Hầu hết em bé bị hăm cổ là điều bình thường do làn da trẻ vẫn còn mỏng manh, nhạy cảm. Thêm vào đó là phần cổ của trẻ sơ sinh có các nếp gấp khiến nước dãi, mồ hôi hoặc giọt sữa dễ đọng lại và gây kích ứng.
Thực tế là có nhiều nguyên nhân khiến cổ bé bị hăm nhưng các triệu chứng hầu như khá giống nhau. Mẹ có thể nhận thấy phần da cổ em bé đỏ lên, có các nốt mụn gây sần sùi, đóng vảy, ngứa và có thể đau. Mặc dù hăm cổ không nguy hiểm nhưng sẽ khiến em bé rất khó chịu, quấy khóc và có thể bỏ bú nếu tình trạng hăm cổ chuyển sang viêm loét, đau đớn. Vì vậy, nếu chưa biết nên làm thế nào, bạn có thể tham khảo cách xử lý hăm cổ ở trẻ hiệu quả mà Hello Bacsi tổng hợp trong bài viết sau.
Nguyên nhân nào khiến bé bị hăm cổ?
Để điều trị hăm cổ hiệu quả, việc tìm hiểu các nguyên nhân khiến bé bị hăm cổ là điều cần thiết. Sau đây là một số nguyên nhân chính gây hăm cổ ở trẻ mà bạn cần lưu ý:
Bé bị hăm cổ do rôm sảy
Rôm sảy là tình trạng phát ban do nhiệt độ cao nên thường phổ biến vào mùa hè. Phát ban nhiệt xảy ra khi mồ hôi tích tụ bên dưới da và gây tắc tuyến mồ hôi. Sự tắc nghẽn này sẽ khiến da bị viêm và dẫn đến sự xuất hiện của các nốt nhỏ màu hồng hoặc đỏ trên da trẻ. Các vết ban này thường được tìm thấy ở các vùng da ấm nóng và dễ đổ mồ hôi, chẳng hạn như cổ, nách và mông bé khi quấn tã.
Nước dãi hoặc sữa đọng ở cổ là “thủ phạm” khiến bé bị hăm cổ
Trẻ nhỏ thường chảy nước dãi rất nhiều, đặc biệt là khi bé sắp mọc răng. Nước dãi sẽ chảy xuống cằm, cổ và ngực của bé gây ẩm ướt. Bên cạnh đó, quá trình cho bú cũng không tránh khỏi tình trạng sữa chảy trào ra ngoài miệng bé, các giọt sữa có thể chảy xuống cằm và đọng lại ở phần cổ.
Thế nhưng, vì cổ của em bé có nhiều nếp nên đôi khi bạn không để ý và làm sạch đúng cách. Do đó, nước dãi hoặc sữa còn tồn đọng ở cổ của bé tiếp tục gây ẩm ướt và dẫn đến kích ứng. Có thể nói, tình trạng ẩm ướt trên da do nước dãi hoặc các giọt sữa thừa là nguyên nhân phổ biến khiến bé bị hăm cổ. Làn da bị hăm thường biểu hiện qua một số triệu chứng như phát ban, da đỏ, sần sùi, ngứa ngáy.
Bé bị hăm ở cổ do nhiễm nấm
Một số loại nấm, chẳng hạn như nấm candida, thường phát triển ở những khu vực ẩm ướt trên cơ thể. Vì vậy, nếu vùng da cổ của trẻ thường xuyên ẩm ướt do nước dãi, các giọt sữa thừa hoặc mồ hôi thì có thể tạo điều kiện để nấm phát triển. Việc nhiễm nấm thường khiến tình trạng hăm cổ trở nên nghiêm trọng hơn, gây mẩn đỏ, nhạy cảm ở vùng da bị ảnh hưởng.
Kích ứng do do ma sát, bít tắc da
Như đã đề cập, phần cổ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có nhiều nếp gấp. Các nếp gấp da này có thể cọ xát với nhau hoặc cọ xát với quần áo, yếm cổ… Đôi khi, điều này có thể gây kích ứng da và khiến bé bị hăm cổ. Ngoài ra, một số trường hợp bé bị hăm ở cổ có thể do mẹ bôi phấn rôm gây bít tắc cho da của bé.
Hăm cổ ở trẻ được điều trị, chăm sóc như thế nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây hăm cổ là gì mà các hướng xử lý có thể khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp bé bị hăm cổ đều có thể được điều trị, chăm sóc tại nhà. Sau đây là một số thông tin về cách xử lý tình trạng hăm cổ ở trẻ nhỏ mà bạn có thể quan tâm:
Làm sạch và làm dịu da vùng cổ của bé
Nếu bé bị hăm cổ, bạn nên rửa nhẹ vùng da bị hăm bằng nước ấm 2 lần một ngày. Sau khi rửa, bạn dùng khăn mềm lau khô da cho bé một cách nhẹ nhàng. Lưu ý là ba mẹ cần tránh lau bằng khăn thô ráp và chà xát mạnh vùng da bị hăm. Đồng thời, không nên dùng thêm bất kỳ loại xà phòng nào để rửa khu vực hăm cổ.
Sau khi làm vệ sinh cho trẻ, bạn cần đảm bảo da của bé luôn khô ráo. Sau đó là bôi thuốc mỡ dành cho trẻ em để làm dịu làn da bị kích ứng và giúp tình trạng hăm cổ nhanh khỏi.
Xử lý hăm cổ do nhiễm nấm
Bé bị hăm cổ do nhiễm nấm có thể không tự khỏi nếu chỉ chăm sóc tại nhà. Cách tốt nhất là bạn nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị nấm phù hợp. Hầu trẻ em nhiễm nấm đều có khả năng dung nạp thuốc tốt nên bạn đừng quá lo lắng.
Xử lý hăm cổ do rôm sảy
Bé bị hăm cổ do rôm sảy thường không nguy hiểm nhưng cảm giác châm chích, ngứa ngáy sẽ gây khó chịu. Để xoa dịu tình trạng này, bạn nên cho trẻ tắm nước mát và mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt. Bạn cũng nên cho trẻ ở phòng điều hòa hoặc nơi mát mẻ để giảm bớt cảm giác khó chịu do rôm sảy.
Có thể bạn quan tâm: Trẻ bị hăm tã: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Mách bạn mẹo giúp phòng ngừa hăm cổ ở trẻ
Bé bị hăm cổ thường ít khi do bệnh lý mà là do thói quen vệ sinh, chăm sóc trẻ. Vì vậy, lưu ý đến các mẹo phòng ngừa sau đây sẽ giúp trẻ hạn chế nguy cơ kích ứng, phát ban ở vùng cổ:
- Bạn nên thường xuyên vệ sinh vùng da dưới cổ của bé, chú ý làm sạch các nếp gấp còn đọng sữa hoặc nước dãi và đảm bảo vùng da này luôn khô ráo.
- Tránh tắm cho bé quá nhiều vì có thể làm da bé khô. Đồng thời, khi tắm bạn chỉ nên cho trẻ dùng sữa tắm dịu nhẹ, không chứa hương liệu. Mẹ cũng cần nhớ luôn lau khô các nếp gấp của trẻ sau khi tắm.
- Đảm bảo nhà ở và phòng ngủ của bé thông thoáng, nhiệt độ mát mẻ, đặc biệt là trong mùa hè để hạn chế rôm sảy
- Không nên cho bé mặc nhiều lớp quần áo hoặc đắp chăn mền dày khi ngủ
- Khi giặt quần áo, yếm, khăn sữa, khăn tắm, drap trải giường… hoặc bất kỳ đồ bằng vải nào của em bé, bạn cũng nên dùng nước giặt xả dịu nhẹ, tốt nhất là không mùi để bảo vệ làn da của bé tốt nhất.
Nhìn chung, bé bị hăm cổ chủ yếu là do vùng da này hay ẩm ướt bởi nước dãi, sữa… dẫn đến kích ứng. Do đó, điều quan trọng nhất là mẹ nên chú ý thường xuyên lau sạch nước dãi, các giọt sữa dư thừa đọng ở nếp gấp trên cổ bé nhằm đảm bảo khu vực này luôn khô ráo, sạch sẽ. Nếu trẻ chảy nhiều nước dãi, mẹ nên cho con đeo yếm và hạn chế cho bé dùng núm vú giả để cải thiện vấn đề này.
[embed-health-tool-vaccination-tool]