Dù tã là một vật dụng tiện nghi giúp mẹ bỉm sữa rất nhiều trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng bạn sẽ phải tốn rất nhiều tiền cho khoản mua tã. Nếu có thể tập cho em bé ngồi bô và bỏ tã, bạn không những đỡ đau đầu với khoản phí mua tã này mà trẻ sẽ không gặp các vấn đề như hăm tã.
Bạn đang muốn giúp con bỏ tã nhưng không biết bắt đầu từ đâu và nên làm gì? Việc tập cho em bé ngồi bô có thể rất căng thẳng cho mẹ và bé, tập cho bé gái khác với bé trai. Bạn nên tập cho bé ngồi bô từ 18 tháng đến 3 tuổi. Mỗi đứa trẻ có tính cách khác nhau và bạn cần phải kiên nhẫn trong quá trình này. Sau đây Hello Bacsi sẽ hướng dẫn bạn cách tập cho em bé ngồi bô:
1. Đừng vội vàng khi tập em bé ngồi bô
Mọi người đều học hay tiếp thu một điều gì đó với tốc độ khác nhau, đặc biệt là trẻ em. Điều này cũng tương tự như việc trẻ bắt đầu biết đi, tập nói hay học cách kiểm soát bàng quang vào những thời điểm khác nhau.
Theo nghiên cứu, bé gái thường học cách sử dụng nhà vệ sinh sớm hơn bé trai. Nhưng nếu bạn không biết chắc lúc nào nên bắt đầu dạy trẻ cách sử dụng nhà vệ sinh, hãy xem những dấu hiệu sau đây để biết rằng con bạn đã sẵn sàng:
- Trẻ tỏ ra thích thú khi đi vào nhà vệ sinh và cách sử dụng nó
- Trẻ có thể hiểu những hướng dẫn của bạn và làm theo một cách hoàn hảo
- Trẻ quan tâm đến việc bỏ tã và muốn làm những việc trưởng thành hơn.
2. Mất nhiều thời gian và nỗ lực
Để dạy bé sử dụng nhà vệ sinh, bạn rất cần sự kiên nhẫn và nhẹ nhàng với con. Không có gì có thể đạt được chỉ sau một đêm. Khi con gây ra sự cố (đái trong quần hay đái ướt nệm), bạn cần giữ bình tĩnh vì trẻ có thể còn sợ hãi hơn bạn nghĩ. Khi thấy bạn bình tĩnh, trẻ cũng sẽ trở nên bình tĩnh hơn. Thêm vào đó, nếu cảm thấy sợ hãi khi đi vệ sinh, trẻ sẽ khó tập luyện và quá trình này sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Dưới đây là một số điều bạn cần nhớ:
- Hãy khích lệ con, đặc biệt là khi chúng ít gây ra sự cố, để giúp chúng hiểu rằng điều đó ổn và sẽ học theo thời gian.
- Ngay cả trẻ trên 5 tuổi cũng có thể làm ướt giường. Điều này là do trẻ khó kiểm soát bàng quang hoàn toàn vào buổi tối cho đến khi nó trở thành ký ức cơ bắp (khi lặp đi lặp lại một hành động, bộ não sẽ dần ghi nhớ, nhờ vậy, trẻ sẽ thực hiện hành động đó tốt hơn). Vì vậy, trẻ cần có thời gian mới có thể kiểm soát bàng quang tốt.
3. Mua một chiếc bô hay tấm đệm lót bồn cầu mini
Tấm đệm lót bồn cầu mini hoặc bô là lựa chọn tốt cho trẻ bắt đầu học cách đi vệ sinh. Do thiết kế của bô và tấm đệm nhỏ, trẻ sẽ ít sợ hơn khi ngồi lên. Lúc bắt đầu tập, bạn chú ý:
- Đặt bô ở nơi mà trẻ cảm thấy thoải mái hơn là đặt nó trong phòng tắm. Hãy thử đặt bô ở nơi như phòng ngủ, phòng khách…
- Bạn có thể giúp trẻ giải trí bằng một cuốn sách và bài hát khi trẻ đi vệ sinh.
- Khi trẻ đã quen với việc dùng bô và hiểu cách sử dụng, bạn hãy tiến thêm một bước nữa là cho bé sử dụng toilet thật sự.
4. Bắt đầu dạy bé vào giai đoạn thích hợp
Điều quan trọng là chọn thời điểm thích hợp để dạy bé vì điều này sẽ quyết định thành công của bạn. Khi trẻ bị bệnh hoặc thay đổi cảm xúc, tập cho em bé ngồi bô có thể gây khó khăn hơn. Những thay đổi trong cơ thể có thể khiến trẻ căng thẳng. Nếu dạy em bé ngồi bô lúc này, bạn sẽ làm chúng căng thẳng thêm.
Chọn thời điểm mà bạn có nhiều thời gian bên cạnh con như ngày lễ hoặc mùa hè. Chọn 3 – 4 thời điểm trong ngày, bạn sẽ cho con ngồi bô 10 – 15 phút vào buổi sáng, trước bữa trưa, buổi chiều.
5. Trình bày cách thức hoạt động của bô
Bạn cần giải thích cho bé hiểu ý nghĩa của việc dùng bô và cách sử dụng nó thế nào. Cố gắng cho trẻ thấy rằng trẻ cần bỏ tã vì không thể sử dụng tã mãi được và cần vào nhà vệ sinh mỗi khi có nhu cầu đi tiểu hay đi cầu (đi tiêu).
Bạn cũng có thể đặt trẻ ngồi trên bô còn bạn ngồi trên bồn cầu (chỉ giả bộ) và hướng dẫn cho trẻ cách sử dụng. Đây là một quá trình tương đối dễ dàng vì trẻ rất thích bắt chước người lớn.
6. Cho em bé ngồi bô ít nhất 15 phút mỗi ngày
Bạn phải cho con làm quen với nhà vệ sinh hoặc bô bằng cách cho chúng ngồi đó ít nhất 5 phút mỗi lần, 3 hoặc 4 lần một ngày. Trong khi em bé ngồi bô, hãy cho con giải trí để trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Không bao giờ ép buộc con ngồi vào nhà vệ sinh nếu con không muốn vì điều này sẽ khiến trẻ chống đối nhiều hơn và có thể làm tổn thương trẻ.
7. Sử dụng các từ đúng
Trong khi tập cho con, bạn hãy cố gắng sử dụng những từ thoải mái và quen thuộc với trẻ để mô tả những gì đang diễn ra, ví dụ như “đi tiểu nè’ hay “đi ị nhé’… Đừng sử dụng những từ mà chúng không quen thuộc hoặc tiêu cực. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy xấu hổ hơn về hành động của chúng mà không hiểu tại sao lại như vậy và trẻ cũng có thể nhịn đi tiểu hay đi tiêu, gây tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ.
8. Ở bên cạnh trẻ khi trẻ sử dụng bô
Ngay từ đầu, trẻ bắt đầu cảm thấy lo lắng khi sử dụng bô vì đó là một thứ hoàn toàn mới đối với chúng. Vì vậy, bạn hãy ở bên cạnh con khi chúng sử dụng bô, đặc biệt là 5 hoặc 6 lần đầu tiên. Bạn cần:
- Mỉm cười và khen ngợi chúng
- Dùng giọng nói bình tĩnh và nhẹ nhàng khi nói chuyện với trẻ trong quá trình tập luyện
- Cố gắng biến điều này thành một trải nghiệm thú vị với đồ chơi, sách và hát để chúng giải trí.
9. Tín hiệu cần đi vệ sinh
Trẻ nhỏ có những cách khác nhau để báo hiệu rằng chúng cần đi vệ sinh ngay cả khi chúng chưa được dạy cách ngồi bô. Vì vậy, bạn cần biết cách nhận ra các tín hiệu này. Khi thấy tín hiệu, bạn cần đưa con vào phòng vệ sinh ngay lập tức để cho chúng thấy đó là nơi để chúng đi tiêu. Cố gắng khuyến khích trẻ cho bạn biết khi nào đi vệ sinh để bạn có thể giúp trẻ cho đến khi trẻ nhận ra các dấu hiệu đó. Dưới đây là một số tín hiệu cần phải đi vệ sinh:
- Tạm dừng một hoạt động mà trẻ đang làm
- Ngồi xổm
- Cầm giữ tã lại
- Càu nhàu
10. Bỏ tã trong một giờ
Nhiều mẹ đề nghị cởi tã cho trẻ trong một giờ. Điều này cho phép trẻ cảm thấy tự do đồng thời học cách nhận biết các dấu hiệu khi chúng cần đến nhà vệ sinh.
Bạn cần nhớ rằng dù phương pháp này có hiệu quả, nhưng bạn có thể sẽ gặp một số sự cố. Khi sự cố xảy ra, bạn đừng tỏ thái độ thất vọng về chúng. Hãy vẫn bình tĩnh, đi dọn dẹp và giải thích cho con biết rằng, con cần đến phòng vệ sinh vào lần tới.
11. Thưởng khi trẻ tập luyện thành công
Tặng cho bé những phần thưởng nhỏ khi con có những nỗ lực và thành công. Phần thưởng sẽ phụ thuộc vào bạn và điều chúng thích, ví dụ như: hình dán, đồ chơi khoa học, sách…
Vi Cao/HELLO BACSI
[embed-health-tool-vaccination-tool]