backup og meta

Bạn đã biết cách chữa đau răng cho bé bằng tinh dầu?

Bạn đã biết cách chữa đau răng cho bé bằng tinh dầu?

Một trong những cách chữa đau răng cho bé được rất nhiều bà mẹ áp dụng là sử dụng tinh dầu. Nếu áp dụng hình thức này, bạn cần chú ý trong việc lựa chọn tinh dầu bởi ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ sẽ có những loại tinh dầu phù hợp khác nhau.

Mọc răng là giai đoạn khá mệt mỏi đối với bé. Là cha mẹ, bạn muốn làm mọi thứ trong khả năng của mình để bé cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn? Nếu đã thử nhiều cách nhưng vẫn không hiệu quả, bạn có thể cân nhắc đến việc sử dụng tinh dầu để chữa đau răng cho bé. Nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ lắm về cách điều trị đau răng này, bạn có thể tham khảo thêm những chia sẻ sau của Hello Bacsi.

Tinh dầu là một hợp chất được chiết xuất từ ​các loại hoa cỏ và thảo dược như sả chanh, hoa bưởi, hoa oải hương… bằng phương pháp chưng cất hơi nước, ép lạnh hoặc công nghệ sản xuất dung môi. Các loại tinh dầu thường rất đa dạng với nhiều công dụng khác nhau và một trong số đó là giúp giảm đau răng cho bé.

Tinh dầu chữa đau răng cho bé như thế nào?

Tinh dầu đem đến cho bé cảm giác thoải mái và giảm đau. Mặc dù đây không phải là biện pháp điều trị dứt điểm để giúp bé thoát khỏi cơn đau răng nhưng nếu sử dụng đúng cách, nó vẫn có thể hỗ trợ cho trẻ theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là tác dụng của tinh dầu khi điều trị đau răng cho trẻ:

  • Giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và tình trạng lở loét trong nướu
  • Giúp giảm đau, giúp bé giảm cảm giác khó chịu
  • Làm dịu cơn đau do viêm nướu.

Mặc dù tinh dầu hỗ trợ cho trẻ rất nhiều trong thời gian mọc răng nhưng bạn chỉ nên sử dụng khi đã thử hết tất cả các phương pháp mà không thấy hiệu quả. Bạn hãy nhớ chỉ nên sử dụng các loại tinh dầu nguyên chất có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Trước khi sử dụng, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ và chọn loại tinh dầu phù hợp.

Sử dụng tinh dầu đinh hương có phải là cách chữa đau răng cho bé an toàn?

cách chữa đau răng cho bé

Tinh dầu có rất nhiều loại khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn phải nhắc đến tinh dầu đinh hương. Loại tinh dầu này có tác dụng:

  • Giảm đau: Tinh dầu đinh hương có đặc tính gây tê, diệt khuẩn. Do đó khi được pha loãng, thoa lên nướu sẽ giúp giảm đau răng và giúp bé giảm bớt khó chịu.
  • Giảm đau đầu: Khi bị đau răng, bé cũng có thể bị đau đầu. Để giúp bé tránh khỏi những cơn đau này, bạn có thêm vài giọt tinh dầu đinh hương vào khăn và đặt lên trán của bé.
  • Giảm các triệu chứng đau họng: Ngoài đau đầu, trẻ cũng có thể bị đau họng. Bạn có thể thoa dầu đinh hương pha loãng lên nướu và xung quanh miệng để làm dịu cơn đau.
  • Ngăn ngừa hôi miệng: Hôi miệng cũng là triệu chứng khá thường gặp khi bị đau răng. Để khắc phục, bạn có thể nhúng khăn vào nước có pha một vài giọt tinh dầu đinh hương, rồi dùng khăn làm sạch lưỡi và miệng của bé.
  • Ngăn ngừa sâu răng: Trẻ nhỏ thường ít khi chải răng đúng cách nên các bé rất dễ bị sâu răng. Việc sử dụng tinh dầu đinh hương để làm nước súc miệng mỗi ngày có thể giúp bé tránh được các vấn đề về răng miệng.

Lưu ý khi sử dụng tinh dầu đinh hương:

  • Cách sử dụng: Trước khi thoa tinh dầu đinh hương lên nướu của bé, hãy pha loãng với một chút tinh dầu hạnh nhân hoặc các loại tinh dầu nhẹ khác vì nếu không, nó có thể gây hại cho bé.
  • Tác dụng phụ khi sử dụng tinh dầu đinh hương: Nếu được sử dụng cẩn thận và đúng cách, tinh dầu đinh hương sẽ là một trong những biện pháp giúp bé giảm đau rất tốt. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng quá nhiều, bé có thể bị đau bụng hoặc nướu của bé có thể bị phồng rộp, chảy máu.

Mặc dù tinh dầu đinh hương có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng bạn không nên sử dụng cho bé dưới hai tuổi bởi đây là một loại tinh dầu rất mạnh, khi sử dụng có thể gây kích ứng, phồng rộp nướu và các vấn đề khác.

Ngoài tinh dầu đinh hương, bạn còn có thể sử dụng loại tinh dầu nào để chữa đau răng cho trẻ?

Với những bé dưới 6 tháng tuổi

Nếu bé bị đau răng là do mọc răng sớm, khoảng từ 4 – 7 tháng tuổi thì bạn chỉ nên sử dụng 2 loại tinh dầu sau:

1. Tinh dầu hoa cúc

Tinh dầu hoa cúc là một trong những loại tinh dầu phổ biến nhất với tác dụng an thần. Đây là loại tinh dầu an toàn, không gây ra quá nhiều tác dụng phụ cho trẻ sơ sinh.

Cách sử dụng: Cách tốt nhất để sử dụng tinh dầu hoa cúc là pha loãng với dầu nền. Sau đó, dùng hỗn hợp này massage dọc theo xương hàm của bé, sẽ giúp giảm các cơn đau răng.

2. Tinh dầu hoa oải hương

Đây là loại tinh dầu rất phù hợp cho các bé dưới 6 tháng tuổi. Tinh dầu hoa oải hương vốn nổi tiếng là một vị thuốc an thần tự nhiên, có tính chất sát trùng và không gây độc hại cho bé.

Cách sử dụng: Bạn nên pha loãng tinh dầu hoa oải hương với các loại dầu nền, sau đó massage dọc theo đường xương hàm của bé.

Với các bé trên 6 tháng tuổi

Nếu bé trên 6 tháng tuổi và bị đau răng, bạn có thể sử dụng các loại tinh dầu sau:

1. Tinh dầu gừng

Tinh dầu gừng cần được pha loãng đúng cách, nếu không nó sẽ gây kích ứng. Loại tinh dầu này rất hiệu quả trong việc giảm đau, viêm khớpgiảm mệt mỏi.

Cách sử dụng: Bạn cần pha loãng tinh dầu gừng với dầu nền trước khi thoa lên nướu của bé.

2. Tinh dầu kinh giới

Tinh dầu kinh giới thường được sử dụng để giảm đau do thấp khớp hoặc đau cơ. Ngoài ra, loại tinh dầu này còn có tác dụng giúp bé giảm đau răng do mọc răng.

Cách sử dụng: Tất cả các loại tinh dầu đều cần phải được pha loãng trước khi sử dụng và tinh dầu kinh giới cũng vậy. Bạn cần pha loãng với dầu nền rồi mới massage nhẹ nhàng lên xương hàm của bé.  

Với trẻ trên 2 tuổi

Phần lớn các bé đều bắt đầu mọc răng từ 6 tháng tuổi cho đến khi bé được khoảng hai đến hai tuổi rưỡi. Nếu qua độ tuổi này mà bé vẫn còn mọc răng thì các cơn đau răng vẫn còn. Ở độ tuổi này, bạn có thể cho trẻ sử dụng tinh dầu Copaiba. Đây là loại tinh dầu giúp giảm đau do mọc răng rất tốt. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bạn vẫn phải pha loãng với dầu nền.

Những lưu ý khi sử dụng tinh dầu chữa đau răng cho bé

Cách chữa đau răng

Tinh dầu là chiết xuất đậm đặc từ thực vật, vì vậy trước khi dùng cho bé, bạn nên tìm hiểu kỹ về loại tinh dầu sắp sử dụng và xem xét nó có phù hợp với bé hay không. Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc đến tình trạng sức khỏe và các loại thuốc mà bé đang sử dụng. Dưới đây là những lưu ý bạn cần nhớ:

Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng

Bạn đừng bao giờ tự ý sử dụng bất cứ loại tinh dầu nào khi chưa có thông tin đầy đủ. Ngoài ra, để chắc chắn, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng cho bé.

Hiểu rõ những rủi ro trước khi sử dụng

Bạn phải tìm hiểu thật kỹ về những rủi ro có thể gặp phải khi áp dụng cách chữa đau răng cho bé bằng tinh dầu. Nguyên do là một số loại tinh dầu có thể khiến bé bị dị ứng. Do đó, tốt nhất bạn nên đọc kỹ các hướng dẫn trước khi dùng.

Pha loãng tinh dầu trước khi dùng

Như đã đề cập ở trên, tất cả các loại tinh dầu đều phải được pha loãng trước khi sử dụng. Trước khi thoa lên nướu và hàm của bé, bạn nên pha loãng với dầu nền.

Tinh dầu thường được chiết xuất từ thực vật, thảo mộc hoặc các loại hoa. Hiện nay, việc sử dụng các loại tinh dầu này rất phổ biến, tuy nhiên nếu muốn sử dụng cho bé, bạn vẫn nên tìm hiểu thật kỹ và hỏi bác sĩ trước khi dùng nhé.

Ngân Phạm/ HELLO BACSI

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Using Clove Oil to Relieve Teething Pain in Babies – Is It Safe? https://parenting.firstcry.com/articles/using-clove-oil-to-relieve-teething-pain-in-babies-is-it-safe/ Ngày truy cập: 25/2/2018

Soothing Essential Oils for Teething in Babies https://parenting.firstcry.com/articles/soothing-essential-oils-for-teething-baby/ Ngày truy cập: 25/2/2018

5 Essential Oils to use for Teething https://www.healthline.com/health/parenting/essential-oils-for-teething Ngày truy cập: 25/2/2018

Phiên bản hiện tại

02/12/2019

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 02/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo