Tình trạng sặc sữa vào phổi thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gặp các vấn đề về nuốt. Bạn có thể hiểu đơn giản rằng đây là tình trạng mà chất lỏng (sữa) “đi nhầm” vào khí quản và xâm nhập đến phổi của bé. Trong hầu hết trường hợp, dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi đầu tiên dễ nhận biết nhất đó là trẻ bị sặc và ho khi bú hoặc uống sữa.
Phản ứng ho là một trong những cách giúp trẻ thông được đường thở. Tuy nhiên, nếu trẻ sặc sữa vào phổi thường xuyên có thể dẫn đến các vấn đề hô hấp, chẳng hạn như viêm phổi. Vì vậy, điều quan trọng là cần tìm ra nguyên nhân gốc rễ khiến trẻ dễ bị sặc khi bú hoặc ăn uống để chữa trị dứt điểm vấn đề này.
Tình trạng sặc sữa vào phổi xảy ra như thế nào?
Về cơ bản, đường hầu họng của một người được tách ra thành khí quản và thực quản. Thức ăn và chất lỏng thông qua thực quản sẽ đi xuống dạ dày. Trong khi đó, không khí sẽ đi vào khí quản và xuống phổi để hô hấp.
Một vạt mô nằm phía trên đỉnh của khí quản được gọi là nắp thanh quản. Nắp này đóng vai trò như một van để ngăn thức ăn và chất lỏng xâm nhập vào khí quản (đường thở chính) khi ăn uống. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ gặp các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến khả năng nuốt, gây rối loạn chức năng của các cơ trong cổ họng thì thức ăn, chất lỏng dễ “đi nhầm” vào khí quản và đến phổi.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì sữa là nguồn thức ăn chính. Do đó, nếu trẻ gặp các rối loạn về chức năng nuốt thì rất dễ bị sặc sữa vào phổi khi bú. Nếu trẻ chỉ bị sặc sữa với lượng ít thì có thể không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu trẻ sặc sữa thường xuyên hoặc sặc sữa với lượng nhiều thì đây là vấn đề rất nghiêm trọng và cần điều trị, xử lý khẩn cấp.
Nguyên nhân khiến trẻ bị sặc sữa vào phổi
Trước khi tìm hiểu chi tiết các dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi thì việc tìm nguyên nhân gốc rễ gây ra vấn đề này cũng quan trọng không kém. Đối với trẻ khỏe mạnh, tình trạng sặc sữa bình thường có thể do bạn cho bé bú sai cách, trẻ cười đùa khi bú hoặc do bình sữa có núm cao su lỗ to khiến sữa chảy nhiều làm bé dễ bị sặc khi bú.
Trường hợp sặc sữa lan vào phổi hoặc trẻ thường xuyên sặc sữa thì nguyên nhân có thể phức tạp hơn vì liên quan đến khả năng nuốt của bé. Các nguyên nhân cụ thể bao gồm:
- Trẻ gặp các vấn đề với miệng, lưỡi, vòm họng, thanh quản, cơ ở đầu thực quản… gây ra khó khăn cho việc nuốt sữa và thức ăn. Điều này thường xảy ra ở trẻ sinh non, trẻ chậm phát triển hoặc từng phẫu thuật (chẳng hạn như trẻ từng đặt ống thông mũi – dạ dày hoặc phẫu thuật mở khí quản).
- Trẻ gặp các vấn đề về giải phẫu gây rối loạn chức năng nuốt và khiến thức ăn/ chất lỏng dễ đi vào khí quản và phổi, bao gồm khe hở thanh quản, mềm sụn thanh quản, liệt dây thanh quản, teo thực quản hoặc rò thực quản và khí quản.
- Một số rối loạn thần kinh, chẳng hạn như bại não, teo cơ tủy… cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng nuốt của trẻ.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng góp phần gây ra tình trạng sặc sữa ở trẻ.
Dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi
Các triệu chứng, dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi có thể xảy ra trong khi hoặc sau khi trẻ bú/ uống sữa. Các dấu hiệu giúp bạn nhận biết bao gồm:
- Trẻ sơ sinh bú với lực yếu
- Ho hoặc nghẹn khi bú/ uống sữa
- Thở khò khè, thở rít, khó thở
- Thở nhanh, gấp hơn hoặc nghẹt thở khi bú
- Nôn khi bú hoặc uống sữa
- Trẻ vặn người khi bú sữa
- Sốt nhẹ sau khi bú
Các dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi còn thể hiện qua đặc điểm bên ngoài của trẻ bao gồm da hơi xanh, đỏ quanh mắt, chảy nước mắt, nhăn mặt khi bú… Điều này cho thấy trẻ rất khó chịu và bạn sẽ gặp khó khăn khi cho bé bú. Đối với trẻ lớn hơn, dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi còn thể hiện qua việc giọng nói của trẻ thay đổi.
Trẻ bị sặc sữa vào phổi đôi khi cũng không có triệu chứng gì cụ thể. Thế nhưng, nếu tình trạng nghiêm trọng thì hậu quả là gây nhiễm trùng phổi, trẻ thường bị viêm phổi tái đi tái lại (do chất lỏng tích tụ trong phổi), suy dinh dưỡng và kém tăng trưởng. Một số trường hợp đáng tiếc hơn có thể gây tử vong.
Có thể bạn quan tâm: Dấu hiệu trẻ bị viêm phổi là gì? Những lưu ý cần biết khi chăm sóc trẻ
Sặc sữa vào phổi ở trẻ được chẩn đoán bằng phương pháp nào?
Nếu phát hiện các dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi thì bạn cần sớm đưa con đi khám. Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử của trẻ và cách bạn cho trẻ bú hoặc ăn uống. Trẻ cũng cần thực hiện một số xét nghiệm để xác định có sữa, chất lỏng hoặc thức ăn trong phổi hay không. Các phương pháp kiểm tra thường bao gồm:
- Chụp X-quang hoặc chụp CT ngực
- Nội soi thanh quản
- Chụp X-quang đường tiêu hóa có thuốc cản quang barium.
Phương pháp điều trị, ngăn chặn tình trạng sặc sữa vào phổi ở trẻ
Nếu trẻ thường xuyên bị sặc sữa và bạn nghi ngờ có dấu hiệu trẻ bị sặc sữa vào phổi thì cần đưa con đi khám để được điều trị, xử lý kịp thời. Tùy thuộc vào nguyên nhân, việc chữa trị dứt điểm và ngăn chặn tình trạng sặc sữa/ thức ăn lan vào phổi sẽ được thực hiện bởi các phương pháp khác nhau:
- Nếu trẻ bị trào ngược dạ dày hoặc mắc bệnh lý gây rối loạn chức năng nuốt sẽ cần được điều trị đúng bệnh để khắc phục vấn đề hiệu quả.
- Nếu phát hiện các bất thường ở đường thở hoặc thực quản là nguyên nhân khiến chất lỏng hoặc thức ăn “đi nhầm” vào đường thở, trẻ có thể cần được phẫu thuật để có khả năng nuốt bình thường.
- Trong một vài trường hợp hiếm hoi trẻ không thể tự nuốt sẽ cần đặt ống thông mũi dạ dày để cung cấp thức ăn, chất lỏng cho trẻ một cách an toàn. Đây thường là giải pháp tạm thời khi bác sĩ đang cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng của bé.
- Song song đó, với trẻ bú bình, để ngăn ngừa nguy cơ sặc sữa thì mẹ cũng nên lưu ý một số vấn đề như cho trẻ dùng núm vú có kích cỡ phù hợp và không nên cho trẻ uống sữa quá loãng. Nếu trẻ bú mẹ thì cần thay đổi tư thế cho bú thích hợp hơn, đặc biệt là cần hạn chế nằm khi cho con bú và tránh vui đùa khi bé đang bú/ uống sữa.
[embed-health-tool-vaccination-tool]