backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

7

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Lần đầu tiên có kinh nguyệt nên làm gì? Dấu hiệu bé gái sắp có kinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 28/02/2024

Lần đầu tiên có kinh nguyệt nên làm gì? Dấu hiệu bé gái sắp có kinh

Lần đầu tiên có kinh nguyệt có thể là hiện tượng khiến trẻ ở tuổi dậy thì cảm thấy bối rối. Đây là cột mốc phát triển quan trọng của phụ nữ vì là tín hiệu thông báo bạn đã có khả năng sinh sản.

Vì vậy, dù bạn đang ở tuổi dậy thì hoặc là phụ huynh có con gái đang ở độ tuổi này thì đều nên trang bị những kiến thức, thông tin cần thiết về cách chăm sóc sức khỏe khi chuẩn bị trải qua chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp những điều cần quan tâm về lần đầu tiên có kinh nguyệt ở nữ giới để bạn tham khảo một cách đầy đủ.

Dấu hiệu bé gái sắp có kinh nguyệt lần đầu tiên

Kinh nguyệt là kết quả của quá trình dậy thì và có liên quan đến hormone. Do đó, dấu hiệu sắp có kinh nguyệt lần đầu tiên thường phụ thuộc vào việc bé gái đã dậy thì hay chưa?

Bên cạnh đó, dấu hiệu sắp có kinh lần đầu có thể không rõ ràng ở một số bé. Mặc dù vậy, nhiều trẻ vẫn có những biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Dưới đây là một số dấu hiệu trẻ sắp có kinh nguyệt lần đầu, cũng là các triệu chứng điển hình của hội chứng tiền kinh nguyệt:

  • Tâm trạng lâng lâng
  • Cảm thấy khó chịu, lo lắng hoặc cáu kỉnh
  • Mệt mỏi hoặc khó ngủ
  • Đầy hơi hoặc đau bụng
  • Đau ngực
  • Đau đầu
  • Da nổi đốm
  • Tóc nhờn
  • Thay đổi khẩu vị và ham muốn tình dục

Ngoài ra, bé gái cũng có thể xác định thời điểm sắp hành kinh lần đầu tiên qua những đặc điểm sau:

  • Da mặt nổi mụn trứng cá
  • Sự phát triển của lông mu, chẳng hạn như lông phát triển dưới cánh tay hoặc ở vùng kín
  • Ngực, mông và đùi nảy nở. Nhiều bé gái sẽ có kinh lần đầu sau khoảng 2 năm kể từ khi ngực bắt đầu phát triển.
  • Tiết dịch âm đạo cũng là một dấu hiệu điển hình thông báo chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của bé gái sắp diễn ra. Tuy nhiên, hiện tượng tiết dịch lần đầu không có nghĩa bạn sẽ hành kinh ngay lập tức. Chu kỳ kinh đầu tiên thường bắt đầu sau khoảng 6 tháng đến 1 năm kể từ khi bạn gái có dấu hiệu tiết dịch âm đạo.

Chu kỳ kinh nguyệt là gì? Tại sao lại có kinh nguyệt?

Nổi mụn là một trong những dấu hiệu bé gái sắp có kinh nguyệt lần đầu tiên.
Nổi mụn là một trong những dấu hiệu bé gái sắp có kinh nguyệt lần đầu tiên.

Chu kỳ kinh nguyệt là một phần quan trọng của hệ sinh dục nữ vì cần thiết cho quá trình mang thai và sinh sản. Việc hành kinh diễn ra theo chu kỳ nhưng sẽ có những đặc điểm khác nhau ở mỗi người.

Lần đầu tiên có kinh nguyệt là hiện tượng xảy ra sau khi bạn rụng trứng lần đầu tiên. Trước đó, buồng trứng sẽ giải phóng trứng ra ống dẫn trứng và di chuyển xuống tử cung. Đồng thời, khi chu kỳ kinh nguyệt của bạn bắt đầu, buồng trứng tiết ra nội tiết tố estrogen và progesterone khiến niêm mạc tử cung dày lên. Đây là giai đoạn chuẩn bị cho việc thụ thai khi tinh trùng gặp trứng.

Nếu quá trình thụ tinh không xảy ra, trứng cùng với lớp niêm mạc trên thành tử cung sẽ bong tróc và được đẩy ra ngoài dẫn đến chảy máu hay còn gọi là kinh nguyệt.

Tuổi nào bắt đầu có kinh nguyệt?

Hầu hết các bé gái đều có kinh lần đầu khi ở độ tuổi từ 11 – 15 nhưng vẫn có trường hợp có kinh sớm hơn hoặc muộn hơn.

Do đó, cha mẹ không nên quá lo lắng khi bé gái có kinh nguyệt sớm hoặc muộn hơn bình thường một chút nhé!

Lần đầu tiên có kinh nguyệt kéo dài bao lâu?

Thời gian có kinh nguyệt trong bao lâu là bình thường?
Thời gian có kinh nguyệt trong bao lâu là bình thường?

Lần đầu tiên có kinh nguyệt có thể không kéo dài lâu, chỉ xảy ra trong khoảng vài ngày, vì cơ thể có thể mất vài tháng để trở lại nhịp điệu bình thường. Lượng máu trong những lần đầu có kinh nguyệt có thể rất ít, đôi khi chỉ là một vài vết máu màu nâu đỏ.

Sau khi cơ thể ổn định, thời gian có kinh nguyệt có thể sẽ kéo dài và lượng máu kinh nhiều hơn. Thời gian có kinh nguyệt kéo dài từ 2 đến 7 ngày là bình thường.

Lần đầu tiên có kinh nguyệt ra bao nhiêu máu?

Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi phụ nữ thường khác nhau về thời gian, lượng máu, các triệu chứng trước và trong khi hành kinh. Một chu kỳ kinh trung bình là khoảng 28 ngày và tình trạng chảy máu thường diễn ra trong khoảng từ 3 – 5 ngày.

Tuy nhiên, một số phụ nữ vẫn có chu kỳ dài hơn hoặc ngắn hơn, lượng máu chảy nhiều hơn hoặc ít hơn. Lần đầu tiên có kinh nguyệt cũng khác nhau ở mỗi người, chẳng hạn như:

  • Một số bé có kinh nguyệt lần đầu sẽ ra ít máu, máu kinh nhạt màu, bắt đầu với một ít dịch tiết màu nâu trước khi ra máu kinh có màu đỏ.
  • Ngược lại cũng có những bé gái lần đầu có kinh nguyệt bắt đầu rất đột ngột, máu có màu đỏ tươi xuất hiện ngay lập tức khi bắt đầu hành kinh.

Cả 2 trường hợp trẻ bị hành kinh lần đầu này đều bình thường. Máu kinh có thể chuyển từ màu nâu sang đỏ sẫm và một số trường hợp có thể có những cục máu đông nhỏ. Tương tự như vậy, một số bạn gái khi hành kinh cảm thấy rất nhẹ nhàng nhưng sẽ có người cảm thấy đau bụng, chuột rút dữ dội.

Hơn nữa, các chu kỳ hành kinh trong khoảng 2 – 3 năm đầu tiên thường không đều đặn do lượng hormone trong cơ thể chưa ổn định. Bạn không cần quá lo lắng vì chu kỳ kinh sẽ đều hơn theo thời gian khi bạn trưởng thành.

Nên dùng băng vệ sinh, tampon hay cốc nguyệt san khi hành kinh?

Lần đầu có kinh nguyệt phải làm gì? Hiện nay, bạn đã có nhiều lựa chọn hơn để đối phó với ngày “rụng dâu” như dùng băng vệ sinh, tampon hoặc cốc nguyệt san. Tuy nhiên, đối với lần đầu tiên có kinh nguyệt, lời khuyên là bạn vẫn nên dùng băng vệ sinh vì chúng tiện lợi và dễ sử dụng hơn so với 2 “ứng cử viên” còn lại. Bạn có thể tham khảo một số chia sẻ sau để có lựa chọn phù hợp.

1. Băng vệ sinh dạng miếng

Mới có kinh lần đầu nên làm gì? Có thể dùng băng vệ sinh, tampon hoặc cốc nguyệt san.
Mới có kinh lần đầu nên làm gì? Có thể dùng băng vệ sinh, tampon hoặc cốc nguyệt san.

Nếu băn khoăn mới có kinh lần đầu nên làm gì, đừng ngần ngại thử dùng miếng băng vệ sinh. Đây là món đồ quen thuộc của tất cả cô gái trong “ngày đèn đỏ”. Băng vệ sinh dạng miếng có nhiều kích cỡ, độ dày khác nhau, bao gồm băng nhỏ hàng ngày, băng dùng cho ban ngày và loại dùng vào ban đêm.

Băng vệ sinh dạng miếng là công cụ “hứng dâu” mà không cần đưa vào âm đạo nên rất dễ sử dụng và phù hợp cho bạn gái lần đầu có kinh nguyệt. Tuy nhiên, băng vệ sinh vẫn có một số nhược điểm như:

  • Khiến vùng kín đôi khi ẩm ướt và khó chịu.
  • Có thể kích ứng da và gây phát ban.
  • Không phù hợp để sử dụng khi đi bơi hoặc chơi các môn thể thao vận động mạnh.
  • Dễ bị lộ nếu bạn mặc quần hoặc váy mỏng.

2. Băng vệ sinh dạng ống (Tampon)

Câu trả lời thứ hai cho vấn đề “Lần đầu có kinh nguyệt nên làm gì?” là dùng thử tampon. Tampon là loại băng vệ sinh có hình dạng như một chiếc que và có thể đưa vào âm đạo để thấm hút kinh nguyệt.

Nhiều cô gái thấy tampon tiện lợi hơn băng vệ sinh thông thường vì không bị lộ ra ngoài, đặc biệt tạo cảm giác thoải mái khi chơi thể thao hoặc bơi lội. Tuy nhiên, tampon vẫn có một số điểm hạn chế như:

  • Có thể gây đau khi đưa vào âm đạo, đặc biệt là với bạn gái lần đầu sử dụng.
  • Có thể mất khá nhiều thời gian để học cách dùng thuần thục.
  • Tampon vẫn có thể gây rò rỉ kinh nguyệt nếu bạn đặt không đúng vị trí hoặc dùng loại tampon có kích thước không phù hợp.
  • Nếu bạn quên thay tampon sau 8 giờ sử dụng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, còn gọi là hội chứng sốc nhiễm độc (TSS).

3. Cốc nguyệt san

Lần đầu đến tháng nên làm gì? Cốc nguyệt san là một trong những sự lựa chọn tuyệt vời. Cốc nguyệt san là một sản phẩm thay thế cho băng vệ sinh và tampon. Loại cốc này thường được làm bằng silicone và có thể đựng kinh nguyệt khi đưa vào âm đạo.

Ưu điểm lớn nhất của cốc nguyệt san đó là bạn có thể tái sử dụng nhiều lần, hạn chế rác thải và giảm thiểu nguy cơ gặp phải hội chứng sốc nhiễm độc.

Tuy nhiên, nếu là lần đầu tiên có kinh nguyệt thì cốc nguyệt san có thể không phải là sản phẩm tiện lợi dành cho bạn. Bởi vì đây là sản phẩm cần có thời gian tìm hiểu để lựa chọn loại cốc có kích cỡ phù hợp và biết cách đưa cốc vào âm đạo an toàn.

Trong số những sản phẩm trên, bạn có thể chọn cách trải nghiệm từng sản phẩm để chọn được loại băng vệ sinh phù hợp nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng không nhất thiết sử dụng cố định một loại sản phẩm mà có thể thay đổi tùy theo những nhu cầu khác nhau. Lưu ý là cần thay băng vệ sinh, tampon hay đổ cốc nguyệt san từ 3 – 6 lần mỗi ngày khi hành kinh để đảm bảo vệ sinh vùng kín.

Một số thắc mắc về lần đầu tiên có kinh nguyệt

Kỳ kinh nguyệt đầu tiên của bé gái
Kỳ kinh nguyệt đầu tiên của bé gái

1. Lần đầu tiên có kinh nguyệt chảy máu nhiều phải làm gì?

Lần đầu tiên có kinh nguyệt sẽ không chảy máu quá nhiều. Nếu chảy máu kinh quá nhiều, cần thay băng vệ sinh hoặc tampon sau mỗi 1-2 giờ. Nếu thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày, hãy đi khám bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp nhất.

2. Lần đầu tiên có kinh nguyệt không đều xử lý như thế nào?

Những bé gái lần đầu tiên có kinh nguyệt thường sẽ gặp tình trạng kinh nguyệt không đều trong vài năm đầu. Đây là điều hoàn toàn bình thường.

Vậy, có kinh lần đầu khi nào có lại? Chu kỳ kinh nguyệt không đều có thể ngắn nhất là 21 ngày và dài nhất là 45 ngày (hoặc thậm chí lâu hơn).

Mặc dù tình trạng kinh nguyệt không đều trong 3 năm đầu tiên là hoàn toàn bình thường, nhưng nếu trẻ không có kinh trong hơn 6 tháng, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ.

3. Khi nào nên đưa bé gái có kinh nguyệt lần đầu tiên đi khám?

Hầu hết các cô gái lần đầu tiên có kinh nguyệt đều không gặp phải vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn hoặc con gái của bạn sẽ cần đi khám trong những trường hợp như:

  • Vẫn chưa có kinh khi đã qua 15 tuổi.
  • Đã có kinh hơn 2 năm nhưng chu kỳ kinh nguyệt vẫn chưa đều đặn.
  • Ra máu bất thường giữa chu kỳ.
  • Chuột rút nghiêm trọng không thuyên giảm khi hành kinh.
  • Chảy nhiều máu trong lần đầu tiên có kinh nguyệt, lượng máu chảy ra khiến bạn thay băng vệ sinh mỗi giờ một lần.
  • Thời gian hành kinh trong chu kỳ đầu tiên kéo dài hơn 1 tuần.
  • Các triệu chứng trước và trong khi hành kinh như đau bụng, đau lưng, chuột rút, đau ngực… dữ dội hơn bình thường và cản trở hoạt động hàng ngày thì nên đi khám càng sớm càng tốt.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về lần đầu tiên có kinh nguyệt.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 28/02/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo