backup og meta

Nhận biết các chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Nhận biết các chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xảy ra không chỉ do ăn uống thất thường mà còn được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác. Bố mẹ nên tìm hiểu những chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ để kịp thời nhận biết và có cách xử lý giúp con luôn khỏe mạnh.

6 chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ mà mẹ cần “cảnh giác”

Dưới đây là 6 vấn đề về tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mẹ cần lưu ý. Khi thấy con có các biểu hiện bất thường hoặc nghi ngờ bé đang gặp phải các vấn đề này, mẹ cần đưa bé đi khám ngay:

1. Rối loạn tiêu hóa do tăng bạch cầu ái toan (EGID)

EGIDs là chứng rối loạn tiêu hóa gây ra bởi sự xâm nhập của tế bào bạch cầu ái toan vào đường tiêu hóa của bé. Điều này dẫn đến viêm và sưng dạ dày, làm cho trẻ đau và khó chịu. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp khó khăn khi nuốt nếu bị rối loạn tiêu hóa do tăng bạch cầu ái toan.

EGIDs hiện không có cách chữa nhưng bác sĩ có thể cho trẻ dùng một số loại thuốc như steroid để làm giảm số lượng tế bào bạch cầu trong đường ruột và làm giảm các triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị bố mẹ nên hạn chế cho bé ăn một số loại thực phẩm nhất định. Trường hợp mắc EGIDs nặng, bé cần được cho ăn bằng ống truyền thức ăn.

2. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh: Chứng celiac

Trẻ bị bệnh celiac không thể tiêu hóa gluten – một loại protein trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen. Bệnh rối loạn tiêu hóa này có thể gây tổn thương ruột non và khiến trẻ không hấp thụ được các chất dinh dưỡng trong thức ăn.

Chế độ ăn không có gluten là cách duy nhất khắc phục tình trạng này. Điều này sẽ giúp ngăn chặn và chữa lành những tổn thương ở ruột non.

3. Viêm ruột

Nhận biết các chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ - viêm ruột

Viêm ruột là bệnh rối loạn thường xảy ra ở trẻ lớn hoặc thiếu niên. Viêm ruột gồm hai chứng rối loạn tiêu hóa chính:

  • Viêm loét đại tràng gây sưng ở đại tràng
  • Bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa.

Đi ngoài ra máu, phân lỏng và đau bụng là triệu chứng phổ biến của vấn đề tiêu hóa này. Viêm ruột cũng có thể làm chậm sự tăng trưởng hay trì hoãn dậy thì. Ngoài ra, bệnh viêm ruột có thể dẫn đến đau khớp, kích ứng mắt, sỏi thận, bệnh gan và xương yếu hoặc dễ gãy.

Mục tiêu của việc điều trị viêm ruột là làm cho các triệu chứng biến mất nhanh nhất có thể. Các bác sĩ có thể chỉ định thay đổi chế độ ăn và kê thuốc cho bé. Trong trường hợp triệu chứng viêm ruột nặng, bé có thể cần đi khám hoặc làm phẫu thuật.

4. Lồng ruột

Lồng ruột là tình trạng xảy ra khi một phần của ruột đè trên một phần khác. Tình trạng này có thể gây cho trẻ cảm giác đau, sưng và mệt mỏi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này hiện vẫn chưa được tìm thấy.

Phương pháp điều trị trước tiên là bác sĩ có thể cho bé uống chất lỏng hoặc bơm hơi để tháo phần ruột bị lồng. Biện pháp này không yêu cầu phẫu thuật và thường có hiệu quả. Trường hợp tình trạng lồng ruột quá nghiêm trọng, bé có thể cần phải phẫu thuật để gỡ hoặc cắt đoạn ruột bị lồng vào nhau.

5. Chứng xoắn ruột

Xoắn ruột xảy ra khi ruột của trẻ tự xoắn quanh chính đoạn ruột đó, làm cho chất thải không được thải ra ngoài. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị xoắn ruột cần phải được phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật, hầu hết trẻ đều phát triển bình thường và khỏe mạnh.

6. Hội chứng ruột ngắn – Bệnh lý tiêu hóa nguy hiểm

Hội chứng ruột ngắn có thể được hiểu là tình trạng chiều dài đoạn ruột non của trẻ không đủ để giúp trẻ hấp thu các chất dinh dưỡng và chất lỏng một cách hiệu quả. Tình trạng này có thể do bẩm sinh hoặc do nhiều nguyên nhân khác như:

  • Bệnh Crohn, trong đó hồi tràng và đại tràng là hai bộ phận chủ yếu bị ảnh hưởng nhiều nhất
  • Bệnh lồng ruột
  • Một mạch máu bị nghẽn, làm giảm lưu lượng máu đến ruột
  • Tổn thương ruột
  • Ung thư

Tiêu chảy là triệu chứng phổ biến nhất khi bị hội chứng ruột ngắn. Hội chứng ruột ngắn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể dẫn đến các vấn đề như suy dinh dưỡng, mất nước, sỏi thận và hăm tã nặng.

[embed-health-tool-baby-poop-tool]

Bí quyết phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để mẹ yên tâm cùng con khôn lớn

Bí quyết phòng ngừa 6 chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, do hệ tiêu hóa còn non nớt nên bé rất hay gặp phải các vấn đề tiêu hóa. Do đó, khi chăm sóc, mẹ sẽ cần hết sức lưu tâm đến các biểu hiện của bé. Nếu nghi ngờ con đang gặp phải các vấn đề tiêu hóa kể trên, mẹ cần đưa bé đi khám ngay.

Ngoài ra, mẹ cũng sẽ cần thực hiện các biện pháp chăm sóc về dinh dưỡng, sinh hoạt để giúp bé hạn chế gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như:

  • Xây dựng chế độ ăn khoa học: Giai đoạn đầu đời, hệ tiêu hóa của bé đang trong quá trình hoàn thiện, nếu dung nạp các loại thực phẩm thô từ quá sớm sẽ khiến dạ dày và ruột hoạt động quá khả năng, dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, mẹ cần vừa xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất như đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin, khoáng chất… vừa chú ý cho bé ăn những loại thức ăn mềm, từ lỏng đến đặc, dễ tiêu hóa trước tiên.
  • Đảm bảo an toàn vệ sinh trong chế biến thực phẩm, vệ sinh đồ chơi của con thường xuyên giúp phòng ngừa giun, sán, virus, vi khuẩn gây bệnh đường ruột.
  • Bổ sung thêm chất xơ cho bé: Cung cấp đủ chất xơ theo từng độ tuổi, giúp hạn chế táo bón ở trẻ. Chất xơ có thể dễ dàng được tìm thấy trong trái cây, yến mạch, đậu xanh, khoai lang…

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính, giúp bé nhận đủ dưỡng chất để tăng trưởng, phát triển. Do đó, mẹ sẽ cần hết sức lưu tâm đến việc bú sữa của bé. Với các bé sơ sinh và bé nhỏ, sữa mẹ vẫn là ưu tiên hàng đầu vì đây là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bé, cung cấp kháng thể để bảo vệ bé mà còn dễ tiêu, giúp bé hấp thu nhanh. Trường hợp vì một lý do nào đó mẹ không thể cho bé bú thì cần chọn cho bé những công thức sữa dễ tiêu, giúp bé đi phân đều và đẹp.

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là vấn đề cần được mẹ lưu tâm vì nó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con. Khi trẻ có vấn đề về tiêu hóa, bố mẹ hãy đưa con đến bệnh viện để được thăm khám. Đồng thời, bố mẹ có thể hỏi ý kiến chuyên gia để chọn cho con công thức sữa dễ tiêu, chỉ qua một lần xử lý nhiệt nhằm hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Disgestive disorders overview http://www.webmd.com/digestive-disorders/child-digestive-disorders-overview#1 Ngày truy cập 22/8/2016

Nutritional Services for Pediatric Gastrointestinal Conditions https://www.hopkinsallchildrens.org/Services/Nutrition/Pediatric-Gastrointestinal-Conditions Ngày truy cập: 02/08/2022

Functional Gastrointestinal Disorders in Pediatric and Adolescent Patients https://gi.org/topics/functional-gastrointestinal-disorders-in-pediatric-and-adolescent-patients/ Ngày truy cập: 02/08/2022

Kids & Teens GI https://iffgd.org/gi-disorders/kids-teens/ Ngày truy cập: 02/08/2022

5 Common Digestive Issues in Kids https://www.mysmartclinic.com/blog/5-common-digestive-issues-in-kids Ngày truy cập: 02/08/2022

The 5 Most Common Digestive Disorders in Kids https://www.healthgrades.com/right-care/childrens-health/the-5-most-common-digestive-disorders-in-kids Ngày truy cập: 02/08/2022

Phiên bản hiện tại

12/08/2024

Tác giả: Bích Hà

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Bích Hà · Ngày cập nhật: 12/08/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo