Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có nguy cơ mắc suy hô hấp cấp tính cao hơn người lớn vì hệ hô hấp chưa hoàn thiện [1]. Với bé sinh mổ, mẹ càng cần đặc biệt quan tâm vì bé có nguy cơ gặp nhiều bất lợi về sức khỏe hơn so với bé sinh thường. Vậy nên ở những thời điểm mà dịch bệnh đường hô hấp dễ phát tán như lúc giao mùa, bố mẹ hoặc người chăm sóc trực tiếp nên chú ý đến cách bổ sung đề kháng, cải thiện miễn dịch để giúp trẻ có thể vượt qua khoảng thời gian nhạy cảm này.
Suy hô hấp là gì? Suy hô hấp ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?
Giao mùa là thời điểm nhiệt độ và độ ẩm hay có sự thay đổi. Trong đó, trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng. Các bé sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, khò khè, hen suyễn… cao hơn người lớn do đường thở ngoại vi nhỏ và hệ hô hấp, hệ miễn dịch còn đang phát triển. Việc mắc các bệnh lý này là nguyên phổ biến gây suy hô hấp ở trẻ nếu bố mẹ không cẩn thận [2], [3].
Suy hô hấp là hiện tượng trong máu không có đủ lượng oxy cần thiết hoặc có quá nhiều carbon dioxide, hoặc do cả 2 vấn đề trên xảy cùng lúc. Việc này có thể gây ảnh hưởng đến cơ, xương, dây thần kinh, các mô hỗ trợ hô hấp hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến cả phổi [4].
Suy hô hấp có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc diễn tiến chậm trong thời gian dài (mãn tính). Thông thường, suy hô hấp được chia thành 2 loại là [5], [24], [25]:
- Suy hô hấp loại 1 (suy hô hấp do giảm oxy trong máu): Xảy ra khi lượng oxy trong máu giảm, nguyên nhân là do những biến chứng liên quan đến tim và phổi, thường xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn.
- Suy hô hấp loại 2 (suy do hấp do tăng CO2 trong máu): Xảy ra khi lượng carbon dioxide (CO2) trong máu tăng lên quá nhiều, gây cản trở tế bào máu mang oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Ở trẻ nhỏ, việc bé bị viêm tiểu phế quản nặng (tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường gặp trong năm đầu đời) có thể dẫn tới suy hô hấp loại 2.
Mặc dù trên thực tế suy hô hấp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng hầu hết trường hợp suy hô hấp cấp ở trẻ em khi được điều trị kịp thời đều có thể hồi phục mà không để lại hậu quả gì quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, bố mẹ cũng đừng quá chủ quan, tốt nhất là nên phòng ngừa trước các bệnh liên quan đến hô hấp cho trẻ, nhất là trong những thời điểm giao mùa để tránh những biến chứng liên quan đến suy hô hấp [5].
Tại sao mẹ cần chú ý nhiều hơn trong việc bảo vệ bé sinh mổ khỏi nguy cơ suy hô hấp?
Trong thời điểm giao mùa, bé sinh mổ cần được lưu ý chăm sóc nhiều hơn để có thể phòng tránh nguy cơ suy hô hấp. Nguyên nhân là bởi:
- Bé sinh mổ có nguy cơ miễn dịch kém: Trẻ sinh mổ không được sinh qua ngã âm đạo của mẹ, cũng chính vì thế bé sẽ không có cơ hội tiếp xúc với hệ lợi khuẩn có mặt tại đây. Điều này dẫn tới vi sinh vật cư ngụ trong đường ruột trẻ thường là hại khuẩn có trong môi trường bệnh viện [6]. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hệ vi sinh đường ruột của bé sinh mổ có tỷ lệ hại khuẩn cao hơn 80% so với bé sinh thường [7]. Trong khi đó, hệ miễn dịch thường có mối liên hệ rất mật thiết với hệ vi sinh đường ruột, sự thiếu đa dạng trong hệ vi sinh vật tại nơi đây sẽ kéo theo sự xáo trộn về miễn dịch [6]. Nghiên cứu cho thấy, bé sinh mổ có nguy cơ miễn dịch kém 1,5 lần so với bé sinh thường. [8]
- Bé sinh mổ có nguy cơ gặp các vấn đề về hô hấp do còn tồn dịch phổi: Việc không phải chịu lực ép khi không đi qua ngã âm đạo còn khiến nước ối trong phổi trẻ không được đẩy sạch ra ngoài. Điều này khiến trẻ khi ra đời thường có sẵn nguy cơ khó thở, khò khè và dễ mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp hơn [9].
Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ sinh mổ có nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn so với trẻ sinh thường [6]. Ngoài ra, bé sinh mổ cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn 1,3 lần [10]. Chính vì những lý do trên nên mẹ sẽ cần chú ý nhiều hơn trong việc bảo vệ bé sinh mổ khỏi nguy cơ suy hô hấp trong thời điểm giao mùa.
Đâu là biện pháp để bảo vệ trẻ sinh mổ khỏi suy hô hấp?
Để ngăn các biến chứng suy hô hấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé, bố mẹ nên bắt đầu từ việc cải thiện miễn dịch bằng các biện pháp dưới đây, nhằm đảm bảo trẻ đủ sức đề kháng với những căn bệnh liên quan đến hô hấp.
Chăm sóc dinh dưỡng
Theo WHO, trẻ dưới 6 tháng tuổi nên được bú mẹ hoàn toàn vì trong sữa mẹ có các dưỡng chất cần thiết giúp bé cải thiện miễn dịch, bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật. Điều này đối với trẻ sinh mổ lại đặc biệt quan trọng hơn, do đó nếu có điều kiện mẹ nên cho bé bú đến 1-2 tuổi nếu có thể [11]. Các thành phần tiêu biểu trong sữa mẹ giúp tăng cường hệ miễn dịch là:
- HMO(Human milk oligosaccharides): Đại dưỡng chất với hàm lượng nhiều thứ ba trong sữa mẹ, chỉ sau chất béo và lactose. 5 HMOs chiếm hàm lượng nhiều nhất gồm 2’-FL, 3-FL, LNT, 3-SL, 6’SL. Trong đó, 2’- FL HMO là dưỡng chất được chứng minh lâm sàng giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng hô hấp ở trẻ đến 66% [12], ngăn ngừa mầm bệnh [13].
- Nucleotides: Dưỡng chất được chứng minh giúp tăng cường miễn dịch, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và hỗ trợ tăng sản xuất kháng thể nhiều hơn 86% sau 6 tháng tiêm vaccine (HIB) [14], [15], [16]
- Lợi khuẩn: Sữa mẹ là nguồn cung cấp lợi khuẩn ổn định, giúp bé tăng cường sức khỏe đường ruột [17]. Trong đó, Bifidobacteria là nhóm lợi khuẩn quan trọng đối với hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng [18].
Trường hợp mẹ không thể cho bé bú, mẹ có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế để tìm được giải pháp dinh dưỡng phù hợp cho bé. Mẹ nên ưu tiên nguồn dinh dưỡng đảm bảo các dưỡng chất như HMO, Nucleotides và lợi khuẩn Bifidobacterium để giúp con xây dựng và củng cố hệ miễn dịch vững vàng.
Tiêm vaccine theo lịch của Bộ y tế
Mẹ nên cho trẻ tiêm phòng từ sớm, đặc biệt là những bệnh liên quan đến hệ hô hấp như cúm, để phòng ngừa việc trẻ gặp những biến chứng nặng như suy hô hấp. Ngoài ra, đối với trẻ sinh mổ, việc này còn giúp mẹ yên tâm hơn khi vaccine có thể giúp trẻ xây dựng hệ miễn dịch chủ động để trẻ có nâng cao khả năng chống chọi với mầm bệnh [19], [20].
Bảo vệ chất lượng không khí
Các vi khuẩn, virus gây bệnh qua đường hô hấp thường tồn tại lâu ngoài môi trường và rất dễ lây lan qua các giọt bắn [21]. Do đó, mẹ nên cố thực hiện một số biện pháp để đảm bảo chất lượng không khí cũng như môi trường xung quanh như [19]:
- Tránh để bé tiếp xúc với khói bụi, thuốc lá hay những nơi đông người
- Cách ly bé khỏi người bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh
- Rửa tay thật sạch trước khi chạm vào bé hoặc cho bé ăn
Vệ sinh mũi và giữ ấm đường thở cho trẻ
Trong thời điểm giao mùa, mẹ cũng cần chú ý vệ sinh mũi hàng ngày cho con bằng nước muối sinh lý để giúp mũi thông thoáng hơn và bảo vệ hệ hô hấp khỏi sự tấn công của vi khuẩn và virus gây bệnh. Ngoài ra, để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, mẹ cũng nên chú ý cho bé mặc ấm, nhất là vùng ngực và vùng cổ để bảo vệ hệ hô hấp cho con [22], [23].
Chỉ cần lưu tâm một chút các vấn đề trong cách chăm sóc là mẹ đã có thể giúp bé sinh mổ xây dựng miễn dịch từ bên trong cho con và tránh gặp phải những biến chứng nặng như suy hô hấp khi mắc bệnh trong thời điểm giao mùa. Nếu trẻ có những triệu chứng bệnh kéo dài, đừng ngại ngần hỏi ý kiến bác sĩ để nhận được lời khuyên hữu ích, mẹ nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]