Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em thường khiến bé cảm thấy khó chịu với các triệu chứng như da khô, ngứa và viêm [1]. Làm sao bạn có thể giúp bé khắc phục các triệu chứng tại nhà? Hãy cùng tìm hiểu bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em cũng như cách khắc phục tại nhà cho bé yêu trong bài viết bên dưới nhé!
Viêm da cơ địa ở trẻ em là gì?
Viêm da cơ địa (hay còn gọi là chàm sữa) là bệnh lý biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính [2]. Đây là bệnh về da thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở các lứa tuổi khác. Bệnh có xu hướng tái phát định kỳ ở một thời điểm nhất định nào đó, có thể gây khó chịu nhưng thường không lây nhiễm. Bên cạnh đó, bé bị viêm da cơ địa cũng thường có nguy cơ dị ứng thực phẩm, viêm mũi dị ứng và hen suyễn [1].
Hiện nay, tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ em vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, việc điều trị đúng cách cũng như cách sinh hoạt và chăm sóc tại nhà phù hợp có thể giúp giảm ngứa và kiểm soát tốt tình trạng này [3].
Triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ em
Các triệu chứng viêm da cơ địa có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể và thay đổi khác nhau tùy từng bé [2]. Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng thường ảnh hưởng đến mặt, cổ, da đầu, khuỷu tay và đầu gối. Với các bé lớn, vùng da chỗ gập khuỷu tay, chỗ gập đầu gối, hai bên cổ, quanh miệng, cổ tay, mắt cá chân và bàn tay là những vị trí dễ bị ảnh hưởng [3].
Về biểu hiện viêm da cơ địa, trẻ có thể gặp phải các biểu hiện nhẹ như như da nổi mẩn đỏ, ngứa, hoặc bong tróc. Một số trường hợp nặng hơn, bé có thể có các biểu hiện như:
- Da khô, bong vảy
- Ngứa dữ dội
- Xuất hiện các mảng da đỏ ranh giới không rõ
- Xuất hiện những vết sưng nhỏ, nổi lên có thể đóng vảy và rỉ dịch nếu bị trầy xước
- Xuất hiện vết sưng tấy ở mặt, cánh tay và đùi
- Vùng da ở mí mắt hoặc xung quanh mắt bị sẫm màu
- Vùng da quanh miệng, mắt hoặc tai có sự thay đổi
Bệnh viêm da cơ địa thường phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi và một số trường hợp có thể tiếp tục tái phát khi trẻ ở độ tuổi thiếu niên hoặc đã trưởng thành. Ở một số trẻ, viêm da cơ địa bùng phát định kỳ và có thể biến mất trong một khoảng thời gian dài, thậm chí là vài năm sau đó lại xuất hiện trở lại [2].
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở trẻ em
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở trẻ em vẫn chưa được biết chính xác [3]. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, tình trạng viêm da cơ địa thể nhẹ với các biểu hiện như da đỏ, ngứa, bong tróc có thể là một trong những biểu hiện thường gặp cho thấy trẻ có cơ địa mẫn cảm.
Theo Viện Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng Châu Âu, mẫn cảm là tình trạng xuất hiện các triệu chứng hoặc dấu hiệu lặp lại, bắt đầu bằng việc tiếp xúc với một tác nhân kích thích ở liều lượng mà người bình thường có thể dung nạp được. Các triệu chứng mẫn cảm thường gặp là viêm da cơ địa, chàm; các biểu hiện về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón; các biểu hiện về hô hấp như hen suyễn, viêm mũi dị ứng… [4].
Tất cả trẻ nhỏ đều có nguy cơ gặp phải các triệu chứng mẫn cảm. Tuy nhiên, nguy cơ trẻ bị mẫn cảm sẽ tăng lên nếu ba hoặc mẹ từng ghi nhận dị ứng. Ngoài ra, các yếu tố môi trường cũng có thể làm tăng nguy cơ bé gặp phải tình trạng này như mẹ hút thuốc khi mang thai, bé bị nhiễm trùng đường tiêu hóa; bé tiếp xúc với chất gây ô nhiễm, dị nguyên từ môi trường, chẳng hạn như các chất gây mẫn cảm có trong sữa [4], [5], [6].
Ngoài nguyên nhân liên quan đến cơ địa mẫn cảm, trẻ bị viêm da dị ứng còn có thể là do các yếu tố như thời tiết lạnh, bạn cho bé tắm nước nóng khiến da bé khô và thiếu độ ẩm hoặc do bé tiếp xúc với hóa chất tạo mùi hương, chất tẩy rửa mạnh hoặc các chất gây dị ứng trong nhà như bụi bẩn, lông vật nuôi…. [3].
Cách khắc phục viêm da cơ địa tại nhà cho bé
-
Chăm sóc dinh dưỡng
Viêm da cơ địa thể nhẹ là một trong những biểu hiện thường gặp cho thấy trẻ đang gặp phải tình trạng mẫn cảm [4]. Do đó, nếu thấy bé hay bị viêm da cơ địa, bạn nên nghĩ đến nguyên nhân này và đưa bé đi khám để có hướng can thiệp phù hợp.
Với bé có cơ địa mẫn cảm, việc chăm sóc dinh dưỡng sẽ đóng vai rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời. Bởi đây là một trong những biện pháp trực tiếp giúp hỗ trợ phòng ngừa các triệu chứng mẫn cảm từ bên trong. Nghiên cứu cho thấy, nuôi con bằng sữa mẹ là biện pháp quan trọng giúp hỗ trợ trẻ có cơ địa mẫn cảm. Cụ thể, việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp giảm tần suất viêm da dị ứng; giảm khởi phát sớm những cơn khò khè và giảm tần suất dị ứng sữa bò [7].
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), mẹ nên cho bé bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bé bú đến khi 2 tuổi hoặc lâu hơn [8]. Sau giai đoạn bú mẹ, sữa vẫn là là nguồn dinh dưỡng quan trọng đối với bé. Do đó, việc chọn đúng loại phù hợp cho bé có cơ địa mẫn cảm là điều mẹ cần quan tâm hàng đầu.
2. Dưỡng ẩm đều đặn cho da
Bôi kem dưỡng ẩm rất cần thiết cho bé bởi việc này vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát [2]. Bạn hãy thoa kem dưỡng ẩm hoặc thuốc mỡ dưỡng ẩm không mùi thơm cho bé hai lần một ngày hoặc thoa thường xuyên khi cần thiết để giúp bé giảm ngứa [9].
3. Sử dụng thuốc
Bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê toa đã được bác sĩ chỉ định dùng chữa viêm da cơ địa ở trẻ em tại nhà: [9]
- Corticosteroid tại chỗ: Corticosteroid tại chỗ có nhiều dạng, bao gồm thuốc mỡ, kem, thuốc xịt và thuốc bôi. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ da liễu để xác định loại corticosteroid tốt nhất cho bé và thoa ngay sau khi tắm cho bé, trước khi thoa kem dưỡng ẩm. Vì trẻ nhỏ nhạy cảm với corticosteroid hơn người lớn nên hãy làm theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, thời gian và tần suất điều trị để tránh tác dụng phụ.
- Thuốc chống ngứa dạng uống: Một số loại thuốc chống dị ứng không cần kê toa (thuốc kháng histamine) có thể sử dụng để chống ngứa [2].
Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh bôi hoặc uống để chống nhiễm tụ cầu [2]. Tuy nhiên, cần lưu ý là bạn tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hoặc kem bôi (kể cả thuốc không cần kê toa) cho bé mà phải có chỉ định cụ thể của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng, thời gian sử dụng. Một số loại thuốc cũng có thể không phù hợp với độ tuổi của bé nên bạn cũng cần cho bác sĩ biết độ tuổi của con trước khi nhận thuốc chữa cho con tại nhà.
4. Hạn chế để bé gãi ngứa gây trầy xước [2]
Tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ em có thể khiến bé cảm thấy ngứa ngáy. Nếu bé gãi ngứa thì sẽ làm tăng tình trạng trầy xước da. Vì thế, bạn có thể giúp bé hạn chế gãi ngứa bằng những cách khắc phục dưới đây:
- Cắt ngắn móng tay của bé: Bạn nên cắt ngắn móng tay của bé thường xuyên và đeo bao tay vào buổi tối để tránh bé làm tổn thương da do gãi khi ngứa.
- Băng vùng da bị ảnh hưởng: Bạn có thể băng vùng da bé tổn thương lại để giúp bảo vệ da bé và chống trầy xước.
5. Tắm cho bé đúng cách
Tắm giúp loại bỏ bụi bẩn và các chất gây kích ứng ra khỏi da bé. Khi tắm cho bé, hãy dùng nước ấm và chỉ dùng các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, không có mùi thơm. Tránh chà xát da của bé và chỉ tắm cho bé từ 5 đến 10 phút [9].
Bạn cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay nếu tình trạng viêm da cơ địa khiến bé khó chịu, ảnh hưởng lớn tới giấc ngủ và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Bạn cũng không nên chủ quan khi thấy da bé bị nhiễm trùng, xuất hiện vệt đỏ, mủ, vảy màu vàng [1].
Ngoài ra, bạn cũng cần đưa bé đến gặp bác sĩ nếu đã thử nhiều biện pháp khắc phục tại nhà nhưng tình trạng viêm da cơ địa của bé vẫn không có xu hướng cải thiện.
Viêm da cơ địa là tình trạng thường thấy ở trẻ nhỏ và là biểu hiện hiện thường gặp của tình trạng mẫn cảm. Do đó, khi con gặp phải tình trạng này, mẹ nên nghĩ đến nguyên nhân này để có hướng phòng ngừa cũng như khắc phục phù hợp.
[embed-health-tool-vaccination-tool]