backup og meta

Ngộ độc chì ở trẻ nhỏ: Nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp phòng ngừa

Ngộ độc chì ở trẻ nhỏ: Nguyên nhân, dấu hiệu và biện pháp phòng ngừa

Trẻ nhỏ ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể ngộ độc chì do tiếp xúc với nhiều tác nhân khác nhau, chẳng hạn như sơn có chứa chì, đất và nước bị ô nhiễm.

Con bạn có thói quen nhấm nháp đồ vật bằng nhựa và đầu bút chì không? Bạn có lo lắng rằng liệu bé có thể bị ốm? Ngộ độc chì là một trong những vấn đề sức khỏe liên quan đến môi trường phổ biến nhất trên thế giới. Tác động tiêu cực của kim loại này đã được biết đến trong hơn 100 năm.

Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về nguyên nhân gây ngộ độc chì, dấu hiệu nhận biết trẻ bị ngộ độc chì, biến chứng của tình trạng này và cách phòng tránh.

Nguyên nhân gây ngộ độc chì ở trẻ nhỏ

Khi sơn tường chứa chì bị bong tróc hoặc nứt nẻ, bụi chì sẽ có cơ hội phát tán trong không khí. Thông qua hành động đưa tay lên miệng của trẻ mà kim loại này có cơ hội xâm nhập vào cơ thể con. Nếu con gặp hội chứng Pica, một tình trạng khiến bé thèm những đồ không thể ăn được thì trẻ cũng có nguy cơ cao bị nhiễm độc chì theo cách này.

Chì không thể được hấp thu qua da. Trong thực tế, bạn thậm chí không thể ngửi, nếm hoặc nhìn thấy các hạt chì. Một số nguồn nhiễm độc chì phổ biến bao gồm:

  • Thuốc
  • Sơn có chì
  • Bụi gia dụng
  • Chén, bát tráng men
  • Đồ chơi, trang sức có màu sắc bắt mắt dành cho trẻ em
  • Nước chảy từ các đường ống, vòi bị mòn hoặc nhiễm chì
  • Đất bị ô nhiễm do khí thải của các phương tiện giao thông, khói công nghiệp hoặc các công trình xây dựng.

Dấu hiệu ngộ độc chì ở trẻ em

Ngộ độc chì ở trẻ nhỏ

Thứ kim loại chết người này tích tụ trong cơ thể trẻ nhỏ và chúng ta từ từ theo thời gian. Nếu bé vô tình tiếp xúc nhiều lần, con có thể gặp phải tình trạng tổn thương não nghiêm trọng. Dẫu cho ngộ độc chì ở trẻ nhỏ không có biểu hiện quá rõ ràng nhưng những triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

  1. Run rẩy
  2. Sút cân
  3. Yếu cơ
  4. Uể oải
  5. Co giật
  6. Táo bón
  7. Mất ngủ
  8. Đau đầu
  9. Nôn mửa
  10. Thiếu máu
  11. Đi không vững
  12. Ăn không ngon
  13. Tổn thương thận
  14. Gặp rắc rối về thính lực
  15. Đau, chuột rút bất thường.

Quá trình kiểm tra ngộ độc chì ở trẻ nhỏ chỉ có thể được thực hiện khi bé đã đủ 6 tuổi bởi khá nhiều trong số các triệu chứng trên sẽ không biểu hiện đầy đủ.

Biến chứng khi trẻ ngộ độc chì

Ngộ độc chì ở trẻ nhỏ

Tình trạng nhiễm độc chì gây ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp giữa các tế bào thần kinh và não. Nó cũng can thiệp vào sự phát triển bình thường của trẻ. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng sụt giảm chỉ số IQ, mất khả năng học tập và thậm chí gặp vấn đề khi phát triển. Một số biến chứng khác mà bé có nguy cơ gặp phải bao gồm:

  1. Hôn mê
  2. Phát triển chiều cao kém
  3. Thính lực kém phát triển
  4. Kỹ năng vận động tinh kém
  5. Gặp khó khăn khi tập trung
  6. Gặp khó khăn trong học tập
  7. Phát triển các vấn đề hành vi như hung hăng và hiếu động.

Mời bạn tham khảo bài viết Tầm quan trọng của kỹ năng vận động tinh ở trẻ nhỏ

Chữa trị ngộ độc chì ở trẻ nhỏ

Bước đầu tiên của quá trình điều trị ngộ độc chì ở trẻ nhỏ là xác định vị trí và loại bỏ nguồn gốc nhiễm độc. Sau đó cách ly bé khỏi khu vực này.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, một thủ tục có tên là liệu pháp Chelation có thể được sử dụng nhằm tìm kiếm kim loại nặng trong cơ thể sau đó đào thải chúng qua đường nước tiểu. Quá trình hồi phục của bé sẽ mất khá nhiều thời gian.

Phòng ngừa ngộ độc chì ở trẻ nhỏ

Bố mẹ có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa đơn giản tại nhà để bảo vệ bé yêu khỏi tình trạng nhiễm độc chì, chẳng hạn như:

Rửa tay và đồ chơi

Rửa tay và đồ chơi: Nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc chì do đưa tay lên miệng sau khi tiếp xúc với đất, bụi nhiễm độc chì. Bố mẹ hãy rửa tay cho trẻ sau khi bé hoạt động ngoài trời, trước khi ăn và trước khi đi ngủ. Ngoài ra, vệ sinh đồ chơi định kỳ cũng là biện pháp cần làm.

Vệ sinh nhà cửa

Phòng ngừa ngộ độc chì

Thường xuyên dọn dẹp khu vực sinh hoạt, bệ cửa sổ hoặc những nơi dễ bám bẩn khác bằng dung dịch vệ sinh phù hợp.

Để giày ở bậc thềm

Vị trí để giày dép nên cách xa khu vực vui chơi của bé trong nhà để đề phòng nguy cơ nhiễm độc chì từ bụi bẩn dính ở đế giày dép.

Cẩn thận khi nấu nướng

Nếu nhà bạn dùng hệ thống ống nước đã cũ, hãy để vòi nước chảy khoảng một phút trước khi sử dụng. Ngoài ra, nấu ăn cho trẻ bằng nước tinh khiết hoặc nước đã qua máy lọc cũng là một gợi ý.

Chế độ ăn uống hợp lý

Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ cơ thể hấp thu chì. Một điều quan trọng khác mà bạn không nên bỏ qua là đảm bảo cả gia đình hấp thu đủ lượng sắt, vitamin C và canxi mỗi ngày. Các loại thực phẩm được đánh giá cao và tốt cho sức khỏe gồm:

  • Sữa
  • Thịt đỏ
  • Phô mai
  • Rau xanh
  • Trái cây họ cam chanh.

Nếu nghi ngờ con mắc phải tình trạng ngộ độc chì, bố mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời, tránh cho các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Lead Poisoning In Children – Causes, Symptoms And Treatment https://www.momjunction.com/articles/lead-poisoning-in-children-causes-symptoms-and-treatments_00121177/ ngày truy cập 15/07/2019

Lead Poisoning https://www.healthline.com/health/lead-poisoning ngày truy cập 15/07/2019

Lead poisoning https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lead-poisoning/symptoms-causes/syc-20354717 ngày truy cập 15/07/2019

 

Phiên bản hiện tại

09/09/2020

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 09/09/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo