backup og meta

Trẻ bị rắn cắn nên làm gì? Hướng dẫn cách sơ cứu cơ bản

Trẻ bị rắn cắn nên làm gì? Hướng dẫn cách sơ cứu cơ bản

Trên thực tế, bất cứ hoạt động ngoài trời nào như cắm trại, dã ngoại, leo núi… đều tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Một trong số đó chính là nguy cơ bị rắn cắn khi tham gia các hoạt động này. So với người lớn, trẻ em chưa ý thức được các rủi ro khi vui chơi bên ngoài nên thường dễ gặp nguy hiểm hơn. Do đó, ba mẹ hoặc bất kỳ người chăm sóc trẻ em nào cũng nên chủ động tìm hiểu, trang bị kiến thức thông tin về vấn đề trẻ bị rắn cắn nên làm gì để đảm bảo xử lý đúng cách, hiệu quả?

Thông thường, trẻ bị rắn cắn cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được nhân viên y tế xử lý đúng cách và điều trị kịp thời trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, việc xử lý và sơ cứu vết cắn trước đó cũng rất quan trọng. Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin hướng dẫn bạn sơ cứu đúng cách trước khi đưa trẻ bị rắn cắn đến bệnh viện.

Tìm hiểu về nguy cơ trẻ nhỏ bị rắn cắn

Ở Việt Nam có khoảng gần 200 loài rắn. Trong đó, các loại rắn độc thường gặp chủ yếu thuộc hai họ rắn hổ (rắn hổ đất, rắn hổ mang chúa, rắn cạp nong…) và rắn lục (rắn lục đuôi đỏ, rắn chàm quạp,..) sống trên đất liền. Ngoài ra, còn có một số loài khác là rắn độc ở biển.

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị rắn cắn, bao gồm cả trẻ em, nếu thường xuyên đến các khu vực núi rừng hoang dã để cắm trại, vui chơi… Hơn nữa, vào mùa hè khi thời tiết mưa nhiều hơn, một số vùng có mưa lũ kéo dài có thể phá vỡ môi trường sống của rắn. Do vậy, các loài rắn có thể tìm kiếm nơi trú ẩn khác như vườn tược, tán cây, bụi cỏ… Theo đó, vào mùa mưa thì số nạn nhân bị rắn cắn thường có xu hướng gia tăng với các mức độ nguy hiểm khác nhau.

Trong trường hợp môi trường nơi ở của gia đình có nhiều cây cối rậm rạp xung quanh hoặc đôi khi là với trẻ thích các hoạt động ngoài trời thì ba mẹ cần hết sức thận trọng. Trẻ bị rắn cắn nên làm gì? Đây là vấn đề bạn cần chủ động tìm hiểu để xác định được dấu hiệu trẻ bị rắn cắn (dù có độc hay không) và biết cách xử lý kịp thời trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. 

Trẻ bị rắn cắn có triệu chứng gì?

trẻ bị rắn cắn nên làm gì

Các loài rắn khác nhau có các loại nọc độc khác nhau. Hơn nữa, không phải trường hợp nào cũng là do rắn độc cắn nên các triệu chứng ở mỗi trẻ có thể khác nhau, tùy thuộc vào loại rắn gây ra vết thương cho trẻ. Điều quan trọng ở đây là bạn cần phân biệt được vết rắn cắn thông thường và vết rắn cắn có nọc độc để có hướng xử lý phù hợp.

Đối với vết rắn cắn thông thường, không có nọc độc

Trong trường hợp này, trẻ có thể cảm thấy đau đớn và sưng, tấy đỏ ở xung quanh vết rắn cắn. Tuy nhiên, trên da sẽ không có vết răng nanh và các vết sưng tấy tại chỗ thường nhẹ. Hơn nữa, vì không có nọc độc xâm nhập vào cơ thể nên sau khi đưa vào bệnh viện, trẻ có thể không cần đến thuốc giải nọc độc rắn cắn.

Đối với vết rắn cắn có nọc độc

Tùy thuộc vào mỗi loại rắn mà các triệu chứng sau khi trẻ bị rắn cắn có thể khác nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng phổ biến sau đây có thể là điều bạn cần lưu ý.

Các triệu chứng tại chỗ sau khi rắn cắn bao gồm:

  • Chảy máu ở vết thương
  • Có vết răng nanh trên da, nơi rắn cắn và tiêm độc vào cơ thể nạn nhân
  • Sưng tấy tại vết cắn và có thể lan ra khắp tay, chân trong vòng vài giờ
  • Sưng hạch bạch huyết xung quanh vết cắn
  • Đau dữ dội, cảm thấy ngứa ran hoặc nóng rát ở vết cắn
  • Vết thương đổi màu, chẳng hạn như bị đỏ hoặc bầm tím
  • Một số loại rắn có thể phun nọc độc từ xa. Nếu nọc độc văng vào mắt của trẻ có thể gây đau, bỏng rát, nhìn mờ, sưng nề mi mắt…

Khi nọc độc bắt đầu lan rộng trong cơ thể, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng khác như:

  • Khó thở, suy hô hấp
  • Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng
  • Sốt, ớn lạnh, đổ nhiều mồ hôi
  • Tê và ngứa ran, đặc biệt là trong miệng
  • Nhịp tim không đều
  • Yếu cơ dẫn đến tê liệt (không thể di chuyển)
  • Có dấu hiệu xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu răng, ho ra máu…
  • Mất tiếng, khó nuốt, bất thường về khứu giác…
  • Yếu ớt, chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Sốc hoặc co giật.

Trẻ bị rắn cắn nên làm gì? Hướng dẫn các bước xử lý khi trẻ bị rắn cắn

trẻ bị rắn cắn nên làm gì

Trẻ bị rắn cắn, đặc biệt là khi bị rắn độc cắn, cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi hỗ trợ y tế thì bạn có thể sơ cứu cho trẻ theo các bước cơ bản như sau:

  • Đầu tiên, bạn cần giữ bình tĩnh và trấn an trẻ rằng bạn có thể giúp đỡ
  • Di chuyển đứa trẻ đến một khu vực an toàn gần đó và tránh xa con rắn
  • Cho trẻ ngồi hoặc nằm xuống, cố gắng hạn chế cử động
  • Điều chỉnh tư thế để giữ vùng bị rắn cắn thấp hơn tim, ngay cả trong lúc trẻ được vận chuyển đến bệnh viện
  • Nếu có thể, bạn hãy rửa vết thương cho trẻ bằng xà phòng và nước
  • Tháo bỏ đồng hồ, đồ trang sức (nếu có) và nới lỏng quần áo để giảm khó chịu trong trường hợp trẻ bị sưng tấy
  • Bạn có thể quấn băng gạc sạch lên vết thương để làm chậm sự di chuyển của nọc độc trong cơ thể. Tuy nhiên, không băng quá chặt để đảm bảo máu lưu thông bình thường
  • Ngoài ra, nếu bạn là người phát hiện trẻ bị rắn cắn hãy cố gắng ghi nhớ một số thông tin như thời điểm bị cắn; kích thước, màu sắc, đặc điểm của con rắn (nếu có thể); các phản ứng đầu tiên của nạn nhân… để cung cấp cho bác sĩ. Điều này nhằm hỗ trợ việc điều trị diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Xoay quanh vấn đề bị rắn cắn nên làm gì? Có nhiều cách xử lý được truyền miệng cũng như lan truyền qua phim ảnh nhưng sự thật là không đúng. Do đó, bạn cần lưu ý thêm rằng không nên tùy tiện sơ cứu theo những cách sau đây:

  • Không hút nọc độc từ vết cắn
  • Không rạch vết thương bằng dao
  • Không cố đuổi theo để bắt, giết con rắn
  • Không cầm máu bằng garo
  • Không chườm đá, đắp lá cây hoặc bôi bất cứ thuốc gì lên vết thương
  • Không tự ý cho trẻ uống thuốc
  • Không cho trẻ uống rượu hoặc đồ uống chứa caffeine để giảm đau.

Đối với vấn đề trẻ bị rắn cắn nên làm gì? Sau khi sơ cứu vết thương thì bạn nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu. Trong nhiều trường hợp, bạn không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ trẻ bị rắn cắn khi tham gia các hoạt động ngoài trời, nơi có nhiều cây cối, bụi rậm… Tuy nhiên, bạn có thể dạy trẻ về việc không tới gần, làm phiền hoặc tấn công rắn nếu thấy chúng hoặc không đến gần nơi nghi ngờ có rắn. Đồng thời, hãy giúp trẻ tránh xa những khu vực có bụi rậm, cỏ mọc cao… Nếu trẻ muốn vui chơi, khám phá thì cần đảm bảo mang quần dài, đi ủng hoặc giày cao cổ khi đi vào những khu vực này để hạn chế nguy hiểm do bị rắn cắn.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Snake Bites

https://www.childrenshospital.org/conditions/snake-bites#:~:text=Treatment%20for%20poisonous%20snake%20bites&text=Move%20your%20child%20to%20a,12%20hours%20after%20the%20bite. Truy cập ngày 04/04/2023

A Parent’s Guide to Treating Snake Bites

https://health.choc.org/treating-snakebites/ Truy cập ngày 04/04/2023

Snakebites in Children

https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=snakebitesinchildren-90-P02849 Truy cập ngày 04/04/2023

Snake Bites

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/snake-bites Truy cập ngày 04/04/2023

Snake bites

https://www.healthdirect.gov.au/snake-bites Truy cập ngày 04/04/2023

Phiên bản hiện tại

17/04/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

5 bí quyết tăng cường hệ tiêu hóa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 17/04/2023

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo