backup og meta

Dấu hiệu bị cận thị ở trẻ em: Làm sao giúp trẻ ngăn ngừa thị lực kém?

Dấu hiệu bị cận thị ở trẻ em: Làm sao giúp trẻ ngăn ngừa thị lực kém?

Cận thị là một vấn đề thị lực được hiểu đơn giản là không thể nhìn rõ bất kỳ thứ gì ở xa. Điều đáng quan tâm là trong những năm qua, số trẻ em bị cận đang ngày càng gia tăng. Thậm chí, có trẻ được chẩn đoán cận thị khi chỉ mới 3 tuổi. Có thể bạn chưa biết, cận thị quá sớm và tiếp tục tăng độ cận theo thời gian có thể gây ra các vấn đề thị lực nghiêm trọng về sau. Do vậy, để ngăn ngừa hậu quả thì việc nhận biết sớm các dấu hiệu bị cận thị ở trẻ em và giúp con điều trị, kiểm soát ngay từ ban đầu là điều rất quan trọng.

Ngày nay, nhiều trẻ nhỏ bị cận từ rất sớm. Thế nhưng, hầu hết các bé không nhận ra điều này để thông báo cho ba mẹ. Vì vậy, bạn cần quan sát và để ý đến các phản ứng của trẻ nhiều hơn khi con nhìn các vật, hình ảnh ở xa. Chi tiết hơn, bạn có thể tìm hiểu các dấu hiệu trẻ bị cận thị được Hello Bacsi tổng hợp qua bài viết sau để nhận biết dễ dàng hơn nhé.

Tại sao chứng cận thị ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em?

Nguy cơ cận thị có thể do di truyền nhưng cũng có thể do thói quen và lối sống. Ngày nay, tình trạng cận thị đang gia tăng và ngày càng trẻ hóa, cứ ba người thì có một người bị cận. Đối với trẻ em, cận thị thường được phát hiện khi trẻ ở giai đoạn từ 8 đến 12 tuổi. Nếu không có sự kiểm soát, cận thị có thể nghiêm trọng hơn theo thời gian khi trẻ trưởng thành.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc nhiều và tiếp xúc gần với các thiết bị như điện thoại, máy tính hoặc máy tính bảng có thể khiến chứng cận thị phát triển. Điều này cũng lý giải vì sao ngày càng có nhiều trẻ em bị cận thị hơn. Bởi vì hiện nay, các bé đang giảm đi các hoạt động vui chơi ngoài trời và thay vào đó là sử dụng điện thoại, máy tính hoặc máy tính bảng nhiều hơn.

6 dấu hiệu bị cận thị ở trẻ em giúp bạn nhận biết

Trẻ bị cận thị sẽ không thể nhìn rõ mọi thứ ở xa. Đây là một dấu hiệu rất đặc trưng và cơ bản của chứng cận thị. Để tìm hiểu chi tiết hơn về các dấu hiệu cận thị ở trẻ em, bạn có thể tham khảo những thông tin sau đây:

1. Dấu hiệu bị cận thị ở trẻ em: Trẻ thường tìm cách để nhìn mọi thứ ở khoảng cách gần

dấu hiệu trẻ bị cận thị

Dù trẻ không biết mình bị cận nhưng vẫn có thể nhận ra việc bản thân không thể nhìn rõ mọi thứ ở xa. Điều này sẽ khiến trẻ luôn tìm cách để nhìn mọi thứ ở khoảng cách gần. Vì vậy, nếu bạn phát hiện trẻ có những biểu hiện sau đây thì đó chính là một trong những dấu hiệu bị cận thị ở trẻ em:

  • Luôn ngồi rất gần màn hình tivi
  • Giữ sách, thiết bị điện tử, đồ vật rất gần mặt
  • Cúi đầu rất thấp khi viết bài
  • Muốn ngồi ở vị trí gần bảng trong lớp học
  • Không quan tâm, thích thú với những hoạt động, môn thể thao đòi hỏi tầm nhìn xa.

2. Trẻ phàn nàn về tình trạng đau đầu

Một trong những triệu chứng phổ biến của các vấn đề thị lực là thường xuyên đau đầu. Nếu trẻ phàn nàn với bạn về những cơn đau đầu liên tục, hãy theo dõi tần suất trẻ gặp triệu chứng này. Mặc dù đau đầu có thể là triệu chứng “đại diện” cho nhiều chứng bệnh khác nhau, nhưng nếu trẻ đau đầu nhiều hơn một tuần và có biểu hiện tầm nhìn kém thì bạn nên cho con đi kiểm tra thị lực.

3. Dấu hiệu bị cận thị ở trẻ em: Thường xuyên nheo mắt

Khi gặp khó khăn trong việc tập trung để nhìn rõ hình ảnh gì đó, phản ứng tự nhiên của chúng ta thường là nheo mắt. Khi nheo mắt, hoạt động này sẽ tạo ra một sự thay đổi nhỏ về độ căng trên cơ mắt và giúp người bị cận nhẹ nhìn rõ hơn một chút. Điều này cũng không ngoại lệ với trẻ em bị cận thị.

