Cả bé trai và bé gái đều có mô vú. Bình thường, sự phát triển của vú sẽ xuất hiện ngay sau khi trẻ được sinh ra, sau đó tiếp tục ở tuổi dậy thì. Thời điểm khi nào vú sẽ phát triển khác nhau ở mỗi người và một số bé gái có thể phát triển sau tuổi teen. Nhưng không phải bé nào cũng phát triển đúng theo như vậy mà sẽ có trường hợp tăng trưởng vú bất thường có thể xảy ra.
Dưới đây là tổng quan về tăng trưởng vú bất thường có thể xảy ra ở trẻ em.
Tăng trưởng vú bất thường và những sự thật bạn cần biết
Trước khi tìm hiểu về những trường hợp tăng trưởng vú bất thường ở trẻ cả hai giới, Hello Bacsi chia sẻ đến bạn một vài thông tin về sự phát triển tuyến vú ở trẻ sau đây:
- Trẻ nhũ nhi cũng có mô vú: Cả bé trai và bé gái đều có mô vú nhỏ trong vòng vài tuần đầu sau khi sinh. Các núm mô vú này sẽ trở thành mô vú thật sự khi trẻ trưởng thành. Sau khi sinh, mô vú hiện rõ ở trẻ bởi vì ảnh hưởng của estrogen từ mẹ. Khi nồng độ estrogen giảm xuống, mô vú cũng sẽ không còn hiện rõ nữa.
- Rỉ dịch ở đầu vú trẻ nhũ nhi: Một số trẻ nhũ nhi bị rỉ dịch và sưng đỏ quanh núm vú. Tình trạng này thường sẽ tự khỏi. Rỉ dịch ở núm vú trẻ nhũ nhi là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ bỏ bú. Khi đó, bạn hãy đưa trẻ đi khám ngay nhé.
- Núm vú thừa: Một trong những bất thường về vú hay gặp nhất là núm vú thừa, thường tìm thấy trong nách hoặc trên bụng ở cả bé trai lẫn bé gái. Phần mô thừa này được gọi là polythelia. Nếu nó gây khó chịu, bác sĩ sẽ cắt bỏ.
Điểm danh những vấn đề tăng trưởng vú bất thường hay gặp ở cả bé trai lẫn bé gái
1. Bầu ngực to ở bé trai
Hiện tượng bầu ngực (vú) to là sự hiện diện của nhiều mô vú ở đàn ông làm cho bầu vú của họ trông như vú ở nữ đang phát triển (gọi là gynecomastia). Bầu vú có thể trông như hơi nhú lên cho đến khi đạt kích thước như vú ở nữ với núm vú tròn và nhô lên.
Khoảng một nửa số bé trai khi đến tuổi dậy thì sẽ trải qua tình trạng mô vú nhô lên quanh núm vú. Hầu hết các trường hợp này sẽ giảm kích thước xuống trong vòng từ 2 đến 3 năm. Nếu nó không giảm xuống và bé vẫn khỏe mạnh, bạn hãy cân nhắc cho con loại bỏ nó bằng phẫu thuật.
2. Vú to bất thường ở bé gái: Sự tăng trưởng vú bất thường có thể ảnh hưởng tâm lý trẻ
Vú to bất thường ở bé gái (macromastia) là từ dùng để miêu tả mô vú ở bé gái trở nên quá to so với phần còn lại của cơ thể. Bầu vú to có thể làm cho bé gái ở độ tuổi teen không chỉ gặp áp lực về mặt tinh thần mà còn ảnh hưởng lên thể chất. Ví dụ, bầu vú to có thể góp phần gây đau phần trên lưng, gây ngứa ran hai cánh tay và kích ứng da. Về mặt xã hội, trẻ bị cho là đã trưởng thành mặc dù chỉ đang tuổi teen, và trẻ có thể bị giới hạn các hoạt động rèn luyện thể chất. Điều trị ban đầu bao gồm các liệu pháp trị liệu thể chất, chăm sóc da, mặc áo ngực phù hợp và dùng thuốc giảm đau nếu cần.
3. Bầu vú hai bên không đều
Có đến 25% bé gái tuổi teen tăng trưởng vú bất thường với bầu vú phát triển ở hai bên không đều và nhiều phụ nữ trưởng thành có một bên vú to hơn bên còn lại. Đôi khi lý do của tình trạng này là vì chúng có hình dạng và sự phát triển khác nhau. Cũng có lúc nguyên nhân là do sự hiện diện của một khối u lành gọi là u sợi tuyến (fibroadenoma) ở một bên vú, khi được cắt bỏ vú sẽ trở về kích thước bình thường.
Trong một số trường hợp, việc làm cân bằng hai vú có thể bao gồm làm to bên vú nhỏ, giảm kích thước bên vú lớn hoặc kết hợp cả hai. Việc sử dụng áo ngực có miếng đệm một bên có thể giải quyết phần nào vấn đề trong lúc ba mẹ và bé phân vân liệu có nên đi khám hay không.
4. Khối u bầu vú ở trẻ nhỏ và trẻ tuổi teen
Một trong những tăng trưởng vú bất thường ở trẻ nữa là khối u bầu vú ở trẻ. Song, bạn đừng quá lo lắng vì ung thư vú cực kỳ hiếm xuất hiện ở người dưới 20 tuổi; khoảng dưới 0,1% các ca ung thư vú xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc trẻ tuổi teen. Siêu âm có thể giúp xác định khối u này là một khối u sợi tuyến hay là một nang chứa dịch có thể chọc hút ra được.
Nếu con bạn có khối u ở bầu vú, hãy đưa bé đi khám bác sĩ. Phẫu thuật bầu vú ở bé gái nên được thực hiện cẩn thận bởi vì nguy cơ ảnh hưởng lên sự phát triển của bầu vú trong tương lai. Mẹ hãy hướng dẫn con gái cách tự kiểm tra bầu vú khi vú của bé đang bắt đầu phát triển và đang hành kinh. Trẻ nên giữ thói quen này suốt đời.
Ngoài ra ở trẻ sơ sinh còn có hiện tượng mà dân gian hay gọi là trái chàm ở bé mới sinh. Điều này là do là những ống tuyến sữa phát triển xếp lại thành một cục tròn, cứng.
5. Tăng trưởng vú bất thường: Bầu vú không phát triển
Nếu bé gái không có mô vú nào phát triển khi đến tuổi 13, sự phát triển vú của bé được coi là bị trì hoãn. Mặc dù hiếm, nhưng chồi vú có thể không tồn tại do một sự biến dạng ở thành ngực hoặc lớp cơ ngực bên dưới đã không phát triển được bình thường. Những bé gái có bệnh mãn tính như bệnh Crohn, hội chứng Turner, hoặc một rối loạn về ăn uống cũng có thể khiến chồi vú trẻ không phát triển khi đến tuổi 13.
Hello Bacsi hy vọng rằng những thông tin về tăng trưởng vú bất thường ở trên giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về quá trình dậy thì ở con và phát hiện ra những bất thường, nếu có, ngay từ giai đoạn đầu.
Các loại phẫu thuật giảm kích thước vú
Một khi kích thước bầu vú gây ra các vấn đề khác hoặc ảnh hưởng lên các hoạt động thường ngày, việc phẫu thuật có thể được cân nhắc. Thông thường, kích thước của vú sẽ ngừng thay đổi từ 2 đến 3 năm sau lần có kinh đầu tiên.
Phẫu thuật giảm kích thước bầu vú, như tên gọi, thường được thực hiện bằng gây mê. Sau phẫu thuật, hạn chế hoạt động trong vòng từ 4 đến 6 tuần, nhưng thông thường bé gái có thể trở lại trường vào tuần sau.
[embed-health-tool-vaccination-tool]