Thủy đậu là một bệnh nhiễm siêu vi do virus varicella-zoster gây ra. Triệu chứng của bệnh giống như cúm (mệt mỏi, sốt, nhức đầu, chán ăn…) và đặc biệt là nổi nhiều ban đỏ gây ngứa ngáy. Bệnh thủy đậu sẽ tự hết trong vòng hai tuần mà không cần tới các phương pháp điều trị. Có chăng, người bệnh chỉ cần áp dụng các cách giảm ngứa khi bị thủy đậu.
Thủy đậu thường gặp nhất ở trẻ em. Nếu chẳng may con bạn mắc phải căn bệnh này, hãy áp dụng một số cách giảm ngứa khi bị thủy đậu để giảm bớt cảm giác khó chịu do các triệu chứng gây nên.
7 cách giảm ngứa khi bị thủy đậu
- Thoa kem dưỡng da calamine
Kem dưỡng da calamine giúp giảm ngứa rất hiệu quả. Nó có chứa các đặc tính làm dịu da, bao gồm cả oxit kẽm.
Bạn dùng ngón tay hoặc tăm bông sạch, thoa hoặc phết kem dưỡng da calamine lên vùng da bị ngứa. Lưu ý rằng không nên sử dụng kem xung quanh vùng mắt.
- Ngậm kẹo không đường
Có khá nhiều nốt ban thủy đậu mọc trong miệng bé, gây đau và ngứa rát. Khuyến khích trẻ mút những viên kẹo không đường là cách tốt để làm dịu vết loét miệng.
- Tắm với bột yến mạch
Tắm với bột yến mạch có tác dụng làm dịu và giảm ngứa cho người bệnh thủy đậu. Đừng nghĩ bị thủy đậu thì phải kiêng tắm. Ngược lại, vệ sinh cá nhân sạch sẽ còn ngăn ngừa lây bệnh từ vùng da này sang vùng da khác.
Bên cạnh việc mua sữa tắm bột yến mạch tại hầu hết các nhà thuốc, bạn cũng có thể tự pha dung dịch tắm với bột yến mạch bằng cách:
- Lấy khoảng 1/2 cốc bột yến mạch rồi tán nhỏ cho đến khi thật mịn
- Dùng vải sạch bọc bột yến mạch, sau đó buộc chặt để bột không rơi ra
- Cho nước vào đầy bồn tắm/chậu tắm, đảm bảo nhiệt độ thích hợp, không quá lạnh hay nóng
- Đặt túi yến mạch vào bồn/chậu rồi ngâm trong vài phút. Bột yến mạch sẽ hòa trong nước tạo thành thứ chất lỏng như sữa giúp làm dịu ngứa
- Tắm cho trẻ ngay khi bột yến mạch đã tan. Trong lúc tắm, có thể dùng túi bột này massage nhẹ nhàng lên các nốt ngứa
- Dùng khăn bông mềm thấm khô. Lưu ý không chà xát để tránh làm tổn thương làn da đang ngứa của bé
Ngoài tắm, bạn cũng có thể thoa kem yến mạch lên da bé, mục đích là làm dịu và giữ ẩm cho các mụn nước thủy đậu.
- Mang bao tay để chống trầy xước
Nhiều trẻ không chịu được ngứa mà thường đưa tay lên gãi vết phồng rộp. Hành động này không chỉ vô tác dụng với cơn ngứa mà còn dễ khiến da bé bị nhiễm trùng.
Để ngăn chặn sự cám dỗ từ những ngón tay vào ban đêm hoặc trong lúc bé ngủ trưa, hãy mang bao tay cho bé. Đồng thời, đừng quên cắt móng tay để tránh làm tình trạng trầy xước trầm trọng thêm.
- Tắm với baking soda
Một lựa chọn giảm ngứa khác là thêm baking soda vào chậu nước tắm. Bạn chỉ cần thêm một cốc baking soda vào bồn nước ấm, ngâm trong 15 đến 20 phút rồi tắm cho bé. Cách này có thể áp dụng nhiều lần trong ngày nếu bạn thấy hiệu quả.
- Sử dụng trà hoa cúc
Trà hoa cúc sẽ phát huy công dụng làm dịu vùng ngứa do bị thủy đậu. Hoa cúc có tác dụng sát trùng và chống viêm, rất đáng tin cậy khi áp dụng cho làn da thủy đậu.
Bạn đặt hai đến ba túi trà hoa cúc trong bồn nước ấm. Sau đó, tắm và massage cho bé nhẹ nhàng. Dùng khăn mềm thấm khô.
- Dùng thuốc giảm đau đã được phê duyệt
Nếu mụn nước thủy đậu của con bạn khiến bé đau đớn không dứt, hoặc nếu bé bị sốt cao mà không có dấu hiệu hạ, hãy cho bé uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Điều quan trọng là không cho trẻ em hoặc thiếu niên dùng aspirin, vì loại thuốc này khiến bé có nguy cơ cao mắc hội chứng Reye khi dùng trong thời kỳ bị thủy đậu. Thay vào đó, một số thuốc như acetaminophen (Tylenol) sẽ giúp giảm các triệu chứng đau, lại không gây hại cho trẻ. Tránh dùng ibuprofen nếu được, vì sử dụng nó trong khi bị nhiễm thủy đậu có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng da nghiêm trọng.
Chế độ ăn cho người bị thủy đậu
Bên cạnh các biện pháp nhằm làm giảm triệu chứng khó chịu, người bệnh thủy đậu còn cần tuân thủ một chế độ ăn hợp lý. Có như vậy, tình trạng bệnh mới không nặng thêm. Chế độ ăn uống lý tưởng cho người bệnh thủy đậu gồm có:
- Ăn thực phẩm chống virus
Bệnh thủy đậu do virus gây ra. Thế nên, việc tăng cường các loại thực phẩm chống virus như tỏi và các loại gia vị (như nghệ, quế, hồi…) là cực kỳ cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung vitamin C (một loại thuốc kháng virus mạnh) và các giọt kẽm bằng cách pha chúng vào thức uống.
Tuy nhiên, còn cần xem xét loại virus là nguồn cơn của thủy đậu. Đó là một loại virus herpes (liên quan đến vết loét và bệnh zona) có tên gọi varicella-zoster. Một số loại thực phẩm “thân thiện” với virus herpes, trong khi số khác “không thân thiện” với nó.
Virus herpes phát triển mạnh khi có nồng độ axit amin arginine cao trong máu. Ngược lại, virus này sẽ bị khống chế bởi một loại axit amin khác là lysine. Để tấn công virus, chúng ta cần ăn những thực phẩm có chứa nhiều lysine và tránh thức ăn giàu arginine. Các thực phẩm nhiều lysine là:
- Sữa chua
- Cá: Cá có chứa omega-3 tác dụng chống viêm
- Các loại thịt: thịt bò, thịt cừu, thịt gà
- Phô mai và sữa tươi
- Trái cây: xoài, mơ, anh đào, bơ, đu đủ, táo, lê, quả sung và dứa
Thực phẩm giàu arginine mà bạn cần tránh khi bị thủy đậu bao gồm:
- Các loại hạt và hạt giống: Những thứ này chứa tỷ lệ arginine rất cao
- Các loại ngũ cốc (trong đó có lúa mì, yến mạch, gạo)
- Đậu hũ
- Trái cây: nho, quả mâm xôi, quả việt quất, bưởi và cam
- Caffeine (trà đặc, cà-phê)
- Sô cô la
- Hành và tỏi: Nếu chỉ ăn một lượng nhỏ thì không có vấn đề gì
- Giữ nước cho cơ thể
Đôi khi thủy đậu đi kèm với sốt. Vì vậy, điều quan trọng là phải giữ nước cho người bệnh. Hãy luôn đảm bảo họ uống đủ nước. Không nhất thiết phải uống nước lọc, có thể bổ sung nước từ nhiều nguồn: súp, canh, nước dừa, nước ép trái cây tươi…
- Giảm histamine
Các đốm thủy đậu gây ngứa và nếu bị trầy xước, chúng có thể dẫn tới nhiễm trùng. Ngoài thuốc kháng histamine, bạn có thể sử dụng thực phẩm có tác dụng chống histamine. Nhóm này bao gồm các loại thực phẩm giàu vitamin C như cải xoăn, bông cải xanh, ớt, đu đủ, kiwi và dâu tây. Quercetin, được tìm thấy trong cải xoăn, táo, rau bó xôi, cải xoong và hành tây cũng hoạt động như một chất kháng histamine.
- Chú ý đến sức khỏe làn da
Lưu ý cuối cùng trong chế độ ăn dành cho người bệnh thủy đậu là tăng cường các chất dinh dưỡng để hỗ trợ sức khỏe của da, đồng thời ngăn ngừa sẹo khi các nốt ban đã đóng vảy. Bạn nên ăn trái cây và rau có màu sắc rực rỡ (giàu vitamin A, C và E), thịt bò và thịt cừu, rau bó xôi, nấm và măng tây (giàu kẽm), dầu ô liu, bơ và cá có dầu (giàu chất béo lành mạnh).
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Trong khi hầu hết các trường hợp, thủy đậu sẽ khỏi dần theo thời gian. Có một số trường hợp bạn nên đưa người bệnh đến bác sĩ, chẳng hạn như:
- Nếu con bạn dưới 1 tuổi
- Nếu con bạn có tiền sử hệ thống miễn dịch yếu hoặc bị suy giảm miễn dịch do bệnh mãn tính hoặc ung thư
- Nếu con bạn bị sốt cao hơn 39°C, sốt kéo dài hơn 4 ngày hoặc hết trong hơn 24 giờ và sau đó quay trở lại
- Nếu con bạn bị cứng cổ, nhầm lẫn, khó thở hoặc các nốt phát ban chảy máu
Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cân nhắc cho người bệnh dùng các loại thuốc kháng virus để ngăn ngừa biến chứng do thủy đậu gây ra.
[embed-health-tool-vaccination-tool]