4. Trẻ che/nheo một bên mắt khi xem sách, nhìn vật ở xa

Có một sự thật là khi có sự khác biệt về tầm nhìn giữa hai mắt, việc nhắm một mắt có thể khắc phục điều này và giúp nhìn rõ hơn. Do đó, nếu bạn nhận thấy trẻ có xu hướng nheo/ nhắm một bên mắt hoặc dùng tay che một mắt khi xem tranh ảnh, phải nhìn một vật ở xa thì có thể bé đang gặp khó khăn với tầm nhìn của mình. Đây cũng có thể là một trong những dấu hiệu bị cận thị ở trẻ em.

5. Thường xuyên dụi mắt

dấu hiệu trẻ bị cận thị

Đối với trẻ còn quá nhỏ để nhận ra triệu chứng đau đầu hoặc một số triệu chứng khác thì hành động dụi mắt nhiều có thể có dấu hiệu cho biết trẻ đang cảm thấy khó chịu. Việc dụi mắt cũng có thể là do trẻ bị mỏi mắt khi xem điện thoại, máy tính bảng… quá lâu. Bạn nên hạn chế số giờ xem của con để giúp mắt của trẻ thư giãn. Nếu trẻ vẫn thường xuyên dụi mắt thì cách tốt nhất là bạn nên đưa con đi kiểm tra thị lực.

6. Dấu hiệu bị cận thị ở trẻ em: Trẻ hay bị chảy nước mắt

Có nhiều nguyên nhân gây chảy nước mắt đột ngột, chẳng hạn như ngáp, mỏi mắt, dị ứng hoặc kích ứng. Tuy nhiên, nếu trẻ hay bị chảy nước mắt kèm theo một số triệu chứng kể trên thì đó có thể là dấu hiệu trẻ bị cận thị.

Bạn nên làm gì để giúp trẻ không bị cận thị nghiêm trọng theo thời gian?

Cận thị có thể được khắc phục bằng việc đeo kính mắt hoặc kính áp tròng. Thế nhưng, việc không kiểm soát và chăm sóc mắt đúng cách có thể khiến trẻ ngày càng tăng độ cận và thị lực ngày càng kém đi. Vì vậy, để bảo vệ đôi mắt của trẻ, bạn nên tham khảo và áp dụng những lời khuyên cần thiết sau đây:

  • Cho trẻ dùng thuốc nhỏ mắt hàng ngày để dưỡng mắt. Bạn hãy hỏi thêm ý kiến bác sĩ để chọn được loại thuốc nhỏ mắt phù hợp với con.
  • Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, bộ môn thể thao ngoài trời để không trẻ không có thời gian tiếp xúc điện thoại, máy tính… quá nhiều.
  • Mặc dù khó áp dụng nhưng các bậc phụ huynh nên tuân theo khuyến cáo của các chuyên gia về số giờ cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ. Cụ thể, trẻ từ 2 đến 5 tuổi chỉ nên xem điện thoại, máy tính bảng… trong giới hạn là 1 giờ mỗi ngày. Đối với trẻ đi học từ 5, 6 tuổi đến 18 tuổi chỉ nên dùng các thiết bị này khoảng 2 giờ mỗi ngày.

Có thể bạn quan tâm: Bạn đã biết tác hại của điện thoại với trẻ em? Làm sao để hạn chế rủi ro?

Nếu không tuân thủ sát sao khuyến nghị trên, cả người lớn và trẻ em cũng nên áp dụng quy tắc 20/20/20 để bảo vệ mắt và giúp mắt thư giãn. Quy tắc này nghĩa là cứ sau 20 phút dùng thiết bị điện tử, bạn nên cho mắt nghỉ 20 giây và nhìn ra xa ít nhất 20 feet (khoảng 6 met).

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

WHAT IS MYOPIA, AND WHY DOES IT AFFECT SO MANY CHILDREN? SCREEN TIME IS A GROWING CONCERN

https://healthcare.utah.edu/healthfeed/postings/2021/10/myopia.php Truy cập ngày 23/06/2022

Signs and Symptoms of Myopia

https://www.chp.edu/our-services/ophthalmology/myopia/myopia-signs-and-symptoms Truy cập ngày 23/06/2022

Nearsightedness (Myopia)

https://kidshealth.org/en/parents/nearsightedness.html Truy cập ngày 23/06/2022

Myopia (Nearsightedness) in Children & Teens

https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/eyes/Pages/Myopia-Nearsightedness.aspx Truy cập ngày 23/06/2022

Signs Of Myopia In Children: 6 Symptoms Of Nearsightedness

https://www.jarvisvision.com/blog/signs-of-myopia-in-children-5-clues-to-catch-nearsightedness/ Truy cập ngày 23/06/2022

Phiên bản hiện tại

05/07/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 05/07/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo