Sau khi chào đời, trẻ sơ sinh phải “đối mặt” với nhiều tác nhân có hại ngoài môi trường và thường dễ nhiễm bệnh do vi khuẩn, virus… gây ra. Vì vậy, nhiều cha mẹ thắc mắc rằng các dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh cảnh báo bé đang bị bệnh hoặc gặp các vấn đề sức khỏe là gì?
Có thể nói, đây là những thông tin rất quan trọng và cần thiết khi nuôi con trong năm đầu đời. Vì em bé của bạn vẫn chưa thể nói chuyện được nên việc chú ý đến các triệu chứng, hành vi của trẻ sẽ giúp bạn sớm phát hiện vấn đề và đưa con đi khám kịp thời. Sau đây là những dấu hiệu phổ biến cho thấy em bé của bạn đang không khỏe và cần được chăm sóc hay điều trị y tế đúng cách.
Trẻ cáu kỉnh và khóc dai dẳng
Tất cả trẻ sơ sinh đều khóc để truyền đạt nhu cầu của bé đến ba mẹ, chẳng hạn như trẻ đói muốn bú mẹ, buồn ngủ, tã bẩn cần được thay… Thông thường, đối với những nhu cầu cơ bản của trẻ thì bạn có thể đáp ứng dễ dàng và xoa dịu các vấn đề bé đang gặp phải. Tuy nhiên, nếu bé liên tục quấy khóc, khó dỗ (dù đã giải quyết những nhu cầu cơ bản như cho bú, thay tã …) cáu kỉnh hoặc có tiếng khóc bất thường như khóc thét, kéo dài hoặc yếu ớt… thì lúc này trẻ có thể đang gặp các vấn đề sức khỏe, thậm chí là đang cảm thấy đau đớn. Vì vậy, bạn không nên chủ quan mà cần sớm đưa trẻ đi khám.
Sốt, co giật là những dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh cần lưu ý
Nhiệt độ cơ thể trẻ trên 38 độ C là dấu hiệu cho biết trẻ đang bị sốt. Sốt là phản ứng có lợi từ cơ thể báo hiệu sự xâm nhập bất thường của các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, sốt được xem là một trong những dấu hiệu bất thường cần được chú ý ở trẻ sơ sinh bởi vì có thể cảnh báo trẻ đang bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Đặc biệt là đối với trẻ dưới 3 tháng, nếu bé sốt cao thì bạn nên đưa con đến bệnh viện chứ không được tự ý cho con dùng thuốc hạ sốt tại nhà nếu không rõ liều lượng và loại thuốc an toàn.
Ở giai đoạn sơ sinh, co giật được xem như dấu hiệu nguy hiểm cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Co giật có thể kèm theo các triệu chứng như sốt, tím tái, thở mệt … Triệu chứng co giật có thể liên quan đến viêm màng não, động kinh, hạ đường huyết hay rối loạn điện giải.
Trẻ buồn ngủ, thờ ơ và ít phản ứng
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều hoặc buồn ngủ sau khi bú là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ buồn ngủ quá mức, ngủ lâu hơn bình thường, khó đánh thức trẻ dậy bú, trẻ ít hoặc không có năng lượng, không tỉnh táo, không phản ứng với âm thanh hoặc kích thích thị giác thì đây có thể là những dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh cảnh báo trẻ bị nhiễm trùng hoặc có lượng đường trong máu thấp. Thông thường, trong khoảng 1 tháng sau sinh, trẻ nên được gọi dậy cho bú sau 3 đến 4 giờ ngủ. Bạn không nên để trẻ ngủ quá lâu, sẽ tăng nguy cơ hạ đường huyết, gây co giật. Bởi vì trẻ sơ sinh đôi khi chưa nhận thức được giờ bú và ngủ hợp lý.
Đôi khi tình trạng này xảy ra rất chậm nên bạn không dễ nhận thấy. Tuy nhiên, theo thời gian thì các triệu chứng kể trên ở trẻ có thể dẫn đến hôn mê. Vì vậy, bạn nên đưa trẻ đi khám ngay nếu phát hiện em bé yếu ớt, ngủ nhiều và ít hoạt động.
Bạn có thể quan tâm: Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu là đủ?
Những dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh thể hiện qua màu sắc da
Nếu làn da của trẻ không hồng hào mà xanh xao hoặc vàng vọt thì đó có thể là những dấu hiệu bất thường cho thấy trẻ đang gặp các vấn đề về sức khỏe. Trong đó:
- Nếu da em bé nhợt nhạt, tím tái hoặc xanh xao thì có thể do trẻ bị lạnh và cần được giữ ấm. Tuy nhiên, sau khi đã mặc quần áo ấm và điều chỉnh nhiệt độ phòng, nếu làn da của trẻ vẫn tím tái đôi khi có thể cộng thêm tình trạng khó thở cộng thêm tình trạng khó thở, bú kém thì có thể là do nhiễm vi khuẩn như viêm phổi… nên cần được cấp cứu kịp thời.
- Đối với trẻ sơ sinh có làn da màu vàng thì tình trạng này thường vô hại nên bạn không cần quá lo lắng. Ngoại trừ trường hợp vàng da diễn tiến nhanh chóng từ mặt lan ra khắp cơ thể và cả tròng mắt thì bạn không nên chủ quan mà cần cho bé đi khám.
- Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên chú ý đến tình trạng phát ban trên da trẻ sơ sinh. Nếu các nốt hoặc đốm da không mờ đi khi bạn ấn vào thì đó có thể gợi ý đến dấu xuất huyết dưới da. Tuy nhiên, một trong những điểm cần lưu ý là nếu ban da có màu đỏ thẫm hay xanh tím, nổi thành từng mảng nhỏ, lan đến nhiều vùng da khác, đó có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh nhiễm trùng não mô cầu rất nguy hiểm.
Tìm hiểu thêm Vàng da sơ sinh: Tất tần tật những điều mẹ cần biết!
Dấu hiệu cảnh báo các vấn đề hô hấp ở trẻ
Thông thường, trẻ sơ sinh khó hít thở là do đường mũi của bé bị tắc nghẽn bởi dịch nhầy. Bạn có thể xử lý tình trạng này bằng cách rửa mũi cho trẻ hoặc dùng dụng cụ hút nhầy ở mũi. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ khó thở là không bình thường nếu có những triệu chứng sau:
- Trẻ thở nhanh (trên 60 nhịp mỗi phút)
- Các cơ giữa xương sườn phần dưới lồng ngực (vị trí tiếp giáp giữa bụng với ngực) rút lõm khi trẻ hít vào
- Trẻ ho dai dẳng, ho khi bú, bú kém, sốt
- Trẻ mệt mỏi, xanh xao, phát ra tiếng rên rỉ, khò khè khi thở.
Các triệu chứng kể trên có thể cảnh báo một số căn bệnh ở trẻ như hen suyễn, viêm phổi, COVID-19… Vì vậy, bạn cần lưu ý để giúp con được thăm khám kịp thời nhằm tránh rủi ro sức khỏe.
Nôn mửa, tiêu chảy
Trẻ sơ sinh nôn trớ là điều bình thường do thực quản, cơ hoành và dạ dày chưa phát triển hoàn thiện. Thế nhưng, nếu trẻ nôn quá nhiều sữa sau khi bú, khó chịu, quấy khóc, có thể kèm tiêu chảy thì đây được xem là những dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh. Thông thường, tình trạng nôn mửa, tiêu chảy đều là triệu chứng cảnh báo các bệnh tiêu hóa do virus hoặc vi khuẩn gây ra, đặc biệt là khi chất nôn của trẻ có màu xanh của dịch mật, màu vàng hay màu nâu có thể gợi ý viêm ruột. Nếu để kéo dài sẽ dẫn đến mất nước rất nguy hiểm nên bạn cần sớm đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời.
Chướng bụng có thể là một trong những dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh
Bụng của trẻ sơ sinh thường sẽ mềm giữa các lần bú sữa. Nếu bạn sờ bụng trẻ và thấy sưng hoặc cứng thì đây có thể là do trẻ bị đầy hơi hoặc táo bón. Nếu tình trạng này tự khỏi thì không cần quá lo lắng, mẹ có thể điều chỉnh lại tư thế cho bú, thay đổi chế độ ăn của mẹ hoặc đổi sữa nếu con bú sữa công thức. Tuy nhiên, nếu có những triệu chứng bất thường như trẻ không đi tiêu hơn 2 ngày, chướng bụng, nôn mửa, quấy khóc… Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh đường ruột hoặc bất cứ vấn đề nào khác. Trẻ cần đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng bệnh.
Nhìn chung, dù trẻ mắc bệnh gì thì những dấu hiệu cảnh báo thường gặp đều là trẻ khóc dai dẳng, bú kém, sụt cân, phản ứng kém… Đây đều là những dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh cho thấy em bé của bạn không được khỏe. Hơn nữa, vì em bé vẫn chưa thể nói chuyện nên tiếng khóc của trẻ thường là “mấu chốt” quan trọng nhất để thông báo cho ba mẹ những bất thường. Do đó, bạn không nên làm ngơ khi con khóc nhiều, mệt mỏi hoặc cáu kỉnh để có thể hỗ trợ em bé kịp thời nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]