Do chưa biết cách giữ vệ sinh tốt nên trẻ nhỏ rất dễ gặp phải một số loại giun sán ký sinh ở đường ruột và gây ảnh hưởng sức khỏe. Thế nhưng chỉ cần mẹ chọn đúng loại thuốc tẩy giun cho trẻ em phù hợp, bé sẽ nhanh chóng hồi phục mà không gặp bất kỳ biến chứng nào.
Giun sán ký sinh đường ruột là tình trạng không hiếm gặp ở trẻ nhỏ và có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe như đau bụng, sút cân, nôn hay thiếu máu. Để tránh những vấn đề này nặng thêm, ba mẹ cần đưa bé đi khám sớm để bác sĩ có thể kê loại thuốc tẩy giun cho trẻ em phù hợp.
Giun đường ruột là gì?
Giun đường ruột là những loại giun ký sinh như sán dây, giun đũa, giun kim và giun móc. Khi xâm nhập vào cơ thể bé, những loại giun sán này có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe.
Một số nguyên nhân khiến bé có thể bị nhiễm các loại giun đường ruột kể trên là:
- Dùng nguồn nước bị ô nhiễm: Nước bẩn là đường lây nhiễm trứng giun sán và giun sán phổ biến nhất.
- Ăn thực phẩm nhiễm trứng giun sán: Bé có thể bị nhiễm giun nếu ăn các loại thịt, rau củ hay trái cây bị nhiễm trứng giun chưa được nấu chín.
- Tiếp xúc với đất bị nhiễm giun: Khi chơi ngoài trời, trẻ có thể tiếp xúc với đất bị nhiễm giun hay trứng giun.
- Tiếp xúc với vật nuôi bị nhiễm giun sán:. Thú cưng nếu có giun sán cũng có thể trở thành trung gian lây nhiễm sang bé.
- Giữ vệ sinh không tốt: Các bé không rửa tay sau khi chơi ngoài trời, sau khi chơi với thú cung, sau khi đi vệ sinh hay trước khi ăn có thể bị nhiễm trứng giun sán.
Trẻ bị nhiễm giun sán sẽ có những biểu hiện gì?
Tình trạng nhiễm giun sán có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bé nên ba mẹ cần chú ý các triệu chứng nhận biết để có phương pháp tẩy giun cho bé kịp thời. Một số dấu hiệu nhiễm giun sán ở bé là:
- Đau bụng
- Mông có vết đỏ hoặc bị phát ban
- Nôn hoặc tiêu chảy
- Sút cân
- Ăn không ngon miệng
- Thiếu máu
- Mệt mỏi, suy nhược hoặc hay đói
- Phân lẫn máu
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Đi tiểu thường xuyên
- Tiểu đau.
Khi thấy bé có các dấu hiệu nhiễm giun sán, ba mẹ hãy đưa con đi khám sớm. Bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng nhiêm giun của bé thông qua một số phương pháp như kiểm tra móng tay bé hay kiểm tra mẫu phân.
Trẻ bị nhiễm giun sán có thể gặp phải những biến chứng nào?
Giun sán khi vào cơ thể trẻ sẽ đi xuống ruột, hấp thu các chất dinh dưỡng ở đây và đẻ trứng. Trứng giun sán sau khi nở sẽ lây nhiễm bệnh ra khắp cơ thể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giun đường ruột có thể gây ra các tình trạng như:
- Thiếu dinh dưỡng vì giun sán sẽ hấp thu các chất dinh dưỡng trong ruột khiến bé bị thiếu hụt dưỡng chất.
- Chảy máu bên trong, dẫn đến mất sắt và thiếu máu.
- Tiêu chảy, suy giảm tiêu hóa và hấp thu.
- Tắc ruột nếu giun phát triển quá nhiều.
Để tránh những biến chứng trên nặng thêm và ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể của con, ba mẹ cần đưa con đi khám để bác sĩ kê thuốc tẩy giun thích hợp cho bé.
Các loại thuốc tẩy giun cho trẻ em
Tùy thuộc vào loại giun đã xâm nhập vào đường ruột của bé mà bác sĩ sẽ kê các loại thuốc tẩy giun cho trẻ em khác nhau. Một số loại giun và thuốc tẩy giun cho trẻ em thường thấy là:
- Sán dây: Đối với sán dây, bé sẽ cần sử dụng thuốc uống praziquantel (Biltricide). Thuốc này làm tê liệt và làm tan sán dây. Sau đó, sán dây sẽ theo phân ra khỏi cơ thể.
- Giun đũa: Giun đũa thường được điều trị bằng mebendazole (Vermox, Emverm) và albendazole (Albenza).
- Giun kim: Trong trường hợp nhiễm giun kim, bác sĩ có thể kê đơn thuốc trị giun kim đặc biệt.
Ngoài các loại thuốc trên, bác sĩ cũng có thể kê một loại thuốc tẩy giun cho trẻ em khác là Pyrantel.
Bên cạnh việc kê thuốc theo loại giun đường ruột nhiễm phải, bác sĩ cũng sẽ cân nhắc tới độ tuổi khi chọn thuốc tẩy giun cho trẻ em. Đối với bé ở độ tuổi tập đi, bác sĩ có thể cho thuốc tẩy giun sán dạng siro còn các trẻ lớn hơn sẽ uống thuốc dạng viên. Ba mẹ nên tẩy giun cho tất cả trẻ em từ 18 tháng đến 5 tuổi theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
Thuốc tẩy giun cho trẻ em thường tiêu diệt ký sinh trùng mà không gây ra bất kỳ tổn thương nào cho bé. Thời gian điều trị giun sán thường ngắn và kéo dài không quá vài ngày. Để việc tẩy giun cho con hiệu quả hơn, ba mẹ cũng nên chú ý các điểm sau:
- Thiết lập cho bé một chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng bao gồm trái cây và rau quả mỗi ngày.
- Thêm gừng và tỏi vào chế độ ăn uống của con (nếu bé đã lớn).
- Đảm bảo thức ăn và nước uống của bé hợp vệ sinh.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, cha mẹ cũng nên cho trẻ uống thuốc phòng ngừa giun sán hàng năm hoặc mỗi sáu tháng. Các loại thuốc phòng ngừa có thể là albendazole hoặc mebendazole.
Phòng ngừa giun sán cho trẻ
Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp có thể giảm thiểu nguy cơ trẻ nhỏ bị ảnh hưởng bởi các loại giun ký sinh đường ruột. Một số cách hữu ích bạn có thể thực hiện là:
- Đảm bảo con luôn rửa tay đúng cách bằng xà phòng trước khi ăn bất cứ thứ gì. Ngoài ra, ba mẹ cũng nên chú ý giữ vệ sinh móng tay và cắt móng tay thường xuyên cho bé vì đây có thể là nơi chứa trứng giun sán.
- Đảm bảo thực phẩm con ăn luôn vệ sinh. Bạn cần rửa trái cây hoặc rau quả thật kỹ trước khi ăn. Ngoài ra, bạn chỉ nên cho con ăn thực phẩm đã nấu chín, đặc biệt là thịt heo và cá vì đây là các loại thực phẩm dễ nhiễm giun sán.
- Chỉ cho bé uống nước ở những nguồn đảm bảo vệ sinh.
- Tránh cho con chơi chân trần trên bùn, cát, cỏ hoặc những nơi ngoài trời khác.
- Giữ vệ sinh không gian xung quanh bé cẩn thận. Bạn nên giữ những vật hay những nơi bé hay tiếp xúc như đồ chơi, nhà vệ sinh hay giường nằm luôn sạch sẽ.
- Nếu có nuôi thú cưng, cần đảm bảo tẩy giun sán định kỳ và vệ sinh sạch sẽ nơi ở, sinh hoạt của chúng.
- Chỉ đưa bé tới những hồ bơi đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
Tình trạng nhiễm giun sán ở trẻ tuy có thể gây ra một biến chứng như sụt cân hay thiếu dinh dưỡng nhưng lại khá dễ giải quyết. Ba mẹ chỉ cần đưa bé đi khám để bác sĩ kê đúng loại thuốc tẩy giun cho trẻ em phù hợp là tình trạng này có thể biến mất sau vài ngày. Bên cạnh đó, ba mẹ còn có thể chủ động phòng ngừa giun sán bằng cách giữ vệ sinh cho bé cẩn thận và lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn nữa đấy.
[embed-health-tool-vaccination-tool]