản xuất mà chỉ gây ra nhiều đau đớn hơn.
    • Đừng hạn chế uống nước vì điều này không ảnh hưởng đến lượng sữa mà chỉ gây mất nước.
    • Tránh sử dụng muối hoặc dùng ít lại để giảm lượng sữa tiết ra. Đây là cách tốt nhất để ngừng cho con bú.
    • Vú bị căng sữa là một vấn đề lớn mà bạn sẽ phải đối mặt khi ngưng cho con bú gấp. Bạn có thể uống 200mg vitamin B6 mỗi ngày để giảm bớt đau đớn do tình trạng này.

    Đối với bé: 

    • Cho bé bú bình (sữa bò hoặc sữa công thức) để bé dần quên sữa mẹ.
    • Làm cho bé cảm thấy thoải mái khi bú bình bằng cách giao tiếp bằng ánh mắt, hát một bài hát hoặc nói chuyện với bé.

    2. Cách cai sữa cho bé từ từ

    mẹ cho bé bú bình

    Nếu không vội, những cách cai sữa cho con sau sẽ giúp ích cho bạn:

    Đối với mẹ: 

    • Nếu bạn thường xuyên hút sữa, hãy giảm số lần hút sữa mỗi ngày và ngưng hoàn toàn trong 1 tháng.
    • Việc tiêu thụ nhiều tỏi sẽ khiến hơi thở và dòng sữa mẹ có mùi khó chịu. Khi bú mẹ, trẻ sẽ cảm nhận có sự thay đổi và không muốn đòi ti nữa.
    • Bạn có thể dùng son, màu nghệ hoặc bất kỳ thứ gì để hóa trang bầu ngực. Khi phát hiện ngực mẹ có sự thay đổi, trẻ sẽ thôi dòi bú ngay.

    Đối với bé: 

    • Nếu muốn cai sữa cho bé trước khi con 1 tuổi, hãy cho bé uống một ít sữa công thức (sữa bột). Chỉ cho bé uống một lượng nhỏ để xem bé phản ứng thế nào.
    • Kết hợp giữa sữa mẹ và sữa bột để hệ tiêu hóa của bé dần quen với sự thay đổi.
    • Khi bắt đầu cách thôi bú cho bé, cho bé uống sữa mẹ trước khi bạn cho bé ăn dặm (hoặc trước khi uống sữa bột).
    • Khi bé đã quen, hãy đổi ngược lại. Cho bé uống sữa bột hoặc thức ăn đặc trước khi cho bé bú.
    • Khi bé đã ngưng bú sữa mẹ, hãy cho bé uống nước bằng cốc mỏ vịt thay vì uống bằng bình.

    3. Cách cai sữa cho bé dễ dàng: Cho con ngậm ti giả

    Mẹ có thể cho trẻ ngậm ti giả từ lúc bé khoảng 3 tháng tuổi, sau đó tập bú bình cho con. Mẹo cai sữa cho bé này sẽ giúp con cai sữa mẹ dễ dàng hơn sau này, giúp bé làm quen dễ hơn khi rời xa bầu sữa mẹ. Tuy nhiên, mẹ cũng cần ghi nhớ những lưu ý khi cho bé dùng núm vú giả, chẳng hạn như về vấn đề vệ sinh núm vú giả, thời gian cho con ngậm núm vú giả… Ngoài ra, cách này có một nhược điểm là bạn sẽ phải tập cho bé cai ti giả.

    4. Cách cai sữa cho bé nhanh nhất: Tăng dần cữ ăn dặm cho bé

    Để giúp bé cai sữa mà không bị đói hay thiếu chất, mẹ nên tăng cữ ăn dặm cho con. Mẹ có thể cho bé ăn những bữa phụ với bánh flan, bánh quy, trái cây cắt nhỏ, trái cây nghiền… để bé không cảm thấy đói và thèm sữa mẹ.

    5. Cách cai sữa cho bé hiệu quả: Dùng thuốc cloxit

    Cloxit là một loại thuốc đắng thường được các mẹ dùng như một mẹo cai sữa cho bé theo dân gian. Khi nghiền nát rồi pha cloxit với một ít nước, bạn sẽ thu được một hỗn hợp có vị đắng. Chỉ cần bôi thuốc cloxit này lên ti mẹ, khi bé ngậm ti mẹ sẽ cảm nhận được vị đắng và sẽ nhả ra. Sau nhiều lần như vậy, bé có thể không muốn đòi ti mẹ nữa.

    6. Cách cai sữa cho bé: Dùng trà cây xô thơm

    Một cách khác để ngưng cho con bú là dùng trà cây xô thơm để làm mất sữa. Trà xô thơm có chứa estrogen tự nhiên, làm giảm lượng sữa tiết ra. Cho một thìa lá xô thơm sấy khô vào một cốc nước nóng và để khoảng 15 phút. Thêm một ít sữa hoặc mật ong để giảm bớt vị đắng. Uống mỗi 6 giờ sẽ giúp làm hết sữa nhanh chóng.

    7. Cách cai sữa cho bé: Dùng thuốc để làm mất sữa mẹ

    • Nếu bạn chưa dùng thuốc tránh thai, đây là thời điểm tuyệt vời để bắt đầu. Hãy hỏi bác sĩ về thuốc tránh thai dạng kết hợp, có chứa estrogen.
    • Bạn cũng có thể dùng thuốc Pseudoephedrine giúp làm giảm việc sản xuất sữa. Tuy nhiên, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này nhé.

    Một số điểm quan trọng cần lưu ý trong cách cai sữa cho bé

    Để việc áp dụng cách cai sữa hiệu quả như mong đợi, mẹ cần lưu ý một vài điểm quan trọng sau đây:

    1. Không từ chối khi bé muốn bú

    Khi áp dụng cách cai sữa cho bé, bạn sẽ có xu hướng không muốn cho bé bú khi bé muốn. Tuy nhiên, đừng làm như vậy bởi trẻ nhỏ thường có xu hướng làm ngược lại những gì bạn không muốn bé làm. Vì vậy, sự từ chối của bạn chỉ khiến bé càng muốn bú thêm. Nếu bé muốn bú, bạn cứ tiếp tục cho bé bú nhưng hãy cố làm bé phân tâm bằng các trò chơi, các món ăn hoặc sự ôm ấp của bạn.

    2. Lưu ý khi áp dụng cách cai sữa cho bé: Đảm bảo dinh dưỡng cho bé

    Một vấn đề mà nhiều bà mẹ quan tâm là về dinh dưỡng khi áp dụng cách cai sữa cho bé. Khi cho con bú mẹ, bạn hoàn toàn có thể yên tâm bé đang nhận được tất cả các chất dinh dưỡng mà bé cần. Nhưng khi ngừng cho bú, bạn phải đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Nếu đang chuẩn bị cho bé cai sữa, bạn nên cho bé uống sữa công thức có bổ sung chất sắt. Đừng cho bé uống sữa bò trước khi bé 1 tuổi.

    3. Bú bình

    Khi áp dụng cách cai sữa cho bé, bạn sẽ phải thay thế sữa mẹ bằng sữa công thức hoặc sữa bò. Lúc này, bạn nên tập cho bé làm quen với việc bú bình. Nếu bé đã quen bú bình thì bạn sẽ không cần phải băn khoăn suy nghĩ quá nhiều.

    4. Kiên nhẫn

    lưu ý trong cách cai sữa cho bé

    Kiên nhẫn là chìa khóa khi cai sữa. Dù bạn muốn cho bé ngưng bú sữa mẹ gấp thì bạn cũng cần phải đợi vài ngày. Đừng đốt cháy giai đoạn vì điều này chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nếu bé không chịu ngưng bú, bạn hãy thử những mẹo cai sữa cho bé sau đây:

    • An ủi bé bằng nhiều cách khác nhau để giúp bé tin vào những điều khác ngoài việc bú mẹ. Đối với trẻ nhỏ, việc bú mẹ giúp bé cảm thấy thoải mái và không bị đói. Vì vậy, hãy thử hát một bài hát ru nhẹ nhàng hoặc đọc một cuốn sách hay, đưa cho bé một món đồ chơi để an ủi.
    • Nếu bé lớn hơn một chút, bạn có thể ngưng việc cho bú và giúp bé quen với việc này. Bạn cũng có thể thử giải thích lý do cho bé hiểu.

    5. Chuẩn bị sẵn sàng trước khi áp dụng cách cai sữa cho bé

    Trước khi ngừng cho con bú, bạn chuẩn bị sẵn sàng tất cả những thứ mà bạn cần như sữa bột, bình sữa, dụng cụ vệ sinh bình sữa…

    6. Trao đổi với bác sĩ

    Nói chuyện với bác sĩ nhi khoa trước khi ngừng cho bé bú sữa mẹ. Dù cách cai sữa cho bé là sự lựa chọn cá nhân nhưng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho bé.

    7. Hạn chế ma sát

    Điều mà bạn nên nghĩ đến khi cai sữa cho bé là giảm lượng sữa tiết ra. Vì vậy, hãy hạn chế sự di chuyển khiến núm vú bị ma sát, kích thích việc sản xuất sữa mẹ.

    8. Mẹo cai sữa cho con hữu ích: Ngừng cho bé ngủ chung

    Cho bé ngủ ở đâu là sự lựa chọn của bạn. Một số người thích cho bé ngủ cũi ở trong phòng mình hoặc cho bé ngủ phòng riêng, một số người lại thích cho bé ngủ chung. Nếu lúc trước bé vẫn ngủ chung với bạn thì đây là lúc bạn nên để bé ngủ riêng. Nếu thấy không nỡ, hãy chuyển bé sang ngủ trong cũi đặt chung phòng bạn.

    9. Dành thời gian cho bản thân

    Nếu bạn dự định ngừng cho con bú, hãy nghỉ ngơi vài ngày. Việc cai sữa có thể khiến bạn khó chịu, ngực bạn cứng như đá và đau đớn. Bạn cần phải nghỉ ngơi để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

    10. Theo dõi cảm xúc của bạn

    Khi ngưng cho con bú, các hormone trong cơ thể sẽ có sự thay đổi, làm ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Do đó, hãy chú ý theo dõi cảm xúc của bạn và cố gắng điều chỉnh cho phù hợp nhé.

    11. Hãy nhờ giúp đỡ

    tìm kiếm sự giúp đỡ khi chăm sóc trẻ

    Hãy nhờ chồng giúp đỡ trong quá trình cai sữa. Nếu bạn đang muốn cai sữa cho bé, nhờ chồng hoặc người thân trông giúp. Điều này không chỉ giúp bé phân tâm mà còn làm tăng tình cảm giữa cha và con. Bạn cũng có thể thử nhờ chồng (hoặc những người thân) cho bé bú để mỗi khi đói, bé không phải chỉ nghĩ đến bạn.

    12. Chuẩn bị tinh thần cho những cơn cáu giận của bé

    Bé sẽ không thoải mái trong quá trình áp dụng cách cai sữa cho bé. Vì thế, bạn hãy chuẩn bị sẵn tâm lý nhé.

    13. Duy trì những thói quen cũ

    Trẻ đã có một vài thói quen được hình thành theo thời gian và bạn đang muốn xóa đi một thói quen của bé. Vì vậy, hãy cố gắng thực hiện các thói quen khác của bé để giúp bé hạnh phúc hơn.

    14. Giấc ngủ có thể bị ảnh hưởng

    Giấc ngủ có thể là điều khiến bạn đau đầu khi ngưng cho con bú và áp dụng cách cai sữa cho bé. Việc bé không ngủ được vào ban đêm và cả ban ngày khi đang trải qua một sự thay đổi lớn cũng là điều bình thường.

    15. Mụn trứng cá xuất hiện trở lại

    Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể sẽ khiến bạn có nguy cơ bị nổi mụn trứng cá khi ngưng cho con bú.

    Những điều cần cân nhắc trước khi áp dụng những cách cai sữa cho bé

    Trước khi bắt đầu quá trình cai sữa, hãy xem xét những điều sau để xem đây có phải là thời điểm thích hợp để cai sữa không nhé.

    1. Dị ứng

    Nếu bạn hoặc chồng bạn bị dị ứng thì nguy cơ bé bị dị ứng cũng rất cao. Cho con bú mẹ giúp bé giảm nguy cơ mắc các bệnh như eczema, dị ứng sữa bò và thở khò khè. Vì vậy, hãy xem xét các chứng dị ứng trước khi cho bé cai sữa.

    2. Vấn đề sức khỏe

    không cai sữa khi trẻ bị bệnh

    Nếu bé đang bị bệnh, bạn nên trì hoãn quá trình cai sữa. Thậm chí việc trẻ mọc răng cũng khiến bạn nên cân nhắc lại quyết định của mình và đợi cho đến khi bé thấy tốt hơn.

    3. Sự thay đổi

    Trẻ sơ sinh rất khó thích nghi với nhiều sự thay đổi. Nếu gia đình bạn đang có nhiều sự thay đổi lớn thì bạn hãy đợi một thời gian rồi hãy tìm cách cai sữa cho bé.

    Ngoài ra, những lúc thời tiết thay đổi, nhất là trong giai đoạn nắng nóng oi bức mẹ không nên cho bé cai sữa vì điều này sẽ khiến con thấy bức bối, khó chịu hơn đấy.

    Nuôi con bằng sữa mẹ là một trải nghiệm đẹp và đầy cảm xúc đối với hầu hết phụ nữ. Khi đến lúc cai sữa, bạn sẽ thấy buồn và nhớ. Ngoài ra, bạn sẽ cũng cảm thấy tự trách: “Không biết quyết định này có làm tổn thương con mình hay không?”, “Tôi có phải là một người mẹ tồi?”, “Quan hệ giữa mình và con sẽ mất?”… Những câu hỏi này sẽ khiến bạn thao thức nhiều đêm.

    Tuy nhiên, hãy trả lời không cho các câu hỏi trên. Là một người mẹ, bạn hoàn toàn có quyền để cơ thể bạn trở lại bình thường chỉ cần bạn quyết định đúng thời điểm cai sữa cho bé và áp dụng đúng cách cai sữa cho bé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Bich Ngan · Ngày cập nhật: 10/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo