backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cần được hỗ trợ thế nào?

Tác giả: Bác sĩ - Giáo sư Aron Schuftan · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện FV


Ngày cập nhật: 16/03/2021

    Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cần được hỗ trợ thế nào?

    Việc nhận thấy con yêu có một vài các dấu hiệu của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ khiến bạn lo lắng. Bạn hoang mang không biết liệu tình trạng của con có được cải thiện? Bạn cần phải làm những gì để con có thể phát triển bình thường như bao trẻ khác?

    Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là một trong những tình trạng chậm phát triển phổ biến hiện nay ở trẻ. Cứ 5 trẻ thì sẽ có một trẻ học nói và sử dụng ngôn ngữ chậm hơn các trẻ khác cùng độ tuổi. Một số trẻ còn gặp phải các vấn đề về hành vi vì cảm thấy thất vọng khi không thể diễn tả bằng lời những gì chúng cần hoặc muốn. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về vấn đề này.

    Biểu hiện của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ theo từng độ tuổi

    Nếu trẻ có biểu hiện không phản ứng lại với âm thanh hay không diễn tả nên lời, bạn cần phải đưa trẻ đến bác sĩ khám. Dưới đây là một số dấu hiệu của trẻ theo từng giai đoạn:

    Đối với trẻ 1 tuổi

    • Biết tìm kiếm và có thể tìm ra nơi phát ra âm thanh
    • Phản ứng lại khi bạn gọi tên bé
    • Biết vẫy tay chào tạm biệt khi được yêu cầu
    • Tìm được ra điểm đích khi nghe mọi người nói: “Nhìn vào (món gì đó) nào con!’
    • Bắt chước theo ngữ điệu (bé sẽ bập bẹ với ngữ điệu giống như khi chúng ta nói chuyện, có lên giọng và xuống giọng)
    • Biết “nói chuyện’ với bạn, lắng nghe và chú ý đến bạn khi bạn nói chuyện và sau đó bắt đầu bập bẹ phản ứng lại
    • Biết nói một số từ để gọi bố mẹ hoặc bà như: “papa’, “mama’, “ba’, “ma’, “bà’
    • Nói được ít nhất một từ. Lúc này, bạn có thể áp dụng một số cách để dạy bé tập nói.
    • Chỉ vào đồ vật mà bé không với tới hoặc tạo ra âm thanh khi bé đang chỉ tay đến vật đó nhằm gây sự chú ý.

    Đối với bé 1 – 2 tuổi

    Sở thích của các bé con 1 – 2 tuổi là làm theo những yêu cầu đơn giản. Trước tiên, bé sẽ làm theo khi người lớn vừa nói vừa làm và sau đó bé có thể tự làm khi vừa nghe đến yêu cầu đó.

    • Đi lấy các đồ vật ở một phòng khác cho bạn
    • Chỉ vào một vài bộ phận trên cơ thể khi bạn đề nghị
    • Chỉ bạn hướng mặt tới các đồ vật hay sự kiện vui nhộn mà bé nhìn thấy
    • Mang đồ vật tới khoe với bạn
    • Chỉ tay vào các đồ vật và tỏ dấu hiệu để bạn gọi tên chúng
    • Kêu tên một vài đồ vật thông dụng và hình ảnh khi bạn đề nghị
    • Thích đóng kịch (ví dụ như giả bộ nấu ăn). Bé sẽ diễn trò với bạn hay với thú nhồi bông hoặc con búp bê yêu thích của bé
    • Học thêm được 1 từ mới mỗi tuần khi bé được từ 1 tuổi rưỡi cho tới 2 tuổi.

    Đối với bé tròn 2 tuổi

    • Bé biết nhận dạng được nhiều bộ phận cơ thể và đồ vật xung quanh hơn
    • Chỉ vào các hình vẽ trong sách
    • Có thể làm theo yêu cầu đơn giản của bố mẹ mà không cần bạn làm mẫu. Chẳng hạn như khi bạn bảo bé: “Đặt cốc lên bàn đi con”, bé sẽ làm theo mà không cần bạn làm mẫu cho bé xem
    • Có thể nói được khoảng 50 đến 100 từ
    • Nói được những câu đơn giản như: “Bố đi”, “Búp bê con”, “Đi rồi”…
    • Nói rõ ràng hơn và người khác (ngoại trừ bố mẹ) có thể hiểu được hầu hết những gì bé nói.

    Ngoài ra còn có những dấu hiệu khác mà cha mẹ nên lưu ý gồm:

  • Không thích được ôm ấp như những đứa trẻ khác
  • Không cười đáp trả lại bạn
  • Tỏ ra hờ hững với bố mẹ
  • Tỏ ra hờ hững với một số âm thanh nhất định. Ví dụ như bé phản ứng lại khi nghe tiếng còi xe, tiếng mèo kêu, tiếng chuông điện thoại nhưng không phản ứng lại khi bạn gọi tên bé
  • Tỏ ra như thể đang ở trong thế giới chỉ có riêng mình bé
  • Thích chơi một mình, không thích tiếp xúc với người khác
  • Không tỏ ra quan tâm hoặc thích thú khi chơi đồ chơi, nhưng lại thích chơi các đồ vật thật trong nhà
  • Tỏ ra thích thú đặc biệt tới các đồ vật mà các bé khác không mấy quan tâm. Ví dụ như bé thích chơi đèn pin hay bút bi hơn là chơi với thú nhồi bông và nghịch chăn mền
  • Có thể nói được các chữ cái, số hay bắt chước quảng cáo trên truyền hình nhưng không thể sử dụng ngôn ngữ để diễn tả ý muốn của bé
  • Không tỏ ra sợ hãi bất cứ điều gì
  • Sử dụng các từ hay cụm từ không bình thường hoặc lặp lại các từ nghe được trên ti vi.
  • Trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ cần được hỗ trợ như thế nào?

    Tình trạng trẻ chậm phát triển ngôn ngữ đôi khi chỉ là tạm thời. Tình trạng này sẽ tự hết hoặc sẽ cải thiện khi trẻ được gia đình hỗ trợ. Bạn nên cố gắng dạy con tập nói và hãy khuyến khích trẻ “nói chuyện’ với bạn bằng cử chỉ hoặc âm thanh. Ngoài ra, bạn nên dành nhiều thời gian chơi với trẻ, đọc cho trẻ nghe và trò chuyện với trẻ. Trong một số trường hợp, trẻ sẽ cần tới sự giúp đỡ từ các chuyên gia đào tạo, chuyên gia trị liệu về ngôn ngữ và giao tiếp để học cách thể hiện bằng lời nói.

    Đôi khi tình trạng này còn có thể là dấu hiệu cảnh báo về một vấn đề nghiêm trọng hơn bao gồm: nguy cơ mất thính lực, chậm phát triển hoặc thậm chí là rối loạn tự kỷ. Sự chậm phát triển ngôn ngữ của trẻ có thể là một dấu hiệu về mất khả năng học tập. Tuy nhiên, tình trạng này khó phát hiện cho đến khi trẻ đến tuổi đi học. Điều quan trọng là gia đình phải theo dõi được quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ.

    Đôi khi bác sĩ sẽ cần thêm thông tin về trẻ trước khi đưa ra kết luận về tình trạng của trẻ. Thông thường các bác sĩ sẽ:

    • Hỏi bạn một số câu hỏi hoặc yêu cầu bạn điền vào một bảng câu hỏi
    • Tương tác với trẻ theo những cách khác nhau để tìm hiểu thêm về sự phát triển của trẻ
    • Đề xuất kiểm tra thính lực cho trẻ và giới thiệu bạn đưa trẻ tới chuyên gia ngôn ngữ để trẻ được kiểm tra. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá khả năng thể hiện ngôn ngữ của trẻ và khả năng hiểu được các lời nói, cử chỉ từ người khác
    • Đưa ra đánh giá tình trạng của trẻ thông qua các phương pháp can thiệp sớm.

    Bố mẹ cần làm gì khi trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ?

    Nếu nguyên nhân của việc trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là do hội chứng tự kỉ ở trẻ, con bạn cũng sẽ gặp khó khăn trong quá trình tương tác với người khác và có thể thể hiện một số hoặc tất cả các hành vi liên quan được liệt kê ở trên. Nếu lo lắng trẻ có thể bị mắc phải hội chứng này, bạn có thể dẫn trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá và tiến hành điều trị. Có thể các chuyên gia sẽ đề nghị bạn cho trẻ tiến hành trị liệu ngôn ngữ và đề xuất những phương pháp khác để cải thiện kỹ năng xã hội, hành vi và mong muốn giao tiếp ở trẻ.

    Bạn nên tìm tới các biện pháp can thiệp sớm để xác định tình trạng trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là do đâu. Các chuyên viên y tế có thể tiến hành các đánh giá bổ sung và trấn an bạn nếu biểu hiện của trẻ là bình thường hay cho biết các phương pháp can thiệp sớm là cần thiết ở trường hợp của trẻ, ngay khi không có chẩn đoán trước đó. Nếu bé yêu chưa được 3 tuổi, bạn cần đưa bé đến bác sĩ để được hỗ trợ. Nó có thể bao gồm huấn luyện và hỗ trợ cho phụ huynh, điều trị trực tiếp và các thiết bị đặc biệt được sử dụng.

    Bố mẹ không nên quá lo lắng khi phát hiện con có các dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ. Bạn cần quan tâm bé nhiều hơn và nên tích cực phối hợp với bác sĩ điều trị của bé. Điều này sẽ giúp quá trình điều trị có hiệu quả nhanh hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Bác sĩ - Giáo sư Aron Schuftan

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện FV


    Ngày cập nhật: 16/03/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo